Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một hòn đảo, sáu bên tranh chấp.
Vào tháng 5/2021, tướng Cirilito Sobejana, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines) đã thông báo sẽ biến đảo Thị Tứ (đảo Pag-asa theo cách gọi của Philippines) trở thành “trung tâm logistic” (logistic hub) để thúc đẩy “hoạt động tuần tra chủ quyền ở biển Tây Philippines”. [1] Động thái trên được đưa ra sau khi Philippines và Trung Quốc đối đầu ở Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) hồi đầu tháng 4/2021.
Bên cạnh đó, Tướng Sobejana cũng cho biết trên Bloomberg rằng quân đội Philippines đang lên kế hoạch lắp đặt các camera nhìn ban đêm có độ phân giải cao trên đảo Thị Tứ để giám sát các khu vực lân cận. “Mục tiêu của chúng tôi là đuổi các tàu dân quân biển và các tàu khác của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, tướng Sobejana trả lời phỏng vấn trên tờ CNN Philippines. [2]
Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì ở Trường Sa, chỉ sau đảo Ba Bình, và là hòn đảo lớn nhất mà Philippines chiếm đóng vào năm 1974. [3][4] Brunei, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền đối với hòn đảo này. Đảo nằm ở cực Tây của Philippines, cách tỉnh Palawan 240 dặm. Đây là đảo duy nhất ở Trường Sa có dân thường sinh sống, với ngư dân và binh lính Philippines, và một đường băng bị hư hại dài 1,3 km được xây dựng từ những năm 1970. [5] Hiện Philippines đang tìm cách sửa lại đường băng mặc dù bị các tàu dân quân biển của Trung Quốc cản trở. Theo VOA News, đảo Thị Tứ “có khoảng 300 dân thường sinh sống cùng các cấu trúc dân sự như nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà máy lọc nước và đất nông nghiệp”. [6]
Trong năm qua, các tàu Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào vùng biển quanh đảo Thị Tứ để ngăn trở các chuyến tàu đến đảo. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI), Trung Quốc đã cho các tàu dân quân biển bao vây vùng nước quanh đảo Thị Tứ liên tục từ tháng 12/2018 đến đầu năm 2020 để ngăn cản các tàu Philippines đưa vật tư lên đảo với mục đích xây dựng các công trình và sửa chữa đường băng. [7]
Các tàu Trung Quốc tập trung nhiều nhất ở các rạn san hô và bãi cát ở phía Tây đảo Thị Tứ, tương đối gần Đá Xu Bi (Subi Reef, do Trung Quốc chiếm hữu thực tế vào năm 1988, cách đảo Thị Tứ 26km về phía Tây Nam) – nơi được cho là một trong những tiền đồn quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. [8][9]
AMTI đã đăng tải những hình ảnh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar của Mỹ chụp ngày 18/12/2018 cho thấy có 88 tàu dân quân biển của Trung Quốc tiếp cận đảo Thị Tứ. [7] Các tàu này chỉ giả bộ đánh cá, mặc dù trên tàu có trang bị lưới đánh cá nhưng người trên tàu chỉ ngồi yên mà không thả lưới.
Sáu tháng đầu năm 2021, Trung Quốc liên tục có động thái gây hấn và chèn ép Philippines trên Biển Đông, bất chấp những nỗ lực ngoại giao bài Mỹ – thân Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Duterte. [10] Tháng 1/2021, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát Biển mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. [11] Vào tháng 3/2021, Trung Quốc xua đội tàu đánh cá công suất lớn của mình đến Đá Ba Đầu (Whitson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, khiến Philippines và Trung Quốc đối đầu trên biển trong nhiều tháng, trong đó đáng chú ý là vụ tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi tàu dân sự chở phóng viên đưa tin của Philippines. [12][13]
Quan hệ Trung Quốc – Philippines đang trong giai đoạn căng thẳng. Hoàn cảnh trên thúc đẩy nội các của ông Duterte xích lại gần Mỹ hơn. Trong đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã tỏ thái độ cứng rắn khi gửi đi nhiều công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc, thậm chí còn đăng tải một bài viết có lời lẽ văng tục đối với Trung Quốc làm dậy sóng mạng xã hội Twitter vào ngày 3/5/2021. [14][15]
