Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một nghiên cứu nổi tiếng chỉ ra rằng bom đạn không phải là tội đồ của sự chậm phát triển.
“Bị chiến tranh tàn phá” là một trong những lý do phổ biến nhất được đưa ra mỗi khi cần phải giải thích vì sao Việt Nam trì trệ trong phát triển kinh tế.
Trong nhiều trường hợp, chính những lựa chọn chính sách và định hướng phát triển kinh tế của các nhà lập pháp Việt Nam đã tự kiềm hãm đất nước trong suốt hơn một thập niên.
Tuy nhiên, “bom đạn Hoa Kỳ” vẫn luôn là một lá bài hộ mệnh giới lãnh đạo dùng đến mỗi khi gặp phải câu hỏi vì sao Việt Nam vẫn còn nghèo sao ngần ấy năm độc lập.
Giữa muôn trùng quan sát, nhận định, phán đoán và cáo buộc có phần võ đoán, nghiên cứu của hai tác giả Edward Miguel và Gérard Roland thuộc trường Đại học California – Berkeley, mang tên “The long-run impact of bombing Vietnam”, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn khoa học hiếm hoi trong cuộc thảo luận này. Nghiên cứu được công bố năm 2011 trên tạp chí Journal of Development Economics.
Dù đồng ý với nghiên cứu hay không, người viết tin rằng đây cũng sẽ là một điểm khởi đầu hoàn hảo cho các học giả hay bạn đọc muốn tìm hiểu hoặc đưa ra những nhận định nghiêm túc về vấn đề này.
Đây không phải là một nghiên cứu dễ đọc. Công trình này kết hợp các học thuyết kinh tế, lý thuyết về chiến tranh và hậu quả chiến tranh, giả định chính trị học, theo đó là hàng loạt các mô hình tính toán. Sự phức tạp của nghiên cứu khiến hai tác giả dành nhiều thời gian biện giải cho mô hình tính toán hơn là phân tích và đưa ra những nhận định có thể được công chúng dễ dàng tiếp cận.
Các giả thuyết về chiến tranh và hệ quả lâu dài của nó đối với nền kinh tế của một quốc gia không phải là một đề tài mới trong các nghiên cứu kinh tế – chính trị – quân sự quốc tế. Hai tác giả Miguel và Roland dành khá nhiều thời gian để cân nhắc và đánh giá những chủ thuyết quan trọng.
Điểm sáng giá họ làm được là nêu bật sự đa dạng, hay thậm chí là đối nghịch của nhiều học thuyết kinh tế liên quan đến hệ quả chiến tranh.
Ví dụ, hai tác giả cân nhắc trước tiên các mô hình phát triển kinh tế tân cổ điển (neoclassical) như là nền tảng cho các góc nhìn về những tác động có thể xảy ra của chiến tranh đối với nền kinh tế quốc gia.
Theo đó, nếu trữ lượng vốn vật chất và tư liệu sản xuất (physical capital stock) bị thiệt hại trong chiến tranh, song phương tiện sản xuất và năng lực sản xuất (production function) không chịu ảnh hưởng, quá trình tích lũy tư bản của toàn nền kinh tế sẽ tăng mạnh chứ không giảm.
Nói cách khác, những cuộc chiến không gây ảnh hưởng đến phương tiện và năng lực sản xuất của một quốc gia sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào lên nền kinh tế của quốc gia đó trong dài hạn. Thậm chí, chúng còn dẫn đến sự tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng trong thời gian đáng kể.
Mặt khác, nếu chiến tranh dẫn đến thiệt hại về vốn vật chất và tư liệu sản xuất tại một số địa phương, nhưng không gây ảnh hưởng gì đến các địa phương còn lại, chỉ số tăng trưởng của các địa phương chịu thiệt hại sẽ cao vượt trội so với các địa phương còn lại trong một khoảng thời gian nhất định.
Đến đây bạn đọc sẽ thắc mắc, chẳng lẽ nói thế thì chiến tranh… có lợi vì giúp cho tỉ lệ tăng trưởng tăng mạnh?
