Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vì sao chủ nghĩa dân túy trỗi dậy khắp nơi? Không phải là do người dân mắc bẫy.
Các học giả phương Tây trong khoảng 5 năm trở lại đây dành khá nhiều thời gian để lý giải sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở khắp nơi, từ châu Âu, Hoa Kỳ, châu Mỹ Latin đến Nam Á và Đông Nam Á. Vấn đề là, hai trường phái lý thuyết phổ biến nhất hiện nay đều được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của phương Tây.
Một là nhóm lý thuyết về “bất mãn kinh tế” (economic grievance), cho rằng quá trình toàn cầu hóa và sự di động của tư bản, việc làm… khiến cho một bộ phận người lao động bị bỏ lại phía sau. Những người có cảm giác bị chính xã hội mình từng xây dựng bỏ rơi sẽ rất dễ rơi vào bẫy dân túy của các chính trị gia.
Hai là nhóm lý thuyết về “xung đột văn hóa” (cultural backlash), khẳng định nguồn dinh dưỡng chủ yếu nuôi lớn chủ nghĩa dân túy là sự khác biệt về quan điểm, kỳ vọng văn hóa, cùng với sự khác biệt về quan điểm chính trị giữa các vùng nông thôn bảo thủ và các khu vực đô thị thịnh vượng, cởi mở.
Tiến sĩ Roberto Stefan Foa – giáo sư ngành chính trị học và chính sách công thuộc trường Đại học Cambridge – cho rằng cả hai nhóm lý thuyết này vẫn không giải thích được vì sao chính trị võ biền và chủ nghĩa dân túy lại phát triển mạnh ở các quốc gia đang phát triển.
Trong nghiên cứu “Why Strongmen Win in Weak States” vừa công bố đầu năm 2021 trên tạp chí Journal of Democracy, Tiến sĩ Foa chỉ ra rằng những nhóm ủng hộ chính trị gia mạnh bạo (strongmen) không chỉ là các cá nhân bị dày vò hay bị bỏ rơi về mặt kinh tế. Những chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia và những người thợ lành nghề ở thành thị đều nằm trong những nhóm ủng hộ viên nhiệt thành của các “strongman” như Rodrigo Duterte tại Philippines, Vladimir Putin tại Nga hay Narendra Modi tại Ấn Độ.
Có quá nhiều ví dụ để cho rằng xây dựng thể chế cùng lúc với quá trình dân chủ hóa là một quyết định đúng đắn. Đài Loan, Hàn Quốc, các nền cộng hòa Baltic hay Indonesia đều là những thành công điển hình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Tiến sĩ Foa chỉ ra hầu hết những quốc gia khác sau làn sóng dân chủ hóa ở châu Mỹ Latin, châu Phi hay Đông Âu đều không thể sao chép mô hình thành công nói trên. Từ kiểm soát tham nhũng đến kiểm soát tội phạm, từ quản lý kinh tế đến tăng cường độ vững chắc của cấu trúc chính thể, các chính quyền được nhân dân đề cử một cách minh bạch lại vấp phải những thất bại vô cùng nặng nề.
Theo tác giả, có ba yếu tố quan trọng dẫn đến hiện tượng trên.
Thứ nhất là chủ nghĩa bảo trợ (clientelism).
Các chính đảng mới thắng lợi khi thành lập chính phủ có xu hướng biến quyền lực nhà nước mới nhận được trở thành một nguồn cung ứng lợi ích cho các ủng hộ viên của mình. Từ sản phẩm dân sinh, đến các hợp đồng nhà nước và các chức danh công cộng, việc chính đảng đi vào con đường của chủ nghĩa bảo trợ dễ dàng khiến cho bộ máy nhà nước non trẻ rơi vào tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực nhà nước.
Chúng ta có thể kể đến cách mà Hugo Chavez ban phát các chương trình trợ cấp chính phủ và tiền bạc cho những tỉnh thành ủng hộ ông. Mặt khác, chính đảng lừng danh một thời của Nelson Mandela, African National Congress, cũng dùng quyền lực của nhà nước dân chủ mới để thâu tóm lợi ích vào các nhóm thân hữu nhỏ nội đảng.
Những hành vi kể trên không chỉ bóp méo hình ảnh nhà nước và chức năng thật sự của một chính quyền. Chúng làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào thể chế dân chủ mới và đẩy họ vào vị trí trở thành cảm tình viên của các diễn ngôn dân túy có thể được phát triển sau đó.
Thứ hai, ngay cả khi chính quyền mới không phân bổ lợi ích kinh tế để mua chuộc sự ủng hộ chính trị từ các nhóm dân cư, việc tấn công vào tính độc lập của những chính thể nhà nước cũng để lại các hệ quả không nhỏ. Đó là yếu tố thứ hai có thể dẫn đến thất bại của những chính quyền mới.
Ví dụ, tại Ukraine, chính quyền mới vào năm 2014 đã thanh trừng gần 700 quan chức nhà nước từ trung ương đến địa phương đơn giản vì họ từng phục vụ trong hệ thống của vị Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych.
Hay ở Hungary, Viktor Orbán cáo buộc hệ thống tòa án và nhiều cơ quan dịch vụ dân sinh là thế lực cộng sản “tàn dư”, và vì vậy cần phải bị thanh tẩy.
