Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
70 năm sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn, người Hàn Quốc đã bước ra khỏi bóng tối.
Lý tưởng cách mạng nào cao cả tới mức khiến người ta phải giết nhau?
Huân chương chiến công có ý nghĩa gì khi nó phải trả bằng sinh mạng của người khác?
Rốt cuộc thì chúng ta tham gia chiến tranh để làm gì? Chống lại ai? Cuối cùng đạt được cái gì?
Đó là những câu hỏi xuất hiện rất nhiều lần trong phim “Taegukgi”, một tác phẩm điện ảnh chiến tranh của Hàn Quốc được hoàn thành vào năm 2003, đúng 50 năm sau khi cuộc chiến hai miền Triều Tiên kết thúc.
Tên của bộ phim, có nghĩa “giương cao ngọn cờ tổ quốc”, dễ khiến nhiều người Hàn Quốc thế hệ trước lầm tưởng đây lại là một phim tuyên truyền chiến tranh theo mô típ xưa cũ: phe ta là anh hùng, phe địch là thú vật, những gì ta làm đều đúng, những gì chúng làm đều sai.
Nhưng “Taegukgi” không phải là một sản phẩm tuyên truyền được nhào nặn từ nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền rồi từ đó gieo rắc cho người dân. Thay vào đó, nó chứa đầy các câu hỏi nhức nhối, những hiện thực trần trụi, và cơ hội để thức tỉnh lương tri.
Nếu theo dõi các bộ phim hành động bom tấn của Hàn Quốc trong hai thập niên qua, ta dễ dàng nhận ra một mô típ kỳ lạ: rất nhiều các nhân vật anh hùng trong phim đều là người từ Bắc Hàn, tức là phía của kẻ thù.
Chiến tranh Triều Tiên tuy đã kết thúc vào năm 1953, nhưng hai miền vẫn chưa bao giờ ký hòa ước. Họ vẫn là kẻ thù, ít nhất là trên lý thuyết. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên, với kho vũ khí hạt nhân của mình, vẫn thường xuyên thực hiện các vụ phóng tên lửa đe dọa nhấn chìm người anh em phía Nam.
Năm 2010, theo điều tra và các bằng chứng từ phía Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã phóng ngư lôi đánh chìm một tàu ngầm của nước này, giết chết 104 thủy thủ trên tàu. Cuối năm đó, chính quyền Bắc Hàn thậm chí đã nã hàng trăm quả pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc, một bên tấn công trực tiếp lãnh thổ của bên kia.
Bất chấp các căng thẳng thường xuyên đó, hình ảnh của “kẻ thù” trong phim ảnh Hàn Quốc vẫn được khắc họa rất tích cực.
Nhiều phim hành động với đề tài phản gián (espionage) mô tả những điệp viên Bắc Hàn như các anh hùng có trình độ siêu hạng, ngoại hình cuốn hút, thông minh, quả cảm, nhân hậu, không ngần ngại hy sinh bảo vệ người khác.
Trong năm 2013, có ba bộ phim với nhân vật chính là điệp viên Bắc Hàn được tung ra: “The Suspect”, “The Berlin File” và “Commitment”. Các nhân vật chính đều một mình chống lại âm mưu của các nhóm tội ác. Trong “The Suspect”, cựu đặc nhiệm Bắc Hàn còn chống lại nhân vật phản diện là quan chức hàng đầu của chính quyền Nam Hàn.
Năm 2017, phim “Confidential Assignment” kể câu chuyện hợp tác phá án giữa cảnh sát hai miền, trong đó, nhân vật bên phía Hàn Quốc vụng về nhát gan, đối lập với nhân vật từ Bắc Triều Tiên gan dạ giỏi giang.
Cũng trong năm 2017, phim “Steel Rain” ra mắt với kịch bản Bắc Hàn bị một nhóm quân đội đảo chính, ám sát lãnh đạo, đổ tội cho Hàn Quốc. Nhân vật chính, một người lính Bắc Triều Tiên, một mình chống lại âm mưu này và cứu cả hai miền khỏi họa chiến tranh.
Năm 2019, trong phim “Ashfall”, một người lính Bắc Hàn cũng là nhân vật trung tâm trong nỗ lực giải cứu Triều Tiên khỏi thảm họa núi lửa đe dọa nhấn chìm cả bán đảo.
Hình ảnh người Bắc Hàn được mô tả như anh hùng, trong nhiều trường hợp lu mờ người Nam Hàn, và thậm chí chống lại các lãnh đạo tham nhũng của Nam Hàn, là chuyện chỉ mới chục năm trước đó không ai tưởng tượng được.
Trước khi có lãnh đạo dân cử đầu tiên vào năm 1993, trong suốt hơn 30 năm, đất nước Hàn Quốc bị các lãnh đạo quân sự độc tài cai trị.
Kiểm soát xã hội luôn là ưu tiên số một của các chế độ độc tài. Phim ảnh trong thời kỳ này bị kiểm soát gắt gao không kém gì báo chí.
