Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
Cánh cửa cho các ứng cử viên độc lập không hẳn là đóng chặt như nhiều người nhận định.
Cách đây khoảng hai tháng, một người đàn ông ở Hà Nội đã bị phạt 7,5 triệu đồng chỉ vì nhắn dòng tin sau trong một nhóm Zalo:
“Bầu hay không bầu thì có khác gì nhau đâu các bác? Người ta sắp xếp hết rồi…” [1]
Vụ việc gây bất ngờ trong dư luận, nhưng có lẽ không phải là vì điều ông ta nói, mà là việc ông ta bị phạt.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cử tri đi bầu vô cùng cao, gần như lúc nào cũng trên 90%, [2] nhưng thực tế, bao nhiêu người thực sự đã đi bầu? Hay là phải chăng họ đã có người nhà bầu thay? Tình trạng bầu thay, bầu hộ ở Việt Nam đã hiện hữu từ những năm 1990. Khi đó, nhà quan sát người Singapore, David Wee Hock Koh, đã chính mắt mình chứng kiến tình trạng “một cử tri cầm 8 lá phiếu trong tay”. [3]
Khi tình trạng này kéo dài thì không có gì ngạc nhiên khi bầu cử ở Việt Nam luôn bị xem là một vở kịch không hơn không kém, và đương nhiên sẽ dẫn đến sự thờ ơ hoặc bất mãn, thể hiện qua những lời cảm thán trị giá 7,5 triệu đồng kia.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận kỹ hơn các quy định pháp luật hiện hành, ta sẽ thấy nếu cử tri được trang bị đầy đủ kiến thức và thông tin thì vẫn có thể có một khe cửa hẹp để thực thi quyền bầu cử.
Khi nói đến bầu cử ở Việt Nam, phải nói đến cơ chế “đảng cử, dân bầu”. Đây là một cơ chế vốn được thừa nhận từ lâu trong hệ thống chính trị của Việt Nam. [4]
Vào năm 2014, ông Nguyễn Sĩ Dũng, khi đó vẫn là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thừa nhận: “Chế độ bầu cử ở nước ta là đảng cử, dân bầu. Đảng giới thiệu các ứng cử viên và người dân bày tỏ nguyện vọng của mình trên cơ sở sự giới thiệu đó, nên chính khách của ta dễ trúng cử hơn”. [5]
Còn trước đó, vào năm 2011, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo thì nói với báo Thanh Niên rằng: “Ta hay nói ‘đảng cử, dân bầu’ và đúng là trên thực tế, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước do đảng giới thiệu nhưng bầu chọn ai thuộc quyền quyết định của nhân dân […]”. [6]
Nếu đúng như lời ông Thảo nói thì trong “bầu cử” ở Việt Nam, khái niệm “cử” hoàn toàn do Đảng Cộng sản quyết định, nhưng việc “bầu” có thể nằm trong tay người dân, dù sự lựa chọn bị giới hạn.
Nhìn vào danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) [7], ta thấy tại mỗi đơn vị bầu cử đều luôn có số dư, nếu phải bầu 3 thì danh sách phải có 5 người ứng cử, nếu bầu 2 thì phải có 4 ứng cử viên. Trong đó, ở mỗi đơn vị bầu cử, các ứng cử viên do trung ương giới thiệu được trộn lẫn với các ứng cử viên địa phương và các ứng cử viên tự ứng cử.
Trong đợt bầu cử này, số ứng cử viên do trung ương giới thiệu đã tương đương với 40% tổng số ghế trong Quốc hội, với 203 người được phân bổ về các khu vực bầu cử khác nhau. [8]
Những ứng cử viên được trung ương giới thiệu thường có sơ yếu lý lịch áp đảo các ứng cử viên khác. Có thể kể đến như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ứng cử viên ĐBQH ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên ở TP. Hồ Chí Minh, và nhiều bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị cũng được phân bổ về ứng cử ở các tỉnh thành khác.
Yếu tố “đảng cử” cũng xuất hiện trong việc giới thiệu các ứng cử viên địa phương, vốn thường là các chủ tịch, bí thư tỉnh ủy, hay các cá nhân sinh hoạt trong các chi bộ của doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước.
Vậy nếu bạn vẫn muốn chọn một đại biểu độc lập thì sao?
Trong Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành vào tháng Một năm nay [9] về việc xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, có quy định cơ cấu khoảng 5-10% đại biểu, tức 25-50 người, là người ngoài Đảng Cộng sản và 10% đại biểu trẻ tuổi, tức 50 người dưới 40 tuổi.
Đây cũng chính là tỷ lệ cơ cấu cho các đại biểu ngoài đảng và trẻ tuổi trong kỳ bầu cử 2016, theo Nghị quyết 1135 của UBTVQH khóa 13 – cho thấy đây không phải là bước tiến gì so với 5 năm trước.
