‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Khác với suy nghĩ của nhiều người, các học thuyết Nho giáo không trực tiếp chống hôn nhân đồng giới.
Năm 2015, trong án lệ kinh điển Obergefell v. Hodges chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ (mà đúng ra là tuyên bố toàn bộ các đạo luật cấm hôn nhân đồng giới ở cấp tiểu bang là vi hiến), [1] Thẩm phán Kennedy, người viết ý kiến đa số, đã viện dẫn… Khổng Tử.
Cụ thể, ở mục II.A của phán quyết, Kennedy ghi nhận: “Khổng Tử đã từng dạy rằng hôn nhân là nền móng của quản lý nhà nước. Sự thông tuệ này được nhắc lại vài thế kỷ sau đó, với triết gia Cicero viết rằng sự kết nối đầu tiên của xã hội loài người là hôn nhân, sau đó là con cái và gia đình…”.
Ở đây, có thể thấy Thẩm phán Kennedy không trích dẫn Khổng Tử vì Khổng Tử đồng thuận hay ủng hộ hôn nhân đồng giới. Ông đơn giản đang sử dụng triết lý của Khổng Tử để bàn về sự quan trọng mang tính nền tảng của khái niệm gia đình trong xã hội nói chung và quản trị nhà nước nói riêng.
Tuy nhiên, việc trích dẫn này đã tạo nên một làn sóng phản đối và tranh cãi dữ dội trong công chúng và cả giới nghiên cứu Khổng giáo tại Trung Quốc đại lục. [2] Theo góc nhìn của nhiều học giả và người dân Trung Quốc, sử dụng Khổng Tử để nói về việc ủng hộ hôn nhân đồng giới là xúc phạm và lệch lạc.
Một trong những giả định phổ biến của giới nệ cổ (traditionalist) Đông Á là các giá trị mà họ tin tưởng (như hôn nhân thì phải là giữa hai người khác giới) có nền tảng truyền thống lâu đời. Khổng giáo luôn được viện dẫn như là nền tảng của mọi lý luận như vậy. Nhưng Khổng giáo nói chung và các nhánh trường phái chính của học thuyết này có thật sự bàn về hôn nhân đồng giới và tính đúng sai của nó hay không?
Kinh dịch (Y Ching/ The Book of Change) không phải là một sản phẩm chính chủ Khổng giáo nhưng được Khổng Tử và các học trò của mình ủng hộ, [3] dùng làm nền tảng cho hầu hết các tác phẩm và lập luận của mình sau này. Đáng tiếc rằng tính trừu tượng cao của Kinh Dịch khiến chúng ta không thể đưa ra bất kỳ liên hệ cụ thể nào đến giới tính.
Phải đến bộ bình luận Kinh Dịch (I Commentaries, hay Thập Dực/ 十翼) được Khổng Tử chú giải, bổ sung, Âm (Yin) và Dương (Yang) mới chính thức trở thành trọng tâm của tư duy triết học Khổng giáo. Trên cơ sở này, các chuyên gia Trung Quốc như Trương Tường Long bắt đầu xây dựng mối liên hệ giữa đạo Khổng và giới tính. [4]
Có thể liên hệ một đoạn bình luận của Khổng Tử về Tự quái truyện (Quyển thứ Sáu trong bộ Kinh Dịch) để làm rõ mối liên hệ này:
“Có Trời và Đất, rồi có vạn vật. Có vạn vật, rồi có nam nhân nữ nhân. Có nam nhân nữ nhân thì có vợ và chồng. Có vợ và chồng thì có cha con. Có cha con thì có người thống trị và kẻ bị trị. Có quân có thần thì mới có phép tắc trên dưới, chính sự từ đó mới có nề nếp, đúng sai.” (Nội dung do người viết chọn lọc lược dịch từ bản tiếng Anh tại đây, [5] bản dịch có thể không phản ánh đúng từng câu chữ tiếng Hán – ND)
Dựa trên lý luận này, các nhà Nho Trung Quốc cho rằng mối liên hệ giữa Âm và Dương, giữa Trời và Đất, và từ đó là giữa nam nhân và nữ nhân mới chính là thứ kết nối nội tại tự nhiên nhất, là nguồn gốc của một trật tự thế giới đúng đắn. Theo họ, Khổng giáo sẽ không thể chấp nhận việc luật hóa hôn nhân đồng giới bởi nó không phù hợp với hệ thống “Lễ” mà toàn bộ giáo điều theo đuổi.
