Những khung trời khác mà Nguyễn Huy Thiệp mở ra trong văn chương

Chuyện về một nhà văn hiếm hoi dám truyền tải những điều đến bây giờ vẫn còn lạ tai.

Những khung trời khác mà Nguyễn Huy Thiệp mở ra trong văn chương
Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) (1990). Tranh của Nguyễn Đình Đăng.

Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, văn đàn nao nức nói về những lỗ thủng mà ông để lại, về sự khác biệt của ông, về vị trí của ông, về đóng góp của ông. Họ nói về việc ông mất ngay khi đang được đề nghị trao một giải thưởng nhà nước gì đó.

Chỉ mới được đề nghị. Chưa được trao bao giờ.

Trong khi đó, những đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp từng được ghi nhận bằng các huân chương ở Pháp, ở Ý. Tác phẩm của ông được dịch ra ít nhất là 10 thứ tiếng. Ông được xem là một nhân vật lớn của văn học Việt Nam sau 1975, là người đạt đến đỉnh cao của thể loại truyện ngắn.

Nếu từng là học sinh, bạn có thể sẽ thắc mắc, sao nhân vật quan trọng thế mà tác phẩm chẳng được đưa vào sách giáo khoa? Quả là vậy, Nguyễn Huy Thiệp chưa từng được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn phổ thông bao giờ. Ông quá khác biệt và gây tranh cãi.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh của Trần Việt Đức.

Khi Nguyễn Huy Thiệp mất, người ta nhắc đến cuộc đời nghèo khổ lận đận của ông, nhưng ít ai nhắc đến cả một thời kỳ dài lận đận là do chính quyền làm khổ.

Vào những năm đầu đổi mới, khi vừa mới xuất hiện và gây tiếng vang trên văn đàn với những “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, hay bộ ba “Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết”, Nguyễn Huy Thiệp ngay lập tức trở thành mục tiêu tấn công của báo chí trong nước.

Ông bị kết tội phản bội cách mạng, phỉ báng anh hùng dân tộc. Sách của ông biến mất trên kệ. Ông bị cảnh sát văn hóa đến lục soát nhà, tịch thu bản thảo. Có lệnh kiểm duyệt đặc biệt đối với tất cả những gì ông viết.

Nguyễn Huy Thiệp trải qua những biến cố ấy, và vẫn tiếp tục sáng tác. Ông viết nhiều thể loại, điều chỉnh ngôn ngữ của mình, thử nghiệm với những ranh giới kiểm duyệt. Ông xem những gì mình trải qua là lịch sử của thời đại chuyển giao mà mình sống, cái thời mà văn học Việt Nam vốn được sinh ra như một công cụ chính trị trong thời chiến, bắt đầu thoát kén, chuyển mình.

Ông viết miệt mài cho đến khi lâm bạo bệnh và tuyên bố ngừng sáng tác ở tuổi 65, để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Rất nhiều trong số đó là những truyện ngắn mang phong cách từ hiện thực cho đến thần thoại, ngoài ra còn có tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, chèo. Ông cũng vẽ tranh và viết nhiều thơ, dù chưa có tập thơ nào được xuất bản.

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đánh dấu một bước ngoặt của văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông mở ra những khung trời khác trong văn học, trong ngôn ngữ. Không còn là những câu chuyện ta thắng địch thua. Không phải những nhân vật ngời ngời đạo đức. Không phải những ngôn từ hùng hồn tráng lệ. Nhân vật trong văn ông thường nhếch nhác, đầy những vụng về thường nhật, như một ông tướng về hưu chật vật làm quen lại với thời bình. Kể cả khi viết về những nhân vật lịch sử, ông cũng để cho họ thể hiện những trăn trở riêng tư. Ông viết nhiều về cái ác, về những sự xấu xí của bản tính người, bằng những ngôn từ đời thường đến mức phũ phàng, thô kệch.

Minh họa của Thành Chương về truyện ngắn “Tướng về hưu”. Nguồn: Tuổi Trẻ.

