Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Hắn vừa đi vừa chửi. Tối cao Pháp viện cũng chẳng cấm hắn chửi.
Từ hành vi chửi đổng nơi công cộng của Chí Phèo cho đến việc cân nhắc bảo vệ các hành vi biểu đạt “profanity”, “insult” của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, chúng ta thấy được một điểm giao thoa không ngờ tới của hai nền văn hóa.
***
Sự kiện một doanh nhân nổi tiếng livestream để chỉ trích một nghệ sĩ cũng nổi tiếng có phần còn vượt trội, theo người viết, là một dấu mốc quan trọng.
Với hơn nửa triệu lượt theo dõi trực tiếp vào lúc cao điểm và hàng triệu lượt xem tổng cộng, đây là con số mà kể cả các tờ báo hay đài truyền hình hàng đầu cũng phải mơ ước. Vụ việc như là một minh chứng không thể rõ ràng hơn cho năng lực định nghĩa lại khái niệm báo chí và truyền thông của mạng xã hội đương đại. Cùng theo đó, chúng ta cũng nhận thấy được hành vi tiêu thụ thông tin của đại chúng đã có những thay đổi khổng lồ chỉ sau vài thập niên.
Và không quá ngạc nhiên, Bộ Thông tin – Truyền thông ngay lập tức đưa ra cảnh báo sẽ “xử lý nghiêm” việc livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm. [1] Không chỉ vậy, việc sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng nằm trong tầm ngắm của chư vị cơ quan công quyền.
Đấy là chưa kể, các cơ quan công an địa phương luôn sẵn sàng giơ nanh giơ vuốt dọa nạt, bắt bỏ tù những người dám nói điều nghịch nhĩ trên các nền tảng trực tuyến.
Cái thực hành tự do ngôn luận ấy, nhìn ngược nhìn xuôi, liệu có kém cả làng Vũ Đại?
***
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi.
Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai.
Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại.
Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: ‘Chắc nó trừ mình ra!’. Không ai lên tiếng cả.”
Đã hơn 15 năm kể từ ngày đọc và nghiên cứu tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao, người viết ít ngờ rằng cách tiếp cận của làng Vũ Đại với cái sự chửi đổng của Chí Phèo lại trở thành tôn chỉ cho bản thân trong cách hiểu và cách ứng xử với tự do ngôn luận.
(Xin lưu ý, người viết không có ý so sánh nữ doanh nhân livestream với Chí Phèo, mà chỉ mượn sự kiện đó để mở rộng sang cả các vụ việc khác và bàn về tự do ngôn luận.)
Hẳn nhiên, có thể tranh luận rằng Nam Cao không hề có chủ đích bàn về tự do ngôn luận. Cái ông muốn mô tả là độ gàn dở của một tay ương ngạnh giang hồ đã đạt đến mức đỉnh điểm, khiến cho ngay cả không gian dân sự khắc nghiệt của làng xã miền Bắc cũng phải chào thua.
Song động tác tự nhủ “chắc nó trừ mình ra”, cứ để Chí Phèo chửi cho đến điên lên, có thể xem là một thực hành tự do biểu đạt rất tự nhiên và cũng rất hợp lý.
Để tránh hiểu nhầm, người viết trước tiên cần khẳng định rằng mình hoàn toàn đồng tình với nhận định cho rằng tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối. Chửi bới, một phần không thể thiếu trong biểu đạt của đời sống, lại càng không thể là một dạng biểu đạt bất khả xâm phạm. Nhưng chửi bới thì cũng có loại này, loại kia. Để phân biệt chúng, người viết xin được phép dựa vào hệ thống pháp luật thông luật (từ Hoa Kỳ) do kinh nghiệm tư pháp xử lý các vấn đề triết học pháp lý về biểu đạt của họ gần như là không ai sánh kịp.
Tuy nhiên, cả hai cách tiếp cận của hệ thống này đều dẫn đến một kết luận chung – “chửi gì kệ nó”.
Vì sao lại thế?
Loại chửi thứ nhất mà người viết muốn nhắc đến là “profanity”.
