Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tháng Tư là một tháng đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, và do vậy, cũng đặc biệt với những tờ báo như Luật Khoa.
Đó là tháng mà lòng người chia rẽ, làng báo cũng chia rẽ.
Sự kiện Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975, cho đến nay, vẫn mang lại một trong những phần lớn nhất trong tính chính danh của bên thắng cuộc. Báo đài quốc doanh, do vậy, cũng họa theo những “áp phích trên tường” và “những lời đanh thép”, bằng không thì cũng đi một vài bài “cúng cụ” cho phải phép với các quan kiểm duyệt. Họa hoằn lắm mới có vài bài đáng đọc.
Ở phía bên kia, bên thua cuộc, đó là một không khí vừa não nề, vừa căm giận, rất nhiều khi trộn lẫn với những nỗi hoài niệm và đớn đau. Báo chí Việt ngữ hải ngoại, một phần của không gian báo chí tiếng Việt, ít khi nào thiếu vắng những lời ai oán. Nhiều người gọi tháng này là “tháng Tư đen”.
Đội ngũ của Luật Khoa có những người là con em của cả hai bên và cả những người không thấy cần phải xác định mình ở bên nào. Chúng tôi cùng chia sẻ một điều: chỉ có cố công tìm hiểu một cách khoa học và nghiêm túc về Việt Nam Cộng hòa cũng như cuộc chiến tranh Việt Nam thì mới có thể có hòa hợp dân tộc.
Trong suốt hơn sáu năm vận hành của mình, đề tài Việt Nam Cộng hòa và sự kiện ngày 30/4/1975 luôn được chúng tôi đầu tư khai thác không thua kém bất kỳ đề tài nào. Có mấy lý do.
Một là, chúng tôi được truyền cảm hứng từ nền luật học của Việt Nam Cộng hòa. Cái tên Luật Khoa thực ra là mượn từ Luật Khoa Đại học đường, hay Đại học Luật Khoa Sài Gòn. Với xuất phát điểm là một nhóm gần như toàn là luật gia, luật sư, chúng tôi trân trọng những thành tựu luật học mà các học giả, giáo sư của Việt Nam Cộng hòa đã phát triển trong một khoảng thời gian 20 năm ngắn ngủi. Đó là thời kỳ có thể nói là rực rỡ nhất trong lịch sử luật học Việt Nam, thứ mà các trường luật Việt Nam hiện nay không có được.
Hai là, Việt Nam Cộng hòa là nền dân chủ đầu tiên của người Việt Nam và xứng đáng được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng. Nếu không tính vài trải nghiệm ngắn ngủi, vụn vặt và cực kỳ hạn chế thời Pháp thuộc và giai đoạn 1945-46, hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa của miền Nam là những trải nghiệm dân chủ hoàn chỉnh đầu tiên mà người Việt Nam có được trong suốt lịch sử hơn hai ngàn năm của mình. Cho dù còn rất nhiều khiếm khuyết, nền dân chủ Việt Nam Cộng hòa soi rọi cho chúng ta thấy – và dự báo cho chúng ta ngẫm – những vấn đề có thể nảy sinh khi gieo trồng những thành tố dân chủ trên mảnh đất văn hóa Việt Nam. Khi chúng ta cứ mãi nhìn sang Mỹ hay sang Nhật, Hàn, Đài, vốn có bối cảnh khác chúng ta rất xa, thì có ngay một ví dụ trên một nửa lãnh thổ Việt Nam tồn tại không quá xa trong lịch sử. Đó là vốn quý chúng ta phải tìm hiểu và gìn giữ cho muôn đời sau.
Ba là, chỉ khi nào bỏ công tìm hiểu rõ hơn về Việt Nam Cộng hòa và sự kiện ngày 30/4/1975 thì chúng ta mới có cơ hội hiểu đúng. Sự thật và những góc nhìn đa chiều có thể làm cơn hưng phấn của bên thắng cuộc chưng hửng và vết thương của bên thua cuộc rỉ máu, nhưng không có cách nào khác.
***
Vì những lý do như vậy, chúng tôi có chuyên mục “Việt Nam Cộng hòa” ngay từ năm đầu hoạt động và đã đăng hàng chục bài viết nghiên cứu, bình luận sâu về đề tài này.
Cách tiếp cận của Luật Khoa cũng khiến cả hai bên đôi khi không hài lòng, như chúng tôi đã trần tình trong bài “Luật Khoa tiếp cận vấn đề Việt Nam Cộng hòa như thế nào” hai năm trước đây. Nhưng chúng tôi tin rằng đó là một trong những thái độ đúng và cần thiết với vấn đề này.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm các dữ liệu, tài liệu về Việt Nam Cộng hòa vốn đang tản mác ở rất nhiều nơi trên thế giới và dần dần xây dựng một chương trình nghiên cứu chuyên sâu về mảng đề tài cực kỳ quan trọng này.
Nếu các bạn ủng hộ những nỗ lực của chúng tôi, hãy cân nhắc đóng góp cho Quỹ Nghiên cứu Việt Nam Cộng hòa tại đây: donorbox.org/luatkhoa.
Quỹ này sẽ được sử dụng riêng cho công tác sưu tầm tài liệu và chi trả nhuận bút cho các bài viết về Việt Nam Cộng hòa. Những ai trân trọng di sản của Việt Nam Cộng hòa hãy chung tay gìn giữ và đúc kết kinh nghiệm lịch sử cho các thế hệ mai sau. Đó là việc tốt nhất mà thế hệ những người làm báo chúng tôi có thể làm, và chúng tôi cần bạn chung tay.
Trân trọng,
Trịnh Hữu Long – Tổng biên tập