Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thuận theo Bắc Kinh hay bảo vệ nhân quyền? Các doanh nghiệp quốc tế đứng trước lựa chọn khó khăn.
Tuần vừa qua, nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế nổi tiếng như H&M, Nike, Adidas, Burberry, Puma… phải đối mặt với một làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi các nước phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada và Liên minh Châu Âu, cùng áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc, với cáo buộc họ có liên quan đến các hoạt động đàn áp nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Tân Cương là một khu vực tự trị nằm ở vùng viễn Tây của Trung Quốc, nơi có phần lớn cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung – nơi họ bị tra tấn, lạm dụng tình dục và cưỡng bức lao động.
Trong những năm qua, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có vấn đề cưỡng bức lao động. Theo các báo cáo, người Duy Ngô Nhĩ và một số dân tộc thiểu số khác bị ép buộc làm việc trên các cánh đồng bông (cotton) và trong nhiều nhà máy dệt tại khu vực này dưới những điều kiện lao động tồi tệ.
Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ toàn bộ những cáo buộc trên. Nước này cho rằng họ chỉ đang triển khai các chương trình đào tạo tiếng Trung cho người bản địa, loại trừ những quan điểm cực đoan và đưa người dân tại đây thoát khỏi đói nghèo.
Bông Tân Cương chiếm 80% tổng sản lượng bông của Trung Quốc và 20% trong chuỗi cung ứng bông trên toàn cầu. Phần lớn trong số đó phục vụ cho ngành may mặc và thời trang.
Vào tháng 10 năm ngoái, tổ chức Better Cotton Initiative (BCI – Sáng kiến nguồn bông bền vững) có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ tuyên bố ngừng các hoạt động tại Tân Cương vì lo ngại về tình trạng cưỡng bức lao động. BCI thông báo trên website rằng họ không còn xác minh được nguồn bông sản xuất tại Tân Cương là “abuse-free” – không có tình trạng lạm dụng lao động xảy ra. Tuy nhiên, thông báo này sau đó đã không còn truy cập được.
Trước đó, các hãng thời trang là thành viên của tổ chức BCI (H&M, Nike, Adidas, Puma…) khẳng định họ đã dừng việc lấy bông từ khu vực Tân Cương.
Trong một tuyên bố vào tháng 09/2020, H&M nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về “tình trạng cưỡng bức lao động và phân biệt đối xử với các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số ở Tân Cương”. Đồng thời, hãng này cũng tuyên bố dừng việc mua bông từ các nông trường trong khu vực này.
Bẵng đi nửa năm, ngay sau khi các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đăng lại tin trên Weibo, chỉ trích quyết định của H&M. “Vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc lại vừa lan truyền tin giả và tẩy chay bông Tân Cương sao? Mơ mộng hão huyền!”. Cư dân mạng Trung Quốc ngay lập tức kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng từ chối sử dụng bông Tân Cương.
H&M trở thành đối tượng bị nhắm đến đầu tiên.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng động thái của H&M là tự hại mình. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương Xu Guixiang đặt vấn đề: “Vậy H&M còn có thể kiếm tiền từ thị trường Trung Quốc nữa không? Chắc chắn là không”.
Cho đến thời điểm hiện tại, có ít nhất ba trang thương mại điện tử phổ biến tại Trung Quốc (Pinduoduo, JD.com và Tmall) đã gỡ bỏ các sản phẩm của H&M ra khỏi nền tảng bán hàng trực tuyến của mình. Một số cửa hàng H&M tại nhiều thành phố Trung Quốc cũng bị buộc đóng cửa để thu hồi mặt bằng.
Kênh truyền hình trung ương CCTV thì cảnh báo H&M đã “sai lầm” khi chọn trở thành “anh hùng chính nghĩa” (righteous hero), và đe dọa hãng thời trang Thụy Điển “phải trả giá đắt cho hành động của mình”.
Nhiều thương hiệu khác, trong đó có Nike, Burberry, Uniqlo và Puma cũng nhanh chóng trở thành mục tiêu của phong trào tẩy chay.