Theo người viết, đây không phải là kết luận của mô hình. Chiến tranh luôn luôn mang lại những thiệt hại to lớn về người và của. Nhưng các kinh tế gia tân cổ điển muốn khẳng định rằng chiến tranh sẽ không có tác động đến tỷ lệ tăng trưởng của toàn nền kinh tế nói chung trong dài hạn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ngay cả khi nguồn vốn nhân lực (human capital) bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại những nơi chịu thiệt hại nặng nề, sau chiến tranh, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn nhân lực lại cao hơn so với bình thường. Đó là do người từ nhiều nơi trở về hay tìm đến vùng hậu chiến để tái kiến thiết, tìm kiếm cơ hội mới vì vùng hậu chiến có nhu cầu chi tiêu, đầu tư cao hơn các vùng không chịu ảnh hưởng.
Hai tác giả đi đến kết luận, nếu sau chiến tranh mà tốc độ tăng trưởng bị hạn chế, vấn đề nằm ở chỗ khác, chứ không phải là do bản thân cuộc chiến.
Tuy nhiên, cũng có nhiều mô hình và học thuyết không đồng ý với cách tiếp cận này.
Ví dụ, hai tác giả giới thiệu chủ thuyết của Jean Drèze cho rằng chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt (militarism) sẽ luôn là vật cản cho sự phát triển của thế giới đương đại.
Ngoài ra, các học giả đến từ nhiều quốc gia cũng như Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra những giả định về “bẫy xung đột” (conflict trap) hoặc “bẫy đói nghèo” (poverty trap). Các giả định này dự đoán rằng thiệt hại chiến tranh quá lớn, và có gây ảnh hưởng đến thể chế kinh tế – chính trị, sẽ đẩy một quốc gia vào bờ vực không phát triển trong dài hạn.
Số khác lại có những quan sát ngược lại, cho rằng chiến tranh (hay ít nhất là các bộ máy công nghệ – kinh tế phục vụ chiến tranh) có tác dụng tích cực. Các nghiên cứu và dự án phát triển quân sự được xem là nền tảng cho tăng trưởng công nghệ dân dụng. Chiến tranh trong một số trường hợp còn được xem là nền tảng của phát triển xã hội, dân chủ hóa và hoàn thiện thể chế, như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản từng diễn ra.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong các nghiên cứu dạng này là thu thập số liệu về lượng khí tài chiến tranh đã được sử dụng trong một cuộc chiến. Hầu hết các quốc gia đều xem đây là thông tin mật và không công bố với công chúng nước mình, huống chi chia sẻ cho đối thủ tham chiến. May mắn là nguyên tắc hoạt động minh bạch của chính phủ Hoa Kỳ giúp các thông tin nói trên được công khai và rất dễ tiếp cận.
Ghi nhận từ năm 1965 (thời điểm quân đội Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại Việt Nam) cho đến năm 1975, tài liệu có tên gọi “Hồ sơ của Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ” (Records of the U.S. Joint Chiefs of Staff) tổng hợp gần như toàn bộ bom đạn và vật liệu chiến tranh đổ lên lãnh thổ Việt Nam. Các ghi chép được thực hiện chi tiết, từ phương pháp (bằng máy bay thả bom của thủy quân lục chiến hay của hải quân, hay pháo hạm, hoặc trực thăng…) cho đến địa điểm và hành trình của các cuộc tấn công. Nguồn tư liệu khổng lồ này đã được giải mật và giao cho chính phủ Việt Nam.
Theo đó, chi tiết cho đến ngày 15/8/1973, hơn sáu triệu tấn bom đạn và vật liệu chiến tranh đã được thả trên toàn Việt Nam, cùng với đó là 1,5 triệu tấn trên các vùng Đông Nam Á nhưng có liên quan đến Chiến tranh Việt Nam.
