Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Chuyện về nước Nhật hơn một thế kỷ trước giờ đây vẫn rất gần gũi với Việt Nam.
Học, học nữa, hộc máu cũng phải học.
Tôi không nghĩ ra cụm từ nào thích hợp hơn câu trên để tóm tắt tinh thần và nội dung của quyển sách “Khuyến học”.
Những trang không nhắc đến chữ “học” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đọc hết cuốn sách chỉ hơn 200 trang này, bạn dễ phải bắt gặp chữ “học” đến cả ngàn lần.
Ngay cả với một người (tự nhủ là) thích học như tôi, hành trình qua những trang sách đó cũng thật dễ… hộc máu, không chỉ vì ngộp trong chữ học mà còn vì những suy nghĩ có vẻ nghịch lý, ngớ ngẩn, thậm chí là ngây thơ của tác giả.
Nhưng “hộc máu” xong vẫn đáng để đọc tiếp. Cuốn sách được viết cách đây đã 150 năm ở xứ sở mặt trời mọc hóa ra vẫn rất gần gũi và có ích với người Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, có một số người cần đọc nó hơn một số người khác.
***
“Khuyến học” tập hợp các bài viết của Fukuzawa Yukichi từ năm 1872 đến 1876. [1] Trước đó vài năm, vào năm 1868, ông vừa thành lập trường Keio Gijuku (Keio Nghĩa Thục). Tiền thân của nó là một trường học dạy tiếng Hà Lan do ông lập ra vào năm 1858. Keio Nghĩa Thục sau này trở thành Đại học Keio danh tiếng, trường đại học tư thục lớn đầu tiên của nước Nhật thời Minh Trị.
Keio Nghĩa Thục là hình mẫu mà Phan Bội Châu đã dựa vào để lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội vào năm 1907.
Năm 1868, thời điểm Keio Nghĩa Thục ra đời, cũng chính là năm đánh dấu Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration), [2] cuộc cách mạng nổi tiếng làm thay đổi vận mệnh của nước Nhật.
Nó bắt đầu bằng hàng loạt các cải tổ sâu rộng về chính trị, kinh tế, giáo dục và quân sự, tạo tiền đề để chỉ vài thập niên sau đó, nước Nhật trở thành một cường quốc ngang hàng với phương Tây về mọi mặt.
Đặt quyển sách vào trong bối cảnh của nó thì người đọc ở thời đại ngày nay mới hiểu được đam mê, hay nỗi ám ảnh của Fukuzawa Yukichi với việc khuyến khích, thúc đẩy sự nghiệp học hành của người Nhật, đồng thời thông cảm với những kiến giải nghe chừng hạn hẹp và cực đoan của ông.
Nếu không, nhiều người có thể sẽ bỏ cuốn sách ngay từ trang đầu tiên, khi tác giả khẳng định “khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn, giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng [...] chỉ là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”.
Đó không khác gì cách lý giải của những người thuộc tầng lớp ăn trên ngồi trốc xưa nay về đặc quyền đương nhiên của họ, bỏ qua nguồn gốc của những đặc quyền đó - đến từ sự đàn áp, cướp bóc, lừa lọc, hay chỉ đơn giản là may mắn sinh ra thừa kế di sản của những bất công.
Người ta có thể hiểu (lầm) rằng Fukuzawa Yukichi đang biện minh cho những kẻ tự cho mình là “hồng phúc của dân tộc”, rằng họ có đặc quyền địa vị là nhờ vào nỗ lực, trí thông minh hay năng lực hơn người.
Tôi không nghĩ đó là ý định của ông, nhất là khi đọc những trang sau của sách, nơi ông không ngần ngại vạch thẳng mặt những thói xấu của tầng lớp thống trị.
Những lời của ông không phải để biện giải cho ai. Đối tượng độc giả ông muốn nhắm đến là những người dân bình thường, đặc biệt là giới thanh niên. Ông muốn họ tin rằng chìa khóa để thoát khỏi bần cùng, vượt lên nghịch cảnh, kể cả đối đầu với giai cấp thống trị, nằm ở trong tay của mỗi người.