Nhiều ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc đưa ra tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng hợp tác với các hãng thời trang từ chối sử dụng bông Tân Cương. Một nghệ sĩ trẻ mới nổi, thông qua đại diện của mình, tuyên bố “mẫu quốc là trên hết”. Cùng lúc, hashtag “Tôi ủng hộ bông Tân Cương” trở thành đề tài nóng hàng đầu trên mạng Weibo với hơn 5 tỷ lượt xem (theo CNN).
Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ tại Trung Quốc tạo áp lực lớn lên các công ty quốc tế.
Cách đây vài ngày, H&M ra tuyên bố mới, gọi Trung Quốc là “một thị trường rất quan trọng”. Họ không đề cập đến việc có tiếp tục dùng bông Tân Cương hay không, nhưng nói rằng họ sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên để cùng xây dựng một ngành thời trang bền vững hơn. Tuyên bố quan ngại của H&M về tình hình Tân Cương trước đó đã không còn truy cập được.
Trung Quốc là một thị trường béo bở của các nhãn hàng thời trang quốc tế. Vào năm 2019, H&M thu về 1,2 tỷ USD từ thị trường đại lục. Doanh thu của Nike trong năm 2020 cũng đạt trên 6 tỷ USD. Nắm giữ một sức nặng kinh tế từ thị trường khổng lồ, chính phủ Trung Quốc không ngần ngại gây sức ép lên những doanh nghiệp đi ngược lại với chính sách của mình.
Không chỉ riêng các hãng thời trang, nhiều tập đoàn quốc tế lớn có hoạt động tại thị trường Trung Quốc đã và đang cúi đầu trước áp lực đó, trong đó có các tên tuổi như Apple, tập đoàn khách sạn Marriott, hãng xe hơi Mercedes-Benz.
Hành động đáp trả của chính phủ Trung Quốc mang một ý nghĩa rất đơn giản. Các công ty có hai lựa chọn: hoặc là nghe và làm theo những yêu sách từ Bắc Kinh, còn không thì sẽ mất quyền tham gia vào thị trường hơn 1 tỷ dân này.
Các tập đoàn quốc tế đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Một mặt, họ không muốn bỏ lỡ thị trường khổng lồ của Trung Quốc; mặt khác, họ cũng đang phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng gắt gao đến từ những người tiêu dùng có trách nhiệm trên thế giới. Những yêu cầu này trải dài, từ bảo vệ môi trường, theo đuổi sản xuất bền vững cho đến tôn trọng quyền con người.
Giữa làn sóng tẩy chay hồi tuần trước, Hugo Boss thông báo trên mạng xã hội Weibo là họ “sẽ tiếp tục thu mua và ủng hộ bông Tân Cương” vì “bông sợi dài Tân Cương là một trong những loại tốt nhất trên thế giới”. Nhưng ngay sau đó, hãng thời trang đến từ Đức vội vàng đính chính rằng thông báo trên là “không đúng thẩm quyền” (unauthorized). Họ đã gỡ bỏ nó và thay bằng đường link dẫn tới một tuyên bố chính thức trên website của mình, trong đó khẳng định Hugo Boss chưa từng sử dụng nguyên liệu nhập trực tiếp từ Tân Cương.
Trong khi nhiều hãng thời trang khác còn đang đắn đo, Muji đã chọn cách làm hài lòng người tiêu dùng Trung Quốc. Trên website tại thị trường đại lục, thương hiệu đến từ Nhật này giới thiệu một dòng quần áo mới, nhấn mạnh việc sử dụng nguyên liệu là bông Tân Cương.
Trung Quốc chiếm đến 17% tổng doanh số bán hàng của Muji trên toàn cầu (tính từ tháng 3 cho đến tháng 11/2019). Hãng này có tổng cộng 274 cửa hàng hoạt động trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020.
Sự lúng túng của các hãng thời trang quốc tế lớn trước vấn đề Tân Cương đang tạo cơ hội cho các thương hiệu nội địa Trung Quốc phát triển.
Theo New York Times, cổ phiếu của các công ty thời trang và tập đoàn dệt may của Trung Quốc đang trên đà tăng cao trong bối cảnh phong trào tẩy chay tại quốc gia này ngày càng trở nên gay gắt. Có hơn 20 thương hiệu trong nước đã công khai tuyên bố ủng hộ nguồn bông từ Tân Cương.