Tuần tin: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng ‘hạ cánh’ chưa an toàn
Các sự kiện nổi bật: * Kỷ luật ông Vương Đình Huệ; tạm hoãn xử lý ông Võ Văn Thưởng * Việt
Yêu cầu này sẽ loại trừ tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo không được chính quyền công nhận.
Năm 2002, Hy Lạp bỏ yêu cầu kê khai tôn giáo khi làm thẻ căn cước. Năm 2009, người Ai Cập có thể không khai tôn giáo khi làm thẻ căn cước. Năm 2012, chính quyền Palestine bỏ yêu cầu kê khai tôn giáo để tránh phân biệt đối xử giữa người Hồi giáo và Kitô giáo.
Nhưng năm 2021, Việt Nam lại chọn một hướng đi thụt lùi. Người Việt Nam khi kê khai tôn giáo để làm thẻ căn cước phải trình giấy chứng nhận tín đồ tôn giáo ở một số nơi.
Mặc dù quy định về tín đồ tôn giáo đã nằm trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 và Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng năm 2016, nhưng năm nay nó mới thật sự làm các tín đồ bị sốc, nhất là người theo đạo Phật.
Vào 5 năm trước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không lên tiếng về quy định này khi Bộ Nội vụ soạn thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Hơn một tháng nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giục tín đồ liên hệ các chùa để xin giấy chứng nhận phật tử/ quy y nhằm khai tôn giáo khi làm thẻ căn cước mới đối với nơi nào công an yêu cầu.
Mục tôn giáo đã không còn được in trực tiếp lên thẻ căn cước từ năm 2012, khi Việt Nam áp dụng mẫu thẻ 12 số.
Tuy nhiên, khi làm thẻ căn cước trước đây và cả bây giờ, người dân đều phải khai tôn giáo qua “Tờ khai căn cước công dân”. Dữ liệu sẽ được nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan chức năng có thể tra cứu dữ liệu này và biết ai theo tôn giáo nào.
Trước khi bỏ yêu cầu kê khai tôn giáo vào năm 2002, cảnh sát Hy Lạp từng bị cáo buộc là sử dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân để phân biệt đối xử với những người không theo Chính Thống giáo – tôn giáo của hơn 90% dân số Hy Lạp.
Tòa án Hành chính Tối cao của Hy Lạp đã tuyên bố rằng buộc người dân kê khai tôn giáo là trái với luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và Hiến pháp của nước này.
Còn tại Ai Cập, Helmy Eman, một nhà hoạt động nhân quyền nói với Luật Khoa rằng Hiến pháp nước này quy định chỉ có ba tôn giáo chính là Hồi giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo.
Từ những năm 2000, chính quyền Ai Cập đã thắt chặt hơn việc kê khai tôn giáo qua máy tính thay cho viết tay. Chính quyền mặc định ba tôn giáo theo hiến pháp trên máy tính để người dân chọn, và không còn lựa chọn để trống như trước. Người Ai Cập theo đạo Baha’i không thể làm thẻ căn cước nếu để trống mục tôn giáo của mình, hoặc phải chọn một trong ba tôn giáo trên.
Năm 2009, Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập đã giữ nguyên phán quyết của tòa hành chính cấp dưới rằng mọi công dân Ai Cập được quyền có các giấy tờ tùy thân mà không cần phải kê khai tôn giáo.
Tại Việt Nam hiện nay, có 16 tôn giáo với 36 giáo hội được nhà nước công nhận.
Trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, tín đồ được định nghĩa là “người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận”.
Mặc dù quy định về tín đồ tôn giáo đã có từ năm 2004, năm nay chính quyền bắt đầu thực hiện mạnh tay hơn, đặc biệt trong đợt cấp căn cước mới đang diễn ra. Động thái này đang làm nảy sinh nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, nói trên báo Giác Ngộ rằng: “Yêu cầu trưng dẫn giấy chứng nhận Phật tử là điều không có gì phiền hà”.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người đã gặp phiền phức với quy định này. Yêu cầu này cũng có thể dẫn đến phân biệt đối xử một cách có hệ thống trong tương lai.
Sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cộng đồng Phật giáo đã dấy lên nghi ngờ, rằng có lẽ do chính quyền buộc người kê khai đạo Phật phải có giấy chứng nhận quy y nên tổng số tín đồ sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 4,78% dân số cả nước.
Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng quy định khai tôn giáo phải kèm giấy chứng nhận sẽ gây khó khăn cho người Khmer.
“Người Khmer ở Nam Bộ đã theo đạo Phật từ hàng ngàn năm qua, họ cũng chỉ có Phật giáo là tôn giáo chính mà thôi… Phật tử Khmer chỉ đến chùa làm lễ quy y Tam bảo, mãi về sau này, cùng với sự tiếp biến văn hóa, Phật tử Khmer mới được thầy bổn sư cho pháp danh nhưng vẫn không có giấy tờ nào kèm theo cả”, Hòa thượng Danh Lung nói trên báo Giác Ngộ.
Nếu nhìn sâu hơn, ý định của chính quyền Việt Nam có thể không phải là thống kê số tín đồ tôn giáo, mà là thống kê số người theo các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận.
Từ sau năm 1975, bên cạnh các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận, còn có nhiều tổ chức tôn giáo không được công nhận.
Yêu cầu khai tôn giáo kèm theo giấy chứng nhận tín đồ của các tổ chức tôn giáo sẽ loại bỏ những tín đồ thuộc các tôn giáo không được công nhận. Đó là những tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam độc lập, các hội thánh Cao Đài độc lập, các nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập, Hội thánh Tin Lành Đấng Christ của người Thượng, các nhóm Tin Lành tự phát ở Tây Nguyên,…
Năm 2004, Báo cáo viên đặc biệt về Tự do Tôn giáo, tín ngưỡng của Liên Hiệp Quốc Asma Jahangir đã khuyến nghị Israel và vùng Palestine bị nước này chiếm đóng về việc kê khai tôn giáo trên các loại giấy tờ tùy thân.
Báo cáo viên nhắc lại với Israel rằng việc thể hiện tôn giáo trên thẻ căn cước sẽ có nguy cơ bị lạm dụng hoặc dẫn đến phân biệt đối xử nghiêm trọng dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng của người đó. Việc giới hạn các lựa chọn tôn giáo khi kê khai là hành động phân biệt đối xử. Báo cáo cũng khẳng định rằng việc kê khai tôn giáo trên bất kỳ các loại giấy tờ hành chính nào phải dựa trên sự tự nguyện.