Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
“Tấm khiên” vaccine và điều đúng nên làm.
Cùng với chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 thần tốc của thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) bắt đầu từ ngày 19/6, trên mạng xã hội, trào lưu “vaccine selfie” xuất hiện với sự phủ sóng của các bức ảnh chụp chính mình khi được tiêm vaccine. Hình ảnh này chủ yếu đến từ nhóm được ưu tiên tiêm vaccine do đặc thù công việc phải tiếp xúc với nhiều người như phóng viên, công nhân, quân nhân, viên chức v.v. đang làm việc trong các tòa soạn báo/ khu công nghiệp/ cơ quan nhà nước.
Số đông khác là những người làm công việc văn phòng cho các công ty có trụ sở tại khu công nghiệp hoặc các nhân viên thuộc bộ phận quảng cáo của các tòa soạn. Dù công việc của họ hoàn toàn có thể làm tại nhà, nhưng vì có đồng nghiệp trong khu công nghiệp/ tòa soạn thuộc diện tiêm chủng, họ cũng may mắn có một suất tiêm trước.
Cùng với hình ảnh đưa tay ra hiệu chiến thắng tại điểm tiêm chủng hay hình ảnh bản thân đang an yên trong một khu vườn dưỡng sức sau tiêm, nội dung chú thích đính kèm cũng rất đa dạng. Có người không giấu niềm vui sướng và nhắc đến từ “tự hào” vì mình hoặc công ty mình nằm trong nhóm đầu. Người khác lại có màn “review” nhiều kỳ cập nhật từng giờ về tất tần tật các triệu chứng sau 24 giờ tiêm. Có người truyền đi thông điệp “tiêm đi, đừng sợ”.
Chưa bàn về tính hợp lý của việc phân bổ vaccine, có nhiều hơn một câu hỏi cần trả lời trước khi nhấn đăng một bức ảnh khoe “tôi được tiêm vaccine rồi”. Những câu hỏi này sẽ còn kéo theo một cuộc tranh cãi phải trái đúng sai không ngừng, vì đại dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ và không một ai là người ngoài cuộc.
Không. Cảm giác tự hào vì được tiêm ngừa trước có gì đó không đúng, như thể tự đeo lên đầu mình một chiếc vòng nguyệt quế dù bạn chẳng có công cán gì.
Bạn có thể tự hào vì là một trong người đầu tiên làm ra một thành tích gì đó, nhưng bạn đâu có lao động vất vả, nỗ lực hay dũng cảm gì để có một suất tiêm sớm vaccine? Ở đây, bạn được tiêm trước vì bạn đang làm việc trong ngành nghề thiết yếu, bạn cần được bảo vệ sức khỏe để duy trì ổn định sản xuất (hoặc có thể bạn được tiêm sớm đơn giản vì bạn “ké” những người đang làm công việc thiết yếu).
Việc tự đội lên đầu mình “vòng nguyệt quế tự hào vaccine” đồng nghĩa với việc bạn đang nghĩ rằng mình xứng đáng hơn người khác. Thực tế, được tiêm vaccine là quyền lợi của mọi công dân, không ai xứng đáng hơn ai. Việc tiêm trước hay tiêm sau xảy ra chỉ là vì vaccine đang khan hiếm. Vì vậy, “tự hào” ở đây không khác gì khoe khoang rằng bạn đang đứng trên người khác.
Thay vì tự hào, đúng ra bạn nên có chút gợn sóng trong lòng vì rất có thể sự may mắn của bạn đã lấy đi một suất tiêm của những người lao động thực sự cần xuống đường để chạy ăn từng bữa hay những người có nguy cơ tử vong cao nếu không may dương tính.
Theo thống kê từ Sở Y tế TP.HCM ngày 18/6, [1] địa phương này cần 2,4 triệu liều vaccine để tiêm cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên theo nhiều ngành nghề. Trong đó, số vaccine cần cho người trên 65 tuổi là 608.716 liều; cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội là 202.443 liều. Trong chiến dịch tiêm vaccine thần tốc tại TP. HCM vừa qua, những người thuộc diện nghèo, người khuyết tật, người già v.v. vẫn chưa có suất tiêm, dù họ – những người yếu thế về sức khoẻ và kinh tế như đang đi trên lớp băng mỏng – mới là những người cần vaccine nhất lúc này để sống sót hoặc tiếp tục tự nuôi sống mình.
