Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một trong những bài viết đầu tiên của Phạm Đoan Trang mà tôi đọc được là bài “Tự do âm và tự do dương”. [1] Ở góc nhìn của một sinh viên chỉ vừa mới ra trường như tôi vào thời điểm đó, tự do âm (negative freedom) và tự do dương (positive freedom) vừa là hai thuật ngữ thú vị, vừa là điểm khởi đầu cho một hành trình tư tưởng đầy trắc trở và sẽ còn kéo dài rất lâu của riêng tôi:
Liệu loài người chỉ mong muốn chính quyền, nhà nước và các ngoại lực khác để yên cho họ tận hưởng tự do âm? Hay chúng ta đang đi đến giai đoạn phát triển mà công dân đòi hỏi sự can thiệp từ yếu tố bên ngoài để họ có thể tận hưởng tự do dương?
Trong chặng đường tư tưởng này, tôi tình cờ phát hiện ra một học thuyết khác cũng liên quan đến “âm – dương”.
Hãy tưởng tượng về một bộ phim thần thoại giả tưởng.
Trong đó, những vị anh hùng của chúng ta bắt đầu hành trình chinh phục của mình khi những chúa tể hắc ám xuất hiện. Mục tiêu của họ là duy nhất: tiêu diệt đại ác nhân, mang lại hòa bình cho vùng đất.
Sau cuộc phiêu lưu khắp các chân trời góc bể, các anh hùng có màn chạm trán cuối cùng với đại ác nhân. Thế lực hắc ám bị tiêu diệt, và mọi người sống hạnh phúc mãi mãi về sau.
Đó là sự phát triển tuyến tính thường thấy trong hầu hết các bộ phim giả tưởng, cũng là cách hiểu phổ biến của con người về hòa bình – “hòa bình âm” (negative peace). [2]
Hòa bình, hiểu đơn giản, là tình trạng xã hội không tồn tại bạo lực (violence).
Hòa bình âm nhấn mạnh vào các yếu tố bạo lực tiêu cực diện rộng như chiến tranh giữa các quốc gia hay xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc. Nó lên án những hành vi xung đột bạo lực ngay lập tức, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và thách thức toàn bộ cán cân xã hội.
Những người mong muốn hòa bình âm từ đó mà đẩy mạnh kêu gọi việc triệt tiêu các yếu tố xung đột và chiến tranh.
Đó có thể là đánh bại hoàn toàn một thế lực tham chiến như cách mà chúng ta kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Đó có thể là sự hòa hoãn, nhượng bộ, đánh đổi của các bên tham chiến và từ đó đi đến kết quả hòa bình, như cách mà Chiến tranh Việt Nam hay xung đột Israel – Palestine gần đây chấm dứt.
Song nỗi ám ảnh với hòa bình âm có thể khiến chúng ta có cách hiểu sai về bạo lực và bất công.
Bạo lực không chỉ tồn tại trong chiến tranh hay những xung đột khổng lồ. Những thứ bạo lực ám ảnh nhất, tàn nhẫn nhất lại càng không phải là sản phẩm độc quyền của chúng.
Trở lại với những khung trời thần thoại của chúng ta ban nãy, liệu sau khi tiêu diệt chúa tể hắc ám, loài người có thật sự thoát khỏi những giống loài thần thoại gây hại khác như tinh quái (troll) hay quỷ lùn (goblin)?
Môi trường hòa bình âm trong xã hội đương đại có thật sự là đấng cứu thế cho một thiếu nữ 15 tuổi bị cưỡng bức tập thể và không còn bất kỳ công cụ xã hội, pháp lý nào để tìm lại công bình cho mình?
Hay sự hòa hoãn ngừng bắn giữa các cường quốc có giúp ích được gì cho những gia đình bị đẩy vào trại tập trung, bị tước quyền làm người, phải lênh đênh vô định trên biển để tìm kiếm chút tình người?