Yếu tố cuối cùng, chính là năng lực trị an của chính quyền dân chủ.
Một chính quyền dân chủ không có ý nghĩa gì nếu đời sống an bình của người dân luôn bị đe dọa. Như ở Brazil, chỉ sau 5 năm dân chủ hóa, tội phạm có tổ chức và tội phạm vũ lực trỗi dậy mạnh mẽ. Tỷ lệ tội phạm giết người tăng gấp đôi, từ 10 lên đến 20 người trên 100.000 dân số. Nó chạm ngưỡng 30/ 100.000 vào năm 2018, khi ông trùm dân túy Bolsonaro được người dân Brazil bầu chọn.
Dù đáng tiếc rằng tác giả Foa không đi sâu vào phân tích các vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế song song với dân chủ hóa, người viết cho rằng phần này của nghiên cứu đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và những kỳ vọng dân chủ hóa Việt Nam.
Có một điều chắc chắn rằng bất kỳ chính đảng hay tổ chức chính trị nào có thể thay thế Đảng Cộng sản trong tương lai đều có thể biến quyền lực nhà nước vừa nắm giữ trở thành nguồn cung cấp tài nguyên và lợi ích riêng cho nhóm ủng hộ viên của mình.
Thêm vào đó, bài toán hóc búa về việc xác định một thái độ đúng đắn với bộ máy công quyền đã hoàn toàn bị Đảng Cộng sản chính trị hóa. Đó là bài toán phải giải nếu chúng ta không muốn đi vào vết xe đổ của các chính quyền dân chủ thất bại nói trên.
Theo Tiến sĩ Foa, một khi chúng ta cân nhắc những thất bại về mặt thể chế của các chính quyền dân chủ mới, sự trỗi dậy của chính trị dân túy và các chính trị gia võ biền tại các quốc gia đang phát triển trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều.
Sự ủng hộ cuồng nhiệt của một bộ phận đáng kể người dân Nga dành cho Putin không phải nằm ở những diễn ngôn xa hoa về giới tinh hoa hay thường dân như tại Hoa Kỳ. Người ta cho rằng Putin đã thành công trong việc lập lại một xã hội có trật tự, giải quyết được những phiếu lương chậm trả đã hàng thập niên, bạo lực đô thị và nạn tham nhũng cơ sở thâm căn cố đế của Nga.
Tại Philippines, ma túy – nỗi bất an của cư dân đô thị cùng tỷ lệ tội phạm giết người tăng mạnh suốt 10 năm qua là nền tảng để 7 trên 10 người Philippines tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của Duterte, mặc kệ những phản đối liên quan đến thiệt hại nhân mạng của cuộc chiến.
Cũng tương tự, người dân Brazil chọn Bolsonaro một cách áp đảo không phải vì những quan niệm bảo thủ liên quan đến đồng tính hay nạo phá thai. Họ chọn Bolsonaro đơn giản vì không chính trị gia nào suốt những năm qua giải quyết êm thấm được nạn buôn ma túy và tội phạm có tổ chức tại quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.
Trên cơ sở đó, tác giả nghiên cứu chứng minh tính hấp dẫn đương nhiên của các diễn ngôn dân túy (ví dụ như pháp luật, trật tự trên hết; duy trì ổn định xã hội bất kể cái giá của nhân quyền…) tại các quốc gia đang phát triển. Rõ ràng tại nơi mà năng lực quản lý nhà nước còn “bữa đực bữa cái”, dân chủ bản thân nó cũng có thể chỉ là một diễn ngôn dân túy mà thôi.
Sơ đồ phía trên so sánh tương quan giữa chỉ số kiểm soát tham nhũng và tỷ lệ phiếu bầu cho các đảng dân túy. Nhìn vào đó, chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng dân túy hay không không liên quan đến thành thị – nông thôn, cấp tiến – bảo thủ. Vấn đề là nhà nước đó có đang vận hành một cách trơn tru và minh bạch hay không.
***
Tác giả Roberto Stefan Foa không vì thế mà mất hy vọng với quá trình dân chủ hóa. Song điểm thú vị nhất là ông lại tin vào sự phát triển và vận động tự thân của chính các nền chính trị dân túy.
Ông lý giải, dù các phong trào dân túy có mang tính chất toàn trị hay không, nó vẫn luôn là thỏi nam châm thu hút các cá nhân có tư duy cải cách kinh tế lẫn chính trị. Đôi khi, điều này mang lại những thành tựu nhất định.
Mặc khác, tác giả cũng cho rằng các nhánh dân túy cánh hữu sau một khoảng thời gian cầm quyền thường có xu hướng trung lập hóa để tạo nền tảng chính trị cho các nhóm chính trị bảo thủ khác, từ đó tạo nên mô hình dân chủ đa đảng khá ổn định.
Không chỉ vậy, cũng cần thừa nhận vai trò rất lớn của các nhà cải cách từ bên trong của các chính đảng dân túy. Lãnh tụ Soviet Mikhail Gorbachev hay Lý Đăng Huy ở Đài Loan đều là những minh chứng cho thấy tiềm năng dân chủ hóa nội đảng.
Các lập luận trên thể hiện sự tin tưởng có phần thiếu căn cứ của tác giả vào sự… chờ đợi. Nhưng chờ thì đến bao giờ?