Dù bản thân ông Trương, trong nghiên cứu hồi năm 2016 phản hồi việc Thẩm phán Kennedy viện dẫn Khổng Tử, đã cho rằng Khổng Tử và các tác phẩm của ông không trực tiếp lên án hay loại trừ người đồng tính ra khỏi xã hội. Ông nhắc nhở rằng theo Khổng Tử, gia đình là sự kết hợp tự nhiên Âm Dương, Trời Đất để vạn vật có thể tiếp tục được sinh sôi và nảy nở. [6] Vì vậy, hoàn toàn không hợp lý khi dẫn chứng Khổng Tử để nói về gia đình theo cách hiểu “Tây” của Thẩm phán Kennedy.
Cách hiểu này cũng được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm kinh điển của Khổng giáo.
Ví dụ, ở phần Ai Công vấn của Kinh Lễ (Li Ji / 禮記 / Book of Rites), [7] Khổng Tử chỉ rõ:
“Trời đất mà không hòa hợp, thì vạn vật không sinh sôi.”
“Dân chúng do Lễ mà sinh sống, vì vậy Lễ rất lớn. Không có Lễ thì không có tiết độ ý nghĩa để thờ Trời Đất thần linh. Không có Lễ thì không phân biệt đâu là tình trai gái, cha con, anh em, hoặc như những giao tình xa gần, hôn nhân.”
Cái “Lễ” của hôn nhân từ đó là gốc gác của những thế hệ kế thừa, là đạo của Trời Đất. Mất đi cái tính tự nhiên đó thì không còn Lễ, mà không còn Lễ thì mất đi sự chính danh của hôn nhân.
Nhiều tác giả nghiên cứu văn hóa Trung Quốc ở nhóm trung lập thì đồng tình rằng quan niệm về giới tính của Khổng giáo không đến mức cực đoan như một số tôn giáo khẳng định những người đồng tính là những kẻ tội lỗi (sinners). [8] Sự phát triển hàng ngàn năm của Khổng giáo không dẫn đến kết quả này. Theo đó, Âm và Dương không nhất thiết phải là Nam và Nữ, bởi tính âm-dương có thể tồn tại chính trong nam nhân và nữ nhân.
Theo lý giải nổi tiếng của Giáo sư Chan Sin Yee (Đại học Vermont), [9] Khổng giáo thừa nhận sự tồn tại khả dĩ của các cặp Âm – Âm (Yin – Yin pairs), của các cặp Dương – Dương (Yang – Yang pairs). Tính Âm có thể vượt trội trong một cá thể Dương , và tính Dương có thể vượt trội trong một cá thể Âm.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định Khổng giáo chưa bao giờ cực đoan cho rằng giới tính là phi nghĩa lý như các nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại hay giới kiến tạo chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodern constructivist). Tuy nhiên, sự khác biệt về khuynh hướng tính dục giữa đồng tính luyến ái và dị tính luyến ái vẫn rất quan trọng đối với giới Nho gia. Cụ thể hơn, họ cho rằng chỉ có dị tính luyến ái mới là hiện thân đúng đắn của cơ chế Âm – Dương nguyên thủy trời đất.
Nói về tác động của Nho giáo đến định kiến giới tại các quốc gia chịu ảnh hưởng, chúng ta có cả tin tốt lẫn tin xấu.
Tin tốt là không có một hệ nguyên tắc truyền thống Nho giáo cứng nhắc trực tiếp chống lại hôn nhân đồng giới hay chủ động cổ xúy cho các hành vi phân biệt giới tính hay định kiến giới.
Trong tác phẩm tiếng tăm mang tên “Global Gay”, [10] nhà nghiên cứu Frédéric Martel ghi chép lại rằng có một bộ phận rất lớn người đồng tính Trung Quốc tin rằng bản thân Khổng Tử cũng là người đồng tính. Họ dẫn chứng rằng trong thời đại của mình mà Khổng Tử không hề có vợ con (chuyện này vẫn còn nhiều tranh cãi). Một số đi xa đến mức khẳng định Đức Khổng rõ ràng đã yêu Nhan Hồi (hay cũng gọi là Nhan Uyên, học trò giỏi nhất của Khổng Tử và là người đứng đầu của nhóm Tứ Phối gồm Nhan Hồi, Tăng Sâm, Khổng Tử Tư và Mạnh Tử).
