‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Bầu cử tại Việt Nam là một chủ đề được báo đài ra rả nhắc đến, nhưng ít ai hiểu, và lại càng hiếm người quan tâm.
Người quan tâm và muốn tham gia một cách tường tận mà nằm ngoài hệ thống nhà nước thì lại gặp nhiều khó khăn.
Trong sự hỗn mang và đầy mâu thuẫn của môi trường bầu cử Việt Nam, có lẽ việc đầu tiên, dễ làm nhất, là học tiếng Anh pháp lý về quá trình bầu cử. Đây cũng là mục tiêu chính của hai bài viết này.
Bài viết sẽ khái quát về hệ thống bầu cử của các quốc gia trong các mô hình chính thể khác nhau, các chủ thể trong quá trình bầu cử, và những thuật ngữ quan trọng trong hoạt động bầu cử.
Thông qua việc tìm hiểu các khái niệm, bạn đọc sẽ có dịp quan sát hệ thống bầu cử ở Việt Nam trong tương quan với các quốc gia cấp tiến trên thế giới.
***
Bầu cử (election) không phải lúc nào cũng có ý nghĩa giống nhau, ngay cả ở những quốc gia dân chủ cấp tiến. Dù cử tri luôn là mục tiêu trung tâm của các hệ thống bầu cử như thế này, nguyên lý và phương thức sắp xếp bầu cử (electoral arrangement) là rất đa dạng.
Căn cứ đầu tiên để so sánh bầu cử chính là mô hình chính thể (polity). Thông thường, trong chính thể cộng hòa tổng thống (presidential republic), bầu cử có vai trò quan trọng trong việc hình thành cả nhánh quyền lực hành pháp lẫn lập pháp.
Ví dụ cụ thể nhất hiển nhiên là Hoa Kỳ. Tổng thống sẽ được bầu chọn trong cuộc bầu cử tổng thống riêng biệt (presidential election), trong khi hai cơ quan dân cử là Thượng viện (Senate) và Hạ viện (House of representatives) cũng có các cuộc bầu cử của mình cho từng giai đoạn (thường được gọi ngắn là congressional election).
Bầu cử tại tiểu bang được gọi chung là “gubernatorial elections”.
Mặt khác, trong chính thể cộng hòa đại nghị (parliamentary republic) thì việc bầu cử để chọn ra nguyên thủ là rất hiếm gặp.
Bầu cử sẽ chỉ diễn ra một lần, và nhắm đến việc tạo lập nên cơ quan dân cử – cũng sẽ là cơ quan quyền lực nhà nước duy nhất của hệ thống. Sau đó, nội các và các cơ quan hành pháp nói chung sẽ hình thành từ cơ quan dân cử nói trên, có trách nhiệm phụ thuộc và giải trình trước cơ quan dân cử.
Như vậy, đảng phái nào chiếm đủ số phiếu quyết định hầu hết các vấn đề quản trị quốc gia (thường là trên 50%) sẽ trở thành phe đa số (majority party), và từ đó có thẩm quyền thành lập chính phủ cũng như bổ nhiệm người đứng đầu chính phủ (có thể là thủ tướng – prime minister, hoặc đại chưởng ấn – chancellor).
Với phương pháp bầu như vậy, người đứng đầu chính phủ có thể bị thay đổi trong hai trường hợp:
Một là chính đảng của họ thua cuộc trong cuộc bầu cử kế tiếp.
Hai là bản thân người đứng đầu không thể vượt qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm (vote of confidence) trong chính nội bộ đảng mình. Điểm thứ hai là một đặc trưng riêng biệt của “parliamentary republic”.
Ngoài ra, chúng ta còn có mô hình cộng hòa hỗn hợp (mixed republic hoặc hybrid republic). Vẫn sẽ có hai cuộc bầu cử cho hai cơ quan lập pháp và hành pháp tương tự như cộng hòa tổng thống, tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ (cũng với tên gọi thủ tướng và đại chưởng ấn) thì lại không đồng nhất với chức danh nguyên thủ quốc gia (tổng thống).