Những gì ông nói cần được đặt trong bối cảnh lịch sử. Giống như rất nhiều người Nhật khác, Fukuzawa Yukichi tin rằng nước Nhật đã bước sang một thời đại khác với cuộc cách mạng Minh Trị, nơi chế độ phong kiến cùng các đặc quyền dành cho tầng lớp quý tộc giờ đây đã bị bãi bỏ, một xã hội mới vận hành qua các định chế luật pháp công bằng đang được lập ra.
Ở thời đại mới này, ai cũng có cơ hội công bằng như nhau. Và đó là lý do ông muốn thúc đẩy mọi người nỗ lực học tập để nắm lấy cơ hội đó.
***
“Khuyến học” được chia làm 17 phần với 243 mục. Mỗi mục là một chủ đề nhỏ về học tập. Tác giả bàn về sự học ở mọi góc độ, từ góc nhìn triết học, thể chế, pháp luật cho đến những kỹ năng cụ thể như cách diễn thuyết, giao tiếp, trau dồi tinh thần khoa học và tư duy độc lập.
Điều có ích nhất với người đọc Việt Nam vào thời điểm hiện tại có lẽ không nằm ở những chỉ dẫn cụ thể của Fukuzawa Yukichi về sự học - phần lớn những kiến thức ông chia sẻ từ 150 năm trước ngày nay đã phổ biến ở khắp nơi.
Thứ có ích nhất với người Việt Nam là những liên tưởng - các câu chuyện về nước Nhật thời đổi mới của hơn một thế kỷ trước giờ đây vẫn rất gần gũi với Việt Nam.
Tuy vậy, một lần nữa cần nhắc lại, phải đặt những câu chuyện này trong bối cảnh lịch sử thì người đọc mới không nhăn mặt lắc đầu với những lời có vẻ vô lý, thậm chí là mâu thuẫn nhau.
Chẳng hạn những đoạn tác giả như muốn áp đặt người dân không được phép phản kháng, luôn đặt niềm tin vào sự chính trực của những người cầm quyền.
Như trang 103, ông viết rằng với luật pháp đang có, cho dù “còn nhiều điểm bất tiện” thì “trước hết phải chấp hành luật cái đã vì đó là nghĩa vụ của quốc dân”.
Ở trang 110, ông cho rằng “nếu mới chỉ cảm nhận luật pháp còn sai, bất cập thì không thể coi đó là cái cớ để phá bỏ nó”. Ngay cả khi cái sai đó là thực đi nữa thì vẫn phải “bình tĩnh kháng nghị, kiên trì kháng nghị đến khi chính phủ phải sửa đổi mới thôi”. Còn nếu chính phủ cố tình làm ngơ? Câu trả lời của ông là “hợp sức lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ”.
Trang 116, ông giải thích lý do của việc nên kiên nhẫn này:
“Nếu chúng ta dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ. Quan chức chính phủ dù có là những kẻ bạo chính thì cũng là người Nhật Bản chúng ta cả. Trước những lời lẽ đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hòa bình và sẵn sàng hy sinh thân mình vì đạo lý đó thì không có lẽ không thuyết phục hoặc không làm lay động được các quan chức chính phủ. Tôi nghĩ rằng họ không thể không hối hận về những lầm lỗi, sai trái của họ và sẽ cải tà quy chính”.
Những ai là nạn nhân của bất công, bị chính quyền cầm tù, thậm chí giết hại, chắc hẳn không thể nào gật gù với những lý lẽ cảm động đầy tính nhân văn này.
Nhưng sẽ dễ thông cảm hơn khi ta đặt mình vào vị trí của tác giả. Fukuzawa Yukichi tin vào chế độ mới của chính phủ Minh Trị, nơi “luật pháp do chính chúng ta lập ra” (trang 95). Để bảo vệ chế độ mà ông tin là dân chủ này, ông phản đối mọi hành động bạo lực, thay vào đó cổ xúy cho phương thức đấu tranh ôn hòa, “giữ trọn đạo lý chính nghĩa, sẵn sàng hy sinh mạng sống trước mọi áp bức của chính quyền” (trang 115).
