‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ai quyết định loại vaccine nào nên sử dụng, và người dân có được quyền lựa chọn không?
Ngày 10/7/2021, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân, kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, với mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 75 triệu người (150 triệu liều). [1]
Có nhiều câu hỏi cần được giải đáp về chiến dịch này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế vào đầu tháng 6/2021, trong hơn 120 triệu liều vaccine COVID-19 sẽ về Việt Nam trong năm 2021, hiện có bốn loại: AstraZeneca (Anh sản xuất), Moderna (Mỹ), Pfizer-BioNTech (Mỹ – Đức hợp tác), và Sputnik V (Nga). [2]
Trong số này, vaccine Sputnik V của Nga đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. [3] Nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại và đặt nghi vấn trước các dữ liệu chưa được công bố đầy đủ và công khai về quá trình phát triển và thử nghiệm của loại vaccine này. [4]
Ngoài 20 triệu liều Sputnik V đã được Bộ Y tế đàm phán mua trực tiếp, ngày 12/7/2021, chính phủ vừa ra nghị quyết cho phép tập đoàn T&T đàm phán mua thêm 40 triệu liều vaccine Sputnik V (nguồn tiền do tập đoàn T&T tự bỏ ra). [5]
Bên cạnh bốn loại vaccine trên, vào đầu tháng 7/2021, Bộ Y tế cũng đã cho phép công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. [6] Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do phía Trung Quốc tài trợ. [7]
Vaccine Sinopharm, cùng với Sinovac của Trung Quốc, đã được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp lần lượt vào tháng 5 và tháng 6/2021. Tuy nhiên, những nghi vấn về mức độ hiệu quả của nó được đặt ra khi một số nước đối diện với làn sóng lây nhiễm mới sau khi đã tiêm các loại vaccine này. [8]
Các báo cáo về những trường hợp phản ứng sau khi tiêm tại Trung Quốc cũng thấp đến mức ngạc nhiên. [9] Trong một báo cáo, sau khi tiêm 1,1 triệu liều vaccine Sinopharm, chỉ có 79 người gặp phản ứng nhẹ, tỷ lệ 0,007%. So sánh với vaccine AstraZeneca được tiêm tại Việt Nam đợt vừa qua, tỷ lệ người tiêm găp phản ứng nhẹ là 33%, còn phản ứng nặng là 0,1%. [10]
Tháng 4/2021, Cao Phúc (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh của Trung Quốc, trong một bài phát biểu công khai được cho là đã thừa nhận các vaccine Trung Quốc hiện có hiệu quả bảo vệ chống lại COVID-19 thấp. [11] Trả lời hãng tin AP sau đó, ông này đính chính rằng mình đang nói về tất cả các loại vaccine chống dịch trên thế giới.
Như vậy, trong chiến dịch tiêm vaccine sắp tới, sẽ có ít nhất 5 loại được sử dụng cho người dân. Dù báo chí trong nước không trực tiếp đề cập, nhưng dư luận vẫn có nhiều lo ngại về mức độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine đến từ Nga và Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là việc chọn mua vaccine được quyết định trên cơ sở nào? Các nhà khoa học, các chuyên gia y tế độc lập nào đã được tham vấn ý kiến về quy trình lựa chọn này? Ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp vaccine được sử dụng không đem lại hiệu quả, làm lãng phí ngân sách, thậm chí là gây nguy hiểm cho người dân?
Hiện tại, việc đăng ký tiêm vaccine được thực hiện thông qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” hoặc truy cập trực tiếp vào “Cổng Thông tin Tiêm chủng COVID”. [12] Trong quy trình đăng ký chưa có mục để người dân lựa chọn tiêm loại vaccine nào.
Có nhiều ý kiến cho rằng vì chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện miễn phí nên người dân không có quyền lựa chọn. Ai muốn chủ động chọn thì tự bỏ tiền ra để tiêm dịch vụ.
Đây là một lập luận đánh tráo tư duy.
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 là một dịch vụ công của nhà nước. Như mọi dịch vụ công khác, nó lấy nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước đến từ đóng góp của người dân. Vậy nên, bất kể ngôn ngữ tuyên truyền thế nào, dịch vụ công không bao giờ thực sự “miễn phí”. Nó là sản phẩm được người dân trả phí thông qua việc đóng góp vào ngân sách. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn, giám sát và yêu cầu thay đổi dịch vụ lẫn người cung cấp dịch vụ đó.
