Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bỏ phiếu nên khó hay nên dễ?
Người đi bỏ phiếu cần phải trình ra thẻ định danh có ảnh theo quy định của chính quyền.
Yêu cầu tưởng chừng đơn giản và hiển nhiên này lại là vấn đề tranh cãi gay gắt ở Mỹ nhiều thập niên qua.
Cùng với nó là một loạt những đạo luật và quy định khác nhau, thể hiện cách tiếp cận vấn đề có vẻ trái ngược hoàn toàn giữa hai đảng lớn tại Mỹ về quyền được bỏ phiếu.
Những vấn đề tranh cãi trong việc bỏ phiếu của Mỹ là gì và lý lẽ của hai phe ra sao?
Tại Mỹ, 35 bang yêu cầu cử tri phải có một loại thẻ định danh nào đó (chẳng hạn bằng lái xe, thẻ căn cước). Một số bang cho phép cử tri dùng bản khai có tuyên thệ nếu không có thẻ định danh.
Những người ủng hộ luật bắt buộc thẻ định danh (photo ID law) như cựu Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker nói rằng yêu cầu này giúp người dân “dễ bỏ phiếu nhưng khó gian lận”. Ông Walker đã ký thông qua một trong những đạo luật nghiêm khắc nhất về thẻ định danh bỏ phiếu năm 2016.
Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU), một tổ chức phi lợi nhuận cổ súy cho các quyền tự do cá nhân, lập luận rằng quy định trên tước đoạt quyền bỏ phiếu của nhiều người Mỹ và có tính chất phân biệt chủng tộc.
Theo ACLU, 11% người Mỹ, tức là hơn 21 triệu người không có thẻ định danh có ảnh do chính phủ cấp. Lý do là việc xin cấp thẻ tốn khá nhiều chi phí, thời gian đi lại và công sức. Kể cả nếu được cấp miễn phí, họ vẫn mất chi phí xin các giấy chứng nhận khác. Ước tính chi phí tổng cộng để đăng ký thẻ định danh là từ 75 USD đến 175 USD (1,7 đến 3,5 triệu VND).
Việc này gây khó khăn cho những người nghèo, người vô gia cư, người già yếu và những người đang có bệnh trong việc thực hiện quyền bầu cử của mình.
Đa số người không có thẻ định danh thuộc các nhóm thiểu số. Khoảng 25% người Mỹ gốc Phi ở độ tuổi bỏ phiếu không có thẻ định danh, trong khi số lượng tương tự ở người da trắng là 8%.
Các bang cũng có những yêu cầu khác nhau về loại thẻ định danh được chấp thuận khi bầu cử. Sự khác biệt này được cho là có tính chất phân biệt đối xử, hạn chế những nhóm đối tượng cử tri nhất định.
Ví dụ như bang Texas chấp nhận giấy phép sử dụng súng (concealed weapon permit) nhưng lại không cho dùng thẻ sinh viên (student ID card) để bỏ phiếu. Hoặc bang North Carolina đã từng ra luật, và sau đó bị bãi bỏ, trong đó cấm sử dụng các thẻ trợ cấp xã hội (public assistance ID) hay thẻ công chức (state employee ID) để đi bầu – đa phần những người sở hữu các thẻ này là cử tri da đen.
Các yêu cầu về thẻ định danh được đa phần người của Đảng Cộng hòa khởi xướng và ủng hộ, với lý lẽ là để hạn chế gian lận bầu cử.
Đảng Dân chủ trong khi đó đang đề xuất một dự luật cho phép người bỏ phiếu mang theo bản khai tuyên thệ để chứng thực danh tính của mình, nếu không sở hữu thẻ định danh.
Lập luận của những người ủng hộ luật này là tỷ lệ mạo danh đi bầu (voter impersonation) ở Mỹ rất nhỏ. Một bản tuyên thệ, với hiểu biết rằng người ký tên sẽ phạm tội khai man nếu nói dối, là một căn cứ hợp lý để khuyến khích nhiều người đi bầu hơn.
Vấn đề “áp chế cử tri” (voter suppression) luôn đi cùng lịch sử nước Mỹ kể từ khi lập quốc. Ban đầu, gần như chỉ những người đàn ông da trắng trên 21 tuổi, có sở hữu đất đai mới được quyền bỏ phiếu.
Đến năm 1870, 5 năm sau khi kết thúc nội chiến Mỹ, toàn bộ đàn ông da trắng và một số người da đen được quyền bỏ phiếu. Khi đó, Tu chính án 14 và 15 vừa được thông qua, chính thức giải phóng chế độ nô lệ, nhưng vẫn không cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu. Các bang miền Nam nước Mỹ dùng các đạo luật Jim Crow phân biệt chủng tộc để ngăn cản người da đen bỏ phiếu.
Tới năm 1920, khi Mỹ thông qua Tu chính án 19, phụ nữ mới có quyền bỏ phiếu.
