Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thời điểm trước khi Sài Gòn bị phong tỏa, tin tức về các loại thực phẩm tăng giá tràn ngập trên mạng xã hội.
Bên cạnh những phản ánh có thực về giá tăng gấp hai, gấp ba ngày thường, [1] còn có cả những hình ảnh gây sốc nhưng thiếu chính xác về việc bắp cải tăng giá 10 lần (đó là thông tin mập mờ gây hiểu lầm, như báo Tuổi Trẻ đã kiểm chứng). [2]
Bắp cải thì không tăng giá chục lần như thiên hạ lầm tưởng, nhưng thực tế hàng hóa tăng giá và khan hiếm, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng đủ khiến nhiều người trút giận lên chính quyền.
Liệu chính quyền có phải chịu trách nhiệm cho tình trạng giá cả tăng và hàng hóa khan hiếm trong mùa dịch?
Tuy quyết định phong tỏa và cách thức chống dịch của các quan chức để lại nhiều dấu hỏi và bức xúc, nhưng trong vấn đề này, nhà nước khá vô can, hoặc ít nhất cũng không phải đối tượng chịu trách nhiệm chính. [3]
Bàn tay vô hình của Adam Smith, ông tổ của nền kinh tế thị trường, mới là thế lực chi phối mọi thứ.
Việc giá các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến trong mùa dịch không phải là chuyện chỉ mới xảy ra.
Chưa ai quên cách đây hơn một năm, khi dịch vừa bùng phát, có những mặt hàng từ cho không ai thèm lấy bỗng nhiên trở thành siêu phẩm bị giành giật. Giá khẩu trang đội lên tới cả chục lần. [4] Giá nước rửa tay cũng tăng tới hai, ba lần. [5] Và đó không chỉ là chuyện ở Việt Nam.
Đầu năm 2020, nhu cầu tăng cao khiến khẩu trang thiếu hụt khắp nơi. Chính phủ các nước châu Á phải đưa ra nhiều biện pháp can thiệp. [6] Thái Lan và Indonesia phạt nặng những nơi tích trữ hàng và tăng giá cao hơn quy định. Hàn Quốc chỉ cho phép mỗi người mua số lượng hạn chế. Nhật Bản cấm cả việc mua đi bán lại khẩu trang.
Tại nhiều bang của Mỹ, vào những tháng đầu năm 2020, ngoài khẩu trang, nước rửa tay, các mặt hàng nhu yếu phẩm khác như nước, sữa, bánh, đậu, và cả giấy vệ sinh cũng tăng giá. [7]
Không phải chỉ dịch bệnh mới dẫn đến tình trạng này. Ở Mỹ, vào mỗi dịp các cơn bão đổ bộ, chính quyền địa phương lại nhận được hàng ngàn khiếu nại của người dân về tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu. [8]
Hầu hết người dân và chính phủ các nước đều đồng tình việc tăng giá hàng hóa khi khan hiếm là hành động thiếu đạo đức, đáng lên án và phải bị loại bỏ.
Nhiều nhà kinh tế lại không nghĩ vậy.
Theo Michael Munger, giáo sư kinh tế tại Đại học Duke, Mỹ, khi các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt, việc giá của chúng tăng đột biến là một chỉ dấu có lợi cho tất cả mọi người trong lâu dài.
Tín hiệu tăng giá của thị trường, Munger giải thích, sẽ dẫn đến ba việc: (1) người tiêu dùng mua ít lại, không tích trữ dư thừa, khiến hàng hóa bớt khan hiếm hơn, (2) nhà sản xuất có động lực để tăng cường cung cấp hàng cho thị trường, và (3) các doanh nghiệp được khuyến khích nghĩ ra các lựa chọn thay thế, giúp giải quyết nhu cầu của người dân. [9]
Vấn đề mấu chốt ở đây là tình trạng khan hiếm hàng. Hàng hóa thiếu hụt dẫn đến tình trạng tăng giá, không phải chiều ngược lại. Tăng giá không tạo ra và cũng không làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm của thị trường. Ngược lại, nó là tín hiệu giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt đó.
Đây là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế. [10]
Thử vận dụng góc nhìn trên trong tình huống người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ trước thời điểm phong tỏa. Nhu cầu tăng đột biến khiến hàng hóa bị thiếu hụt. Nếu giá thực phẩm vẫn như ngày thường, nhiều người đến trước sẽ mua nhiều hơn nhu cầu của họ, khiến người đến sau không mua được hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hơn. Nếu giá tăng hơn ngày thường, khách hàng sẽ phải cân đo đong đếm, mua đủ theo nhu cầu, hoặc tìm đến những lựa chọn thay thế khác. Nhờ vậy, hàng hóa đến tay được nhiều người hơn. Các nhà sản xuất cũng sẽ tăng cường cung cấp loại hàng đang có nhu cầu, đồng thời tạo ra các sản phẩm thay thế khác để đáp ứng cho thị trường.