Các bộ phim có nhắc đến đề tài chiến tranh, bất kể thể loại gì, đều phải có thông điệp chống cộng. Thông điệp này phải được thể hiện rõ ràng, không có dư địa cho một sự gợi mở hay ý đồ nghệ thuật nào. Những ai có liên hệ với Bắc Hàn đều phải được mô tả là các nhân vật khát máu, không biết suy nghĩ, và hành xử như động vật.
Những tác phẩm đi ngược lại các chỉ đạo này đều có thể bị xử lý theo Luật Chống Cộng sản (Anti-Communism Law).
Năm 1955, bộ phim “Piagol”, nói về những người Triều Tiên ủng hộ Bắc Hàn, đã bị cấm chiếu khi khắc họa những xung đột nội tâm của các nhân vật này, thay vì mô típ máu lạnh thường thấy. Phim chỉ được gỡ lệnh cấm khi đạo diễn chỉnh sửa, nhét thêm hình ảnh lá cờ Hàn Quốc vào cuối phim, đảm bảo người xem (phải) hiểu rằng nhân vật chính sau tất cả sẽ ủng hộ Nam Hàn.
Vào thập niên 1960, chính quyền tăng cường kiểm duyệt với việc sửa đổi Luật Điện ảnh (Motion Pictures Act). Năm 1966, giải thưởng điện ảnh Grand Bell Awards, tương đương với Oscar của Mỹ, còn thêm vào hạng mục riêng cho “phim có đề tài chống cộng xuất sắc nhất”.
Những nhà làm phim không tuân theo khuôn thức chung đều bị trừng phạt. Các phim như “Aimless Bullet” (1961, đạo diễn Yu Hyun-mok) và “The Seven Female POWs” (1965, đạo diễn Lee Man-hee) đều bị kiểm duyệt vì dám đưa ra ý đồ nghệ thuật riêng, trong đó, chủ yếu là cho các nhân vật Bắc Hàn có thêm “tính người”.
Đạo diễn Yu Hyun-mok còn bị khởi tố trả đũa trong một bộ phim sau đó khi ông công khai ủng hộ đồng nghiệp Lee Man-hee. Công tố viên khép tội ông phạm Luật Chống cộng qua phát biểu rằng các nhân vật lính Bắc Hàn nên được “mô tả như những con người thực, có xương có thịt”. Với suy nghĩ đó, phía công tố kết luận, ông đã “gật đầu với các tuyên truyền của Bắc Hàn, rằng quân đội bù nhìn của họ là tập hợp những con người biết thể hiện lòng thương”.
Hình ảnh nhân vật Bắc Triều Tiên trong phim Hàn Quốc trong suốt nhiều thập niên vì vậy đều có một mô típ chung: những cỗ máy giết chóc vô hồn không biết suy nghĩ.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi cùng với phong trào dân chủ hóa, ngày càng nhiều người lên tiếng yêu cầu bãi bỏ các biện pháp kiểm duyệt, hạn chế tự do ngôn luận.
Vào năm 1996, ba năm sau khi người Hàn Quốc lần đầu tiên bầu ra một lãnh đạo dân cử, Tòa án Tối cao nước này kết luận chế độ kiểm duyệt phim ảnh đang thực hiện là vi hiến.
Chỉ ba năm sau, năm 1999, phim “Shiri” của đạo diễn Kang Je-gyu được ra mắt. Đây được xem là bộ phim hành động bom tấn theo phong cách Hollywood đầu tiên của Hàn Quốc. Nó đạt thành công vang dội, với doanh thu trong nước vượt trên cả bộ phim Titanic lừng danh.
Đây cũng được xem là bước khởi đầu cho một làn sóng mới về đề tài chiến tranh và Bắc Hàn, khi các nhân vật của kẻ thù được mô tả với đầy đủ các góc nhìn về một con người: có tình cảm, có xung đột, và biết tự lựa chọn.
Tiếp nối thành công của “Shiri”, các loạt phim về đề tài chiến tranh, hành động của Hàn Quốc đều được đón nhận rộng rãi và có doanh thu cao.
Bên cạnh các phim thuần túy giải trí, điện ảnh Hàn Quốc giai đoạn này cũng tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị thương mại, vừa được đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật.
“Taegukgi” ra mắt năm 2004 và “Welcome to Dongmakgol” năm 2005 là hai đại diện nổi bật trong số đó.
Các phim này càn quét tất cả những giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Hàn Quốc khi ra mắt, đồng thời gây tiếng vang lớn ở các liên hoan phim quốc tế.
“Taegukgi” là sản phẩm tiếp theo của Kang Je-gyu sau “Shiri”. Bộ phim có sự tham gia của hai nam diễn viên chính rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, Jang Dong-gun và Won Bin.
