‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Trên mảnh đất bất công, mỗi tiếng cười là một hạt giống tí hon.
Một ngày cuối tháng Ba, bạn cầm chiếc di động lướt nhanh các trang tin tức. Có mẩu tin khiến bạn chú ý.
Một người dùng mạng xã hội vừa bình luận về bầu cử tại Việt Nam. “Bầu hay không bầu thì có khác gì nhau đâu các bác? Người ta sắp xếp hết rồi”. Bình luận này được nhiều người lan truyền. Nó đến tai các cơ quan nhà nước.
Các cán bộ có chức trách lập tức liên lạc với người này để xin cái hẹn. Ngay hôm sau họ đến tận nhà và gửi thư mời anh đến dự một hội thảo giới thiệu tất tần tật về bầu cử. Trước khi ra về, cán bộ còn chu đáo gửi tặng hai quyển sách “ABC về bầu cử” và “Chính trị bình dân”, nhằm giúp anh có thêm kiến thức thực tế để sau này có phát ngôn chính xác hơn.
Sau khi đọc xong hai quyển sách và tham dự hội thảo về bầu cử, công dân trên vô cùng cảm kích. Anh đăng đàn chia sẻ những kiến thức mới học được và bày tỏ niềm tin sâu sắc vào tính công bằng chính trực của thể chế nước nhà.
Tất nhiên, bạn không cần nhìn vào ngày 1/4 trên lịch mới biết câu chuyện này pha đậm màu sắc hoang đường. Trong trường hợp bạn thắc mắc, phiên bản thật nằm ở đây (cảnh báo, nó chẳng có gì bất ngờ).
Nếu có ai đó lỡ tin vào phiên bản cổ tích ở trên, họ sẽ bị những người khác lêu lêu chọc quê.
Họ trở thành “con cá tháng Tư”, như cách nhiều người vẫn thường gọi những ai mắc lừa các trò đùa trong ngày này.
Nhưng “cá tháng Tư” vốn dĩ không có nghĩa như vậy, và những trò đùa thật sự cũng không phải dành cho “cá”.
***
Trên thực tế, không ai biết “cá tháng Tư” từ đâu mà ra.
Phiên bản phổ biến nhất được nhiều người kể về nguồn gốc của truyền thống này là việc người Pháp đổi lịch vào thế kỷ 16, từ lịch Julian sang lịch Gregorian (là loại “dương lịch” mà chúng ta sử dụng ngày nay). Theo lịch mới, ngày đầu năm mới sẽ là 1/1, thay vì 1/4 như trước. Những ai chậm cập nhật tin tức, vẫn ăn mừng năm mới vào ngày cũ 1/4 sẽ bị cười trêu là đồ ngốc, hay “April fools”.
Cách giải thích này, như một bài viết công phu trên trang Museum of Hoaxes chỉ ra, rất khiên cưỡng. Quá trình đổi lịch của người Pháp bắt đầu từ lâu và diễn ra trong một thời gian dài trước đó. Nó cũng không thể lý giải vì sao người dân ở những khu vực nói tiếng Pháp trên thế giới ngày nay lại gọi 1/4 là “cá tháng Tư” (Poisson d’Avril).
Một phiên bản khác liên quan trực tiếp đến con cá. Chuyện kể rằng vào thời điểm đầu tháng Tư, các con sông tại Pháp có đầy nhóc cá con mới chào đời. Những chú cá con rất dễ bị dụ cắn câu. Từ đó sinh ra liên tưởng, dùng hình ảnh cá gắn cho những người dễ bị lừa.
Có ít nhất hàng chục phiên bản lịch sử khác nhau cho ngày nổi tiếng này. Cho đến khi các nhà sử học tìm được những dữ liệu xác thực, nguồn gốc thật sự của nó sẽ tiếp tục là một bí ẩn.
Nhưng có một thứ quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn hẳn cái mốc ngày tháng, thường bị bỏ qua khi nhắc đến “cá tháng Tư”. Đó là ý nghĩa của tập quán trên.
Vào dịp này, thứ bậc xã hội (social order) sẽ bị đảo ngược. Người hầu được ra lệnh cho chủ. Trẻ con được cãi lời cha mẹ hoặc thầy cô giáo. Các giới hạn và quy tắc của xã hội bị dẹp qua một bên. Người ta được phép thoải mái nói xạo, tìm cách trêu gạt nhau. Tất cả căng thẳng sẽ được hóa giải bằng tiếng cười.
Tập quán tương tự được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, ở những mốc thời gian khác nhau, không có liên hệ gì đến “tháng Tư”.
“Cá tháng Tư” vì vậy chỉ là đại diện cho một truyền thống tồn tại phổ biến: dùng tiếng cười, óc khôi hài để thách thức những thứ được mặc nhiên chấp nhận trong xã hội.
***
Ở nước Nga ngày trước có một nơi chuyên xử lý các bợm nhậu xỉn quắc cần câu, được gọi là “trạm tỉnh rượu” (vytrezvitel). Một nhân viên mới được điều về trạm tỉnh rượu này.