Không. Bạn có thể cảm ơn công ty vì đã nỗ lực chuẩn bị để hoạt động tiêm chủng diễn ra suôn sẻ, chứ không nên cảm ơn vì công ty đã kiếm được vaccine về cho mình. Về nguyên tắc, các công ty không quyết định chuyện lao động của mình được tiêm trước hay tiêm sau. Tiêu chí vẫn là tính thiết yếu của ngành nghề.
Trong trường hợp nếu vì một lý do “ngoại giao” nào đó, công ty hay tổ chức của bạn vẫn có suất tiêm vaccine dù không nằm trong danh sách ngành nghề ưu tiên, bạn càng không nên cảm ơn công ty vì điều đó. Với bạn, hành động này của công ty thể hiện sự chăm lo cho nhân viên và giúp công ty hoạt động ổn định, duy trì sinh kế cho người lao động; nhưng đối với nhiều người khác, đó là hành vi “chen hàng”, lấy đi cơ hội của những người đang cần vaccine hơn. Hành động của các công ty không sai với bạn và với đồng nghiệp của bạn, nhưng sai với nhiều người khác.
Không. Bạn nên dẹp bớt suy nghĩ tự hào vì cho rằng công ty đã đóng góp cho quỹ vaccine nên xứng đáng được ưu tiên tiêm sớm. Tiêm chủng COVID-19 là quyền lợi của mọi người dân, do ngân sách nhà nước chi trả. Quỹ vaccine là giải pháp khi ngân sách không đủ nên cần huy động nhiều nguồn lực toàn xã hội với mục đích cuối cùng vẫn là vaccine miễn phí cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo hay địa vị.
Cách hiểu ai góp nhiều tiền vào quỹ thì được ưu tiên là sai lầm. Nó có thể tạo ra bất bình đẳng, đẩy những người nghèo về cuối danh sách được tiêm chủng.
Có và không, tùy thuộc vào mục đích của bạn. Câu trả lời là có nếu bạn thật lòng muốn truyền đi thông điệp “tiêm đi, đừng sợ”, nhất là khi không ít người hoài nghi về sự an toàn của vaccine AstraZeneca và có tâm lý chờ đợi các loại vaccine khác. Những câu thông báo ngắn gọn đã tiêm hoặc kêu gọi mọi người khác nên tiêm là điều đúng nên làm để cổ vũ nhưng người còn nghi ngại.
Tuy nhiên, ngay cả khi đăng hình vì một mục đích đúng đắn, bạn cũng nên lựa chọn hình ảnh và nội dung thích hợp theo ba tiêu chí: thông tin chính xác, lịch sự và cân nhắc kỹ ngôn từ.
Nếu như định kêu gọi người khác bằng việc chia sẻ về các triệu chứng của bản thân thì đây là một việc không mấy ý nghĩa. Triệu chứng của mỗi người sau khi tiêm chủng là khác nhau, biết được các triệu chứng bạn gặp phải chưa chắc có ích gì cho người khác. Hơn nữa, rất có thể những điều bạn đang chia sẻ đã có trong các hướng dẫn trước khi tiêm của cơ quan y tế rồi.
Nếu bạn định đăng hình tiêm vaccine để diễn tả niềm vui sướng và hạnh phúc vì đã tiêm thì hãy nghĩ lại. Bạn được tiêm trước và có một tấm khiên bảo vệ, đó là điều đáng mừng và ai cũng mừng cho bạn. Tuy nhiên, hãy “ăn mừng” kín đáo thôi, vì ngoài kia còn hàng triệu người đang khổ sở về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí không giữ được tính mạng vì dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 16h ngày 29/6, Việt Nam chỉ mới tiêm tổng cộng hơn 3,5 triệu liều vaccine, con số như muối bỏ bể so với dân số 98 triệu người. [2]
Phô trương niềm vui của mình giữa lúc nhiều người đang chìm trong biển lửa còn có thể tạo ra những nỗi sợ hãi cho người khác. Càng nhiều hình ảnh tiêm vaccine ồ ạt trên mạng, càng nhiều người thấy lo lắng vì mình hoặc người thân chưa được tiêm, và càng rối bời hơn nếu bản thân thuộc nhóm cách xa ưu tiên.