Một điều nghịch lý là ông dường như quên rằng chính phủ Minh Trị được tạo ra từ một cuộc binh biến, và sau đó phải đánh thắng cuộc nội chiến mới giữ được quyền lực. Nghĩa là chính phủ tốt đẹp mà ông bảo vệ cũng được tạo ra từ bạo lực.
Tuy nhiên, ông không xem chính phủ Minh Trị là hoàn hảo. Khi so sánh với chế độ phong kiến trước đó, ông nhận định trong khi “chính quyền cũ dùng mọi cách làm tê liệt, làm rã rời sức dân, chà đạp tới tận chân tơ kẽ tóc”, thì chính quyền mới “cai trị khéo léo tới mức người dân bị lấy mất cả ‘hồn lẫn xác’ mà cũng không hay”. Với ông, cả hai thái cực đều xấu, khi ngày trước dân “sợ chính quyền như sợ ma quỷ”, còn ngày nay “tôn chính quyền lên như thần thánh để thờ” (trang 86).
Ông cũng không ngần ngại chỉ ra “tình trạng mưu mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay” với vai trò trung tâm của những “chí sĩ rởm”. Đó là những kẻ luôn “có cùng giọng điệu ‘trung quân báo quốc’”, nhưng “chỉ cần có chức vụ cao một chút [...] không hiểu sao tiền cứ vào như nước” (trang 166).
Nghe mô tả về các quan chức/ chí sĩ rởm đó, người Việt Nam hẳn phải tưởng tác giả đang nói về đất nước mình.
“Kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những võ sĩ vốn được mệnh danh là trung nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá trang phục để kiếm chênh lệch.
[...]
Họa hoằn lắm mới có một ông quan chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không có lòng dạ tham lam hay sao.” (trang 167)
***
Khi gấp lại trang cuối của “Khuyến học”, tôi ngờ rằng những người nên đọc nó nhất không phải là thường dân, mà phải là cán bộ chính quyền.
Tác giả viết quyển sách khi nước Nhật đang trải qua một cuộc cách mạng lớn. Chính quyền đã tiến hành những cải cách triệt để về mọi mặt, đặc biệt là thể chế chính trị. Giờ là phần của người dân cần phải nỗ lực học tập để đóng góp vào công cuộc đổi mới này.
Tại Việt Nam, điều ngược lại đang diễn ra. Trong khi người dân khắp nơi sẵn sàng tiếp thu những tri thức tiến bộ thì bộ máy cầm quyền độc đảng vẫn ra sức duy trì những lề thói cũ, đồng thời kìm hãm người dân tạo ra những thay đổi thật sự.
Hệ quả là xã hội Việt Nam vẫn đang vận hành như một kiểu “hậu cung” thời phong kiến, nơi các thủ đoạn lừa dối, triệt hạ, dẫm đạp lên nhau trở thành lẽ thường.
Tác giả tự tin rằng trong luồng không khí tươi mới của Minh Trị Duy Tân, xã hội hậu cung như vậy đã không còn đất diễn, người dân có thể chủ động đập bỏ nó, xây dựng một xã hội mới qua những nỗ lực học tập của bản thân.
Nhưng với người Việt Nam ở dưới thể chế này, có học đến hộc máu cũng không chắc có cơ hội thoát khỏi “hậu cung 4.0”, huống chi là xây dựng nên một xã hội khác.
Đối tượng cần được “khuyến học” trước tiên vì vậy phải là những người đang ngồi tít trên cao của đất nước.
Tác phẩm “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi do Nhã Nam và nhà xuất bản Thế Giới phát hành.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021). Fukuzawa Yukichi | Japanese author, educator, and publisher. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Fukuzawa-Yukichi
2. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021b). Meiji Restoration | Definition, History, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/Meiji-Restoration