Profanity, tạm dịch là “biểu đạt thô tục”, gồm những dạng biểu đạt tục tĩu, thiếu văn hóa, được xếp chung vào các nhóm hành vi gồm “indecency” (không đứng đắn, sai khuôn phép) và nặng nhất là “obscenity” (đồi trụy).
Cả ba hình thức biểu đạt “profanity”, “indecency” và “obscenity” trước đây đều không nằm trong nhóm biểu đạt được Tu chính án thứ Nhất của Hoa Kỳ về tự do ngôn luận bảo vệ. [2] Lý do của việc loại trừ này khá đơn giản: sự thô tục, sự không đứng đắn và các dạng biểu đạt mang tính đồi trụy không có bất kỳ giá trị nào trong việc phản kháng hay chỉ trích một nhà nước.
Nói cách khác, Tu chính án thứ Nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận là nhằm bảo vệ quyền của người dân chống lại các chính phủ độc tài và sự tha hóa của nhà nước. Do đó, việc chửi bậy, phát tán những hình ảnh, từ ngữ có tính đồi trụy hay không đứng đắn rõ ràng không phải là hoạt động ngôn luận chống lại sự đàn áp của chính phủ.
Vì lý do này, Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission – FCC) được trao thẩm quyền đánh giá và kiểm soát hoạt động phát thanh, truyền hình đại chúng rất lớn, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như hình ảnh, ngôn từ hay bất kỳ hình thức biểu đạt gợi dục, không đứng đắn nào khác. [3]
Biểu đạt thô tục, trong một khoảng thời gian, được xem là loại biểu đạt nằm trong nhóm không đứng đắn, đồi trụy. Việc sử dụng ngôn từ quá tục tĩu hay thô thiển có thể được pháp luật các tiểu bang liệt kê vào diện cấm vì gây rối trật tự công cộng (public nuisance).
Trong phán quyết Chaplinsky v. New Hampshire được ban hành vào năm 1942, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ghi nhận khá rõ: [4]
“Có nhiều nhóm hình thức biểu đạt có thể được định nghĩa và giới hạn trong những lằn ranh rõ ràng, mà theo đó việc ngăn cản hay trừng phạt chúng không bao giờ được xem là một vấn đề bảo hiến. Phát ngôn tục tĩu, bôi nhọ, xúc phạm hay gây hấn (fighting words -ND) là những ví dụ điển hình nhất.”
Với phán quyết ra đời sau Chí Phèo đến tận một năm này, cách tiếp cận về tự do biểu đạt của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vẫn chưa bằng… Nam Cao.
Đến hơn 30 năm sau, cơ quan tài phán đầy quyền lực và tài ba này mới có dịp xem xét lại quyết định của mình với án lệ Cohen v. California. [5][6]
Vào thập niên 1970, pháp luật tiểu bang California cấm các hành vi cố tình gây rối và làm xáo trộn trật tự công cộng bằng các biểu đạt và hành động thô tục, có tính xúc phạm. Trong thời điểm đó, Paul Cohen là một thanh niên phản đối chiến tranh Việt Nam và bị tố cáo về việc mặc chiếc áo ghi dòng chữ (Fuck the Draft) tại cơ quan công quyền (tạm dịch “Quân dịch cái quần què). Anh chàng này bị bắt giữ và lĩnh án 30 ngày tù.
Tối cao Pháp viện lần này chính thức viện dẫn Tu chính án thứ Nhất.
Các thẩm phán nhận định: “Dù từ có bốn chữ cái mà chúng ta bàn đến (ý chỉ từ “fuck” – ND) không được ý nhị như các từ có thể thay thế khác, thực tế cho thấy lời thô tục của người này có khi lại là lời ca tiếng nhạc của người khác (‘one man’s vulgarity is another’s lyric’ được sử dụng như một thành ngữ ưa thích của các luật sư về quyền tự do biểu đạt – ND).”
Họ lý giải thêm rằng việc cân nhắc bảo vệ các ngôn ngữ thô tục đặc biệt trở nên cần thiết khi các chính quyền có xu hướng dựa vào việc kiểm soát sự thô tục của ngôn từ nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận và các quan điểm không chính thống.