Năm 1965, Đạo luật Quyền bỏ phiếu được thông qua sau quá trình vận động không ngừng nghỉ đòi quyền dân sự cho người da đen, đánh dấu mốc quan trọng trong việc xóa bỏ các luật lệ ngăn cấm người thiểu số bỏ phiếu ở cấp bang.
Từ đó đến nay, thái độ của hai đảng đối với vấn đề bỏ phiếu gần như đối kháng nhau.
Một niềm tin bất thành văn là mỗi khi tỷ lệ người đi bầu tăng thì Đảng Dân chủ được lợi, tỷ lệ đi bầu giảm thì Đảng Cộng hòa được lợi. Chính vì thế, lẽ tự nhiên là Đảng Dân chủ làm mọi cách để người dân dễ bỏ phiếu hơn, còn Đảng Cộng hòa thì ngược lại.
Một khảo sát của hãng Pew Research năm 2018 cho kết quả 67% người Mỹ muốn gỡ bỏ các rào cản bỏ phiếu. Tuy nhiên, hơn một nửa số người ủng hộ Đảng Cộng hòa, đặc biệt là những người Cộng hòa bảo thủ, không muốn điều này.
Về mặt nguyên tắc, Đảng Cộng hòa cho rằng việc bỏ phiếu là một đặc quyền của người Mỹ. Công dân phải nỗ lực để đạt được, thông qua việc đăng ký cử tri cũng như làm thẻ định danh. Đảng Cộng hòa cho rằng cần tránh gian lận trong bầu cử bằng các điều luật và quy định hạn chế chặt chẽ.
Đảng Dân chủ thì khẳng định bỏ phiếu là quyền lợi hiển nhiên của người dân và cần phải giảm thiểu các rào cản đối với việc bỏ phiếu xuống mức thấp nhất có thể.
Vấn đề “áp chế cử tri” được thổi bùng trở lại những ngày qua khi các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa tại nhiều bang rục rịch đưa ra các đạo luật khác nhau nhằm “chỉnh sửa lại hệ thống bầu cử”.
Đi đầu là Georgia. Ngày 25/3 vừa qua, bang này thông qua một luật mới để cải tổ công tác bỏ phiếu. Tổng thống Joe Biden gọi đạo luật này của Georgia là “đáng hổ thẹn” và “phân biệt chủng tộc”.
Đạo luật Liêm chính Bầu cử năm 2021 (tên hiệu SB 202) thay đổi toàn diện hệ thống bầu cử của bang, trong đó có nhiều điều khoản gây tranh cãi như sau:
Luật mới cho phép chính quyền bang có thể kiểm soát chặt chẽ hơn các văn phòng bầu cử địa phương. Theo luật cũ, các vấn đề như loại bỏ lá phiếu nào, cử tri nào không hợp lệ do các văn phòng bầu cử địa phương của 159 quận tại Georgia xử lý. Các ban bầu cử địa phương hoạt động độc lập với chính quyền bang. Thành viên của ban bầu cử địa phương là tình nguyện viên được hai đảng hoặc hội đồng địa phương đề cử, hoạt động theo nguyên tắc trung lập.
Theo luật bầu cử mới, ban bầu cử bang được quyền đình chỉ và thay thế ban bầu cử tại địa phương nào bị cho là có vấn đề. Người phụ trách mới sẽ do chính quyền bang chọn chứ không phải do quận chọn.
Đảng Dân chủ chỉ trích luật mới, cho rằng nó giúp các quan chức Cộng hòa nắm trọn quyền sinh sát từng lá phiếu, cho phép ai đi bầu, ai không và tuyên bố phiếu nào không hợp lệ. Mục đích cuối cùng là ngăn cản Đảng Dân chủ lặp lại chiến thắng như năm 2020.
Một mục tiêu can thiệp có thể là quận Fulton, thuộc thủ phủ Atlanta của bang này. Đây là nơi có nhiều người da màu sinh sống. Fulton là quận ủng hộ mạnh mẽ Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa thường xuyên cáo buộc rằng quận này là một trong những địa điểm gian lận phiếu bầu lớn. Cuối năm 2020, ông Trump và đồng minh thổi vào tranh cãi khi chia sẻ một video cáo buộc nhân viên bầu cử tại Fulton nhồi thêm phiếu bầu.
Các vụ điều tra chính thức, kiện cáo lẫn các hoạt động kiểm chứng đều kết luận cáo buộc trên là sai sự thật. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn tin vào điều này.
Luật mới còn đặt thêm rào cản cho việc bỏ phiếu qua thư.
Theo quy định cũ của Georgia, cử tri chỉ cần ký tên vào đơn xin cấp lá phiếu qua thư. Quy định mới yêu cầu phải có thẻ định danh có ảnh do chính quyền cấp. Ngoài ra, số lượng hòm phiếu để gửi phiếu qua thư sẽ bị cắt giảm. Người dân sẽ phải đi xa hơn để có thể gửi phiếu bầu từ sớm.