Phim xoay quanh câu chuyện của hai người anh em bị bắt đi lính. Tác phẩm được khen ngợi khi trình bày hiện thực tàn khốc của chiến tranh từ một góc nhìn mới mẻ. Những người lính bị buộc phải tham gia một cuộc chiến mà mình không biết từ đâu ra. Lý tưởng duy nhất của họ là đảm bảo người thân của mình được an toàn, và động lực chiến đấu mạnh mẽ nhất của họ là trả thù cho những người thân bị hại.
Trong phim, sự tàn ác, vô nghĩa của cuộc chiến đến từ cả hai phía. Chính quyền Bắc Hàn tuyên truyền tẩy não thì lãnh đạo Nam Hàn cũng tẩy não tuyên truyền. Những người lính Bắc Hàn thảm sát dân thường thì những người Nam Hàn cũng giết hại thường dân. Những người dân bị cưỡng ép cầm súng, nhảy qua nhảy lại giữa hai lằn ranh phe đỏ phe xanh, thậm chí bước qua cả ranh giới giữa người và thú.
Như lời của Lee Jin-seok, người em trai, nhân vật đóng vai trò tiếng nói lương tri, “chúng ta chẳng khác gì họ, chẳng tệ hơn cũng chẳng tốt lành gì hơn”.
Hình ảnh hai người anh em bị xoay nghiền trong một cuộc chiến họ không hề có ý định tham gia cũng là hình ảnh chung của người dân Triều Tiên ở cả hai miền.
Nếu “Taegukgi” là một sử thi hoành tráng và đau thương, “Welcome to Dongmakgol” là một kiệt tác nhẹ nhàng mà thâm thúy.
Dongmakgol là tên gọi một ngôi làng tưởng tượng trên núi, nơi người dân sống cô lập với thế giới bên ngoài. Họ không hề biết gì về cuộc chiến thảm khốc đang diễn ra, cho đến khi dân làng tình cờ chào đón hai nhóm lính Bắc Hàn và Nam Hàn cùng đi lạc.
“Lần này chúng ta đánh nhau với ai, người Trung Quốc hay người Nhật Bản?”, một dân làng hỏi anh lính Nam Hàn.
Người lính trẻ này bối rối gãi đầu, chỉ biết lặp lại những điều mình được tuyên truyền, rằng anh “chống lại quân đội bù nhìn của bên kia”.
“Quân đội bù nhìn” lại cũng chính là cách mà những người Bắc Hàn dùng để gọi đối phương. Khi bị chỉ ra “chính các anh xâm lược miền Nam”, người lính trẻ Bắc Hàn giận dữ gạt phăng, để rồi xấu hổ gãi đầu khi được đồng đội xác nhận, “đúng là chúng ta chiếm đánh họ”.
“Người ta bảo tôi tiến về phía Nam thì tôi đi theo thôi…”, cậu lính trẻ Bắc Hàn lúng búng giải thích.
Đạo diễn của phim, Park Kwang-hyun, là một fan hâm mộ của đạo diễn hoạt hình lừng danh người Nhật Hayao Miyazaki. “Welcome to Dongmakgol”, vì vậy, có rất nhiều hơi hướng của các tác phẩm hoạt hình từ Studio Ghibli. Nhạc phim cũng do nhà soạn nhạc nổi tiếng Joe Hisaishi thực hiện.
Hiện thực tàn khốc của cuộc chiến được hiện lên nhẹ nhàng và hài hước qua lăng kính của dân làng Dongmakgol, những người cô lập từ lâu với bên ngoài, thậm chí không biết súng đạn là thứ gì và vì sao phải sợ nó.
Ở một nơi như vậy, những người lính của hai phe đối địch bỗng dưng không còn lý do gì để chém giết nhau.
Không còn lãnh đạo ra lệnh, không còn những giọng điệu tuyên truyền phải giết chóc, không còn lý tưởng rập khuôn phải nghe theo, họ dần dần kết bạn với nhau, và cuối cùng là chiến đấu cùng nhau để bảo vệ những dân làng vô tội.
Thông điệp của Dongmakgol đơn giản nhưng đầy sức nặng: khi không còn chịu sự kiểm soát của bên ngoài, bất kỳ ai cũng sẽ trở lại thành những con người hiền lành, chất phác và biết yêu thương nhau.
***
Những gì diễn ra trên phim ảnh dĩ nhiên không phản ánh tất cả suy nghĩ của người dân trên thực tế.
Nhưng trong những xã hội tự do, nó là một chỉ dấu tốt để đo lường cảm thức của công chúng.
Việc các bộ phim về đề tài chiến tranh, theo những góc nhìn hoàn toàn mới, được đón nhận tích cực là một bằng chứng cho thấy suy nghĩ của người Hàn Quốc về hòa bình, về cuộc chiến, về những người thuộc phe kia đã thay đổi rất nhiều.
Thông qua phim ảnh, họ đã dám đối diện những sự thật bị giấu kín, những tội ác không dám thừa nhận, và những nỗi sợ lâu nay không ai dám động tới.
Bằng cách đối diện với quá khứ, họ có đủ dũng khí để mơ về một tương lai như “Dongmakgol” – một thế giới nơi mọi người có thể sống yên bình bên nhau.