‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Dự án này liên quan trực tiếp đến chiếc thẻ căn cước gắn chip mới.
Bạn định đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip. Bạn nghe thông báo rằng chi phí làm thẻ chỉ bằng nửa bát phở, thủ tục kéo dài chưa đến một giờ và giúp bạn thuận tiện mãi mãi về sau. Nhưng bạn có bao giờ tìm hiểu về nhà thầu mà Bộ Công an mời làm dự án này, họ là ai là và có chuyên môn gì? Liệu bạn có bị định vị thông qua chip gắn trên chiếc thẻ của mình?
Bộ Công an gần đây khẳng định thẻ căn cước mới “không có chức năng định vị”.
Tuy nhiên, thông tin sau đây có thể làm bạn nghi ngại: có một công ty chuyên về định vị đang tham gia vào dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, một dự án liên quan trực tiếp đến thẻ căn cước mới.
Liên danh VNPT – HADIC – GTEL ICT là nhà thầu của dự án này. Trong ba đơn vị, GTEL ICT là một công ty chuyên về hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
GTEL ICT có tên đầy đủ là Công ty TNHH Công nghệ thông tin và truyền thông Gtel.
Trên website của mình, GTEL ICT giới thiệu rằng họ có hơn 60 năm “triển khai liên lạc trong ngành Công an”, với một trong những lĩnh vực hoạt động chính là giám sát hành trình. Hiện nay, GTEL ICT có bốn sản phẩm giám sát GPS: giám sát con người, giám sát tài sản, giám sát phương tiện và dịch vụ trên bản đồ số.
Vốn điều lệ của GTEL ICT là 30 tỷ đồng, chưa đến 1/100 tổng mức đầu tư của dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hơn 3 nghìn tỷ đồng).
Sự tham gia của GTEL ICT có thể không đảm bảo quy định về cạnh tranh công bằng, chiếu theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Điều 2 của nghị định, nhà đầu tư tham dự thầu phải “độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu tư vấn, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu…”.
Trong khi đó, GTEL ICT là công ty thành viên của Tổng công ty viễn thông Toàn Cầu (GTEL), có 100% vốn nhà nước, do Bộ Công an làm chủ sở hữu.
Trước liên danh này, Bộ Công an từng đề xuất một liên danh là VNPT – SVTECH – iSoftware. SVTECH là công ty công nghệ, từng thực hiện các dự án dữ liệu cho nhiều cơ quan nhà nước lẫn tư nhân. Còn iSoftware được cho là đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ của ngành công an, nhưng chúng tôi không tìm thấy website của công ty này. Thông tin đề xuất liên danh nhà thầu này xuất hiện trên báo Đấu Thầu vào đầu tháng 5/2019 nhưng sau đó đã bị xóa.
Không có một nhà thầu tư nhân nào của Việt Nam lẫn quốc tế góp mặt trong dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
HADIC – Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Nội – chỉ có vốn điều lệ 3 tỷ đồng lại là một trong ba liên danh của dự án này.
HADIC là công ty thành viên của VNPT. Năm 2016, VNPT tuyên bố sẽ thoái vốn khỏi công ty này. Nhưng đến năm 2020, VNPT vẫn chưa chưa thoái vốn xong tại HADIC.
HADIC không giới thiệu về dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà mình là nhà thầu trên website công ty. Theo thông tin trên website, các dự án HADIC tham gia thường có tổng đầu tư dưới 25 tỷ đồng.
Liên danh VNPT – HADIC – GTEL ICT triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 7/2020.
Thẻ căn cước và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hai dự án khác nhau nhưng cùng một đích đến.
Vào tháng 8/2020, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng hai dự án này phải được hiện đồng bộ.
“Vì chỉ khi hệ thống [Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư] này hoàn thiện, kết nối được với các hệ thống dữ liệu của ngành khác thì việc dùng thẻ gắn chip mới hiệu quả”, Thiếu tướng Hồng nói với báo VnExpress.
Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã bị trễ hạn so với dự kiến ban đầu. Tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định cấp tiền lần hai cho dự án này. Số tiền hơn 3.085 tỷ đồng sẽ được dùng đến hết năm 2021.
Điều này có thể lý giải vì sao công an đang gấp rút cấp thẻ căn cước từ sáng sớm đến nửa đêm, đồng thời giảm 50% phí cấp thẻ cho người dân.
Bộ Công an đặt ra mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước gắn chip cho người dân trong vòng 7 tháng. Tuy nhiên, thẻ căn cước mới được sản xuất như thế nào vẫn còn là bí mật.
Tháng 1/2021, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết họ đang chậm tiến độ cấp thẻ căn cước gắn chip vì nhà thầu chưa giao máy móc đến.
Trước khi triển khai dự án này vào tháng 8/2020, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết sẽ cân nhắc hai phương án về sản xuất thẻ căn cước.
Phương án thứ nhất là cục này sẽ tự mua máy móc, phần mềm để tự sản xuất thẻ căn cước. Phương án này sẽ gây lãng phí lớn, vì một năm chỉ có khoảng bốn triệu người cần cấp thẻ căn cước, bao gồm người đủ 14 tuổi và những người cần làm thẻ mới.
Phương án thứ hai là thuê máy móc và thuê nhà thầu đủ chuyên môn để in thẻ căn cước.
Hiện nay, Bộ Công an vẫn chưa công bố ai là nhà thầu cung cấp máy móc làm thẻ căn cước gắn chip, và họ sẽ tự sản xuất hay thuê nhà thầu in thẻ.
Cất vào ví chiếc thẻ căn cước gắn chip, dùng nó cho các giao dịch dân sự, công dân đương nhiên có quyền biết chiếc thẻ của mình được sản xuất ra như thế nào và có đảm bảo an toàn hay không.