‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Không dễ để trở thành ngôi sao thứ 51 trên lá cờ Mỹ.
Đây là một câu chuyện thú vị nhưng không hề mới.
Khoảng 700.000 người dân thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ đang “gào thét” đòi được công bằng như 50 bang khác: Họ muốn thoát khỏi cảnh “vô thừa nhận” và Quận Columbia (District of Columbia) được trở thành bang thứ 51.
Theo Hiến pháp Mỹ, chính quyền liên bang phải được đặt tại một khu vực trung lập, không thuộc bang nào cả. Vì thế, không lâu sau khi được lập ra (1790), khu vực này đã được gọi là một quận, thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của Quốc hội liên bang.
Tuy nhiên, việc này khiến người dân bình thường sống ở thủ đô phải chịu thiệt thòi. Đến tận ngày nay, sau bao nhiêu cuộc biểu tình, vận động và đấu tranh, họ chỉ có được một đại diện tại Hạ viện và không có tiếng nói nào ở Thượng viện.
Người đại diện này thậm chí không phải là Hạ nghị sĩ (representative), mà chỉ là đại biểu (delegate). Vị này có thể phát biểu và soạn thảo dự luật, nhưng không có quyền bỏ phiếu cho bất cứ một dự luật nào.
Quốc hội nắm toàn quyền lập pháp tại D.C và có thể hủy bỏ các điều luật địa phương do quan chức địa phương thông qua.
Chính vì thế, quyền lợi của người dân D.C không được ai đấu tranh và đảm bảo cả.
Chẳng hạn, trong đạo luật cứu trợ khẩn cấp trong đại dịch COVID-19 năm 2020, mỗi bang đều được hơn một tỷ USD trợ cấp liên bang, người dân thủ đô lại chỉ được không đầy một nửa số đó.
Không giống các lãnh thổ thuộc Mỹ khác như Guam và Puerto Rico (cũng không có đại diện tại Quốc hội nhưng không phải nộp thuế), tính trung bình, mỗi người dân Washington D.C nộp thuế liên bang nhiều nhất nước Mỹ. Tuy diện tích nhỏ, số dân hơn 700.000 của D.C đứng trên hai bang Wyoming (580.000) và Vermont (620.000).
Tất nhiên, người dân thủ đô cảm thấy bất công. Suốt nhiều năm qua, họ biểu tình, kêu gọi Quốc hội làm gì đó để cho họ có tiếng nói đại diện tại cơ quan lập pháp liên bang.
Năm 2000, biển số xe ô-tô của người dân D.C được in vào dòng chữ: “Taxation without representation” (Phải nộp thuế mà không có người đại diện).
Đến năm 2016, khẩu hiệu trên biển số đã được đổi thành: “Chấm dứt việc nộp thuế mà không có đại diện” (End taxation without representation). Dòng chữ này được in tự động trên các biển số xe mới nếu chủ xe không có yêu cầu nào khác.
Có hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc người dân thủ đô Mỹ mãi không được lập bang, trong đó quan trọng nhất là cán cân quyền lực chính trị.
Người dân tại D.C chủ yếu ủng hộ Đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, 93% cử tri tại đây bầu cho Joe Biden, chỉ hơn 5% bầu cho Donald Trump.
Nếu trở thành bang thứ 51, Đảng Dân chủ sẽ có thêm ít nhất một hạ nghị sĩ, hai thượng nghị sĩ, và một tiếng nói quan trọng khi bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp.
Vậy lẽ tất nhiên, Đảng Dân chủ ủng hộ nỗ lực này còn Đảng Cộng hòa không muốn điều này xảy ra.
Ngày 22/4, lần thứ hai chỉ trong chưa đầy một năm, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một dự luật đưa Washington D.C trở thành bang thứ 51. Toàn bộ thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống, toàn bộ thành viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận.
Tháng 6/2020, Đảng Dân chủ, với đa số ghế Hạ viện, cũng thông qua một dự luật tương tự, nhưng dự luật này chết yểu tại Thượng viện.
Khi đó, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell chỉ trích động cơ của Đảng Dân chủ khi muốn thông qua đạo luật bang Washington D.C như sau:
“Họ muốn biến Quận Columbia thành một bang để họ có thêm hai thượng nghị sĩ Dân chủ mới. Rồi tới lượt Puerto Rico, họ lại có thêm hai Thượng nghị sĩ Dân chủ mới”.
“Chính vì thế, đây là một chiến dịch của phe xã hội chủ nghĩa…”.
Nhận xét này phản ánh nỗi sợ hãi trong Đảng Cộng hòa rằng cán cân quyền lực sẽ hoàn toàn nghiêng về phía đảng còn lại nếu D.C trở thành một bang mới. Năm ngoái, với tư cách là lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, ông McConnell đã từ chối đưa dự luật này ra bỏ phiếu.
Hiện tại, cán cân này hơi nghiêng về phía Đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ đang nắm Hạ viện và Nhà Trắng. Tại Thượng viện, số ghế chia đôi 50-50 giữa hai đảng.
Mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, có thể bỏ lá phiếu chót, nhưng thủ tục filibuster yêu cầu cần ít nhất 60 lá phiếu thuận để chấm dứt phần tranh luận một vấn đề tại Thượng viện để chuyển sang phần bỏ phiếu (trừ một số ít trường hợp đặc biệt).
Trong lịch sử Mỹ, việc được lập thêm bang mới hay không đã luôn phải cân nhắc đến cán cân quyền lực giữa các phe phái chính trị.
Năm 1820, quyền lực của hai phe phản đối và ủng hộ chế độ nô lệ cân bằng tại Quốc hội. Để Missouri, một bang ủng hộ chế độ nô lệ được sáp nhập vào liên bang, Quốc hội phải nhập thêm cả bang Maine – một bang tự do nữa. Điều kiện này được biết đến với cái tên Nhượng bộ Missouri.
Kể từ đó, hầu như các bang mới đều được thêm vào liên bang theo cặp.
Lần gần nhất Mỹ có bang mới là năm 1959 với bang Hawaii (ủng hộ Đảng Cộng hòa) và Alaska (ủng hộ Đảng Dân chủ).
Hiện tại thì không có thêm một vùng lãnh thổ nào để làm “cặp” với Washington D.C để duy trì cán cân quyền lực. Và nếu cố tình bẻ gãy filibuster để thông qua đạo luật bang Washington D.C với đa số quá bán (51 phiếu), thì sẽ mở ra vô số hệ lụy phức tạp mà nhiều thành viên Đảng Dân chủ không muốn đối mặt.
Ngoài ra, khả năng cao là nếu dự luật này được thông qua thì cũng sẽ bị kiện vi hiến ngay lập tức.
Hôm 13/4, Alan Wilson, Tổng chưởng lý bang South Carolina thay mặt 22 Tổng chưởng lý bang gửi một bức thư tới Tổng thống Biden và các lãnh đạo Quốc hội Mỹ. Trong thư, các tổng chưởng lý đe dọa rằng nếu đạo luật “Washington D.C trở thành bang” được thông qua, họ sẽ kiện “bằng mọi công cụ pháp lý có trong tay”.
Các tổng chưởng lý cho rằng việc Quốc hội ra luật để biến Washington D.C trở thành một bang mới là vi phạm Hiến pháp Mỹ. Lập luận của họ như sau:
Thứ nhất, Điều 1, Khoản 8 của Hiến pháp nước này quy định Quốc hội có độc quyền thực thi mọi quyền lực lập pháp tại “Quận làm trụ sở của chính quyền liên bang”.
Quốc hội không thể từ bỏ quyền lực này, và cũng không thể thu nhỏ diện tích “Quận” thành chỉ còn vài tòa nhà chính phủ và công viên như đề xuất trong dự luật của Đảng Dân chủ. Lý do là vì Hiến pháp ghi rõ Quốc hội có quyền kiểm soát đối với “Quận nơi đặt trụ sở” chứ không phải chỉ “trụ sở” của chính quyền liên bang.
Thứ hai, Tu chính án 23 đảm bảo quyền bầu chọn tổng thống Mỹ của người dân Washington D.C thông qua một số lượng đại cử tri nhất định. Nếu Washington D.C trở thành một bang thì sự tồn tại của Tu chính án 23 là vô nghĩa.
Cho nên, phe Cộng hòa khẳng định rằng các bậc quốc phụ không muốn Washington D.C trở thành một bang độc lập. Vì thế, cách duy nhất để D.C trở thành một bang mới là phải thông qua sửa đổi Hiến pháp, vốn là một con đường chông gai hơn nhiều.
Một điều lý thú là ông Joe Manchin, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang West Virginia cũng chia sẻ quan điểm này. Ông tuyên bố sẽ không ủng hộ đạo luật mà những thành viên trong đảng mình đang thúc đẩy, mà nếu muốn làm vậy thì phải kiến nghị thay đổi Hiến pháp và để người dân Mỹ bỏ phiếu quyết định.
***
Suốt hơn 200 năm, người dân thủ đô Hoa Kỳ vẫn phải sống trong cảnh phải gánh thuế mà chẳng có tiếng nói gì tại chính phủ liên bang (taxation without delegation).
Điều thú vị là “Taxation without representation” chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng Mỹ.
Năm 1765, sau khi Anh Quốc tăng thuế lên các thuộc địa Bắc Mỹ để chi trả cho chiến tranh, chín thuộc địa đã đứng lên tuyên bố Hoàng gia Anh không có quyền đánh thuế những người Mỹ không có đại diện nào ở Quốc hội.
“Đánh thuế mà không có người đại diện là bạo chúa” trở thành khẩu hiệu chống Anh. Mười năm sau, cuộc chiến cách mạng Mỹ nổ ra.
Không rõ liệu người dân thủ đô Mỹ có bao giờ tức đến nỗi đứng lên phất cờ “khởi nghĩa” như thế hay không, nhưng với tình thế bế tắc như hiện nay, hy vọng thay đổi của họ vẫn là khá mong manh.