Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Bài viết này được đăng trong số báo Tết năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 31/1/2022. Tải miễn phí tại đây.
Sau hàng loạt tranh cãi trong giới nghệ sĩ và người nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt quan tâm của cộng đồng mạng trên khắp Việt Nam, hệ quả của nó có thể khiến người ta bất ngờ.
Người thần tượng một ai đó vẫn tin vào phẩm chất của người đó.
Người ngưng thần tượng một ai đó bắt đầu thần tượng và tin vào phẩm chất của… một người khác.
Vòng tròn luẩn quẩn của văn hóa người nổi tiếng (celebrity culture) có vẻ vẫn không chấm dứt.
Dường như chúng ta tiếp tục theo dõi người nổi tiếng đơn giản chỉ vì họ… nổi tiếng. Và những đứa trẻ tiếp tục chọn thần tượng, chọn người hùng của mình không dựa trên đạo đức hay tài năng thực tế của người đó, mà chủ yếu dựa trên độ nổi tiếng của họ.
Đây đều là những vấn đề có liên quan đến triết học, nhưng liên quan như thế nào?
Quan điểm cho rằng một thứ đương nhiên có giá trị và đúng đắn nếu nó được nhiều người biết đến là một trong những ngụy biện luận lý dễ gặp nhất, và có tuổi đời cao nhất.
Được biết đến trong tiếng Latin với tên gọi “ex consensus gentium” (nghĩa đen: sự đồng thuận của các dân tộc), lý luận này cho rằng một điều đã được nhiều người tin tưởng thì chắc chắn phải có sức nặng, phải là sự thật. [1]
Trong tác phẩm “Luật pháp” (Law), Plato mô tả cách Cleinias chứng minh sự tồn tại của Đấng Tạo hóa: “Vì cả Hellenes (người gốc Hy Lạp – ND) lẫn bọn man di đều tin vào điều đó”. Đó là một phiên bản kinh điển của kiểu ngụy biện này.
“Tôi và 100.000+ người theo dõi tôi có lẽ sẽ nghĩ khác bạn…”
“Đã đến được tầng mây của người ta chưa mà chỉ trích…”
Bạn chắc hẳn đã gặp lề thói tranh luận dựa vào lượng theo dõi, lượng fan trên mạng xã hội, xem đó như là tiêu chuẩn khẳng định thẩm quyền như trên.
Có thể xem chúng là một số hội chứng ban đầu của nền văn hóa “celebrity” – văn hóa người nổi tiếng.
Song phải đến tận cuối thế kỷ 20, với sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng, giới nghiên cứu xã hội học và các triết gia mới bắt đầu choáng váng trước sức ảnh hưởng khổng lồ của văn hóa người nổi tiếng.
Nhà sử học – triết gia của trường Đại học Chicago, Daniel Boorstin, là người đầu tiên mổ xẻ sự thay đổi chóng mặt của khái niệm nổi tiếng. Trong tác phẩm gây chấn động mang tên “Hình tượng: Một hướng dẫn về các ngụy sự kiện tại Hoa Kỳ” (The Image: A Guide to Pseudo-Events in America), được công bố lần đầu vào năm 1961, Boorstin đưa ra bình luận được trích dẫn nhiều nhất khi người ta cần nghiên cứu về văn hóa đại chúng: [2]
“Người nổi tiếng là những người được biết đến nhiều bởi họ được nhiều người biết đến”
(The celebrity is a person who is well-known for their well-knownness)
Lý giải rõ hơn, ông cho rằng người nổi tiếng là sản phẩm được ngụy tạo nhằm thỏa mãn kỳ vọng chung của chúng ta về sự vĩ đại của con người. Những người nổi tiếng hoàn thiện năng lực hiện diện trước công chúng và đạt được danh vọng, không phải bởi vì họ có những thành tựu gì lớn lao, mà bằng cách khác biệt hóa và thậm xưng cá tính của mình để cạnh tranh với cá tính của những đối thủ trên đấu trường văn hóa công cộng.