Tuy nhiên, bỏ qua các thuyết âm mưu mà chúng ta vốn không có khả năng kiểm định, có thể đồng tình rằng Khổng giáo không phải là một tôn giáo có trật tự thứ bậc chặt chẽ, và bản thân sự tồn tại của Khổng giáo vốn cũng chỉ còn là một “bóng ma” sau hàng loạt các công cuộc cải cách cực đoan tại nhiều quốc gia Á Đông. Chúng ta có thể kể đến các cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hay Trung Quốc, hoặc các cuộc cải cách dân chủ tư sản tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Hiển nhiên, tư duy và văn hóa Khổng giáo vẫn còn đó, nhưng nó không có cơ hội được thể chế hóa vào niềm tin chính thống và các thể chế chính trị như cách mà đạo Tin Lành, Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo hay Hồi giáo chiếm lĩnh môi trường lập pháp của các quốc gia với tư cách là quốc giáo. Như vậy, ngoại trừ các rào cản mù mờ như “văn hóa” hay “truyền thống”, phong trào đòi quyền cho người đồng tính tại những quốc gia chịu ảnh hưởng của Khổng giáo không cần phải thách thức một “đối thủ” hay “giáo chủ” quyền lực tối thượng nào cụ thể.
Nói cho dễ hiểu hơn, Khổng Tử không phải là Chúa trời. Bản thân toàn bộ hệ tư tưởng của ông cũng đã bị khá nhiều các chính phủ cách mạng châu Á trước đây nguyền rủa là “phản động”. Đồng tính luyến ái và các vấn đề định kiến giới khác, vì vậy, có thể xem là sự khó xử của một xã hội truyền thống phương Đông đang tập đối mặt với các vấn đề mới lạ hơn.
Còn tin xấu là, như một phát hiện khác bất ngờ của Frédéric Martel, cũng trong quyển “Global Gay”, dù không có một hệ tư tưởng nội địa được thể chế hóa chống lại người đồng tính (tức họ sẽ dễ dàng tiếp nhận người đồng tính hơn phương Tây), nhiều người lại đang nối quyền của người đồng tính với khái niệm nhân quyền và các phong trào dân quyền nói chung. Đó lại là những thứ rất “Tây”. Các thảo luận về người đồng tính vì thế lại bị chuyển thành tranh chấp căn tính Đông – Tây quen thuộc.
Đó là một điều đáng tiếc.
1. Obergefell v. Hodges, 576 U.S. 644 (2015) https://www.supremecourt.gov/opinions/14pdf/14-556_3204.pdf
2. The Diplomat. (2015, July 14). Confucius on Gay Marriage. https://thediplomat.com/2015/07/confucius-on-gay-marriage/
3. Tat W. (1970) Confucius and the I-ching. In: Dunne F.P. (eds) The World Religions Speak on ”The Relevance of Religion in the Modern World”. World Academy of Art and Science. Springer, Dordrecht. https://doi.org/10.1007/978-94-017-5892-5_7
4. Zhang, Xianglong 张祥龙 2007.“The Places of ‘Gender’in Chinese and Western Philosophies and Their Implications.”“性别”在中西哲学里的地位及其思想后果,In The Refuge of Thought: Ancient Chinese Philosophical Wisdom in Globalization 思想避难:全球化中的中国古代哲理. Beijing: Peking University Press北京大学出版社, 213–240.
5. Book of Changes : Xu Gua – Chinese Text Project. (2021). Chinese Text Project. https://ctext.org/book-of-changes/xu-gua
6. Zhang, Xianglong 张祥龙 2016.“How Will Confucianism View the Legalization of Same-Sex Marriage.”儒家会如何看待同性婚姻的合法化,The Renmin University Journal中国人民大学学报, (1): 62–70.
7. Liji : Ai Gong Wen – Chinese Text Project. (2021). Chinese Text Project. https://ctext.org/liji/ai-gong-wen
8. Bai, T. (2020). Confucianism and Same-Sex Marriage. Politics and Religion, 1–27. doi:10.1017/s1755048320000139
9. Chan, Sin Yee 2003.“The Confucian Conception of Gender in the Twenty-First Century.” In Confucianism for the Modern World, eds. Daniel Bell and Hahm Chaibong. Cambridge: Cambridge University Press, 312–333.
10. Martel, F., Baudoin, P., & Bronski, M. (2019). Global Gay: How Gay Culture Is Changing the World (The MIT Press) (Reprint ed.). The MIT Press.