Có lẽ đó là lý do mà người ta cứ chần chừ đưa văn ông vào sách giáo khoa. Văn học lâu nay được dạy trong trường hay kết thúc bằng câu hỏi kinh điển: qua câu chuyện này chúng ta rút ra được bài học gì? Riết rồi người ta quen tư duy như thế. Cái gì cũng phải có bài học, không chỉ một, mà còn là nhiều gạch đầu dòng cần học thuộc lòng.

Các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thường chẳng đem lại bài học nào như thế. Kể cả khi tác phẩm mang tên “Bài học tiếng Việt”.

“Bài học tiếng Việt” được viết năm 1999, là một trong những truyện ngắn đáng chú ý của tác giả trong giai đoạn sau, khi ông thường đi vào những đối thoại nội tâm. Vũ, 25 tuổi, nhân vật chính trong truyện, là một nhà văn trẻ nổi tiếng. Mong ước lớn nhất đời Vũ là viết ra được những cuốn sách tiếng Việt hay nhất.

Nhưng Vũ sống mỗi ngày trong mớ bòng bong lẫn lộn giữa hình ảnh anh muốn trở thành, việc anh làm, và thứ mà người ta nghĩ về anh. Vũ chỉ mong được khen là lương thiện, người ta lại khen anh thông minh sâu sắc. Vũ luôn hướng suy nghĩ của mình đến chuyện lương thiện, để rồi khi thuận tiện thì anh nói dối như phản xạ, và đỏ mặt lên vì công chúng ngợi khen lời nói dối của mình. Anh mắc kẹt giữa ham muốn viết ra một tác phẩm thật hay, và suy nghĩ rằng văn học thật ra cũng chẳng là gì giá trị; anh vừa muốn khám phá xã hội, lại vừa chán ghét sự giả dối của con người.

Xuyên suốt câu chuyện, Vũ đi xe điện, đi bộ, và chạy qua những con phố ở Hà Nội. “Hà Nội nhơ nhớp và nghèo xác”. Hà Nội khiến anh chán chường, nhưng lại khiến anh lo sợ một ngày những kỷ niệm sẽ mất đi. Cho đến cuối truyện, Vũ cũng không tìm ra câu trả lời nào chắc chắn cho mình. Chỉ có một điều chắc chắn là anh chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi thôi, và dù thế nào thì anh cũng muốn tiếp tục viết.

Bài học là chẳng có bài học nào cả. Ai cũng phải tự chật vật tìm ra cách sống từng ngày của mình. Nguyễn Huy Thiệp trở thành dấu ấn không thể phai mờ của văn học Việt Nam vì là người hiếm hoi dám truyền tải những điều đến bây giờ vẫn lạ tai như thế.

***

Nguyễn Huy Thiệp ngoài làm văn còn rất mê vẽ trên đĩa gốm để tặng bạn bè. Ảnh Gia đình cung cấp/ Tuổi Trẻ.

Tôi chỉ được biết Nguyễn Huy Thiệp vào năm thứ tư đại học, khi học môn Văn học Việt Nam, một môn học tự chọn. Ông là một trong những tác gia chính được đưa ra nghiên cứu trong lớp.

Tôi nhớ mình đã ngỡ ngàng khi bắt đầu đọc những truyện ngắn của ông. Nó thật như hơi thở của thời đại mà tôi sống. Nó khiến tôi thấy được an ủi. Nó mới mẻ. Nó muôn màu muôn vẻ. Nó thú vị. Nó kích thích tưởng tượng. Nó phá vỡ những khuôn khổ các bài giảng văn mà tôi từng được đặt vào trong suốt những năm tháng học sinh. Tôi nhớ mình đã nghĩ hoài, sao bây giờ mới được biết tác giả này nhỉ.

Nhưng nghĩ lại thì tôi thấy còn may, vì còn được biết ông. Nếu người thầy dạy văn năm xưa có tình cờ đọc được bài viết này, xin thầy biết rằng lòng tôi mãi mãi biết ơn.

Nguyễn Huy Thiệp đi rồi. Tôi mong có thêm nhiều người trẻ, ở cái tuổi bắt đầu suy tư về bản thân và cuộc đời, được tiếp xúc với những khung trời mà ông đã nhọc nhằn mở ra trong văn chương. Chẳng phải để học được bài học gì, mà là để thấy lòng mình được an ủi, và tiếp tục can đảm sống.


Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.