Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Không có giá trị bắt buộc thi hành

Một văn bản vừa không có ràng buộc pháp lý, vừa phi lý.

Quyết định ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Mạng xã hội của Bộ TT-TT. Ảnh: Luật Việt Nam, The Independent. Đồ họa: Luật Khoa.
Quyết định ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Mạng xã hội của Bộ TT-TT. Ảnh: Luật Việt Nam, The Independent. Đồ họa: Luật Khoa.

Hôm 17/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông ra Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành “Bộ Quy tắc Ứng xử trên Mạng xã hội”. [1] Nhiều người bán tín bán nghi rằng vậy bây giờ người dùng mạng xã hội và các công ty mạng xã hội phải ứng xử theo bộ quy tắc này hay sao? Nếu vi phạm thì có bị phạt gì không?

Có vài điều cần làm rõ về quyết định này như sau:

1. Đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật

Đây là quyết định của một bộ trưởng. Theo Điều 4 của Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015, loại văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. [2] Nói cách khác, về hình thức, nó không nằm trong danh mục các loại văn bản quy phạm pháp luật.

Thế văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Văn bản quy phạm pháp luật phải hội đủ các điều kiện sau:

  • Có chứa quy phạm pháp luật, tức là các “quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện” (Điều 3.1, Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật).
  • Được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo luật.

Bộ trưởng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng quyết định (mà phải là thông tư, thông tư liên tịch). Chỉ riêng điều đó đã khiến cho Quyết định 874 không thể được coi là văn bản quy phạm pháp luật.

2. Không có giá trị bắt buộc thi hành với người dùng và các mạng xã hội

Về nguyên tắc, chỉ có văn bản quy phạm pháp luật mới có giá trị bắt buộc chung cho mọi tổ chức, cá nhân. Nhưng Quyết định 874 thì lại khá nhập nhằng.

Một mặt, Điều 2 của Bộ Quy tắc nói rõ nó có giá trị áp dụng đối với:

  • cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội;
  • tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội;
  • nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

Như vậy, người ta hoàn toàn có thể hiểu ý của vị bộ trưởng là người dùng mạng xã hội và nhà cung cấp phải ứng xử theo bộ quy tắc này, và nó có giá trị bắt buộc chung.

Nhưng đọc đến cuối, tại Điều 8 về triển khai và thực hiện thì văn bản lại nói “người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được khuyến khích thực hiện đầy đủ các nội dung Bộ Quy tắc và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội.”

“Được khuyến khích” nghĩa là không bắt buộc. Nó khác hẳn với ngôn ngữ của gần như toàn bộ phần còn lại của văn bản vốn được viết như thể đây là văn bản có giá trị bắt buộc. Đây là dấu hiệu nhập nhằng hoàn toàn không đáng có trong một văn bản của cơ quan nhà nước.

3. Bộ trưởng Bộ TT-TT ngồi lộn mâm, làm cái việc không phải của mình

Một quyết định của bộ trưởng là một văn bản hành pháp nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của bộ mình.

Chức năng của Bộ TT-TT có phải là hướng dẫn người dân phải ứng xử ra sao trên mạng xã hội cho “lành mạnh”, cho “đạo đức”? Hay nói rộng ra, việc của chính quyền có phải là hướng dẫn người dân phải ứng xử ra sao trong cuộc sống hàng ngày?

Ta hãy xem vị bộ trưởng muốn người dân ứng xử thế nào.

  • Điều 4.5: “Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.”

Ai sẽ quyết định cái gì là “giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam”? Chửi tục có được tính không? Và ai sẽ có quyền phán xét chửi tục là đạo đức hay vô đạo đức? Liệu sau này Bộ TT–TT sẽ lập một “cơ quan giám sát đạo đức” để chỉnh huấn dân chúng, buộc họ thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử này, hay Bộ Công an sẽ lập ra một cơ quan “cảnh sát đạo đức” chuyên biệt để xử lý những người có hành vi trái với Bộ Quy tắc nêu trên?

Khi không ai đủ khả năng và thẩm quyền để quyết định điều này thì điều khoản trên hoàn toàn vô nghĩa. Ngoại trừ các hành vi ảnh hưởng tới lợi ích công cộng, chính quyền không nên đóng vai trò quyết định cái gì là đạo đức, là văn hóa.

