Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Con đường chống lại bạo quyền tốt nhất, hóa ra lại không phải là bằng bạo lực.
Đó là câu hỏi thường trực trong đầu tôi cách đây nhiều năm.
Mỗi khi chứng kiến người dân bị cảnh sát quân đội và lưu manh côn đồ đàn áp thẳng tay, thậm chí là bị bắn giết ngay tại chỗ, tôi chỉ thêm sôi máu khi nghe nhắc đến “đấu tranh ôn hòa” hay “phản kháng phi bạo lực”.
Vì sao phải “ôn hòa” với những kẻ xem thường mạng sống của người khác? “Phi bạo lực” thì làm sao chống đỡ được những kẻ độc tài sẵn sàng khủng bố người dân? Những người cứ kêu gọi “ôn hòa” rồi “phi bạo lực” có phải là quá ngây thơ, hay là bị đánh nhiều quá làm cho ấm đầu rồi không?
Đó là thời điểm nhiều năm trước, khi tôi không có mấy hứng thú quan tâm đến chuyện chính trị, đặc biệt là chính trị của Việt Nam.
Vài năm sau, tôi có cơ hội để tìm hiểu, quan sát và tiếp xúc với những người “ngây thơ” và “ấm đầu” này.
Tôi hiểu vì sao họ lại lựa chọn như vậy.
***
Những câu hỏi, hay chính xác hơn là bức xúc của tôi đều được đề cập và giải đáp trong quyển sách “Phản kháng phi bạo lực” của tác giả Đoan Trang.
Tất nhiên, tôi không tìm thấy hết các câu trả lời, và cũng không hài lòng hoàn toàn với những lý giải trong đó.
Một cuốn sách rất mỏng, tính luôn cả các bài phụ lục cũng chỉ vừa hơn 100 trang, không thể làm thỏa mãn tất cả thắc mắc của bất kỳ ai.
Nhưng các chia sẻ trong sách, dựa trên tri thức thực tế của những nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới lẫn trải nghiệm xương máu của những nhà hoạt động tại Việt Nam – trong đó có bản thân tác giả Đoan Trang, đủ để thuyết phục tôi rằng những người này không hề ấm đầu.
Trái tim của họ có thể rất nóng, riêng cái đầu của họ hoàn toàn tỉnh táo.
Họ lựa chọn con đường đấu tranh ôn hòa vì đó là thứ vũ khí tốt nhất, lớn nhất, thực tế nhất, và cũng hiệu quả nhất để chống lại bạo quyền.
Bạn có quyền nghi ngờ vào điều này – tôi cũng vậy. Nhưng các con số thì không biết nói dối.
Trong chương VIII, tác giả đã dành ra một phần để trả lời cho câu hỏi “vì sao nên kiên trì phi bạo lực?”.
Lý do thuyết phục nhất đến từ thực tế: các phong trào ôn hòa có xác suất thành công cao hơn, và nó cũng tạo ra tiền đề vững chắc hơn nhiều để xây dựng được thể chế tự do dân chủ.
Theo thống kê, trong 323 cuộc chính biến trên khắp thế giới từ năm 1900 đến năm 2006, các phong trào phản kháng phi bạo lực có tỷ lệ thắng lợi cao gấp đôi (53%) so với những trận chiến bạo lực (26%).
Tại các nước thay đổi nhờ phản kháng ôn hòa, phi bạo lực, có tới 40% xác suất họ xây dựng hoặc duy trì được một nền dân chủ sau 5 năm. Trong khi đó, ở các nước thay đổi nhờ đấu tranh vũ trang, xác suất xác lập được một nền dân chủ sau 5 năm chỉ là 5%.
Đó là những con số có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.
Dùng bạo lực chống lại bạo lực rốt cuộc là một thứ bản năng từ trong tư duy lẫn hành động của mọi loài vật, bao gồm cả con người.
Nhưng con người khác động vật ở chỗ có thể nhận ra một thực tế khác: bạo lực sinh ra bạo lực, và đó là vòng xoáy hủy diệt bất tận.
Đó là lý do các chế độ vua chúa thời xưa, phần lớn dùng bạo lực để chiếm quyền, luôn phải canh cánh lo sợ bị người khác dùng bạo lực lật đổ. Đó cũng là tư duy hiện hữu trong đầu những nhà cầm quyền độc tài ngày nay. Họ dùng vũ lực cướp chính quyền, dùng bạo lực đàn áp để giữ lấy quyền lực, để rồi luôn sống trong ám ảnh bị trả thù.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và các động vật khác có lẽ nằm ở khả năng suy nghĩ về tương lai. Những người nhìn ra được tương lai của bạo lực muốn chấm dứt vòng lặp vô nghĩa đó.