Thêm vào đó, sự hiện diện thường trực của họ trong mọi phương diện đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội thông qua các công cụ truyền thông (hay mạng xã hội ngày nay) khiến họ thống trị hoàn toàn không gian chung và các thảo luận thường nhật.
Những mô tả trên gần như hoàn toàn tương đồng với những gì chúng ta thấy tại Việt Nam thời gian qua.
“Người nổi tiếng là những người được biết đến nhiều bởi họ được nhiều người biết đến” - Daniel Boorstin
Boorstin gọi đó là những “ngụy sự kiện” (pseudo event), được chuẩn bị và dàn dựng, sau đó được quan trọng hóa không phải vì chúng có ý nghĩa gì với đời sống quốc dân, mà là vì độ bao phủ khổng lồ sẵn có của hệ thống truyền thông. Người nổi tiếng thì được xem là các phiên bản của “ngụy nhân vật” (pseudo character) lồng ghép vào ngụy sự kiện để tạo nên ham muốn theo dõi, ham muốn không bị bỏ sót của công chúng.
Vị giáo sư cho rằng không có bất kỳ cách nào có thể lý giải sự nổi tiếng của những ngôi sao trong văn hóa đương đại.
Quả thật, trong các lĩnh vực từ thể thao, âm nhạc cho đến nghệ thuật nói chung, người viết đồng tình rằng không có bất kỳ logic nào có thể lý giải mối liên hệ giữa những đóng góp cho xã hội hay phẩm chất thực sự của người nổi tiếng với hình ảnh thần thánh mà họ đạt được trong suy nghĩ của công chúng.
Lấy ví dụ, Diego Maradona, một tay chơi, một kẻ nghiện ngập bạch phiến, [3] có vấn đề với rượu bia và kiểm soát hành vi, có dấu hiệu rối loạn nhân cách ái kỷ cùng một cái tôi to hơn cái tôi của toàn bộ nhân viên Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cộng lại; sau khi chết vẫn tiếp tục được tụng xưng là “Chúa trời”, là hình mẫu xứng đáng cho mọi trẻ em, và là thần tượng mặc nhiên của mọi cầu thủ trên thế giới.
Vì sao? Vì cách đây tròn trèm 40 năm, ông này có khả năng dùng chân chơi bóng hơn người?
Cực đoan hơn, trong quyển “Understanding Celebrity” của giáo sư Graeme Turner (Đại học Queensland, Úc), ông cho rằng các chính trị gia đơn thuần cũng chỉ là những người được bầu chọn theo nhiệm kỳ, và các doanh nhân cũng chỉ là những người nắm bắt cơ hội để bán thứ mà thị trường cần. [4] Việc những người này trở thành một phần của văn hóa người nổi tiếng cũng vô cùng phi lý tính. Turner ghi nhận rằng bắt đầu từ kỳ bầu cử của Ronald Reagan, và sau đó bùng nổ với lần thắng cử của Barack Obama, văn hóa người nổi tiếng dần ăn sâu vào chính trị Hoa Kỳ.
Sự không tương xứng giữa năng lực và phẩm chất thực tế của cá nhân người nổi tiếng với danh vọng và hình tượng bóng bẩy của họ trước công chúng khiến nhiều triết gia khác nghĩ đến… tôn giáo.
Theo các tác giả như Chris Rojek (với tác phẩm “Celebrity”) hay John Frow (trong nghiên cứu “Is Elvis a God?: Cult, Culture, Questions of Method”), chức năng văn hóa của người nổi tiếng đương đại gần tương đồng với chức năng văn hóa của các hình tượng tôn giáo ngày xưa. [5][6]
Đối với văn hóa người nổi tiếng, chúng được xây dựng dựa trên một giả định phù phiếm về sự xứng đáng (worthiness) của họ với tiền tài và danh vọng mà họ có, phẩm chất (quality) hơn người của họ, tài năng (talent) vượt trội của họ và quan trọng nhất là đạo đức ngời ngời của họ, ít nhất đối với những người hâm mộ.