Bằng cách luyên thuyên về hòa bình âm và lối diễn ngôn định hướng phổ quát (grand narrative), chúng ta quét vội những thứ bất công và bạo lực khác xuống dưới thảm, như thể chúng vô nghĩa lý và thậm chí không tồn tại. Chúng ta tự nhủ rằng chỉ cần đạt được hòa bình (hay đúng hơn là hòa bình âm), mọi thứ sẽ trở lại “bình thường”.
Vấn đề ở chỗ, cái tình trạng bình thường ấy cũng không chắc là thứ hòa bình mà chúng ta mơ ước.
Chính vì sự hời hợt và quan điểm sai lệch liên quan đến cách hiểu phổ thông của khái niệm hòa bình, nhà xã hội học, triết gia người Na Uy – Johan Galtung – phải đặt nền tảng mới cho triết học và cách nghiên cứu mới về hòa bình.
Tác phẩm của ông mở đầu cho toàn bộ ngành nghiên cứu về thuyết hòa bình (peace theory) và hòa bình học có tên gọi “Violence, Peace, and Peace Research”. [3] Trong đó, Galtung cho rằng bạo lực diễn ra trong chiến tranh hay xung đột chỉ đơn thuần là thứ bạo lực trực tiếp (direct violence) hay bạo lực cá nhân (personal violence). Chúng đau đớn và tàn nhẫn, song triệt tiêu được nhóm bạo lực đó không đồng nghĩa với việc chúng ta đã lấy lại được công bình.
Từ đó, Galtung cho rằng cần phải mở rộng khái niệm bạo lực hết mức có thể.
Ông nhận định: Bạo lực tồn tại bất kỳ khi nào mà sự hoàn thiện về thể chất và tinh thần của một con người (somatic and mental realizations) bị kìm hãm, khiến họ không thể đạt đến sự hoàn thiện kỳ vọng (potential realizations). Trên cơ sở này, Galtung cho rằng có rất nhiều hình thức bạo lực đang tồn tại: bạo lực văn hóa (cultural violence), bạo lực hệ thống chính trị (structural violence), bạo lực giới tính (sexual violence), v.v.
Thậm chí, Galtung còn đưa ra tính tương đối của bạo lực. Ông dẫn chứng, nếu một người chết vì bệnh lao (tuberculosis) vào thế kỷ 18, sự phổ biến của loại bệnh này cùng những giới hạn y học vào thời điểm đó khiến nó không được xem là một loại bạo lực cụ thể.
Tuy nhiên, nếu vào tận thế kỷ 21, với nguồn năng lực y tế gần như đã bất tận, việc một công dân chết do bệnh lao có thể là biểu hiện của “structural violence”, theo Galtung. Theo cách tiếp cận của Galtung, nghèo đói, bệnh tật, đàn áp hay tẩy não chính trị, v.v. đều là các sản phẩm của bạo lực đương đại.
Đặc biệt hơn, ông cũng cẩn thận tách biệt mình khỏi lưỡng đề nan giải tư bản chủ nghĩa – xã hội chủ nghĩa.
Đối với Galtung, xã hội tư bản chủ nghĩa nguyên thủy bị chỉ trích khi dành toàn quyền quyết định sản phẩm thừa và tư lợi của quá trình sản xuất cho giới chủ.
Điều này hình thành nên một trật tự chính trị bất công nơi giới chủ – những người đã đạt đến sự phát triển toàn diện – tiếp tục thống trị phần sản phẩm thừa, trong khi những người khác tiếp tục vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bệnh tật.
Tuy nhiên, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không phải phân phối tài sản, mà phân phối quyền lực mới là vấn đề. Thứ quyền lực này, tương tự như vốn và tư bản, cũng có thể được chuyển hóa bất kỳ lúc nào và thành bất kỳ thứ gì để duy trì một trật tự xã hội không công bình.
Điểm quan trọng mà Galtung muốn phân tích không phải là chủ nghĩa hay lý tưởng. Thông điệp triết lý của ông đơn giản hơn, nếu một người phải chịu nỗi thống khổ xã hội vốn có thể tránh được một cách khách quan thì nghĩa là vũ lực đã được thực thi và hòa bình đang bị đe dọa.