Nếu “profanity” thường mang tính chất chửi đổng, không trực tiếp nhắm đến bất kỳ đối tượng nào và cũng không có bất kỳ mục đích cụ thể nào liên quan đến đối tượng bị chửi, “insult”, tức sự xúc phạm, sự thóa mạ có tính định hướng cao hơn.
Các câu hỏi pháp lý xoay quanh “insult” cùng những phiên bản của nó được thảo luận rất chi tiết trong bài viết “Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ”, bạn đọc có thể tham khảo thêm. [7]
Tuy nhiên, tựu trung lại, việc đòi hỏi pháp luật can thiệp vào các hành vi xúc phạm cũng có những yêu cầu đặc biệt và không dễ để có thể đạt mọi yêu cầu đưa ra. Từ nghĩa vụ chứng minh phát ngôn xúc phạm là không có căn cứ, sai sự thật, hoặc không có giá trị thực chứng; cho đến việc xem xét người nói có đang nói trong hoàn cảnh được miễn trừ hay không; hoặc giả người mà họ chỉ trích có phải là người của công chúng hay không – bên nguyên đơn gặp rất nhiều trở ngại.
Với cách nhìn của người viết, những trở ngại đó là chính đáng.
Theo cách nói của triết gia David Archard, giáo sư trường Queen’s University Belfast, sự xúc phạm, sự phản cảm (offensiveness) không phải là một thước đo pháp lý có đủ lý tính để được pháp điển hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia. [8]
Dù với những phân tích nói trên, người viết hoàn toàn không phủ nhận tác hại tâm lý của các kiểu xúc phạm cá nhân, đặc biệt là xúc phạm trên không gian mạng ngày nay. Với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội và sự kết nối chặt chẽ của con người vào các không gian này, cường độ và tần suất xúc phạm trở thành một vấn đề nan giải.
Chúng ta đã nghe câu chuyện về nhiều ngôi sao Hàn Quốc phải dùng đến biện pháp cực đoan nhất – tự sát – khi bị cư dân mạng chỉ trích và xúc phạm nặng nề. [9]
Nhưng ngay cả người thường cũng phải đối mặt với hiện tượng này.
Câu chuyện của Ryan Patrick Halligan, một học sinh cấp hai tự sát vào năm 2003 sau hàng tháng trời bị bạn cùng lớp xúc phạm và sỉ nhục, tiếp tục là câu chuyện khởi điểm để các luật gia Hoa Kỳ nỗ lực tìm kiếm giải pháp dung hòa quyền tự do ngôn luận và sức khỏe tinh thần của con người.
Một trong những đồng thuận chung hiện nay của các luật gia Hoa Kỳ là pháp luật nên bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước nạn ức hiếp trên mạng. Họ biện giải rằng, do trẻ nhỏ còn chưa phát triển đầy đủ và cứng cáp về mặt tinh thần, trong bối cảnh sống đương đại, “cyberbullying” có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ thiếu kinh nghiệm và sự hướng dẫn từ phía người lớn hoàn toàn có thể tìm đến các biện pháp cực đoan để giải quyết: dù đó là tự sát hay bạo lực trả đũa.
Tuy nhiên, giới thẩm phán Hoa Kỳ thì vẫn còn nhiều lo ngại về phạm vi và cách tiếp cận pháp lý để kiểm soát nạn ức hiếp trên mạng và bảo vệ quyền tự do biểu đạt.
Những lo ngại này được thể hiện rõ nhất trong án lệ State v. Bishop (2016) của Tối cao Pháp viện bang North Carolina. [10]
Theo đó, một học sinh trung học đã đăng và đưa ra những lời bình luận khiếm nhã đối với một bức ảnh lộ thân của bạn học cùng lớp.
Pháp luật tiểu bang North Carolina thì cấm hành vi đăng tải hay khuyến khích đăng tải những thông tin cá nhân có tính chất tình dục hoặc liên quan đến trẻ vị thành niên lên Internet với mục đích đe dọa hoặc thóa mạ.