Chưa kể một phần lớn ngân sách của chiến dịch tiêm vaccine lần này đến từ Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19 mà nhà nước đang kêu gọi người dân đóng góp.
Một lý do khác để hạn chế quyền lựa chọn của người dân là tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu. Thay vì kén cá chọn canh, nên có gì xài nấy.
Đứng ở góc độ miễn dịch cộng đồng, đây là quan điểm hợp lý. Tuy vậy, nó không thể là lý do để ép buộc người dân tiêm vào người thứ họ không muốn, đặc biệt đối với những loại vaccine còn để lại nhiều nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng.
Một trong những phương thức có thể hóa giải mối lo ngại của người dân đối với các loại vaccine là việc lãnh đạo nhà nước trực tiếp thị phạm.
Đây là cách mà người đứng đầu chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.
Tháng 12/2020, Tổng thống Mỹ Joe Biden (khi đó chưa nhậm chức) được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech trực tiếp trên truyền hình. [13]
Tháng 1/2021, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez xuất hiện trước truyền thông khi tiêm vaccine Sputnik V của Nga (nhưng đến tháng Tư vừa rồi ông bị xác nhận nhiễm bệnh). [14]
Tháng 3/2021, để thuyết phục người dân tin tưởng vào sự an toàn của vaccine, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trở thành người đầu tiên ở Thái Lan tiêm vaccine AstraZeneca. [15]
Hay vào tháng 5/2021, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cho phát trực tiếp (livestream) trên Facebook cảnh ông được tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc. [16]
Trái ngược với những quốc gia khác, thông tin về tình trạng tiêm vaccine của các quan chức tại Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông.
Không ai biết tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Bộ Chính trị, các bộ trưởng, v.v. đã được tiêm vaccine chưa và nếu có thì là loại nào.
Ngoại lệ duy nhất là trường hợp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. Vào ngày 26/3/2021, báo chí đưa tin họ đã thử nghiệm tiêm vaccine Nano Covax do Việt Nam nghiên cứu sản xuất. [17]
Vào tháng 6/2021, trong một cuộc họp về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo “tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó”.
Yêu cầu này của người đứng đầu chính phủ, cũng như thông điệp tuyên truyền của các lãnh đạo nhà nước, sẽ có ý nghĩa nếu họ công khai cho người dân biết bản thân đã lựa chọn tiêm loại vaccine nào.
Ngày 5/6/2021, chính phủ ra mắt Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19, kêu gọi nhân dân đóng góp nguồn lực để chống dịch. [19]
Trước đó, ngày 2/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC để hướng dẫn về việc tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng, kế toán, quyết toán, công khai tài chính của quỹ. [20]
Thông tư quy định quỹ có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính vào mỗi tháng, mỗi sáu tháng và mỗi năm.
Khoản 3, Điều 25 của thông tư ghi rõ thời điểm công khai báo cáo “chậm nhất sau ngày 10 kể từ ngày kết thúc tháng”. Theo Khoản 4, Điều 25, việc công khai được thực hiện qua Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Tài chính.
Đến thời điểm hiện tại, ngày 13/7/2021, trên trang web của Bộ Tài chính chưa thấy xuất hiện thông tin gì về báo cáo.
Tại trang web của Quỹ Vaccine Phòng chống COVID-19, mục báo cáo chỉ cung cấp danh sách những khoản đóng góp. [21]
Việc công bố báo cáo tài chính theo đúng cam kết, công khai minh bạch, đầy đủ thông tin là yêu cầu cơ bản để nhà nước thể hiện trách nhiệm của mình.
Người dân cũng cần được tiếp cận báo cáo định kỳ để có cơ sở giám sát, kiểm tra, và chất vấn tính hợp lý của những khoản chi dành cho chiến dịch tiêm chủng.
Cập nhật (15:45, 2/8/2021): Bài viết trình bày lại thông tin về tỷ lệ gặp phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine AstraZeneca tại Việt Nam. Theo đó, 33% có phản ứng nhẹ, 0,1% có phản ứng nặng. Bản gốc chỉ đề cập con số 0,1% mà không giải thích rõ ràng.
