Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Tương lai lúc nào cũng tối. Thay đổi không phải là đi đến tiệm tạp hóa rồi quay về nhà.
Nếu bạn là người quan tâm đến chuyện tạo ra thay đổi ở Việt Nam, thời gian vừa rồi hẳn là tăm tối.
Ở Ba Đình, Quốc hội khóa cũ họp để hoàn tất một mục tiêu gọi là kiện toàn bộ máy. Sau tấm màn che, quyền lực thay đổi, một nội các mới hình thành. Chẳng người dân nào biết đấy là đâu. Trong khi đó, người dân được kêu gọi thực hành quyền và nghĩa vụ của mình sau hơn một tháng nữa, để chọn ra những người đại diện cho họ. Những đại diện đó sau khi được bầu ra làm nốt vai trò lịch sử: tán thành phương án kiện toàn của những người tiền nhiệm. Mọi người ai ngồi yên chỗ nấy, chuyện đâu vào đấy.
Trên khắp đất nước, có những người quyết định thực hành quyền chính trị của mình bằng cách tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Có người vừa nộp hồ sơ xong thì an ninh đã tìm đến tận nhà. Có những người tự ứng cử khác bị bắt. Phần lớn thì như dự đoán, bị loại ra một cách rất đúng quy trình, thông qua những vòng hiệp thương.
Vài ngày trước, Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt. Ba người phụ nữ được cho là can đảm nhất trong phong trào phản kháng tại Việt Nam đều đã phải vào tù. Đáng buồn hơn là, những tiếng phản đối cũng nhỏ dần đi rồi tắt hẳn. Chẳng ai muốn nói gì nữa. Một lời than vãn bây giờ cũng được định giá rõ: 7,5 triệu đồng.
Chính quyền có vẻ là đang thắng trên mọi mặt trận. Vừa làm được việc họ muốn, vừa giữ được tính chính danh.
Tôi phải đi tìm một cuốn sách để giúp mình nuôi hy vọng.
***
“Đối thủ của bạn muốn bạn tin rằng mọi thứ là vô vọng, rằng bạn chẳng có quyền lực gì, rằng chẳng có lý do gì để hành động cả, rằng bạn không thể thắng. Hy vọng là một món quà mà bạn không cần phải từ bỏ, một quyền năng bạn không buộc phải ném đi.”
Rebecca Solnit mở đầu cuốn sách của mình như vậy. “Hope in the Dark“, ra đời năm 2003, được ví như một chiếc đèn pin để các nhà hoạt động (activists) soi vào tương lai tăm tối. Cuốn sách được viết khi bản thân tác giả, một nhà hoạt động, đối diện với nỗi thất vọng vì nước Mỹ quyết định bắt đầu cuộc chiến tại Iraq. Nó mời gọi người đọc thay đổi cách nghĩ về chính sự thay đổi, nhắc lại những thành tựu trong lịch sử mà người ta thường bỏ quên trong sự hỗn loạn của đời sống thường ngày, và bồi đắp thêm nền tảng cho hy vọng đứng vững.
Thú thực là những câu chuyện về thay đổi trong lịch sử không làm tôi ấn tượng. Bức tường Berlin, Cách mạng Hoa Nhài ở Tunisia, Mùa xuân Ả Rập v.v…, những sự kiện ấy tôi đều đã được nghe cả, và chúng diễn ra ở những bối cảnh xa xôi chẳng liên quan đến tôi. Sự tối tăm ở Việt Nam là một kiểu khác, sự thờ ơ với chính trị và sự thoải mái với việc bị cai trị ngấm sâu vào đời sống ở Việt Nam là một mức độ trầm trọng khác – tôi nghĩ vậy.
Chiếc đèn pin của Rebecca Solnit chỉ bắt đầu rọi đến tôi ở chương sách thứ 10, khi bà nói về vấn đề trong sự sốt ruột của những nhà hoạt động. “Changing the Imagination of Change” (Thay đổi những hình dung về sự thay đổi) là tiểu luận khởi đầu của cuốn sách “Hope in the Dark”. Nó nhìn vào nội hàm của sự tham gia chính trị, chạm vào những tình cảm, những mong muốn vừa riêng tư lại vừa phổ quát của những người đòi hỏi thay đổi, và lý do khiến cho họ dễ thất vọng.