Vì vậy, việc khán giả theo dõi sát sao và thần tượng từng hành vi, cử chỉ của người nổi tiếng được so sánh với những trải nghiệm tâm linh của những tín đồ trong các hội thánh khi nghĩ về thần, thánh, chúa trời hay đấng tạo hóa.
“Anh H.L là người sống ngay thẳng, có đạo đức…”
“Chị P.H là người chín chắn, có kiến thức sâu rộng…”
Chỉ với cách hiểu này, chúng ta mới lý giải được vì sao có những người chỉ nhìn thấy thần tượng của họ qua màn hình TV, máy tính, chỉ tương tác với thần tượng của mình một vài lần nhưng luôn khẳng định chắc nịch về phẩm chất và năng lực không tì vết của họ.
Rojek gọi đó là thứ từ tính hàng hóa (commodified magnetism) mà thời đại vốn ưa thích các màn biểu diễn trao cho người nổi tiếng. Chúng biến những ca sĩ, nghệ sĩ hài, các doanh nhân, hay thậm chí là giới KOL (key opinion leaders – người dẫn dắt quan điểm) trên mạng xã hội trở thành những nhân vật xuất thần, siêu việt; từ đó, tạo đà cho quá trình thương mại hóa sự nổi tiếng nói trên.
Khi nói về dân chủ hay kiểm soát, người viết không muốn nói về sự can thiệp của chính phủ hay bất kỳ ngoại lực nào tương tự. Nền văn hóa “celebrity” đã ăn sâu vào xã hội đương đại của loài người, là một hiện tượng văn hóa mà quốc gia nào cũng phải đối mặt.
Trớ trêu thay, văn hóa “celebrity” đôi khi còn được xem là kết quả đương nhiên của quá trình dân chủ hóa văn hóa (cultural democratisation).
Trong các nền văn hóa xưa cũ ưa chuộng giới tinh hoa (elitist culture), chỉ có các nhân vật học cao hiểu rộng, những người vừa sinh ra đã có những đặc quyền, đặc lợi nào đó mới có thể tham gia vào các kênh truyền thông có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa quốc gia.
Hoàn toàn ngược lại, ngày nay, với sự phổ biến của truyền hình và các mạng xã hội như Tiktok, Youtube hay Facebook, gần như bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào quá trình định hình văn hóa. Đó là lý do chúng ta có thuật ngữ văn hóa đại chúng (popular culture).
Việc những cá nhân này có chiếm sóng được hay không chủ yếu lại dựa vào năng lực diễn xuất của họ (bất kể họ thuộc lĩnh vực nào, từ nghệ thuật, kinh doanh cho đến giáo dục, hay kể cả pháp luật).
Và bởi vì tính dân chủ tự nhiên của tiến trình phát triển nói trên, kiểm soát tầm ảnh hưởng của văn hóa “celebrity” trở thành câu chuyện của từng cá nhân.
Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi quan trọng hơn nữa: Vì sao chúng ta cần thần tượng? Vì sao chúng ta thích theo dõi người nổi tiếng?
Một số tác giả, như Xiaodong Yue và Chau-kiu Cheung, tổng hợp bốn học thuyết để trả lời những câu hỏi trên. [7]
Đầu tiên là thuyết cá nhân hóa (individuation theory). Thuyết cá nhân hóa cho rằng người nổi tiếng và việc thần tượng những người này là cần thiết cho sự phát triển bản ngã cũng như bản sắc riêng của người hâm mộ. Bằng cách xác định được hình tượng kiểu mẫu cho mình, một cá nhân có thể tái khẳng định giá trị mình theo đuổi.