Để rộng đường cho người đọc so sánh, nghiên cứu cho biết tổng lượng khí tài và vật liệu chiến tranh quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong toàn Đệ nhị Thế chiến chỉ vừa hơn… hai triệu tấn. Trong đó, 1,5 triệu tấn dùng cho toàn mặt trận châu Âu và khoảng 500.000 tấn dùng cho mặt trận châu Á – Thái Bình Dương. Riêng trong Chiến tranh Triều Tiên, khoảng 450.000 tấn bom đạn đã được quân đội Mỹ sử dụng.
Như vậy, chỉ riêng lãnh thổ Việt Nam đã nhận gấp ba lần toàn bộ số bom đạn Hoa Kỳ sử dụng trong suốt Đệ nhị Thế chiến, và gấp 12 lần lượng được dùng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Sáu triệu tấn bom đạn, chia cho dân số Việt Nam trong giai đoạn này vào khoảng 32 triệu người, nghĩa là mỗi người phải gánh hàng trăm kilogram bom đạn. Tổng khối lượng bom đạn lớn hơn cân nặng của toàn bộ dân số.
Với những con số đó, có vẻ quá hiển nhiên để khẳng định kinh tế Việt Nam sau chiến tranh bị trì trệ là hậu quả do Hoa Kỳ tàn phá.
Tuy nhiên, hai tác giả ghi nhận, những con số khổng lồ có thể khiến người ta hiểu nhầm rằng Hoa Kỳ “trải thảm bom” tàn phá toàn bộ Việt Nam, phá hủy thành thị, nông thôn, cơ sở sản xuất hay trường học như nhau. Điều này thật ra không đúng với tình trạng hai quốc gia Nam – Bắc theo pháp luật quốc tế và thực tiễn chiến tranh tại Việt Nam.
Theo hai tác giả, các mục tiêu đánh phá của Hoa Kỳ dành cho hai quốc gia phía Nam và phía Bắc là rất khác nhau.
Trước tiên, bản thân các cuộc tấn công bằng bom, pháo đạn có sức công phá lớn của Hoa Kỳ chỉ tập trung tại một số khu vực nhất định. Kết quả khảo sát 584 đơn vị hành chính cấp huyện ở Việt Nam cho thấy rằng có đến 70% lượng bom đạn và vật liệu chiến tranh được dồn vào 10% khu vực nghiên cứu.
Ở bản đồ trên, các tác giả cố gắng đồ họa lại những vùng gánh chịu nhiều bom đạn nhiều nhất của Hoa Kỳ. Gần như toàn bộ đều thuộc miền Nam Việt Nam, tức Việt Nam Cộng hòa, quốc gia có liên minh với Hoa Kỳ và đã mời quân đội Hoa Kỳ can thiệp quân sự tại Việt Nam.
Quảng Trị, tỉnh thành gần như bị san bằng thành bình địa sau chiến tranh, cũng nằm trong phạm vi lãnh thổ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền yểu mệnh này đã tiêu tốn nhiều nguồn lực để tái kiến thiết Quảng Trị trong thời gian họ còn tồn tại. Quan trọng hơn, các chiến dịch đánh bom Quảng Trị chỉ nhằm chống lại hoạt động tấn công và đánh chiếm của lực lượng quân đội Bắc Việt, đặc biệt trong các chiến dịch Mậu thân 1968 và Mùa hè đỏ lửa 1972.
Vùng rừng núi Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều thứ hai của bom đạn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tương tự như Quảng Trị, đây cũng là vùng đất trong thẩm quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Vùng này không có dân cư. Mục tiêu của các chiến dịch đánh bom là chống lại hoạt động vận chuyển lậu các khí tài quân sự và nhân lực qua biên giới miền Nam Việt Nam, thông qua con đường được Bắc Việt gọi là đường Hồ Chí Minh, ủng hộ cho phe nổi dậy Mặt trận Giải phóng (hay Việt Cộng).
Nghiên cứu ghi nhận rõ thêm rằng, cho đến cuối thập niên 1960, toàn bộ các vùng dân cư đông đúc, trung tâm hành chính – sản xuất của Bắc Việt, gần như không bị ảnh hưởng gì bởi bom đạn.