“Nhiều nhà hoạt động có một cái nhìn máy móc về thay đổi, hoặc có lẽ họ mong chờ điều mà những viên thuốc giảm cân giả quảng cáo, “bảo đảm hiệu quả nhanh và dễ dàng”. Họ mong chờ kết quả sau cùng, sự xác quyết, những mối quan hệ nguyên nhân – kết quả dễ thấy, những lợi ích ngay lập tức. Để rồi kết quả là họ chỉ thấy sự thất vọng, về sau trở thành những nỗi cay đắng, sự nghi ngờ, thái độ biết-thừa-là-thể-nào-cũng-sẽ-thua. Họ làm mọi thứ trên một giả thuyết rằng với mỗi hành động, đều phải có một hành động đáp trả tương ứng và kịp thời, nếu không thì là thất bại.”
(Sao người ta bị bắt liên tục thế mà chẳng ai nói gì nhỉ, thật là tệ! Tôi bắt đầu thấy nhột khi sự sốt ruột của mình bị nhìn thấu.)
Lịch sử nhắc chúng ta rằng những sự thay đổi không diễn ra giống như một ván cờ có hồi kết. Nó giống như thời tiết, bao gồm nhiều hiện tượng phức tạp với những hiệu ứng trộn lẫn vào nhau, và nó cứ như thế mãi. Một cú đập cánh của một con bướm ở châu lục này có thể tạo ra một cơn bão ở châu lục khác, nhưng quá trình ấy có thể kéo rất dài.
Cần một thế kỷ để chấm dứt chủ nghĩa nô lệ ở Mỹ, nhưng những hậu quả của nó đến giờ vẫn tồn tại. Cần một thế kỷ để phụ nữ được quyền đi bầu, nhưng cuộc chiến với các định kiến giới thì chưa từng kết thúc. Hành trình tạo ra thay đổi không giống như đi bộ đến cửa hàng tạp hóa ở góc phố để mua một món hàng rồi quay về nhà. Trái lại, nó là sự dấn thân vào vùng bất định.
“Tương lai lúc nào cũng tối”, Solnit biện luận, nhưng sự tối tăm đó không nhất thiết là tồi tệ, nó chỉ có nghĩa là bí ẩn. Nếu chúng ta tiếp tục lần mò trong bóng tối đó và tìm cách đi tới, nhiều khả năng khác sẽ có cơ hội xảy ra.
Cơ sở mạnh mẽ nhất của hy vọng là sự bất định. Chỉ có một điều chắc chắn thôi, là mọi thứ sẽ thay đổi. Sự bi quan rằng mọi thứ rồi sẽ như cũ về căn bản là không đúng. Sự lạc quan rằng mọi thứ rồi sẽ tốt lên cũng không hề có cơ sở. Và cả hai lời khẳng định chắc nịch này đều là lý do để từ chối hành động. Hy vọng thì khác. Cơ sở của hy vọng là niềm tin rằng những hành động của chúng ta có hiệu ứng. Nhưng hiệu ứng vào lúc nào, tác động đến ai, như thế nào thì ta không biết trước. Quan trọng là ta bắt tay vào làm.
Hy vọng không có nghĩa là ngồi yên trên ghế sofa của mình đeo cặp kính hồng và tin mọi thứ sẽ ổn. Hy vọng kéo chúng ta đứng lên, xô chúng ta ra khỏi cửa, mời gọi chúng ta bắt tay vào hành động. Sai hay đúng, thành hay không thành, là chuyện quá sớm để phán xét. Tuyệt vọng khi chưa làm hết những thứ có thể làm chẳng qua là một lựa chọn dễ dãi hơn.
***
Ở Việt Nam bây giờ cũng tối. Trong mắt tôi, những động lực thay đổi chưa từng yếu như lúc này. Nhưng cuốn sách của Rebecca Solnit gợi ý rằng đó có thể là do tôi lười tìm kiếm thôi. Chuyện có thêm ai đó bị bắt không nên khiến tôi tuyệt vọng, thay vào đó, tôi nên bắt đầu tìm hiểu về những việc họ làm trước khi bị bắt, và kể lại những thay đổi nhỏ mà họ đã góp phần tạo ra. Những ký ức đó sẽ giúp chúng ta không bị hiện tại tối tăm đánh lừa rằng mọi thứ lâu nay vẫn thế.
Đó là một bài tập thể dục tinh thần có thể cần thiết cho cả bạn, nếu bạn cũng đang tìm một lý do để giữ một ngọn lửa nhỏ trong mình. Nếu lửa tắt, hãy nghĩ về những người đang ở trong tù. Tối tăm mà chúng ta nhìn thấy ở đây đâu là gì so với họ.
Nếu tất cả những gì chính quyền muốn là chúng ta bỏ cuộc, buông xuôi, thì hy vọng bản thân nó đã là một hành động phản kháng.
Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.