Chúng ta xử lý thế nào với những người say xỉn? – nhân viên mới hỏi.
Nếu họ có mùi vodka, trả họ về nhà máy. Nếu nghe mùi rượu lậu, trả họ về quê.
Thế nếu tôi gặp một bợm nhậu có mùi rượu Tây đắt tiền thì sao?
À, vậy thì đấy là một đảng viên cấp cao. Trong trường hợp đó thì cậu nhớ lau chùi sạch mấy vết nôn mửa trên bộ vest của ông ấy và sắp xếp cho ông ta về nhà.
Đó là một trong những chuyện cười nổi tiếng thời Xô Viết.
Tiếng cười, hay sự khôi hài, từ lâu được xem là một trong những phương thức chống lại bất công trong xã hội.
Rốt cuộc thì thứ làm người ta cười là sự bất ngờ. Một xã hội bất công với đầy những nghịch lý là mảnh đất màu mỡ cho tiếng cười.
Nhiều nhà nghiên cứu xem các chuyện cười dân gian tại Liên Xô và những nước Đông Âu thời cộng sản là chỉ dấu mô tả thực trạng xã hội rõ ràng hơn nhiều so với các thông tin tuyên truyền trên báo chí nhà nước.
Như giáo sư xã hội học người Anh Christie Davies viết, các chuyện cười là nhiệt kế cho biết xã hội đang nóng hay lạnh tới mức nào. Thậm chí có người đã dựa vào mức độ phổ biến rộng rãi của các chuyện cười châm biếm chính trị ở cuối thập niên 1980 tại các nước Đông Âu để dự đoán về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nước này.
Không chỉ là nhiệt kế, chuyện cười còn là công cụ giao tiếp hiệu quả trong những xã hội áp bức. Nó lan truyền tự nhiên và nhanh chóng. Nó khiến những kẻ cầm quyền lộn ruột, nhưng không thể làm gì được để dẹp bỏ. Gần như không thể biết được tác giả đích thực của một chuyện cười, vì ai cũng có phần lan truyền và thêm thắt vào nó. Người ta không thể bắt nhốt chuyện cười hay xử bắn nó. Chuyện cười một khi đã đi vào đầu người đọc sẽ nằm mãi trong đó, không có cách nào lấy nó ra.
George Orwell, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “1984” từng viết, mỗi chuyện cười là một cuộc cách mạng tí hon (every joke is a tiny revolution).
Không khó hiểu khi trong lịch sử từ Đông sang Tây, không có chế độ độc tài nào ưa thích các chuyện cười dân gian. Họ đều cố gắng kìm kẹp, uốn nắn chúng, thậm chí tạo ra các phiên bản hài hước giả tạo để chống lại, nhưng không ai thành công.
Lý do giản dị: bản thân những kẻ độc tài và chế độ mà họ nhào nặn ra là nguồn cơn cho mọi nghịch lý.
Có nghịch lý thì phải có tiếng cười chê. Càng cố gắng đàn áp, tiếng cười sẽ càng lớn, nghịch lý sẽ ngày càng bị chỉ rõ.
Ở chiều ngược lại, đối với người dân sống trong những chế độ áp bức, đây là thứ vũ khí nên được giữ gìn và sử dụng rộng rãi.
Đối diện với lời dối trá, thay vì thất vọng buông xuôi, hay giận dữ chửi đổng, cách chống lại hiệu quả hơn nhiều là dùng tiếng cười và óc sáng tạo hài hước của mình.
Ví dụ như khi nghe “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc”, người Việt Nam có thể kiến nghị chia sẻ “hồng phúc” này cho toàn thế giới. Chúng ta có thể đề cử các lãnh đạo (và con cháu tài năng của họ) vào những chiếc ghế đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, thậm chí là yêu cầu các cường quốc hàng đầu thế giới phải mời những lãnh đạo hồng phúc của dân tộc sang nắm quyền để san sẻ bớt hạnh phúc cho nhân loại.
Hoặc khi nghe quan chức “buôn chổi đót xây biệt phủ”, người dân có thể kiến nghị lập hẳn “hiệp hội chổi đót toàn cầu”, đề cử vị quan chức này và cả gia đình ông ta làm lãnh đạo, phát thư mời đến bạn bè năm châu, đặc biệt ở những quốc gia có truyền thống làm chổi (mà mãi vẫn không giàu).
Hay nếu có ai đó chép miệng khi đọc câu chuyện bầu cử ở đầu bài viết, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một phiên bản khác. Chẳng hạn:
Một người bình luận trên mạng xã hội về chuyện bầu cử sắp tới: “Bầu hay không bầu thì có khác gì nhau đâu các bác? Người ta sắp xếp hết rồi”.
Chính quyền tức giận. Để chứng minh đây là cáo buộc sai sự thật, họ mời người này trực tiếp ra ứng cử.
“Nhưng tôi có quen biết ai, cũng đâu ai quen biết tôi?”
“Không sao cả. Có đảng lo, anh chắc chắn sẽ trúng cử.”