Ông gọi đó là hòa bình dương.
Như vậy, hòa bình dương không chỉ nhắm đến việc loại trừ chiến tranh hay xung đột bằng mọi giá. Nó còn có mục tiêu hoàn thiện các thể chế xã hội, xây dựng công bình xã hội, thiết lập phương án bình đẳng kinh tế khả thi, cân bằng sinh thái hay giúp công dân của mình có được những quyền tự do chính trị – dân sự hết sức cơ bản.
Việc kết thúc một cuộc chiến tranh có thể là một thành tựu trong việc xây dựng hòa bình âm, loại bỏ vũ lực trực tiếp và cá nhân. Tuy nhiên, xã hội ấy vẫn không chắc chắn đạt được hòa bình dương.
Kết thúc sớm một cuộc chiến chỉ vì bạn muốn nó như thế, song một nhà nước toàn trị lại mọc lên sau cuộc chiến?
Thỏa hiệp với một tổ chức khủng bố vì hy vọng nó sẽ mang lại hòa bình cho cộng đồng?
Có hàng trăm lý do khiến cho việc thiết lập một nền hòa bình âm chỉ để thấy nền hòa bình dương không được cải thiện, mà thậm chí càng lụn bại.
Có một luận điểm thường được dùng để chống lại Đoan Trang và hầu hết những nhà hoạt động mong muốn một xã hội công bình hơn: chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, công lao của chính quyền đương đại là trời biển. Đoan Trang và những người như cô phải biết ơn, chứ không phải chống phá.
Có hàng trăm câu hỏi có thể đặt ra để phản biện những lập luận kiểu này.
“Ai là người bắt đầu và có dã tâm tham chiến nhất trong chiến tranh Việt Nam?”
“Thế nào là chống phá?”
“Trong dân quyền có khái niệm biết ơn hay không?”
…
Nhưng trong giới hạn của bài viết này, chắc chắn bạn đọc nhìn thấy được người viết đi đến đâu.
Chiến tranh Việt Nam thật sự kết thúc, kẻ thắng người thua đã định đoạt, hòa bình âm đã được thiết lập, nhưng hòa bình dương có thật sự đã ca khúc khải hoàn trên mảnh đất này? Với những gì chúng ta thấy, hẳn là chưa.
Đoan Trang biết rõ điều đó hơn bạn, hơn tôi, hơn bất kỳ ai trong chúng ta.
Một người phụ nữ bé nhỏ với cách tự vệ duy nhất là viết lách, cô bị bắt bớ, bị đe dọa, bị xâm phạm sự riêng tư và xúc phạm thân thể, bị tấn công đến hỏng một chân, bị rượt đuổi bí bách suốt hàng năm trời. Đó liệu có phải là thứ hòa bình mà chúng ta thật sự mơ ước?
Không chỉ vậy, chúng ta còn có những dân oan mất đất, những người bị xét xử oan sai, những nhà hoạt động bị khủng bố ngày và đêm, những cư dân mạng không dám nói ra những gì mình nghĩ vì lo ngại bị trả đũa, những nhà báo không dám điều tra, những học giả không dám viết ra những tri thức hay ho đáng lẽ nên để lại cho hậu thế, v.v.
Trong lúc mà số đông đang ca lên khúc khải hoàn vì giết được tên chúa tể hắc ám cuối cùng, có thể chính tiếng hát ấy đang át đi tiếng kêu cứu, tiếng khóc của những gia đình, những người phụ nữ, những trẻ em bị đẩy ra bên lề xã hội.
Đoan Trang và những người như cô là những người chủ động tìm kiếm, thật tâm lắng nghe, và tìm cách đáp lại những lời kêu cứu đó. Thiếu họ, tôi không tin rằng có thể đạt được hòa bình dương ở bất kỳ xã hội nào.