Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
46 năm qua, người Hòa Hảo chưa một lần được làm lễ trọn vẹn cho Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.
Vào những ngày này, nếu đi qua tỉnh An Giang, bạn sẽ thấy có những ngôi nhà treo băng-rôn, dựng bàn thờ trước nhà, có thể trên bàn sẽ đặt một bức hình của một người đàn ông mặc áo dài đen với tóc dài búi ra phía sau. Người đàn ông đó chính là Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ.
Đáng lý ra, các tín đồ phải diễu hành trên đường phố, phải quần tụ giáo dân để tưởng nhớ sự kiện ra đi của thầy mình, nhưng họ không thể. Những ngôi nhà treo băng-rôn và dựng bàn thờ ấy là những gia đình thật sự can đảm.
Trong một bức thư gần đây, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tuyên bố năm nay dù phải trả giá như thế nào thì họ vẫn kiên quyết tưởng niệm người sáng lập ra tôn giáo của họ.
Khi bạn đang đọc bài viết này, chính quyền tỉnh An Giang đã bố trí hai chốt canh để chặn người dân vào điểm lễ chính tưởng niệm vị giáo chủ, theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.
Còn ngày lễ nào quan trọng hơn trong lòng người Việt bằng ngày giỗ của ông bà, cha mẹ hay những người mà bạn kính yêu nhất của mình? Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu ngày giỗ đó bị người khác phá hoại, ngăn cấm tổ chức?
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là người biết rõ cảm giác đó nhất. 46 năm qua, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã chịu cảm giác đó mà không có một lời giải thích từ chính quyền.
Năm 2007, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời trên BBC tiếng Việt về hòa giải dân tộc: “Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau”.
”Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được”, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói.
Năm nay đã năm thứ 46, nhưng chính quyền Việt Nam có lẽ vẫn chưa khép lại hoàn toàn quá khứ với Phật giáo Hòa Hảo.
Vào ngày 16 tháng 4 năm 1947, nhằm ngày 25 tháng Hai âm lịch, Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ đã mất tích bí ẩn trong một cuộc họp hòa giải mâu thuẫn với đại diện Việt Minh. Đến nay, hậu thế vẫn chưa biết chuyện gì đã thật sự xảy ra với vị giáo chủ.
Sự kiện trọng đại này đã ảnh hưởng đến hàng triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Dưới hai chế độ Việt Nam Cộng hòa, nơi nào có người Hòa Hảo thì nơi đó không có người Việt Cộng.
Một viên chức Mỹ nói với hãng tin United Press International vào năm 1966 rằng tại An Giang, người Mỹ không cần nhúng tay vào để chống Việt Cộng, tất cả là nhờ có người Hòa Hảo.
Mối thù hằn nặng nề giữa người Hòa Hảo và người cộng sản đã kéo dài đến tận sau năm 1975.
Sau 30/4/1975, người Hòa Hảo là một trong các tín đồ tôn giáo bị chính quyền mới đàn áp nặng nề nhất.
Báo chí phương Tây đã ghi nhận sự kiện tử thủ của các quân nhân theo Phật giáo Hòa Hảo ở một số khu vực miền Tây như Châu Đốc, Long Xuyên.
Báo Công an Nhân dân cũng đã ghi nhận một sự kiện về chuyện tử thủ của người Hòa Hảo vào đầu tháng 5/1975. Theo báo này, có khoảng 10.000 lính Bảo An Đoàn (tên đơn vị quân đội của Phật giáo Hòa Hảo) kéo về bảo vệ Tổ đình sau khi Sài Gòn sụp đổ. Các thủ lĩnh Bảo An Đoàn đã yêu cầu thành lập các khu tự trị ở Long Xuyên và Châu Đốc. Ngày 3/5/1975, phía cộng sản đã ép 8.000 lính Bảo An Đoàn giao nộp khí giới.
Theo Nguyễn Long Thành Nam, Tướng Trần Văn Trà cũng đã ghi lại trong hồi ký rằng quân Bảo An Đoàn với khoảng 14 nghìn lính vũ trang đã tử thủ ở Tây An Cổ Tự để ngăn bước tiến của quân cộng sản vào miền Nam. Tây An Cổ Tự là giáo phái tiền thân của Phật giáo Hòa Hảo, nằm bên chân núi Sam, thuộc thành phố Châu Đốc ngày nay.
Đến đầu năm 1978, báo chí quốc tế loan truyền một bản tin trên đài phát thanh ở Việt Nam về lính Bảo An Đoàn rằng chính quyền đã bắt 250 “tàn quân của chế độ bù nhìn”, giết chết 35 người và kêu gọi 15 người đầu hàng, tịch thu 50 khẩu súng các loại cùng 5.000 viên đạn, lựu đạn và bốn bộ đàm ở huyện Chợ Mới.
Sau 30/4/1975, Phật giáo Hòa Hảo bị cấm hoạt động, tất cả các tài sản, đình chùa, cơ sở từ thiện đều bị tịch thu. Chính quyền tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt những vùng đất của người Hòa Hảo.
Cho đến năm 1999, chính quyền cho phép tôn giáo này hoạt động trở lại qua một giáo hội được kiểm soát chặt chẽ có tên Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
Giáo hội mới cũng tổ chức những ngày lễ lớn của đạo như ngày sinh giáo chủ, ngày sáng lập đạo nhưng chưa bao giờ chính thức tổ chức tưởng niệm “Ngày Đức Thầy vắng mặt”.
Thử nghĩ xem vì sao ai đó phải cấm người khác làm lễ giỗ dành cho người đã khuất? Bạn khó có thể nghĩ ra một lý do nào.
Đối với lễ tưởng niệm Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, có thể chính quyền muốn người Hòa Hảo quên đi sự kiện Huỳnh Phú Sổ tử nạn vì nó có liên quan đến Việt Minh chăng? Nhưng phải mất bao lâu để các tín đồ này quên đi cái chết của một người mà họ kính trọng nhất? Có lẽ là không bao giờ.
Hoặc chính quyền không muốn tụ tập đông người, nhưng vì sao những lễ khác của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được phép tập trung đông người, có sự tham dự của chính quyền?
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập hiện nay không còn là lực lượng được vũ trang, một phần trong số họ là những người đã cao tuổi. Vậy việc ngăn cấm lễ tưởng niệm “Ngày Đức Thầy vắng mặt” có ý nghĩa gì với chính quyền?
Phải chăng việc ngăn cấm này là một thông điệp dành cho những ai chưa phục tùng chính quyền, hoặc chưa chịu gia nhập Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo do chính quyền kiểm soát?
Trong bối cảnh chính quyền kêu gọi đoàn kết dân tộc thì việc ngăn cấm ngày lễ này hoàn toàn đi ngược lại mong muốn đó. Chẳng bao giờ có hòa giải khi một bên vẫn còn xem bên kia là mối đe dọa tiềm tàng.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Đọc thêm:
Lịch sử thăng trầm và đầy bi kịch của Phật giáo Hòa Hảo
Phật giáo Hòa Hảo sau 30/4/1975: Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc