Tiếng Anh về bầu cử – Kỳ 2: Các chủ thể trong quá trình bầu cử

Tiếng Anh về bầu cử – Kỳ 2: Các chủ thể trong quá trình bầu cử
Người ủng hộ vây quanh Aung San Suu Kyi trong một chiến dịch kêu gọi người dân Myanmar bỏ phiếu cho NLD. Ảnh: EPA

Kỳ 1: Các hệ thống bầu cử trên thế giới


Chúng ta có thể chia các chủ thể của quá trình bầu cử thành bốn nhóm lớn: nhóm tổ chức (election organisers), nhóm ứng cử (candidates), nhóm cử tri (voters) và nhóm quan sát (observers). Chất lượng và tính độc lập của cả bốn nhóm thường cũng là chỉ dấu đánh giá chất lượng của một cuộc bầu cử.

Về nhóm tổ chức, thông thường sẽ có một cơ quan trung ương theo dõi và quản lý các vấn đề bầu cử một cách độc lập.

Tại Hoa Kỳ, đó là “Federal Election Commission” (Ủy ban Bầu cử Liên bang). Cơ quan này chủ yếu giám sát các văn bản pháp luật liên quan đến tài chính bầu cử, các khoản đóng góp cho bầu cử từ tư nhân cũng như quản lý các khoản chi công dành cho các ứng cử viên.

Tại Việt Nam, tổ chức trung ương tương tự là Hội đồng Bầu cử Quốc gia (National Election Council). Tuy nhiên, điều thú vị là một số chức danh của Hội đồng cũng đã được quyết định gián tiếp trước đó bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ví dụ, ông Vương Đình Huệ được lên làm chủ tịch Quốc hội trước khi cuộc bầu cử diễn ra, đồng nghĩa với việc ông này cũng nắm ghế chủ tịch của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Vậy ông sẽ chỉ đạo luôn việc giám sát quá trình bầu cử chính mình vào Quốc hội.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến các lực lượng tham gia vào hoạt động bầu cử như hướng dẫn, kiểm đếm phiếu, hậu cần, v.v.

Lại viện dẫn đến Hoa Kỳ, những người tham gia vào hoạt động bầu cử thường là các tình nguyện viên (volunteer), và mỗi tiểu bang có một quy định riêng. Chúng ta có thể gọi chung họ là nhân viên bầu cử với các thuật ngữ tiếng Anh như “poll worker”, “election official”, “election officer”, “election judge” hay “election clerk”.

Ở Việt Nam, thông thường các nhân viên công quyền tại phường, xã (ward official) và cán bộ thuộc các tổ chức chính trị nằm trong Mặt trận Tổ quốc (cadre) sẽ đóng vai trò nền tảng cho việc tổ chức, quản lý cũng như hậu cần của cuộc bầu cử.

Nhóm chủ thể quan sát bầu cử cũng là một nhóm ít xuất hiện tại Việt Nam.

Thông thường, trong các cuộc bầu cử dân chủ, có ba nhóm quan sát chính được ghi nhận và bảo vệ gồm: nhóm quan sát viên công dân theo đảng phái (partisan citizen observers); nhóm quan sát viên công dân phi đảng phái (nonpartisan citizen observers) và nhóm quan sát viên quốc tế (international nonpartisan observers).

Đây là những chủ thể được pháp luật bảo vệ quyền quan sát, giám sát, thậm chí là phản đối ngay tại chỗ các hành vi bất thường có khả năng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khả năng công dân tự mình giám sát bầu cử là rất thấp.

Hoạt động bầu cử

Cuối cùng, cũng cần nói sơ lược về tiếng Anh pháp lý liên quan đến bản thân hoạt động bầu cử. Đây là nhóm chủ đề có từ vựng khá phong phú nên chúng ta có thể chia thành hai tiểu mục nhỏ hơn là các hoạt động tiền bầu cử và hoạt động trong cuộc bầu cử.

Đối với các hoạt động tiền bầu cử (pre-election activities), chắc chắn sẽ phải kể đến việc lựa chọn ứng cử viên (pick a candidate).

Đối với các quốc gia đa dạng chính đảng, việc lựa chọn ứng cử viên trong nội bộ đảng được chia ra làm hai phương án chính.

Phương án đầu tiên là các đại biểu của đảng (delegate) sẽ tự thỏa thuận, tranh luận và bầu chọn ra người đại diện của đảng mình. Quá trình xem xét này thường được diễn ra trong các đại hội đảng, hay “party national convention”. Anh, Đức hay Pháp là những quốc gia mà thành phần lãnh đạo và đại diện các đảng được chọn bằng phương pháp đại hội như đã phân tích.

