Học tiếng Anh về phỉnh nịnh chính trị, nhân chuyện “mái đầu bạc trắng hiên ngang”

Một lược khảo về phỉnh nịnh chính trị, từ truyện ngụ ngôn cho đến thời lập quốc Hoa Kỳ.

Học tiếng Anh về phỉnh nịnh chính trị, nhân chuyện “mái đầu bạc trắng hiên ngang”

Khi một vị đại biểu Quốc hội dành những lời “có cánh” cho dàn lãnh đạo Việt Nam như tả tiên tả bụt giữa Hội trường Diên Hồng, thật khó để người ta biết ông đang theo chủ nghĩa sùng bái cá nhân, hay đang tung những lời phỉnh nịnh.

Cụ thể, hôm 29/3, khi Quốc hội thảo luận về công tác của chủ tịch nước, chính phủ, trong nhiệm kỳ vừa rồi, đại biểu Nguyễn Anh Trí da diết:

“Cảm động vô cùng với một vị tổng bí thư, chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc.

Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua…”

Luật Khoa đã từng có rất nhiều bài viết về chủ nghĩa sùng bái cá nhân (personal cult), từ Triều Tiên cho đến Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói về nịnh nọt nói chung trong không gian chính trị (political flattery), đây vẫn là một đề tài ít người chạm đến. Vì vậy, trong bài viết này, người viết đề xuất chúng ta tập trung vào thuật ngữ thứ hai để cùng nhau học tiếng Anh.

Phỉnh nịnh từ câu chuyện ngụ ngôn con trẻ…

Ngụ ngôn (fable) phương Tây có rất nhiều câu chuyện để răn dạy trẻ con về sự nguy hiểm của phỉnh nịnh.

Dễ nhớ nhất có thể kể đến truyện ngụ ngôn “Quạ và Cáo” (The Fox and the Crow) của Aesop. Trong đó, vì lời nịnh nọt vô cùng… láo của cáo mà quạ mất miếng pho-mát đang ngậm trong miệng:

“How her feathers shine! What a beautiful form and what splendid wings! Such a wonderful Bird should have a very lovely voice, since everything else about her is so perfect. Could she sing just one song, I know I should hail her Queen of Birds.”

(Bộ lông vũ mới lấp lánh làm sao! Hình dáng thật xinh đẹp, đôi cánh thật mỹ miều! Một loài chim tuyệt vời thế kia có lẽ cũng phải có một giọng hót tuyệt trần, vì mọi thứ khác về nàng đều tuyệt hảo. Nếu nàng hót chỉ một bài thôi, ta sẽ ca tụng nàng là Nữ hoàng của các loài chim.)

Kết quả là, quạ há miệng ra…. Ảnh minh họa: Kids-pages.com.

Còn truyện ngụ ngôn của Andersen, “Bộ quần áo mới của hoàng đế” (The Emperor’s new clothes) cũng nổi tiếng không kém.

Câu chuyện kể lại việc hai kẻ thợ dệt lừa đảo tuyên bố rằng họ có khả năng dệt ra một loại vải thần kỳ, có thể trở nên vô hình trước mắt những kẻ không xứng đáng với vị trí đang nắm giữ (unfit for the office), hoặc dốt nát một cách quá bất thường. Vì kiểu quảng cáo này, từ quan tể tướng cho đến chính vị hoàng đế đều khen tấm tắc “bộ hoàng bào mới”. Đỉnh điểm của câu chuyện là vị hoàng đế không mặc gì cả để đi thị chúng.

Chúng ta thường kể câu chuyện này cho trẻ con để dạy chúng hai điều. Một, hiển nhiên, là về những kẻ phỉnh nịnh (flatterer) vốn luôn sẵn lòng nói ra những lời dối trá (insincere).

Nhưng điều thứ hai, quan trọng hơn, nhằm cảnh báo rằng chính chúng ta, những người không hẳn là không nhận thức được bản thân là ai (self-knowledge), nhưng lại say sưa với những điều hàm hồ mình được rót vào tai và kỳ vọng rằng chúng là sự thật.