Cụ thể hơn, chiến dịch “Rolling Thunder” đánh bom miền Bắc dưới quyền của Tổng thống Johnson chủ động loại trừ hoàn toàn các thành thị lớn của miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội và tất cả các tỉnh thành lân cận Trung Quốc. Các mục tiêu đánh phá chủ yếu nhằm hao mòn năng lực quân sự của Bắc Việt và nhắm vào các mục tiêu hợp pháp như sân bay quân sự, đường sắt, cảng, cầu cống và một số căn cứ quân sự, kho bãi…
Chỉ đến khi Nixon nắm quyền, chiến dịch “Linebacker” mới bắt đầu mở rộng địa điểm đánh bom. Tuy nhiên, nó lại mang tính chất chiến thuật để ép Bắc Việt vào bàn đàm phán và thừa nhận Việt Nam Cộng hòa nhiều hơn. Cường độ đánh bom và chiến thuật cũng rất khác so với những vùng nằm trong phạm vi kiểm soát của chính quyền miền Nam.
Với những phân tích kỹ lưỡng và chi tiết ở trên, con số bom đạn khổng lồ mà Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam dường như không còn quá nhiều ý nghĩa.
Ta có thể thử dự đoán theo mô hình tân cổ điển mà hai tác giả nhắc đến ở phần đầu. Với việc chỉ một số địa phương chịu thiệt hại nặng từ bom đạn, và mục tiêu của các chiến dịch rải bom cũng không nhằm phá hủy hoàn toàn năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, bom đạn Hoa Kỳ có thể không phải là nguyên nhân khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng kém, đặc biệt trong giai đoạn 1975 – 1990, khi mà các chính sách kinh tế bao cấp của Việt Nam còn đang có hiệu lực.
Sau quá trình kiểm chứng mô hình với các biến phức tạp, hai tác giả đi đến kết luận như dự đoán: bom đạn Hoa Kỳ không thể được xem là nhân tố dẫn đến sự trì trệ của kinh tế Việt Nam.
Minh chứng rõ ràng nhất, không cần phải nhìn vào các biến và kết quả tính toán, là các vùng bị đánh bom nhiều nhất trở lại với tốc độ tăng trưởng trung bình như những vùng khác. Riêng tốc độ tăng trưởng và năng lực sản xuất kinh tế của cả nước nói chung bị đình trệ rõ ràng không phải là lỗi từ bom đạn của Hoa Kỳ.
Các tác giả khẳng định, dù chiến dịch đánh bom tại Việt Nam có thể được xem là tốn kém và căng thẳng nhất lịch sử nhân loại, nó không nhắm đến việc tiêu diệt hay tấn công một đối tượng quân sự nào cụ thể. Chúng chủ yếu nhằm ngăn chặn và đánh phủ đầu việc tiến quân và tấn công của quân đội Bắc Việt lẫn Mặt trận.
Các chiến dịch gần như hoàn toàn diễn ra tại các vùng nông thôn và đồi núi.
Đây là những khu vực không có các cơ sở hạ tầng định hình chặt chẽ (thậm chí đường sá và cầu cống cũng tạm bợ), vì thế, bom đạn không gây ra những mất mát nghiêm trọng về năng lực sản xuất hay tư liệu sản xuất.
Những thiệt hại về đất canh tác hay rừng rậm được cho là có thể tự phục hồi theo thời gian mà không cần tốn quá nhiều đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Miguel và Roland cũng dẫn chiếu thông tin từ các nhà hoạch định Hoa Kỳ trong “Pentagon Papers” (tập hợp các báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về quá trình tham chiến tại Việt Nam, bị rò rỉ vào năm 1971). Theo đó, lý do duy nhất nền kinh tế hai miền không sụp đổ hoàn toàn, và chiến dịch đánh bom có thể tiếp diễn, là do tính chất nông nghiệp chủ đạo của hai quốc gia.
Với những thông tin rõ ràng, cụ thể và đáng tin cậy mà nghiên cứu cung cấp, chính quyền Việt Nam có lẽ nên cho diễn ngôn “chậm phát triển vì chiến tranh tàn phá” được nghỉ hưu trong các thảo luận tương lai.