Song, họ cũng không thể giới thiệu một người không vừa mắt công chúng. Cơ chế bầu cử đa đảng cho phép cử tri xem xét và lựa chọn ứng viên từ đảng khác một cách tự do. Vì vậy, một số đảng… hỏi thẳng ý kiến của người dân. Điển hình ở Hoa Kỳ, việc hỏi ý các cử tri của mình được gọi là “primary election” hoặc “caucuses” tùy theo tiểu bang, hay bầu cử sơ bộ.

Các ứng cử viên tiềm năng nhận được số phiếu cao nhất từ các cử tri trung thành của đảng sẽ nhận được đề cử chính thức (nomination) của toàn bộ đảng đó. Những người này được gọi là ứng viên tổng thống, hay “presidential nominee”.

Riêng tại Việt Nam, giai đoạn tiền bầu cử mang phong cách Tây – Ta khá lẫn lộn.

Trong đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam (Vietnam Communist Party’s National Congress), hầu hết các chức danh quan trọng đã được các đảng viên quyết định tại đại hội. Nhiều khái niệm hay ho như “nhân sự hạt nhân”, “lãnh đạo cấp chiến lược”… là những từ mà không phải muốn dịch ra tiếng Anh thế nào là dịch.

Tuy nhiên, sau đó vẫn có một vòng thủ tục đề cử chính thức gọi là hiệp thương.

Hai cơ quan chính tổ chức và kiểm soát hiệp thương là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Vietnam Fatherland Front) và Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ở vòng này, hầu hết các ứng viên do Đảng Cộng sản giới thiệu vượt qua dễ như cưỡi ngựa xem hoa, trong khi các ứng viên độc lập sẽ gặp không ít khó khăn.

Hiệp thương có thể được dịch theo cách dễ hiểu nhất và gần nghĩa nhất là “pre-election collective negotiation”, hay “pre-election negotiation”, hay “election-vetting process”. Tuy nhiên, nhiều tài liệu nhà nước chỉ gọi chúng là “session”.

Ngoài ra, một giai đoạn tiền bầu cử không thể không nhắc đến nữa chính là vận động tranh cử (campaigning). Ở các quốc gia cấp tiến, “campaigning” là giai đoạn quan trọng nhất, nhưng đồng thời phải chịu sự kiểm soát nhiều nhất.

Vận động tranh cử cực kỳ quan trọng vì nó tạo ra không gian để các ứng cử viên công bố quan điểm, cương lĩnh hoạt động và thậm chí là tranh luận với các ứng viên khác. Thông qua đó, cử tri biết rõ hơn về chương trình hành động và tư tưởng chính trị của ứng cử viên, và đưa ra quyết định cuối cùng của mình.

Nói cách khác, phải có vận động tranh cử thì cử tri mới thật sự trở thành những người đi bầu có thông tin (informed voter).

Các kênh tranh cử có thể kể đến gồm phương tiện truyền thông đại chúng (mass media), tranh luận trên sóng truyền hình (televised debate), dùng các kênh radio và báo chí (radio or newspaper interviews), tờ rơi và áp phích bầu cử (leaflets and election posters), mạng xã hội (social network).

Tuy nhiên, không phải ứng cử viên hay đảng phái nào cũng có nguồn lực giống nhau. Nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của giới tài phiệt, giới nhà giàu, rất nhiều quy định và hạn chế liên quan đến tranh cử được đặt ra (campaigning regulations and restrictions). Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến quỹ và các vấn đề tài chính khác liên quan đến vận động tranh cử (campaign financing and funds).

Liên quan đến quá trình bầu cử, cử tri tại khu vực bầu cử nào (electoral constituency) sẽ đến các điểm bầu cử xác định của khu vực đó (polling station).

Trong trường hợp cử tri không thể trực tiếp đến điểm bầu cử, các lựa chọn khác là bỏ phiếu qua thư (postal voting, vote-by-mail) hoặc bỏ phiếu hộ (proxy voting). Lá phiếu và quá trình bỏ phiếu kín được gọi bằng thuật ngữ “ballot”. Ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ bỏ phiếu qua thư, còn việc bỏ phiếu hộ chỉ được cho phép đối với cử tri là người khuyết tật.

Cử tri cũng cần đặc biệt chú ý đến quy định và tính hình thức của phiếu bầu. Có thể dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để mô tả các lá phiếu không hợp lệ như “spoilt vote”, “null vote”, “informal vote”, “invalid vote” hay “stray vote”.

***

Hết.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.