…đến chủ đề của các triết gia

Trong hai tác phẩm Phaedrus (Đối thoại) và Gorgias (Nhà hiền triết), Plato dành kha khá thời gian để bàn về những người chân thật (frank speaker), đồng thời là những người yêu thương ta thật lòng (true lover). Đó là hình ảnh đối lập với “flatterer”, những kẻ giả dối mong muốn mưu hại ta.

Plato nghiên cứu các lý thuyết diễn thuyết thông dụng (conventional oratory) với tư cách là một hình thức phỉnh nịnh chính trị, từ đó gắn kết nó với nền dân chủ, chế độ độc tài và nền cộng hòa.

Ông ghi nhận nền dân chủ Athens tự hào với kiểu nói thẳng thắn (parrhesia hay frank speaking), một quan niệm khuyến khích người dân biểu đạt táo bạo hơn và can đảm hơn (daring and courageous). Nền dân chủ Athens chống lại việc che giấu các nỗ lực tìm kiếm sự thật, đặc biệt khi sự thật đó không phù hợp với trật tự thứ bậc xã hội chính trị (hierarchical social and political world), hay đơn giản vì công dân quan ngại cho hình ảnh của mình trước mắt người khác.

Theo Plato, nền dân chủ Athens luôn khuyến khích người dân biểu đạt táo bạo hơn và can đảm hơn. Tranh của Philipp Foltz (thế kỷ XIX).

“Flatterer” trong con mắt của triết gia Aristotle thì lại tham dự vào một mối quan hệ với tư cách là những kẻ bề dưới, thân thiện một cách quá mức (excessive friendliness) nhằm đạt được một lợi ích cá nhân nào đó. Kẻ phỉnh nịnh trong định nghĩa của Aristotle (Aristotelian flatterer) có mục tiêu và động cơ rõ ràng hơn kẻ phỉnh nịnh của Plato (Platonian flatterer).

Nền tảng triết học Hy Lạp cho chúng ta một nền văn chương lẫn lý luận về kẻ phỉnh nịnh rất thú vị ở châu Âu trung đại và cận đại.

Hai tác gia Ben Jonson và William Shakespeare, mỗi người đều có đóng góp một tác phẩm về sự nguy hiểm của phỉnh nịnh trong các vương triều.

Tác phẩm “Sejanus” của Johnson (lấy chính trị Rome làm chủ đề)  là một tác phẩm sống động về sự nguy hiểm của phỉnh nịnh chính trị bên trong một triều đình.

Theo đó, các nhân vật như Sabinius và Silius, những người trung thực và đức hạnh (honest and virtuous men), không thể hòa nhập vào một thế giới mà người ta tiến bước bằng phỉnh nịnh và phục tùng chính trị, chứ không phải năng lực (merit). Sự thống trị của Tiberius là dấu chấm hết của một thời huy hoàng tại Rome, đưa các nhân vật sang một thời đại mục ruỗng đầy những kẻ phỉnh nịnh thấp hèn và bẩn thỉu (vile and filthier flatteries).

Trong khi đó, tác phẩm nổi tiếng “King Lear” của Shakespeare không nhất thiết xoay quanh chủ đề phỉnh nịnh và tâng bốc chính trị, nhưng cái bi kịch của vở diễn khó mà được mô tả hết nếu không có chúng.

Cốt truyện xoay quanh việc Vua Lear mong muốn chia quốc gia ra thành ba phần, mỗi phần giao cho một vị công chúa cai quản. Vấn đề ở chỗ, việc ông chia sẻ quốc gia và quyền lực giữa ba người con gái lại không phải dựa trên tài năng của các con. Tiêu chuẩn duy nhất của ông là: Những người con gái yêu mến mình như thế nào?

“Tell me, my daughters,

(Since now we will divest us both of rule,

Interest of territory, cares of state)

Which of you shall we say doth love us most.

That we our largest bounty may extend

Where nature doth with merit challenge?

(Dịch tóm lược: Nói ta nghe, những người con gái yêu quý, khi ta định ý chia vương quốc thành ba kỳ. Kẻ nào nói được tình yêu mến dành cho ta hay nhất sẽ nhận được biên giới hoàng gia vô bờ bến.)

Vua Lear nổi giận vì con gái út Cordelia từ chối nói những lời tâng bốc. Bức họa “King Lear Banishing Cordelia” của John Boydell (1803).