Thêm một ví dụ nữa:

  • Điều 4.3: “Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội”

Chuyện người dùng có muốn tự quản lý, tự bảo mật tài khoản của mình hay không vốn dĩ không phải là chuyện của nhà nước. Dân gian có câu: hồn ai nấy giữ. Tài khoản mạng xã hội cũng giống như cái xe đạp. Chủ nó muốn khóa thì khóa, không khóa thì thôi; chủ nó muốn để trong nhà cho an toàn hay để ngoài cửa cho đỡ chật nhà cũng là việc của họ, miễn không để sang đất của người khác là được.

Việc vị bộ trưởng đi lo hộ cho người dân những chuyện riêng tư như vậy là chuyện hoàn toàn vô duyên và không cần thiết. Nói cách khác là bộ trưởng ngồi lộn mâm. Bộ trưởng còn ngồi lộn mâm ở chỗ đi dạy các chủ mạng xã hội phải làm gì với… mạng xã hội của mình cho “an toàn”, “lành mạnh”, “tránh bị khai thác, lạm dụng” (Điều 7.4 của Bộ Quy tắc).

Còn những quy tắc ứng xử khác như “tuân thủ pháp luật”, “tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng” thì lại hoàn toàn thừa thãi khi đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định, vốn có giá trị bắt buộc thi hành.

Thực ra cái chuyện ngồi lộn mâm này, trớ trêu thay, lại là sở trường của… chính quyền Việt Nam, chứ không riêng gì vị bộ trưởng kia. Về lý thuyết chính trị học, đây là hành vi can thiệp của chính quyền vào đời sống dân sự và vào thị trường. Việc của chính quyền là can thiệp, nhưng việc can thiệp phải hợp lý. Khi việc can thiệp không hợp lý thì quyền lực nhà nước vượt quá giới hạn nên có của nó.

Văn bản này cho dù là “khuyến khích” áp dụng, nhưng hoàn toàn có thể được mang ra để hù dọa người dùng và doanh nghiệp. Và với một bộ máy làm việc tùy tiện như chính quyền Việt Nam, việc các quan chức hành pháp biến nó thành văn bản bắt buộc áp dụng chỉ là chuyện một sớm một chiều. Khi đó, người dân và doanh nghiệp có rất ít “cửa” để tự bảo vệ mình một cách hiệu quả.

4. Bộ trưởng Bộ TT-TT định hướng cách ứng xử cho tất cả các cơ quan nhà nước?

Ngoài việc ngồi lộn mâm trong mối quan hệ với công dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT-TT có vẻ còn vung tay quá trán khi định hướng về đạo đức, văn hóa ứng xử cho toàn bộ các cơ quan nhà nước và nhân viên công quyền từ trung ương tới địa phương.

Cùng lắm thì vị bộ trưởng này chỉ có thể ra bộ quy tắc ứng xử cho bộ mình và ngành mình quản lý, còn việc các bộ, ngành khác ứng xử ra sao nhẽ lại đến lượt bộ trưởng Bộ TT-TT quyết định?

Nhưng đó là việc giữa các cơ quan công quyền với nhau, người viết xin tránh lạm bàn vì không đủ thông tin về quan hệ nội bộ của họ.

***

Tóm lại, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Mạng xã hội của Bộ trưởng Bộ TT-TT là một văn bản chẳng hiểu vì lý do gì lại ra đời. Nó không có giá trị bắt buộc áp dụng, nhưng lại soi vào chuyện riêng của người dân và doanh nghiệp để hướng dẫn họ cách ứng xử như thế nào. Một văn bản có giá trị bắt buộc thi hành mà nếu nội dung của nó bất hợp lý so với đời sống thì cũng đã khó có thể thi hành, nói gì đến một văn bản vừa không ràng buộc, vừa phi lý.


Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Tài liệu tham khảo:

1.  Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. (2021, June 18). LuatVietnam. https://luatvietnam.vn/thong-tin/quyet-dinh-874-qd-btttt-ban-hanh-bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-203858-d1.html

2.  Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. (2019, May 7). LuatVietnam. https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-2015-96364-d1.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.