Sống ở Việt Nam muốn biết chuyện Việt Nam? Thử đọc báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ

40 trang báo cáo gói gọn các vấn đề nghiêm trọng của tình hình nhân quyền Việt Nam.

Sống ở Việt Nam muốn biết chuyện Việt Nam? Thử đọc báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
Minh họa: AFP/ Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tháng 3/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của hơn 200 quốc gia trong năm 2020 lên Quốc hội. Trong đó có báo cáo về tình hình Việt Nam.

Bản báo cáo hơn 40 trang giống như một bức tranh thu nhỏ về các vấn đề tồn tại trong xã hội Việt Nam. Trong đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong năm 2020. Các hành vi này bao gồm giết người tùy tiện hoặc bất hợp pháp; tra tấn, bắt và giam giữ tùy tiện; xâm phạm các quyền riêng tư; cấm cản việc thực hành tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do Internet, trong đó có việc tùy tiện bắt giữ và xét xử những người chỉ trích chính quyền.

Báo cáo cũng ghi nhận nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong xã hội Việt Nam hiện tại, trong đó có nền tư pháp thiếu độc lập, bầu cử thiếu tự do và công bằng, tham nhũng, phân biệt đối xử dựa trên giới và sắc tộc, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, và vấn nạn buôn người.

Ngoài ra, còn có những con số thống kê mà bạn không thường nghe đến, như có 30 nghìn người không có quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam, hay 22 nghìn trẻ em phải sống trên đường phố.

Hoa Kỳ đã luôn để mắt đến tình hình nhân quyền trên khắp thế giới. Khi công bố báo cáo nhân quyền năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken nêu lý do mà nước Mỹ tiếp tục làm việc này: đó là cách mà họ giữ gìn giá trị của chính mình. Ông cũng nhắc lại một nguyên tắc rằng trong vấn đề nhân quyền, chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau (interdependent). “Khi bất kỳ ai bị tước đoạt nhân quyền, các mắt xích liên kết con người ở khắp nơi đều bị ảnh hưởng”, ông viết.

Các bạn nhỏ đang đọc Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Ảnh: Universal History Archive/ Universal Images Group/ Getty Images.

Ngay sau khi báo cáo được công bố, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng cho rằng nhiều thông tin trong bản báo cáo này là “thiếu khách quan”, “dựa trên những thông tin không được kiểm chứng”. Họ cũng nói rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi nhằm “tăng cường hiểu biết” giữa đôi bên.

Tại sao bản báo cáo này có giá trị?

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố báo cáo của họ được thực hiện dựa trên nguyên tắc khách quan, đầy đủ, và công bằng. Các báo cáo này do cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở các nước sở tại soạn thảo, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn (gồm quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, luật gia và các chuyên gia pháp lý, nhà báo, các học giả, nhà hoạt động về quyền lao động và các báo cáo trước đó).

Sau đó, các bản dự thảo được Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor) phối hợp cùng các cơ quan khác của Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia trong các lĩnh vực tương ứng thẩm định và biên tập lại. Thông tin được kiểm chứng độc lập dựa trên nguồn tin riêng của vụ và Sở Lao Động (Department of Labor).

Ở Việt Nam, chúng ta gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tự do và minh bạch thông tin (đây cũng là một vấn đề được nêu trong báo cáo). Các thông tin gây bất lợi cho chính quyền đều có nguy cơ bị kiểm duyệt, những nỗ lực vượt thoát vòng kiểm duyệt đều có thể bị trừng phạt nặng nề. Những nhà nghiên cứu độc lập từ nước ngoài bị cản trở thực hiện điều tra tại những điểm nóng. Kết quả là, mọi chuyện xảy ra đều như có một lớp bụi phủ mờ.

Trong tình thế đó, những báo cáo nhân quyền bài bản và thường xuyên của Hoa Kỳ giống như những chiếc chổi lông gà giúp gạt đi những lớp bụi dày đóng trên kính. Nó giúp chúng ta nhìn rõ hơn xã hội của chính mình đang sống.

Độc giả có thể đọc toàn văn bản báo cáo bằng tiếng Anh ở đây. Trong bài viết này, Luật Khoa điểm qua một số vấn đề nổi bật về chính trị, pháp luật và các nhà hoạt động.

Vụ việc tại Đồng Tâm được xem là hành vi giết người tùy tiện

Báo cáo có bốn lần nhắc đến vụ việc tại Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 để dẫn chứng cho bốn nhóm hành vi vi phạm nhân quyền khác nhau.

Ảnh chụp từ video ghi lại cảnh cảnh sát đưa quân vào làng Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020. Ảnh: RFA.

Thứ nhất, việc một lượng lớn cảnh sát có vũ trang thuộc Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã bao vây làng Đồng Tâm và giết ông Lê Đình Kình tại tư gia được xếp vào nhóm hành vi giết người tùy tiện, bất hợp pháp hoặc vì động cơ chính trị.

Thứ hai là chuyện tra tấn. Báo cáo dẫn lời của một trong những dân làng Đồng Tâm bị bắt giam và sau đó được thả sau vụ đụng độ với cảnh sát. Người này cáo buộc rằng các điều tra viên của Bộ Công an đã tra tấn nhiều người trong số 29 bị cáo bằng cách giật điện, dí thuốc lá cháy vào các bộ phận cơ thể, trấn nước và các phương pháp không để lại dấu vết vật lý.