Tuy nhiên, Pháp viện tiểu bang lại cho rằng các nhà lập pháp đã không làm tốt nghĩa vụ xác định rõ ràng ý nghĩa và mức độ của các thuật ngữ pháp lý quan trọng như đe dọa (intimidate) hay thóa mạ (torment). Vì tính chung chung, bao quát của ngôn ngữ lập pháp được lựa chọn, các thẩm phán lo ngại rằng chính quyền tiểu bang có thể sẽ vận dụng điều luật để cản trở quyền tự do biểu đạt của học sinh trong tương lai.
Cho đến nay, khi bàn đến chuyện này, các luật sư Hoa Kỳ thường dựa vào một bản án cũ hơn, được xem là án lệ hàng đầu về quyền tự do biểu đạt của học sinh – sinh viên do Tối cao Pháp viện ban hành, Tinker v. Des Moines Independent Community School District (1969). [11] Bài kiểm tra Tinker từ đó ra đời, cho rằng nhà trường có thể can thiệp vào quyền biểu đạt của học sinh nếu những biểu đạt này nhắm đến mục tiêu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà trường (substantial disruption) hoặc xâm phạm quyền lợi của các học sinh khác (invaded the rights of other).
Tuy nhiên, “chửi” và chỉ trích người lớn thì không bao giờ là một vấn đề nghiêm trọng trong tư duy pháp lý của Hoa Kỳ.
***
Điểm chung của làng Vũ Đại và các Tối cao Pháp viện tại Hoa Kỳ khi đối mặt với “chửi” có lẽ đã rất rõ. Trừ khi những phát ngôn chửi bới mang tính thù hận sắc tộc hay hàm chứa những thông tin sai, cố tình lừa dối người nghe, bản thân hình thức biểu đạt chửi bới không thể được xem là một hành vi vi phạm pháp luật. [12]
1. Thiên Điều – Đức Thiện (2021, May 28). Xử lý nghiêm việc livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm. TUOI TRE ONLINE. https://congnghe.tuoitre.vn/xu-ly-nghiem-viec-livestream-xuc-pham-danh-du-nhan-pham-2021052819591965.htm
2. Obscene, Indecent and Profane Broadcasts. (2021, January 13). Federal Communications Commission. https://www.fcc.gov/consumers/guides/obscene-indecent-and-profane-broadcasts
3. First Amendment–Obscenity and Indecency, 69 J. Crim. L. & Criminology 474 (1978).
4. Chaplinsky v. New Hampshire. (n.d.). The First Amendment Encyclopedia. Retrieved June 2, 2021, from https://mtsu.edu/first-amendment/article/293/chaplinsky-v-new-hampshire
5. Profanity. (2021). The First Amendment Encyclopedia. https://www.mtsu.edu/first-amendment/article/1143/profanity
6. Cohen v. California, 403 U.S. 15 (1971) https://www.oyez.org/cases/1970/299
7. Quản, V. V. (2020, August 18). Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 1: Trường hợp xúc phạm, phỉ báng, và bôi nhọ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/luat-phap-va-ngon-luan-ky-1-truong-hop-xuc-pham-phi-bang-va-boi-nho
8. ARCHARD, D. (2014). Insults, Free Speech and Offensiveness. Journal of Applied Philosophy, 31(2), 127-141. Retrieved June 2, 2021, from http://www.jstor.org/stable/24355950
9. Borowiec, S. (2021, January 29). Is South Korea’s caustic obsession with celebrity to blame for the early demise of another young starlet? Steven Borowiec discusses the soul-searching in the country after Sulli’s death. CNA. https://www.channelnewsasia.com/news/commentary/south-korea-celebrity-sulli-f-x–suicide-cause-death-12018318
10. State v. Robert Bishop, 368 N.C. 869, 787 S.E.2d 814 (N.C. 2016) https://caselaw.findlaw.com/nc-court-of-appeals/1705020.html
11. Tinker v. Des Moines Sch. Dist., 393 U.S. 503 (1969) https://www.oyez.org/cases/1968/21
12. Quản, V. V. (2020b, August 20). Luật pháp và ngôn luận – Kỳ 3: Trường hợp phát ngôn thù hận. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/08/luat-phap-va-ngon-luan-ky-3-truong-hop-phat-ngon-thu-han