Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Họ không có vũ khí gì trong tay. Cảnh sát nã đạn thật về phía họ.
Tôi không thể ngừng nghĩ về những người đã chết trong cuộc biểu tình ở Myanmar.
Mỗi ngày, những dòng tít báo nổi lên: 2 người chết, 18 người chết, 38 người chết. Máu liên tiếp đổ. Ngày 28/2 được gọi là ngày Chủ nhật đẫm máu khi Liên Hợp Quốc công bố 18 người đã chết, nhưng đó hóa ra chưa phải ngày đẫm máu nhất. Trong ngày 3/3, 38 người nữa đã chết trong cuộc đụng độ với cảnh sát.
Những người đã chết còn rất trẻ.
Nạn nhân đầu tiên, Mya Thwet Thwet Khine qua đời ngày 20/2, 10 ngày sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu khi tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô Nay Pyi Taw. Cô chết hai ngày trước sinh nhật lần thứ 20 của mình.
Có ít nhất một cô gái 19 tuổi khác cũng đã chết vì đạn của cảnh sát hôm 3/3 vừa qua. Trong những bức ảnh cuối cùng xuất hiện trên mạng, Angel (tên thật là Ma Kyal Sin) mặc chiếc áo màu đen có ghi dòng chữ “Everything will be OK“. Vài phút sau, cô mất mạng.
Những người đã chết không chỉ là những dòng tít báo lạnh băng mà chúng ta thấy trên điện thoại – những cái tin chắc sẽ có rất nhiều view. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, với máu nóng, với diện mạo, với hoài bão, với cả tương lai còn rộng mở ở trước mặt. Họ bị giết chỉ vì đã đòi hỏi dân chủ một cách ôn hòa.
Họ không có vũ khí gì trong tay. Cảnh sát nã đạn thật về phía họ.
Khi biểu tình diễn ra căng thẳng ở Hong Kong năm 2019, chúng ta trấn an nhau rằng thảm sát kiểu Thiên An Môn sẽ không xảy ra lần nữa đâu, vì “thời này là thời nào rồi cơ chứ”. Khi Thái Lan diễn ra biểu tình, người ta cũng nói rằng quân đội Thái sẽ không nổ súng đâu, vì họ muốn giữ sự chính danh và hình ảnh với quốc tế.
Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Thời này là thời nào rồi cơ chứ, các nước sẽ không để cho họ làm càn đâu.
Logic đó không đúng ở Myanmar. Quân đội mới đây tuyên bố thẳng thừng với Liên Hợp Quốc rằng họ không sợ lệnh trừng phạt.
“Chúng tôi quen với lệnh trừng phạt rồi, và chúng tôi đã sống sót”, Soe Win, chỉ huy phó quân đội Myanmar nói với đặc phái viên của Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi phải học cách tồn tại với chỉ một vài người bạn đồng hành.”
Nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh, Mỹ, Pháp, Canada và Liên minh Châu Âu đã thi hành hoặc đang nghĩ đến các lệnh trừng phạt, nhưng những áp lực đó có vẻ chẳng hề hấn gì.
Châu Âu thì phức tạp và thường tránh can thiệp vào nội bộ của nước khác. Hoa Kỳ – đất nước chịu khó can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia “có vấn đề” nhất – giờ đang chật vật với đại dịch chưa ngừng. ASEAN – Hiệp hội các nước Đông Nam Á – nơi mà Myanmar là một thành viên, thì loay hoay với nguyên tắc “không can thiệp” và không có nổi một tuyên bố quan ngại cho ra hồn. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thậm chí không thể tuyên bố “lên án” các hành vi của quân đội Myanmar, vì Nga và Trung Quốc không đồng ý.
Những người tin vào áp lực quốc tế như tôi có thể sẽ phải thất vọng.
Tôi có một người bạn ở Myanmar, cô ấy hơn Mya Thwet Thwet Khine và Angel ba tuổi. Cô đang phải trốn trong nhà để giữ an toàn cho mình. Tai cô vẫn nghe được tiếng súng nổ trên phố. Cô chat với tôi qua mạng Internet chập chờn và chỉ có thể truy cập vào ban ngày.
Khi cuộc chính biến mới bắt đầu xảy ra, cô nói “giúp bọn tôi với, bọn tôi cần quốc tế lên tiếng”. Giờ là một tháng sau, cô không còn nhắc đến quốc tế nữa, chỉ nói rằng mình chẳng biết làm gì hơn ngoài cầu nguyện. Một người bạn của cô đã bị bắt, đến nay không có tin tức gì.
Các lãnh đạo biểu tình tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục xuống đường, bất chấp rủi ro thiệt mạng.
Và chúng ta tiếp tục ngồi yên nhìn họ tiếp tục bị bắn chết.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.