‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Đảng cò kè, quan cạnh tranh, dân hưởng lợi.
Vào năm 1987, khi chính phủ Đài Loan tuyên bố chấm dứt tình trạng thiết quân luật, nước này đã xác lập một kỷ lục không hay ho gì: là quốc gia có tình trạng thiết quân luật lâu nhất trên thế giới tính đến thời điểm đó (kéo dài gần bốn thập niên).
Dưới chế độ độc tài của Quốc dân Đảng, người Đài Loan không có tự do ngôn luận, không được tự do lập hội, và không có quyền bầu ra những lãnh đạo của đất nước. Những tiếng nói đối lập đều bị thẳng tay đàn áp, bỏ tù hoặc giết hại.
Ngày nay, chỉ ba thập niên sau khi bức màn kiểm soát quân sự bị xé bỏ, Đài Loan lột xác trở thành một trong những quốc gia dân chủ tự do nhất thế giới. Thể chế dân chủ của nước này được đánh giá là số một ở châu Á, vượt qua cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.
Những quả ngọt của quá trình dân chủ hóa tại Đài Loan đến rất nhanh và rất sớm. Ngay trong những năm đầu tiên kể từ khi cải cách, người dân đã chứng kiến các thay đổi thực tế trong hầu hết các vấn đề, từ quốc kế dân sinh đến chủ nghĩa dân tộc.
Các thay đổi này có thể được tìm thấy trong quyển sách “Party Politics in Taiwan” của Dafydd Fell, một nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Đài Loan. Ông là giảng viên Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học London, Anh. Cuốn sách là công trình nghiên cứu của tác giả về sự thay đổi của các đảng phái và quá trình dân chủ hóa tại Đài Loan từ năm 1991 đến 2004.
Thông qua phân tích các thông điệp tuyên truyền bầu cử, phỏng vấn trực tiếp quan chức cấp cao của các đảng, thu thập ý kiến từ những chuyên gia, tác giả kết luận rằng việc cạnh tranh trong bầu cử đem lại một môi trường tích cực cho toàn bộ xã hội Đài Loan.
Các đảng phái nâng cao năng lực quản trị, người dân có được những đại diện thực chất giúp giải quyết các vấn đề của mình, còn các vấn đề xung đột dần đạt được đồng thuận thông qua tranh luận cởi mở và công khai.
Nghiên cứu của Dafydd Fell tập trung vào ba vấn đề lớn: đưa ra chính sách trợ cấp xã hội, xử lý nạn tham nhũng và xác định danh tính dân tộc.
Trước thập niên 1990, ngoài tầng lớp lãnh đạo, tại Đài Loan có một nhóm người được hưởng đặc quyền đặc lợi. Nhóm này được gọi là “quân công giáo” (jungongjiao), viết tắt từ quân đội, công chức và những người làm việc trong ngành giáo dục. Đa phần họ đều là đảng viên Quốc dân Đảng, vốn là điều kiện tiên quyết để thăng tiến trong sự nghiệp.
Họ ủng hộ nhiệt thành các chính sách của Quốc dân Đảng, đổi lại nhận được trợ cấp xã hội hậu hĩnh. Trong khi đó, người dân thuộc các ngành nghề khác được hưởng rất ít, hoặc không có được bất kỳ trợ cấp nào từ chính quyền.
Theo thống kê, vào năm 1991, trong số chi tiêu trợ cấp của chính phủ, nhóm “quân công giáo” hưởng đến 74%.
Lịch sử phức tạp của Đài Loan góp phần tạo nên sự thiên lệch này.
Vào năm 1949, khi Quốc dân Đảng thất trận tại đại lục, họ chạy sang Đài Loan, đem theo bộ máy chính quyền cũ và những quân nhân công chức trong hệ thống đó. Những người này được gọi là “người đại lục” (Mainlanders) để phân biệt với “người Đài Loan” (Taiwanese), sinh ra và lớn lên tại đảo quốc. Nhóm người đại lục chỉ chiếm thiểu số, nhưng nắm độc quyền và hưởng đặc lợi. Sự bất bình đẳng này gây ra nhiều mâu thuẫn sắc tộc.