Họ muốn dùng nước dập lửa, thay vì tiếp tục châm thêm dầu cho nó.
Trên thực tế, đa phần nhân loại ngày nay đều đồng ý với điều này. Đa số mọi người đều không muốn dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề. Họ biết có những lựa chọn khác hợp lý hơn nhiều.
***
Vào năm 2019, khi người dân Hong Kong phát động phong trào phản kháng đòi dân chủ, những hoạt động đấu tranh ôn hòa của họ khiến cả thế giới ngưỡng mộ và đồng loạt ủng hộ.
Hình ảnh biển người dạt ra hai bên nhường đường cho xe cấp cứu, cảnh hàng triệu người biểu tình một cách văn minh trật tự, các hoạt động ca hát, những biểu ngữ sáng tạo, rồi thông điệp hòa bình lan tỏa… tất cả đưa Hong Kong trở thành biểu tượng của đấu tranh văn minh trên khắp thế giới.
Đó là thời điểm sự ủng hộ của thế giới dành cho người dân Hong Kong ở mức cao nhất, và áp lực dành cho chính quyền đặc khu cùng nhà cầm quyền Bắc Kinh ở mức nặng nề nhất.
Sự ủng hộ đó giảm sút khá nhiều khi những nhóm đấu tranh lựa chọn dùng bạo lực chống lại bạo lực. Vòng xoáy leo thang khiến chính những người dân Hong Kong bị chia rẽ, giữa một bên đồng tình và bên còn lại muốn giữ khoảng cách với những hành vi bạo lực.
Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, khó có thể trách họ. Khi phong trào bị chính quyền không ngừng nâng cấp dùng vũ lực đàn áp, sẽ luôn có những người cảm thấy ôn hòa không còn là câu trả lời thích hợp.
Câu chuyện về Hong Kong có nhiều yếu tố phức tạp, và thực tế là đến giờ này phong trào phản kháng của họ cũng đã gần như bị Bắc Kinh bẻ gãy.
Nhưng những gương mặt dẫn đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ của thành phố này vẫn luôn chủ trương ôn hòa. Họ biết đó là vũ khí duy nhất, và cũng là vũ khí tốt nhất để chống lại bạo quyền.
Thứ đầu tiên và quan trọng nhất giúp các chính quyền tồn tại được, như lý giải trong chương I của “Phản kháng phi bạo lực”, là tính chính danh. Hiểu một cách đơn giản, đó là khi người dân thấy thuyết phục, tin rằng những người đó xứng đáng nắm quyền, và đồng ý nghe theo lời của chính quyền.
Niềm tin đó sẽ lung lay đáng kể khi họ thấy chính quyền phải dùng đến bạo lực để giải quyết bất đồng với người dân.
Những kẻ độc tài biết rõ điều đó, và họ luôn tận dụng bộ máy tuyên truyền để giành “chính nghĩa” về phía mình, vừa muốn làm “người hùng”, lại vừa đòi làm “nạn nhân”.
Một trong những người đầu tiên bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính tại Myanmar vừa qua là Kyal Sin, hay còn được biết đến với cái tên Angel. Tin tức về cô gái chưa tròn 20 tuổi ngay lập tức lan truyền khắp thế giới. Cô trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh chống bạo quyền của đất nước này.
Hình ảnh một cô gái trẻ tuổi hừng hực sức sống, biểu tình ôn hòa phản đối bạo lực, để rồi bị chính quyền dùng vũ lực cướp đi sinh mạng, gây áp lực lớn đến tính chính danh của những kẻ cầm quyền.
Áp lực này khiến ngay sau đó, chính quyền cho người đến quật mộ của Angel, tiến hành khám nghiệm tử thi. Họ công bố kết luận là Angel chết do một loại đạn khác với đạn của cảnh sát, đồng thời bị bắn từ phía sau đầu, từ đó gạt đi trách nhiệm của mình trong cái chết đó.
Nó chứng tỏ ngay cả những chính quyền khát máu nhất cũng không thể thản nhiên dùng bạo lực để giữ lấy quyền lực.
Họ chỉ có thể dùng bạo lực với cái cớ “cần thiết”, để “giữ gìn” hòa bình, hay để “bảo vệ” đất nước.
Đối diện với những người phản kháng ôn hòa, cái cớ đó của họ trở nên lố bịch.
Tính chính danh của chúng cũng bị sứt mẻ nghiêm trọng.
***
Myanmar được nhắc đến trong chương VII quyển sách “Phản kháng phi bạo lực”, qua câu chuyện của Bob Helvey, một tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về đấu tranh ôn hòa.