Câu chuyện này từng diễn ra tại Mỹ hay Canada, khi nhiều người lên tiếng rằng họ có cảm giác sợ bị bỏ rơi (FOMO – fear of missing out) vì bản thân chưa được tiêm trong khi những người khác lại không ngừng chia sẻ về việc được tiêm vaccine trên Facebook. [3] [4]
Nỗi lo “bị bỏ lại phía sau” này là dễ hiểu. Thử hình dung, giữa một cuộc chiến, bạn sẽ cảm thấy ra sao nếu thấy đồng đội của mình có tấm khiên bảo vệ còn mình thì “tay không đánh giặc”?
Trong cuộc chiến đặc biệt với COVID-19, không ít ý kiến phản biện rằng “những người không có khiên” là khéo lo hoặc quá nhạy cảm vì ai rồi cũng sẽ được tiêm, trước hay sau không có gì khác nhau vì người bên cạnh được bảo vệ nghĩa là chính mình được bảo vệ. Tuy nhiên, trong tình thế lúc này, khi số người được tiêm vaccine còn đang rất hạn chế thì ai giữ khiên, người đó an toàn hơn. Sự lây lan dịch bệnh và nỗi lo cơm áo gạo tiền có thể đã quá sức với nhiều người, họ không cần bạn tạo thêm nỗi lo khác.
Có và không. Bạn chỉ nên đăng khi có sự đồng ý của các nhân viên y tế. Đừng tự mặc định rằng các nhân viên y tế đã đeo khẩu trang đồng nghĩa với việc bạn thoải mái đăng hình ảnh họ đang làm việc. Hãy chắc chắn rằng bạn đã xin phép nhân viên y tế khi sử dụng hình ảnh của họ trên mạng xã hội để đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư và giữ phép lịch tối thiểu.
Ngoài ra, nếu có thể, hãy chọn trang phục phù hợp cho việc tiêm chủng, tránh làm mất thời gian loay hoay với những chiếc áo bó chặt phần tay. (Trừ khi bạn định tiện thể khoe cơ bắp trong những bức ảnh đăng trên mạng sau đó).
Tất nhiên, Facebook là của bạn, đăng gì là quyền tự do của cá nhân bạn. Tuy vậy, tự do không có nghĩa là bạn nên lờ đi cảm xúc của người khác, nhất là những người yếu thế. Trước khi nhấn đăng những tấm ảnh “selfie vaccine”, hãy nghĩ về nỗi lo bị bỏ lại của rất nhiều người chưa có cơ hội nhận một chiếc khiên bảo vệ.
Hãy là một người có ý thức bằng cách tự hỏi mình hai câu: “Bạn đăng tấm hình này để làm gì? Đăng nó liệu có gây ảnh hưởng gì đến những người xung quanh?”.
Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
1. Online T. T. (2021, June 19). TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 cho toàn bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/tp-hcm-tiem-vac-xin-covid-19-cho-toan-bo-giao-vien-nhan-vien-nganh-giao-duc-20210619093807851.htm
2. Mai P. (2021, June 30). TP.HCM có thêm 61.000 người được tiêm vaccine Covid-19. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/tphcm-co-them-61000-nguoi-duoc-tiem-vaccine-covid-19-post1232831.html
3. Kornfield, M. (2021, February 28). To selfie or not to selfie? Why the joy of getting vaccinated is drawing backlash. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/technology/2021/02/27/vaccine-selfies/
4. Bresge, A. (2021, April 8). Vaccine selfies are the new social media trend, but also a reminder of unequal access. Coronavirus. https://www.ctvnews.ca/health/coronavirus/vaccine-selfies-are-the-new-social-media-trend-but-also-a-reminder-of-unequal-access-1.5374668