Dưới chế độ thiết quân luật, chính quyền đàn áp đẫm máu những ai dám lên tiếng phản đối. Các mâu thuẫn bị đè nén, không được bàn luận công khai. Chỉ tới khi những đảng phái khác xuất hiện, các chính sách bất công này mới bị thách thức.
Đảng Dân tiến (DPP) là một trong những đảng đầu tiên nêu ra vấn đề cải cách trợ cấp xã hội, với việc yêu cầu phải có chính sách y tế và lương hưu công bằng cho mọi người dân.
Tuy mới thành lập, không có thực quyền, nhưng những yêu cầu của Đảng Dân tiến nhận được nhiều sự ủng hộ từ cử tri.
Nắm bắt được xu thế đó, Quốc dân Đảng nhanh chóng “cướp diễn đàn”, giành quyền ban hành chính sách bảo hiểm y tế. Với lợi thế nắm đa số tại Quốc hội, vào năm 1994, họ nhanh chóng thông qua luật về Bảo hiểm y tế toàn dân (National Health Insurance – NHI). Chính sách này thành công lớn, nhận được hơn 70% sự ủng hộ từ người dân. Trong các cuộc bầu cử sau này, Quốc dân Đảng vẫn thường nhắc lại NHI như một lá bài ghi điểm quan trọng.
Đây là trường hợp hiếm hoi một đảng phái “cướp” thành công diễn ngôn của phe đối lập và biến nó thành lợi thế riêng.
Về phần mình, Đảng Dân tiến không từ bỏ cuộc chiến. Họ đưa yêu cầu cải cách về lương hưu, một vấn đề lớn khác của trợ cấp xã hội.
Giống như trường hợp bảo hiểm y tế, Quốc dân Đảng cố gắng đưa ra đề xuất cải cách lương hưu của riêng họ để đáp trả. Tuy nhiên, do các xung đột nội bộ liên quan đến lợi ích nhóm, Quốc dân Đảng không ra được quyết sách nào về vấn đề này.
Đổi lại, khi Đảng Dân tiến nắm quyền vào năm 2002, họ đã thông qua các luật cải cách về chế độ lương hưu cho người dân như lời hứa.
Sự cạnh tranh của các đảng phái ngày càng giúp nhiều người dân Đài Loan được hưởng lợi ích công bằng từ chế độ phúc lợi xã hội.
Trước thập niên 1990, nhiều hình thức tham nhũng tại Đài Loan được thể chế hóa, hay hoàn toàn hợp pháp mà không ai dám lên tiếng thách thức. Nhiều người còn không nghĩ rằng đó là chuyện xấu cần phải loại bỏ.
Đây cũng là một vấn đề có căn nguyên lịch sử.
Khi chính quyền Quốc dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan, họ là những kẻ mới tới. Để thiết lập được bộ máy cai trị hiệu quả, Quốc dân Đảng cần đến sự hợp tác của các nhóm người có quyền lực tại địa phương (local factions). Một mối quan hệ cộng sinh được thiết lập.
Chính quyền trung ương tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích địa phương thiết lập hoạt động kinh tế độc quyền, cho tiếp cận với nguồn vốn trung ương và giao cho họ các hợp đồng nhà nước béo bở. Các hoạt động làm ăn phi pháp như cờ bạc hay vũ trường cũng được nhắm mắt bỏ qua. Đổi lại là sự ủng hộ tuyệt đối của các băng nhóm địa phương này cho Quốc dân Đảng.
Trong nhiều thập niên, đây là hình thức “tham nhũng trắng” (white corruption), hoàn toàn hợp pháp và không ai dám thách thức sự tồn tại của nó, cho đến khi các đảng phái khác xuất hiện và lên tiếng.
Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Quốc hội mới vào năm 1992, Đảng Dân tiến đặt chống tham nhũng là vấn đề trọng tâm, với các khẩu hiệu và chiến dịch quảng cáo trên truyền thông chỉ trích trực diện Quốc dân Đảng đang nắm quyền lúc đó.
Lần đầu tiên các ứng viên giàu có của Quốc dân Đảng bị phe đối lập đặt cho cái tên “bò vàng” (kim ngưu), với cáo buộc họ có nguồn tiền vô hạn, không minh bạch, sẵn sàng chi tiêu xả láng cho việc tranh cử, thậm chí là mua phiếu bầu.
Các “bò vàng” gây ra bất mãn cao trong xã hội, khiến ngay cả nội bộ Quốc dân Đảng cũng lên tiếng phản đối việc đề cử những nhân vật tai tiếng này.
Năm 1993, những người có xu hướng chống tham nhũng trong Quốc dân Đảng liên kết với Đảng Dân tiến cùng thông qua một đạo luật chống tham nhũng, bắt buộc các quan chức cấp cao phải công khai tài sản và nộp vào trong một quỹ quản lý.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1995, Đảng Dân tiến tung ra một quảng cáo truyền hình trong đó nhấn mạnh 67,77% số ứng viên của Quốc dân Đảng là những người có quan hệ với các băng nhóm tội phạm hoặc nhóm lợi ích địa phương.
Ngoài ra, tại một cuộc họp báo vào năm 1995, một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân tiến công bố số tài sản công mà Quốc dân Đảng tích lũy qua nhiều thập niên cai trị đất nước lên tới 150 tỷ Đài tệ (hơn 5 tỷ USD theo giá trị hiện tại).
Đối diện với các cáo buộc này, Quốc dân Đảng hầu như im lặng.
Tuy vậy, trước sức ép của công luận và phe đối lập, các lãnh đạo của đảng cầm quyền cũng phải lên tiếng.
Bộ trưởng Tư pháp Mã Anh Cửu vào năm 1995 hứa với công luận sẽ “đá bay tệ nạn mua phiếu bầu ra khỏi Đài Loan”.
Năm 1996, tại một Hội nghị phát triển dân tộc, Quốc dân Đảng lần đầu tiên đồng ý sẽ thay đổi các chính sách về tài sản của đảng (theo cáo buộc của phe đối lập là tài sản công), đồng thời cải cách các cuộc bầu cử tham nhũng tại địa phương.
Năm 2000, khi vận động cho cuộc bầu cử tổng thống, ứng cử viên Liên Chiến và cũng là Chủ tịch của Quốc dân Đảng đã hứa sẽ chấm dứt các hoạt động làm ăn kinh doanh của đảng, nộp các tài sản của đảng vào công quỹ và cắt bỏ liên hệ với những ứng viên có dính dáng đến nguồn tiền không minh bạch.
Vấn đề tham nhũng thể chế, hay “tham nhũng trắng”, từ việc được xem là bình thường, sau khi bị dư luận và các đảng phái đối lập nêu ra chỉ trích, đã dần bị đặt lại đúng vị trí “tham nhũng đen”, trở thành mục tiêu mà các chính đảng đều quyết tâm loại bỏ để lấy lòng cử tri.
Trong nhiều thập niên kể từ khi thất trận phải chạy về Đài Loan, chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch vẫn luôn nuôi mộng quay về “giải phóng đại lục”.
Họ thiết lập các chính sách kinh tế, giáo dục, văn hóa với mục tiêu một ngày nào đó quay lại phản công quân đội cộng sản. Tiếng phổ thông (Mandarin) là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng chính thức. Các tiếng địa phương đều bị cấm. Một căn tính Trung Hoa chung được áp đặt cho toàn bộ người Đài Loan.
Đến khi các đảng phái khác xuất hiện, người dân mới bắt đầu lên tiếng đấu tranh cho một căn tính khác của riêng mình.
Đảng Dân tiến đi đầu trong việc cổ vũ cho một danh tính riêng biệt của người Đài Loan, độc lập hoàn toàn với Trung Quốc đại lục.
Việc có một căn tính khác biệt có liên hệ mật thiết với yêu cầu dân chủ hóa đất nước.
Quốc dân Đảng cho tới cuối thập niên 1980 vẫn từ chối tổ chức bầu cử tự do cho các vị trí trong Quốc dân Đại hội (National Assembly) và Quốc hội (Legislative Yuan). Những thành viên trong các cơ quan này đa số vẫn là những người đã được bầu vào thập niên 1940 tại đại lục, sau đó theo chân Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan.
Quốc dân Đảng xem mình là đại diện hợp pháp duy nhất cho toàn bộ đất nước Trung Quốc. Dưới chế độ Quốc dân Đảng, Đài Loan vẫn là một phần của Trung Quốc, nằm trong danh tính chung của toàn bộ đất nước Trung Hoa. Nếu để người Đài Loan bầu ra chính quyền và lãnh đạo mới, các cơ quan này sẽ không còn đại diện được cho “tất cả người dân Trung Quốc”.
Nói cách khác, dưới danh tính (là một phần của) Trung Hoa, người Đài Loan không thể có dân chủ.
Bãi bỏ thứ danh tính cũ này, tạo ra một căn tính độc lập vì vậy là một phần của yêu cầu cải cách dân chủ.
Không chỉ có Đảng Dân tiến, ngay cả Quốc dân Đảng và các đảng phái khác cũng tham gia sôi nổi vào quá trình thảo luận và đề xuất lựa chọn ra một hướng đi riêng cho đất nước.
Cùng với việc mở rộng cửa đón nhận người bản địa Đài Loan gia nhập đảng, Quốc dân Đảng bắt đầu nói nhiều hơn về một “Đài Loan mới” với những đặc điểm riêng biệt. Họ cũng không còn nhắc lại nhu cầu phải “giải phóng Trung Quốc”. Thậm chí theo thời gian, Quốc dân Đảng tự xây dựng hình ảnh tương đối trung lập trong vấn đề này, chống lại chủ trương “thống nhất sớm” với Trung Quốc của các đảng cực hữu lẫn đường lối “độc lập ngay” của các nhóm cực tả.
Về phần mình, Đảng Dân tiến cũng tự biết điều chỉnh. Khi chủ trương tuyên bố độc lập khiến họ nhận thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử năm 1991 và 1996, các lãnh đạo đảng đã giảm bớt mức độ cực đoan. Họ đưa ra các đường lối phù hợp hơn với số đông, như nhấn mạnh đến nguyên tắc “tự chủ” (self-determination) thay vì giương cao ngọn cờ “độc lập” (independence), vốn bị chỉ trích là có thể gây ra chiến tranh với Trung Quốc.
***
Các cuộc thảo luận công khai của những đảng phái giúp người dân có được nhiều lựa chọn. Và bằng lá phiếu của mình, người dân giúp các chính đảng thay đổi để đến gần nhất với nguyện vọng của cử tri.
Ngay cả khi thắng trong một cuộc bầu cử, đảng phái cũng phải tính đến lá phiếu trong tương lai của người dân để thay đổi. Như trường hợp của Quốc dân Đảng, dù chiến thắng cuộc bầu cử năm 1996, nhưng họ vẫn phải đưa ra cam kết thay đổi để chống tham nhũng như chủ trương của phe đối lập.
Hoặc trường hợp của Đảng Dân tiến, khi nhận ra đường lối độc lập của mình không được lòng cử tri, họ bắt buộc phải đổi tông, đồng thời tìm ra các vấn đề dân sinh khác (như trợ cấp xã hội, chống tham nhũng) để giành được sự ủng hộ của người dân.
Thông qua chế độ cạnh tranh công khai và công bằng, tất cả thành phần trong xã hội đều được lợi.
Bài viết nằm trong chuyên mục “Đọc sách cùng Đoan Trang”, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.