Trong khi hai người chị của mình khua môi múa mép để dành được phần gia tài, người con gái út, Cordelia, thẳng thừng từ chối tham gia cuộc đua phỉnh nịnh. Cô nói rằng tình yêu mến của mình lớn hơn những lời tâng bốc, và khi bị vua Lear gặng hỏi, cô trả lời:

“Không gì cả.”

Vua Lear tức giận, từ bỏ Cordelia, tước bỏ mọi đặc quyền hoàng gia của cô, dù Cordelia là người con gái mà ông hết mực yêu chiều.

Khác với Tiberius trong vở “Sejanus”, vua Lear không ham muốn những lời phỉnh nịnh vì xu hướng chuyên chế của mình (tyrannical tendencies). Trái lại, Shakespeare mô tả Lear theo một góc nhìn khác, một kẻ dễ bị xu nịnh vì sự yếu đuối về tinh thần (mental weakness) cũng như sự thiếu hiểu biết (ignorance). Ông ta hy vọng có thể dùng danh hiệu nhà vua của mình để bù đắp những thiếu hụt đó.

Phỉnh nịnh dưới góc nhìn của các nhà lập quốc Hoa Kỳ

Sự nịnh bợ trong chính trị cận đại và hiện đại có lẽ được bàn một cách trực tiếp và căng thẳng nhất nhờ các chính trị gia Hoa Kỳ trong giai đoạn lập quốc.

Trong đó, phái Liên bang (Federalists) phê phán diễn ngôn của phái Chống Liên bang (Anti-Federalists) về tầm quan trọng của các kết nối địa phương và chủ nghĩa tự do, rằng chúng chỉ là thói phỉnh nịnh những khác biệt và thành kiến vùng miền (flattery of prejudice). Những thứ ấy chỉ có thể mang lại sự yếu đuối và mất đoàn kết của toàn quốc gia.

Alexander Hamilton, James Madison và John Jay, ba gương mặt của phái Liên bang. Ảnh: Wikimedia Commons.

Alexander Hamilton, đặc biệt sắc sảo trong ngòi bút của mình, khẳng định rằng phái Chống Liên bang gồm những kẻ hoặc mơ mộng tự đề cao tầm quan trọng của mình (aggrandize themselves), hoặc tự phỉnh nịnh bằng các lợi ích khi chia cắt đế chế non trẻ thành nhiều liên minh (confederacies), thay vì một liên bang dưới quyền một chính phủ thống nhất.

Ông gọi nhóm đó là kiểu “lộn sòng chính trị” (political legerdemain – một thuật ngữ rất đặc biệt mà có lẽ chúng ta để dành cho một kỳ khác), tức đưa ra những lập luận không trả lời được bất kỳ vấn đề nào ngoài việc che giấu sự thật (cast a mist over the truth).

Chính vì những lập luận kiểu này, theo Hamilton, phái Chống Liên bang đang dụ dỗ (seduce) người dân tin tưởng vào viễn cảnh của những nhà nước rải rác, sinh sống hòa bình và giàu mạnh. Từ đó, họ ngăn chặn người dân Mỹ nhìn thấy được con đường thật sự đến hạnh phúc và thịnh vượng của một nước Hoa Kỳ thống nhất.

Ngược lại, phái Chống Liên bang, mà đại diện tiêu biểu là John DeWitt III, cũng không phải vừa. John DeWitt từng viết rằng giấc mộng xây dựng nên một đế chế phổ quát (universal empire) của các tay chơi phái Liên bang thật ra chỉ là những lời tâng bốc mà họ dành cho những bộ óc non trẻ nhưng tham vọng của chính mình, với cái giá phải trả là sự tự do của người dân (fatal to the liberties of the people).

***

Dù là dưới dạng tâng bốc dành cho cá nhân, những lời có cánh dành cho một chính sách, hay là sự tự huyễn hoặc về năng lực và con đường mà mình chọn, phỉnh nịnh chính trị chắc chắn còn đất dụng võ trong nền chính trị Đông Tây kim cổ.

Vấn đề là, kiểu phỉnh nịnh ở Hội trường Diên Hồng vừa qua thì thật lộ liễu quá.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.