Đó là những năm 1990 – 2000, khi Bob Helvey gặp các thanh niên Myanmar đang ẩn mình trong rừng làm chiến tranh du kích chống lại chế độ độc tài quân sự.
Những người thanh niên này còn rất trẻ, thừa lòng dũng cảm, có vũ khí và luôn sẵn sàng ra trận. Nhưng họ chỉ có 20.000 người trực tiếp cầm súng chiến đấu. So với gần 50 triệu dân Myanmar lúc đó, con số này quá ít ỏi.
Chiến thắng của họ chỉ là việc đánh được một đồn giặc hay giật sập một tháp phát sóng truyền hình. Nó không thể đem lại thay đổi gì thật sự có ý nghĩa.
Quan trọng hơn, cuộc đấu tranh của họ không thu hút được số đông người Myanmar.
Sau những cuộc trao đổi với Helvey, những người lính du kích Myanmar nhận ra họ không thể thu hút được thêm người tham gia đấu tranh nếu vẫn đi theo con đường bạo lực. Họ bắt đầu suy nghĩ và hình dung về những chiến lược khác, những phong trào biểu tình, những cách thực tập hợp dân chúng mà với sức mạnh của số đông, hy vọng vào một thay đổi thật sự sẽ khả thi hơn nhiều.
Quyển sách không nói về điều gì xảy ra tiếp theo với những người lính này, nhưng ta có thể đoán là họ đã phải chuyển phương hướng đấu tranh để thu hút được đông người tham gia hơn.
Lý do giản dị là vì đấu tranh bạo lực chỉ dành cho một số ít người. Trong khi đó, phản kháng ôn hòa, phi bạo lực là việc bất kỳ ai, già trẻ lớn bé, bất kể thể trạng thế nào hay làm công việc gì, cũng đều có thể tham gia.
Hình thức của phản kháng phi bạo lực là muôn màu muôn dạng.
Đó có thể là việc ra đường biểu tình, hay chỉ cần ra ban công trước nhà giơ biểu ngữ. Đó có thể là việc âm thầm hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho những người phải xuất đầu lộ diện. Hoặc việc đấu tranh có thể thực hiện qua mạng, qua việc viết bài và chia sẻ rộng rãi thông tin. Hay thậm chí đấu tranh có thể là không làm gì cả – như cách hàng triệu người Myanmar đang quyết tâm đình công, không hợp tác với chính quyền quân sự.
Các hoạt động phản kháng phi bạo lực đánh vào điểm yếu lớn nhất của mọi chính quyền: sự phụ thuộc.
Những kẻ cầm súng cho dù có đạn dược dồi dào đến đâu cũng không thể nhai đạn nuốt thuốc súng để sống. Chúng đều phải phụ thuộc vào người khác.
Càng nhiều người không hợp tác, những kẻ cầm quyền, bất kể có máu bạo lực đến đâu, sẽ càng sớm bị cắt đi nguồn sống.
Đấu tranh phi bạo lực là cách tốt nhất để tập hợp được số đông, và cũng là cách căn cơ nhất để tạo ra những thay đổi tiến bộ thật sự.
***
Ngay cả khi đọc xong quyển sách, có thể bạn vẫn không hoàn toàn bị thuyết phục về triết lý của phản kháng phi bạo lực.
Tôi cũng vậy.
Lý thuyết, và cả thực tế, đúng là hợp lý. Nhưng việc phải hy sinh xương máu của những người lương thiện, đặc biệt khi đó là người thân của mình, là một việc quá khó chấp nhận, ngay cả khi mục đích là để đổi lấy một thứ vĩ đại như tương lai hòa bình cho nhân loại.
Có thể bạn không thấy những thứ to lớn đó hợp với mình.
Tôi cũng vậy.
Nhưng chính vì thế, tôi lại càng trân trọng hơn những con người dám đấu tranh phi bạo lực.
Lấy gậy phang thẳng vào đầu của kẻ vừa đánh mình là chuyện ai cũng làm được. Có thể khiến kẻ đó, và những người giống vậy, buông tay không tiếp tục làm hại người lương thiện, đó mới là việc khó.
Đó là viễn cảnh mà những người đấu tranh ôn hòa luôn nhắm tới.
Họ có thể thành công, hoặc thất bại, nhưng lựa chọn của họ đáng để người khác nể phục.
Tôi có thể sẽ không bao giờ làm được như họ. Nhưng tôi sẽ luôn ủng hộ những con người dũng cảm đó.
Dám phản kháng lại bạo quyền đã là một chuyện ngu. Phản kháng mà không dùng đến bạo lực lại còn ngu hơn.
Thế giới này tốt đẹp hơn là nhờ những kẻ đại ngu như vậy.
Bạn đọc có thể click vào đây để đọc cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực”.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.