Các thượng nghị sĩ nước này cũng bày tỏ quan điểm tương tự khi thúc giục chính phủ tham gia hợp tác hải quân với Mỹ và tỏ ra phẫn nộ đối với chính sách thân Bắc Kinh của ông Duterte.[16] Ngày 10/4/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III để thảo luận về tình hình Biển Đông, về các động thái của Trung Quốc cũng như về việc nâng cao hợp tác quốc phòng và tái khẳng định giá trị của Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng Mỹ – Philippines (VFA). [17]
Các hành động xâm lấn của Bắc Kinh trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã làm lan tỏa tư tưởng chống Trung Quốc trong công chúng Philippines. Trong một cuộc khảo sát năm 2020 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tiến hành, có đến 86,6% số người Philippines tham gia khảo sát cho rằng việc Trung Quốc xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác là một “mối quan tâm hàng đầu”.[18] Bản thân ông Duterte cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khi chính sách thân Bắc Kinh của ông bị các đối thủ chính trị chỉ trích. Một trong số đó là Thượng nghĩ sĩ kiêm võ sĩ quyền anh Manny Pacquiao (với biệt danh Pacman), người có tham vọng tranh cử ghế tổng thống vào năm 2022. [19]
Nếu Philippines thành công trong việc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ, năng lực hải quân của Philippines trong khu vực sẽ thay đổi đáng kể vì Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động quân sự chung trên hòn đảo chiến lược này. Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng Mỹ – Philippines, vốn được xem là hiệp ước phòng thủ chung và là trọng tâm trong mối quan hệ liên minh truyền thống giữa hai nước, vừa được gia hạn thêm sáu tháng và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2022. [20] Tương lai của thỏa thuận này sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra vào năm sau.
Có thể thấy, những động thái gần đây của chính phủ Duterte, bao gồm cả việc lên kế hoạch xây căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ cho thấy Philippines đang dần quay trở lại quỹ đạo của Mỹ sau 5 năm thân cận với Bắc Kinh.
Trước thông tin Philippines có kế hoạch nâng cấp đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối vào ngày 27/05/2021: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, cũng như các quyền liên quan của Việt Nam với quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và vô giá trị.” [21]
Phát ngôn này thể hiện rõ quan điểm mà nhà nước Việt Nam duy trì từ lâu, đó là kêu gọi các bên giữ nguyên hiện trạng các thực thể trên Biển Đông. Quan điểm này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Việt Nam thúc đẩy, theo lời của Đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí trong nước năm 2014: “Không mở rộng tranh chấp, không cắm mới vào những nơi mà các bên chưa cắm”. [22]
Tuy nhiên, các bên tham gia tranh chấp, bao gồm cả Việt Nam, đều tìm cách xây dựng và bồi đắp các thực thể theo hướng quân sự hóa. Việt Nam hiện đã triển khai [23] hệ thống tháp truyền tín hiệu, boongke, tên lửa phòng không, pháo binh và căn cứ quân sự trên Đá Tây [24] và Đảo Sinh Tồn [25] thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện nay, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó, việc Philippines xây căn cứ quân sự trên đảo Thị Tứ là trực tiếp xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, nếu VFA tiếp tục được gia hạn, lực lượng hải quân Philippines và Hoa Kỳ có thể thuận lợi sử dụng đảo cho các mục đích quân sự và nâng cao khả năng triển khai hải quân của họ trên Biển Đông. Điều này có thể có lợi cho Việt Nam vì sẽ giúp cân bằng cán cân quân sự trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc bá quyền trên biển. Tuy nhiên, đồng thời, hải quân Philippines cũng có thể có cơ hội cạnh tranh với hải quân Việt Nam trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà hai nước đang tranh chấp.
Đính chính (17:10, 19/6/2021): Chúng tôi đưa tin sai về việc VFA đã hết hạn và đang chờ phê chuẩn. Xin sửa lại rằng VFA đã được gia hạn thêm sáu tháng tới tháng 2/2022.