Việc thiếu hụt hàng hóa chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Thị trường sẽ tự động điều tiết. Giá cả sẽ nhanh chóng được điều chỉnh. Đây là cách quy luật cung – cầu của thị trường hoạt động, hay còn được gọi là bàn tay vô hình (invisible hand) của thị trường tự do.
Các nhà kinh tế cho rằng, nếu nhà nước can thiệp vào quá trình này, như bằng cách trừng phạt các nhà buôn tăng giá hay áp đặt giá cố định cho các mặt hàng đang khan hiếm, không những không giải quyết được vấn đề thiếu hụt mà còn khiến tình trạng trầm trọng hơn. [11]
Hành vi can thiệp của nhà nước có thể tạo điều kiện cho người dân gom hàng tích trữ. Việc áp giá trong nhiều trường hợp còn dẫn đến sự hình thành của thị trường chợ đen, nơi các sản phẩm được bán lén lút với giá cao hơn giá quy định và hoàn toàn không có sự kiểm soát. Các động tác can thiệp áp đặt của nhà nước cũng sẽ loại bỏ động lực khuyến khích các nhà sản xuất tham gia vào điều tiết cho thị trường.
Tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới đều đang có nền kinh tế vận hành theo quy luật cung cầu của thị trường tự do. Ngay cả những nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam nhiều thập niên qua cũng đã bỏ đi mô hình kinh tế tập trung để chuyển sang kinh tế thị trường.
Tuy vậy, hầu như không có chính phủ nào để cho thị trường tự vận hành theo quy luật cung cầu như logic của các nhà kinh tế theo thị trường tự do.
Các nhà nước đều có vô số các công cụ chính sách và luật pháp để điều chỉnh, can thiệp vào thị trường. Luật chống tăng giá trục lợi hàng hóa (anti-price gouging) là một công cụ như vậy.
Ngay cả ở nước Mỹ, nơi được xem là thánh địa của chủ nghĩa thị trường tự do, tính đến thời điểm hiện tại, 44 bang của nước này đã có luật về chống tăng giá trục lợi. [12]
Đối với đa số mọi người, tăng giá khi hàng hóa khan hiếm không được xem là một tín hiệu bình thường của thị trường. Nó bị cho là một hành vi thiếu công bằng (unfair), thậm chí là vô đạo đức (immoral).
Trong quyển sách “Justice: What’s the right thing to do?” của Michael Sandel mà Luật Khoa từng giới thiệu, tác giả đã mở đầu hành trình phân tích phải trái đúng sai bằng câu chuyện về tăng giá trục lợi sau cơn bão Charley vào năm 2004 tại Mỹ. [13]
Theo đó, trong khi các nhà kinh tế biện luận cho hành vi này, các chính trị gia của phe bảo thủ lẫn cấp tiến đều phản đối nó (đây có lẽ là một trong những điểm chung hiếm hoi của các chính trị gia).
Những người phản đối cho rằng đây không phải là cách một thị trường tự do bình thường vận hành. Trong một thị trường bình thường, người mua và người bán tự do thỏa thuận với nhau. Giá cả hàng hóa được thiết lập dựa trên sự thuận mua vừa bán đó.
Tuy vậy, khi thiên tai hay dịch bệnh xuất hiện, với các hàng hóa dịch vụ ảnh hưởng đến sự sống, người mua bị đặt trong tình thế không có lựa chọn nào khác, buộc phải chấp nhận mọi mức giá mà người bán đưa ra. Giá cả của hàng hóa dịch vụ trong trường hợp này không phải là kết quả của sự trao đổi tự do, của quy luật cung cầu thông thường. Nó là sản phẩm của sự cưỡng ép.
Chấp nhận sự cưỡng ép đó sẽ khiến những người yếu thế bị thiệt hại, thậm chí là mất mạng khi họ không đủ điều kiện để tiếp cận được những hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
Các nhà kinh tế và các doanh nghiệp có lý do chính đáng của họ.