Mặt khác, thuyết gắn bó thứ cấp (secondary attachment theory) lại cho rằng sự kết nối (giả tưởng) giữa người theo dõi và người nổi tiếng đem lại cho các “fan” sự kết nối tình cảm mà họ cần, dù là tình bạn hay tình yêu với một ca sĩ, nghệ sĩ truyền hình.
Thuyết học tập xã hội (social learning theory) thì ghi nhận vai trò quan trọng của hình tượng kiểu mẫu trong việc phát triển đầy đủ các kỹ năng xã hội của một cá nhân. Bằng cách nhìn vào người nổi tiếng, người ta có thể học được rằng hành vi nào được tưởng thưởng, hành vi nào bị trừng phạt.
Cuối cùng, thuyết bù trừ (compensation theory) nhấn mạnh rằng quá trình thần tượng và trân quý một người nổi tiếng thực hiện chức năng bù trừ cho các thiếu thốn về tâm lý, tri thức, sự gắn bó, tình bạn hay các mối quan hệ xã hội mà người đó chưa có hoặc không thể có.
Việc thần tượng một ai đó có thể có những chức năng phát triển cá nhân quan trọng nói trên, nhưng thật khó lòng tưởng tượng một thiếu niên có thể nhìn vào những người nổi tiếng đương đại mà học tập được bất kỳ điều gì.
Người hâm mộ rất hay “bàng hoàng”.
Họ bàng hoàng khi hai thần tượng chia tay sau chỉ một năm cưới.
Họ bàng hoàng khi một ca sĩ nổi tiếng dính líu đến tấn công tình dục.
Họ bàng hoàng khi một doanh nhân nào đó bị lộ tin tiếp tay lừa đảo.
Vì sao phải bàng hoàng trước những sự kiện ấy, khi mà bạn chỉ biết về họ qua vài bộ phim, vài chuyến lưu diễn, vài chuyến cứu trợ nhân đạo?
Sự bàng hoàng ấy chính là minh chứng rõ nhất cho những giả định phù phiếm, những kỳ vọng không tưởng của cộng đồng về phẩm chất, đạo đức và năng lực của người nổi tiếng.
Những cuộc khủng hoảng (như đại dịch COVID-19) đang phần nào giúp công chúng bóc tách và định nghĩa lại nền văn hóa “celebrity” mà họ tôn thờ suốt mấy thập niên gần đây.
Với COVID-19, không còn những buổi dạ tiệc được đặt trước, không còn thảm đỏ và các chương trình truyền hình được đạo diễn tỉ mỉ, không còn sân khấu và những hàng ghế chật kín người hâm mộ, không còn những ngụy sự kiện có thể sơn son thếp vàng cho hình ảnh của riêng mình, giới “celebrity” gần như không biết phải làm thế nào để phản chiếu sự thánh thiện giả định cho khán giả thấy.
Gần đây, trong một nỗ lực “phản chiếu”, các ngôi sao Hollywood cùng nhau hát bài “Imagine” của John Lennon và đăng trên Instagram như một lời khích lệ nên thơ. Nỗ lực này bị chỉ trích thậm tệ. [8] Các ngôi sao quên rằng đại đa số các khán giả của mình chỉ là người lao động, không sở hữu những biệt phủ rộng vài mẫu và còn hàng tá hóa đơn phải chi trả hàng tháng. Những người ấy không thấy bất kỳ điều gì nên thơ hay lãng mạn trong việc phải nhốt mình ở nhà và không thể kiếm tiền.
Đó có lẽ là điểm khởi đầu không thể tốt hơn để chúng ta tách biệt khỏi nền văn hóa “celebrity” thiếu lành mạnh.
Dù có thể đồng ý rằng văn hóa đại chúng nói chung và văn hóa đại chúng ở Việt Nam nói riêng phần nào đó phản ánh tinh thần dân chủ, bước đầu tiên để chúng ta thực hành tinh thần đó ở đất nước này có lẽ là dẹp bỏ ảo tưởng thần thánh về năng lực và phẩm chất siêu việt của giới “celebrity”.