Thứ ba là vi phạm trong quy trình thẩm vấn. Theo đó, trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 9/2020, công tố viên đã cho phát các đoạn video trong đó các bị cáo nhận tội. Người tư vấn pháp lý của các bị cáo cho rằng họ đã bị ép buộc. Báo cáo cho rằng đây là một hành vi sử dụng video để thao túng cách nghĩ của tòa án và công luận về vụ việc, trái với pháp luật của chính Việt Nam.

Thứ tư là vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng và công khai. Báo cáo dẫn lời các chuyên gia pháp lý, học giả và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng có “những sự bất thường nghiêm trọng” trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm. Tòa đã ngăn không cho người nhà bị cáo tham dự phiên tòa, mặc dù người nhà của các sĩ quan công an bị thiệt mạng đều có mặt đông đủ.

Chính quyền bắt giữ tùy tiện và đàn áp các nhà hoạt động

Chính quyền bị cáo buộc bắt hoặc giam giữ những nhà hoạt động trái pháp luật hoặc dựa trên chứng cứ giả mạo. Các nhà hoạt động cũng thường xuyên bị quản thúc tại gia mặc dù họ không bị buộc tội.

Việc giam giữ mà không có lệnh bắt của công tố viên là một thực tế phổ biến, báo cáo dẫn lời của các luật sư nhân quyền cho biết.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát hoặc công tố viên thường xuyên vi phạm các quy định về thời hạn giam giữ. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng trong năm 2018, có tổng cộng 230 người đã bị giam giữ hoặc tạm giữ quá thời hạn quy định.

Nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã bị bắt giam tùy tiện. Chính quyền cũng thường xuyên sách nhiễu những nhà hoạt động nhân quyền khi họ trở về từ nước ngoài.

Vào ngày 8/5/2020, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông Phùng Thủy mà không có lệnh bắt. Theo một số nhà hoạt động, các sĩ quan công an đã sử dụng nhiều kỹ thuật thẩm vấn bạo lực để buộc ông Thủy phải khai báo mối quan hệ của ông với Nhà xuất bản Tự Do.

Báo cáo cũng ghi nhận sự sách nhiễu gia tăng của chính quyền với Nhà xuất bản Tự Do trong năm 2020. Việc nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt cũng được cho là liên quan đến cuộc càn quét của chính quyền đối với đơn vị xuất bản độc lập này.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào ngày 6/10/2020 ngay sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt lần thứ 24 vừa kết thúc. Ảnh: Phạm Đoan Trang / Facebook.

Có tình trạng tra tấn và bạo lực trong nhà tù

Mặc dù Hiến pháp Việt Nam nghiêm cấm tra tấn, nhưng cảnh sát, quan chức an ninh mặc thường phục và nhân viên trung tâm cai nghiện ma túy thường ngược đãi, tra tấn nghi phạm trong quá trình bắt, giam giữ và thẩm vấn.

Các nhà hoạt động cho biết các nhân viên của Bộ Công an đã hành hung các tù nhân chính trị để ép cung. Các nhóm giám sát nhân quyền đã đưa ra nhiều báo cáo về việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức trong khi làm nhiệm vụ và tra tấn những người bị giam giữ.

Minh họa của Tổ chức n xá Quốc tế về nạn tra tấn trong nhà tù Việt Nam với nội dung: “Đừng đáp lại, nếu không họ sẽ giết bạn”. Ảnh: Amnesty International.

Bạo lực giữa các tù nhân không được ngăn chặn. Ngày 7/5/2020, tù nhân Lê Hoàng Quang được cho là đã dùng dùi cui đánh chết phạm nhân chung buồng giam (Nguyễn Quang Lập, 36 tuổi) ở trại tạm giam Công an huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) sau một cuộc tranh cãi.

Theo báo cáo, có nguồn tin về ít nhất 8 trường hợp người chết trong khi bị giam giữ. Trong đó, theo chính quyền, có ít nhất 3 người chết do tự tử hoặc do bệnh mạn tính, và 1 người khác chết do bạn tù đánh đập.

Trong các nhà tù và trại tạm giam ở Việt Nam, tình trạng vệ sinh kém, chế độ ăn uống không đủ chất, thực phẩm không sạch, quá đông đúc và thiếu nước uống vẫn là những vấn đề nghiêm trọng.

Ngược đãi các tù nhân chính trị

Các tù nhân chính trị thường bị ngược đãi trong nhà tù. Họ phải chịu sự sách nhiễu của cai ngục và các tù nhân khác.

Tù nhân chính trị thường có khẩu phần ăn ít hơn so với tù nhân thông thường. Các cựu tù chính trị cho biết, khẩu phần ăn mỗi ngày mà họ nhận được là hai bát cơm nhỏ và rau, thường lẫn tạp chất như côn trùng và sỏi đá. Gia đình của các nhà hoạt động bị giam giữ cũng cho biết, điều kiện y tế trong nhà tù thiếu thốn dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài.

Chẳng hạn, vào tháng 6/2020, gia đình của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ đã đệ đơn lên trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cáo buộc quản giáo đã hành hung và ngược đãi ông Độ. Các hình thức ngược đãi bao gồm biệt giam, đánh đập và đưa thức ăn có trộn chất thải người.

Trong năm 2020, nhiều tù nhân lương tâm đã phải tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi trong nhà tù. Báo cáo ghi nhận rằng tòa án thường tuyên phạt rất nặng đối với các nhà hoạt động có thành tích nổi bật hay có liên hệ với các tổ chức quốc tế


Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.

Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.