Rốt cuộc thì ngay cả khi doanh nghiệp tăng giá để kiếm thêm lợi, điều đó cũng không phải chuyện gì lạ lùng. Trong hoàn cảnh thiên tai hay dịch bệnh, khi người tiêu dùng có xu hướng gom hàng tích trữ, thì việc doanh nghiệp suy nghĩ về chuyện tích thêm lợi nhuận để có đủ nguồn lực vượt qua cơn khủng hoảng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, họ cũng nhận ra rằng trên thị trường, quy luật cung cầu không phải là thứ duy nhất chi phối mọi thứ. Nó thậm chí cũng không phải là thứ sinh lợi nhất. Trong nhiều trường hợp, các giá trị đạo đức mới là “món hàng” được xem trọng và đem lại lợi nhuận trong lâu dài.
Đã có những doanh nghiệp thay vì tăng giá khi thị trường có biến động, còn chủ động giảm giá để giúp đỡ người dân, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. [14]
Trong khi đó, nhà nước, bên cạnh việc sẵn sàng trừng phạt các hành vi tăng giá trục lợi, cũng biết rằng đó không phải là vấn đề mà chỉ là dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt của thị trường.
Trong tình cảnh hàng hóa khan hiếm, các chính quyền phải áp dụng những biện pháp khác như hạn chế mua sắm và tung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Một khi thiên tai dịch bệnh qua đi, chính quyền cần rút ra để cho thị trường tự vận hành theo quy luật của nó.
Người dân cũng cần cẩn trọng trước việc yêu cầu sự can thiệp của nhà nước vào mọi vấn đề của thị trường.
Rốt cuộc thì những người chỉ trích chính quyền để hàng hóa tăng giá trong đợt dịch này sẽ không muốn quay lại thời kỳ trước kia, thời của kinh tế tập trung và bao cấp, với bàn tay của nhà nước siết chặt thị trường, còn bàn chân thì đạp bẹp toàn bộ xã hội.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Tài liệu tham khảo:
1. VnExpress. (2021, July 9). Giá thực phẩm tăng gấp ba. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gia-thuc-pham-tang-gap-ba-4306050.html
2. Online T. T. (2021, July 9). Thực hư giá tăng phi mã, bắp cải Việt Nam giá 250.000 đồng/kg. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/emart-khang-dinh-khong-ban-bap-cai-viet-nam-gia-250000-dong-kg-20210709143808325.htm
3. Chính, Y. K. (2021, July 8). 5 câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/5-cau-hoi-trong-quyet-dinh-phong-toa-thanh-pho-ho-chi-minh/
4. Hà, T. (2020, January 31). Khẩu trang y tế loạn giá, có loại vọt lên 300.000 đồng/hộp. PLO. https://plo.vn/kinh-te/khau-trang-y-te-loan-gia-co-loai-vot-len-300000-dong-hop-886313.html
5. S. (2020, February 4). Nước rửa tay khô cũng đội giá vì Corona. Copyright © 2015 báo SKĐS Online. https://suckhoedoisong.vn/nuoc-rua-tay-kho-cung-doi-gia-vi-corona-n168359.html
6. Cha, S. (2020, March 6). Across Asia, countries race to boost face mask supplies. U.S. https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-masks-idUSKBN20T16A
7. Levenson, M. (2020, March 28). Price Gouging Complaints Surge Amid Coronavirus Pandemic. The New York Times. https://www.nytimes.com/2020/03/27/us/coronavirus-price-gouging-hand-sanitizer-masks-wipes.html
8. Fox, M. (2017, September 8). Almost 7,000 complaints of price gouging ahead of Hurricane Irma: Florida attorney general. CNBC. https://www.cnbc.com/2017/09/08/almost-7000-complaints-of-price-gouging-ahead-of-hurricane-irma-florida-attorney-general.html
9. Perry, M. (2020, April 11). Video of the day: Mike Munger on price gouging. American Enterprise Institute – AEI. https://www.aei.org/carpe-diem/video-of-the-day-mike-munger-on-price-gouging/
10. Sorkin, A. R. (2017, September 12). Hurricane Price Gouging Is Despicable, Right? Not to Some Economists. The New York Times. https://www.nytimes.com/2017/09/11/business/hurricane-price-gouging.html
11. The Problem with Price Gouging Laws. (2014, August 22). Harvard Business Review. https://hbr.org/2013/07/the-problem-with-price-gouging-laws
12. COVID-19 Consumer Updates. (2021, February 22). Consumer Protection. https://www.consumerresources.org/covid-19-consumer-updates/
13. Định, H. Y. (2021, June 29). Phải trái đúng sai thời đại dịch. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/06/phai-trai-dung-sai-thoi-dai-dich/
14. Why Businesses Should Lower Prices During Natural Disasters. (2017, September 11). Harvard Business Review. https://hbr.org/2017/09/why-businesses-should-lower-prices-during-natural-disasters