Vào năm 2011, chỉ có 15 người tự ứng cử. Con số này tăng vọt lên 162 người vào năm 2016 khi có phong trào tự ứng cử của nhiều cá nhân nổi bật như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ca sĩ Mai Khôi. Tuy vậy, sau ba vòng hiệp thương, chỉ còn lại 97 người, và cuối cùng chỉ hai người tự ứng cử đắc cử.[10]
Đến đợt bầu cử năm 2021, số người tự ứng cử còn 77 người, nhưng không có nhiều cá nhân có tiếng nói phản biện cao như 5 năm trước. Đặc biệt, có hai trường hợp là ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt sau khi tuyên bố ra ứng cử ĐBQH vì “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. [11]
Dù chính quyền phủ nhận [12] mối liên quan giữa việc bắt giữ những người này và việc họ tự ứng cử, những động thái này cho thấy chính quyền không muốn để phong trào tự ứng cử phát triển ồ ạt như năm 2016 với các ứng cử viên là những người ủng hộ phong trào dân chủ.
Có thể thấy, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng, trẻ tuổi theo cơ cấu là rất thấp, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn muốn duy trì tỷ lệ này để thể hiện “tính dân chủ” trong bầu cử [13]. Đơn cử là có một số trường hợp nổi bật như diễn viên Hồng Ánh vào đợt bầu cử 2016 (nhưng không đắc cử).
Kỳ bầu cử năm nay cũng xuất hiện một số ứng viên rất trẻ, nhưng khi nhìn vào danh sách khu vực bầu cử, cửa thắng của họ là rất thấp. Chẳng hạn, đơn vị bầu cử số 1 của thành phố Hà Nội, có ứng viên Vũ Tiến Vương, sinh năm 1997, bị xếp vào một vòng bảng gồm những đối thủ nặng ký như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Nguyễn Quốc Duyệt và Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.
Những ứng viên trẻ, ngoài đảng này rất dễ trở thành miếng lót đường cho các ứng viên gạo cội, vì sẽ bị đánh giá thấp trên phương diện tuổi tác, kinh nghiệm, quyền lực và tầm ảnh hưởng đến quá trình lập pháp. Họ lại càng lép vế hơn trước những ứng viên hiện là quan chức trong cơ quan hành pháp.
Nhưng, không phải lúc nào ứng cử viên do trung ương giới thiệu cũng thắng cử.
Thực tế đã xảy ra tình trạng, ứng viên trung ương giới thiệu mà vẫn trượt… cái đoạch. [14]
Chính là vì ngoài tình trạng bầu thay, bầu hộ, còn xảy ra tình trạng “bầu mù”. Nếu bản thân cử tri không tin vào giá trị của lá phiếu của mình, chỉ tham gia đi bầu vì áp lực thành tích số người đi bầu và gạch… đại, thì việc các ứng viên sáng chói từ trung ương trượt là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều này càng cho thấy, nếu cử tri thực sự tìm hiểu, được cung cấp thông tin và tiếp xúc với các ứng cử viên thì họ có thể chọn ra người xứng đáng, và người đó không nhất thiết phải là một người do đảng cử.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng gian lận trong khâu kiểm phiếu. Thực trạng này tất nhiên không được phép phản ánh trên báo chí và chúng ta không có đủ bằng chứng ngoài lời kể của một số người chứng kiến khâu kiểm phiếu tại vài đơn vị bầu cử. Bản thân khâu này, theo Luật Bầu cử, cũng không mở cửa cho người dân tới dự và giám sát, và chỉ riêng điều này đã đủ để cử tri nghi ngờ tính trung thực của việc kiểm phiếu. Nhưng nếu như đa số cử tri ủng hộ một ứng viên, kết quả kiểm phiếu lại nghiêng về một người khác thì chắc chắn điều đó sẽ củng cố nghi ngờ gian lận khi kiểm phiếu.
Theo Điều 73, Luật Bầu cử 2015, một số ứng cử viên, tổ chức đại diện ứng cử viên và cơ quan báo chí có quyền tham gia kiểm phiếu và có quyền khiếu nại nếu có dấu hiệu gian lận [15]. Trong một số trường hợp, một vài cử tri “đáng tin cậy” cũng được phép theo dõi kiểm phiếu.
***
Chung quy lại, cánh cửa cho ứng cử viên độc lập, trẻ tuổi, ngoài đảng tuy rất hẹp nhưng không hẳn là đóng chặt như nhận định của nhiều người. Làm sao để có càng nhiều người dân tìm hiểu kỹ về ứng viên của mình, tham gia bỏ phiếu, tham gia khâu giám sát và thậm chí đứng ra ứng cử – đó sẽ là cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tự do và dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam.
Hãy khoan bàn luận đến quyền lực thực tế của các đại biểu Quốc hội, và việc được bầu vào Quốc hội rồi thì họ có thể tạo ra điều gì khác biệt hay không. Việc có một đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, ngoài đảng, nhưng hợp lòng dân thì chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng chính trị cho thế hệ trẻ – những người chủ tương lai của đất nước.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.