1. To Counter China, Philippines Plans Bigger Base in Spratly Islands. (2021, May 13). The Maritime Executive. https://www.maritime-executive.com/article/to-counter-china-philippines-plans-bigger-base-in-spratly-islands
2. Andreo Calonzo. (2021). Philippines Plans Military Hub, Sea Cameras Amid China Row. BloombergQuint. https://www.bloombergquint.com/onweb/philippines-plans-military-hub-cameras-at-sea-amid-china-spat
3. The Tiny Island That’s Key to China’s Maritime Ambitions. (2020, March 1). Bloomberg.Com. https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2020-03-01/china-s-naval-power-may-hinge-on-thitu-island
4. Thitu Island. (n.d.). Asia Maritime Transparency Initiative. Retrieved June 14, 2021, from https://amti.csis.org/thitu-island
5. AMTI LEADERSHIP. (2015, December 10). Daily Life on Thitu Island. Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/daily-life-on-thitu-island
6. Cobus P. (n.d.). Xung đột và Ngoại giao ở Biển Đông. VOA News. Retrieved June 14, 2021, from https://projects.voanews.com/south-china-sea/vietnamese
7. The Long Patrol: Staredown at Thitu Island Enters its Sixteenth Month. (2020, March 5). Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/the-long-patrol-staredown-at-thitu-island-enters-its-sixteenth-month
8. Subi Reef. (n.d.). Asia Maritime Transparency Initiative. Retrieved June 14, 2021, from https://amti.csis.org/subi-reef
9. Chan, T. F. (2018, May 24). China is not even pretending anymore in the South China Sea—It put 400 buildings on one of the disputed islands. Business Insider. https://www.businessinsider.com/china-400-buildings-subi-reef-south-china-sea-2018-5
10. Vì sao ông Duterte quyết thoát Mỹ để thân Trung? (2019, September 20). VOA. https://www.voatiengviet.com/a/vì-sao-ông-duterte-quyết-thoát-mỹ-để-thân-trung-/5091073.html
11. Tian, Y. L. (2021, January 22). China authorises coast guard to fire on foreign vessels if needed. Reuters. https://www.reuters.com/article/us-china-coastguard-law-idUSKBN29R1ER
12. 220 Chinese Vessels Stake Out Another Reef in Spratly Islands. (2021). The Maritime Executive. https://www.maritime-executive.com/article/220-chinese-vessels-stake-out-another-reef-in-spratly-islands
13. Bloomberg. (2021, April 9). Chinese navy chases Filipino news crew as Whitsun Reef stand-off deepens. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/3128908/chinese-navy-ships-chase-philippine-news-crew-south-china
14. Willard Cheng. (2021, April 14). DFA’s Locsin files 2 new diplomatic protests vs Beijing. ABS-CBN News. https://news.abs-cbn.com/news/04/14/21/dfas-locsin-orders-fresh-diplomatic-protest-vs-beijing
15. ‘GET THE F*** OUT’: Filipino diplomat fumes over China incursions. (2021). https://www.aljazeera.com/news/2021/5/4/get-the-f-out-filipino-diplomat-fumes-over-china-incursions
16. Katrina Domingo and Sherrie Ann Torres. (2021, April 9). Senators urge gov’t: Deploy more troops, seek US help after China chases PH boat. ABS-CBN News. https://news.abs-cbn.com/news/04/09/21/senators-urge-govt-deploy-more-troops-seek-us-help-after-china-chases-ph-boat
17. Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III Phone Call With Philippines Secretary. (2021, April 10). U.S. DEPARTMENT OF DEFENSE. https://www.defense.gov/Newsroom/Releases/Release/Article/2568085/readout-of-secretary-of-defense-lloyd-j-austin-iii-phone-call-with-philippines
18. Sharon Seah, Hoang Thi Ha, Melinda Martinus, & Pham Thi Phuong Thao. (2021). The State of Southeast Asia: 2021 Survey Report. ASEAN Studies Centre, ISEAS-Yusof Ishak Institute. https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/01/The-State-of-SEA-2021-v2.pdf
19. Castaneda, J. (2021, May 21). Pacman for president of the Philippines. Asia Times. https://asiatimes.com/2021/05/pacman-for-president-of-the-philippines
20. Tomacruz, S. (2021, June 15). US welcomes Philippines’ decision to suspend VFA termination again. Rappler. https://www.rappler.com/nation/united-states-statement-philippines-duterte-decision-suspend-vfa-termination-june-2021
21. Minh Quân. (2021, May 27). Yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa. Báo Thế giới và Việt Nam. https://baoquocte.vn/yeu-cau-cac-ben-ton-trong-chu-quyen-cua-viet-nam-voi-truong-sa-146549.html
22. Thế Dũng. (2014, October 20). Giữ nguyên hiện trạng biển Đông! Người Lao Động. https://nld.com.vn/news-20141020223743839.htm
23. Vietnam Shores Up Its Spratly Defenses. (2021). Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/vietnam-shores-up-its-spratly-defenses
24. West Reef. (n.d.). Asia Maritime Transparency Initiative. Retrieved June 14, 2021, from https://amti.csis.org/west-reef
25. Sin Cowe Island. (n.d.). Asia Maritime Transparency Initiative. Retrieved June 14, 2021, from https://amti.csis.org/sin-cowe-island