Tài liệu tham khảo
1. VnExpress. (2021, July 11). Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 toàn dân bắt đầu. vnexpress.net. https://vnexpress.net/chien-dich-tiem-vaccine-covid-19-toan-dan-bat-dau-4307303.html
2. Online T. T. (2021a, June 3). Lịch trình hơn 120 triệu liều vắc xin COVID-19 sẽ về Việt Nam. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/lich-trinh-hon-120-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-se-ve-viet-nam-20210603092934953.htm
3. Reuters. (2021, June 23). WHO cites concerns about Russian Sputnik V plant, which says issues resolved. https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/who-review-finds-issues-with-one-russian-sputnik-v-manufacturing-plant-2021-06-23/
4. Deutsche Welle (www.dw.com). (2021). Fact check: How effective is the Sputnik V vaccine? DW.COM. https://www.dw.com/en/is-sputnik-v-vaccine-safe/a-57219314
5. Online T. T. (2021c, July 12). Chính phủ đồng ý đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/chinh-phu-dong-y-dam-phan-mua-40-trieu-lieu-vac-xin-sputnik-v-20210712164229942.htm
6. D. (2021, July 9). Một công ty ở TP HCM được nhập 5 triệu liều vắc-xin Covid-19 Sinopharm. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/suc-khoe/mot-cong-ty-o-tp-hcm-duoc-nhap-5-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-sinopharm-20210709062745189.htm
7. Giang B. (2021, July 8). Việt Nam nói về việc tiêm vắc-xin Trung Quốc cho người Trung Quốc. Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/viet-nam-noi-ve-viec-tiem-vac-xin-trung-quoc-cho-nguoi-trung-quoc-post1353436.tpo
8. Hart, J., & Russell, F. (2021, June 21). What are the Sinopharm and Sinovac vaccines? And how effective are they? Two experts explain. The Conversation. https://theconversation.com/what-are-the-sinopharm-and-sinovac-vaccines-and-how-effective-are-they-two-experts-explain-162258
9. Xem [8]
10. D. (2021a, April 9). 33% phản ứng thông thường, 0,1% phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/suc-khoe/33-phan-ung-thong-thuong-01-phan-ung-nang-sau-tiem-vac-xin-covid-19-20210409065239878.htm
11. Top Chinese official admits vaccines have low effectiveness. (2021, April 11). AP NEWS. https://apnews.com/article/china-gao-fu-vaccines-offer-low-protection-coronavirus-675bcb6b5710c7329823148ffbff6ef9
12. VnExpress. (2021, July 13). Hai cách đăng ký tiêm vaccine Covid-19 qua mạng. vnexpress.net. https://vnexpress.net/hai-cach-dang-ky-tiem-vaccine-covid-19-qua-mang-4308101.html
13. Bekiempis, V. (2021, January 21). “I’m ready”: Joe Biden receives coronavirus vaccine live on TV. The Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/2020/dec/21/joe-biden-coronavirus-vaccine-covid-public
14. Al Jazeera. (2021, April 3). Argentina’s president tests positive for COVID-19. Coronavirus Pandemic News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2021/4/3/argentina-president-tests-positive-for-covid-19
15. C. (2021, March 16). Thai PM gets first shot of AstraZeneca COVID-19 vaccine after safety scare. CNA. https://www.channelnewsasia.com/news/asia/thailand-prayut-chan-o-cha-receives-astrazeneca-covid-19-vaccine-14417792
16. Reuters. (2021, May 4). Philippine President Rodrigo Duterte receives first dose of China’s Sinopharm Covid vaccine. CNBC. https://www.cnbc.com/2021/05/04/philippines-duterte-receives-first-dose-of-sinopharms-covid-vaccine.html
17. VnExpress. (2021a, March 27). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử vaccine Nano Covax. vnexpress.net. https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tiem-thu-vaccine-nano-covax-4254285.html
18. Online T. T. (2021a, June 23). Thủ tướng: “Tránh chờ đợi, lựa chọn vắc xin, có loại nào phải dùng ngay loại đó.” TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/thu-tuong-tranh-cho-doi-lua-chon-vac-xin-co-loai-nao-phai-dung-ngay-loai-do-2021062321592378.htm
19. Đông P. (2021, June 6). Người dân ủng hộ sự ra đời của Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn. https://laodong.vn/thoi-su/nguoi-dan-ung-ho-su-ra-doi-cua-quy-vaccine-phong-chong-covid-19-917439.ldo
20. Thuvienphapluat.vn. (n.d.). Thông tư 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-41-2021-TT-BTC-to-chuc-hoat-dong-quan-ly-su-dung-Quy-vac-xin-phong-Covid19-Viet-Nam-476639.aspx21. Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. (2021). Báo cáo. https://quyvacxincovid19.gov.vn/report