Căn cứ quan trọng thứ hai để phân biệt mô hình bầu cử (và cũng gây nhiều tranh cãi hơn) là nguyên tắc thắng cử.
Trước tiên, có lẽ phải kể đến nguyên tắc đa số tương đối, hoặc nguyên tắc số nhiều (plurality rule) và nguyên tắc đa số tuyệt đối (majority rule).
“Plurality rule” hiểu đơn giản là bất cứ đảng phái hay ứng cử viên nào có nhiều phiếu nhất thì người đó chiến thắng trong cuộc bầu cử. Dịch ra tiếng Việt thành “số nhiều” do việc chiến thắng không có nghĩa rằng một bên được đa số (trên 50%) cử tri ủng hộ.
Đây là thực tế của của hầu hết hệ thống bầu cử hiện đại, và đã trở thành phương pháp cơ bản khi một cuộc bầu cử có quá nhiều ứng cử viên tham gia.
Tuy nhiên, “majority rule” vẫn sẽ có chỗ đứng của mình trong một số quy trình hoặc mô hình bầu cử.
Ví dụ như tại Hoa Kỳ, nguyên tắc “plurality” là rất rõ ràng với số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, khi quyết định kết quả cuối cùng của bầu cử tổng thống bằng chế định đại cử tri (electoral college), mốc 50% của nguyên tắc “majority” được áp dụng.
Tại Việt Nam, các ứng cử viên không là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng do các cơ quan phụ thuộc đảng này thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc không có sự cạnh tranh thực tế đáng kể giữa các ứng cử viên. Mô hình bầu cử với mốc 50% kiểu đánh giá tín nhiệm là phù hợp hơn cả.
Tại Điều 78 của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân ghi nhận rõ “Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.”
Ngoài hai nguyên tắc để lựa chọn người chiến thắng trong cuộc bầu cử, mô hình phân bổ số lượng người đại diện theo tỷ lệ (proportional representation) và mô hình được ăn cả ngã về không (winner takes all) cũng là hai mô hình đáng ghi nhớ.
Trong “proportional representation”, sự phân hóa chính trị của dân cư tại đơn vị bầu cử sẽ được phản ánh trong cơ quan được bầu. Đảng phái của bạn được bao nhiêu phần trăm phiếu sẽ nhận tương ứng bấy nhiêu phần trăm ghế.
Ví dụ rõ ràng nhất của mô hình này là Cộng hòa Liên bang Đức. Trong Quốc hội Liên bang của Đức (được biết đến với tên gọi gốc là Bundestag), hiện có 6 đảng phái với số ghế dao động mỗi đảng từ 67 đến 245 ghế.
Vì sẽ có khả năng không có đảng nào nắm quyền quyết định các vấn đề quản trị quốc gia theo luật, thuật ngữ “a coalition of parties”, hay liên minh đảng phái chính trị cũng rất đặc trưng cho mô hình này.
Ngược lại, mô hình “winner takes all” cho rằng mỗi đơn vị bầu cử sẽ chỉ được đại diện bằng một ứng cử viên. Dù anh sở hữu bao nhiêu phiếu, người có số phiếu nhiều hơn sẽ là người chiến thắng duy nhất tại đơn vị bầu cử đó.
Mô hình này gắn liền với “plurality rule”, và được gọi chung là “single-member district plurality” hay SMDP. Việc áp dụng SMDP cũng hay dẫn đến hiện tượng lưỡng đảng, tức chỉ có hai đảng phái mạnh nhất thống trị trong môi trường chính trị quốc gia.
Cách tiếp cận này có nền tảng tư duy chính trị rất lớn ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, từ đó dẫn đến sự ganh đua chính trị (political rivalry) giữa lưỡng đảng Cộng hòa – Dân chủ tại Hoa Kỳ và lưỡng đảng Bảo thủ – Lao động tại Anh, trở thành đề tài khai thác trên khắp thế giới.
Kỳ 2: Các chủ thể trong quá trình bầu cử