Luật mới cấm mọi hành động trao tặng tiền hay quà, “bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở đồ ăn và nước uống” trong vòng 150 feet (46 mét) kể từ hòm phiếu hoặc trong vòng 25 feet (8 mét) từ một cử tri đang xếp hàng chờ bỏ phiếu. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 1.000 USD và một năm tù. Luật cũng cho phép, nhưng không bắt buộc, nhân viên bầu cử dựng các quầy nước uống tự phục vụ cho cử tri.
Những người phản đối lên án đây là một quy định độc ác và vô nhân đạo. Ở nhiều nơi, cử tri Mỹ phải xếp hàng và chờ đợi nhiều giờ để được bỏ phiếu. Có báo cáo ghi nhận tại thành phố Atlanta, bang Georgia người dân phải xếp hàng chờ hơn 10 giờ để tới được hòm phiếu. Việc cấm người tình nguyện mang nước đến cho phụ nữ và người già phải chờ đợi lâu đang gây phẫn nộ.
Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra, trên quy mô toàn quốc, tại những cộng đồng thu nhập thấp và có nhiều người thiểu số, cử tri phải xếp hàng chờ lâu hơn so với các khu vực giàu có và tập trung đông dân da trắng. Nơi mà cử tri phải xếp hàng lâu nhất được ghi nhận là ở quận Fulton.
Các quan chức Đảng Cộng hòa thì giải thích rằng luật này là cần thiết, có mục đích ngăn cản những tổ chức chính trị lợi dụng việc tặng nước uống và đồ ăn để tiếp cận, gây ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu vào phút chót của cử tri.
Georgia là một trong số hơn 40 bang mà Đảng Cộng hòa đang tìm cách siết chặt quy định bầu cử địa phương.
Theo Trung tâm Brennan, tính đến 19/2, khắp cả nước có trên 250 dự luật cấp tiểu bang có mục đích siết chặt việc bỏ phiếu. Con số này nhiều hơn bảy lần so với cùng thời điểm năm ngoái.
Mặc dù không có bằng chứng cho thấy cuộc bầu cử 2020 có gian lận trên diện rộng và mang tính hệ thống, nhiều cử tri Đảng Cộng hòa vẫn tin vào các cáo buộc vô căn cứ của cựu Tổng thống Donald Trump. Một khảo sát hồi tháng 2/2021 cho thấy 67% người ủng hộ Đảng Cộng hòa vẫn cho rằng chiến thắng của Joe Biden là không hợp lệ.
Các quan chức bang Georgia, mặc dù bác bỏ các cáo buộc về gian lận bầu cử mà ông Trump nêu ra, viện dẫn “khủng hoảng niềm tin” của cử tri vào hệ thống bầu cử hiện hành để làm căn cứ thông qua các điều luật đại tu cơ chế bầu cử.
Đảng Dân chủ chỉ trích rằng đây là nỗ lực nhắm vào các cộng đồng thiểu số và người nghèo – những người thường ủng hộ phe Dân chủ. Họ cáo buộc mục đích của các đạo luật này là hạn chế số lượng cử tri đi bầu, nhằm tránh lặp lại kịch bản của cuộc bầu cử 2020, khi số lượng cử tri tăng vọt đã đem lại chiến thắng cho ông Biden.
“Đàn áp cử tri là cách của kẻ lười biếng để thắng bầu cử. Nếu không thể giành chiến thắng một cách trung thực, bạn đẩy người ta ra khỏi cuộc chơi và thay đổi luật chơi”, Stacey Abrams, một nhà hoạt động nổi tiếng về quyền bỏ phiếu nhận xét.
Thành viên Đảng Dân chủ và các nhóm vận động quyền bỏ phiếu đã đệ đơn kiện luật mới của Georgia.
Tổng thống Biden cho biết Bộ Tư pháp đang nghiên cứu luật bầu cử mới của bang này.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ đang tìm cách thông qua Đạo luật Vì Con người (For the People Act) để gỡ bỏ các rào cản, giúp người Mỹ bỏ phiếu dễ dàng hơn. Hạ viện đã thông qua đạo luật trong tháng 3/2021, với sự ủng hộ của toàn bộ Đảng Dân chủ. Có hai thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu trắng, còn lại đều phản đối.
Tuy nhiên, đạo luật trên khó có khả năng qua được cửa Thượng viện. Quy tắc filibuster ở đây yêu cầu phải có ít nhất 60 phiếu để thông qua một vấn đề gây tranh cãi.
Với tỷ lệ ghế 50-50 hiện tại ở Thượng viện, Đảng Dân chủ sẽ phải tìm cách xóa bỏ filibuster, đồng thời thuyết phục tất cả các thượng nghị sĩ của mình cùng ủng hộ. Khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện có thể bỏ lá phiếu quyết định để thông qua đạo luật này.