Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lần hiếm hoi nhà chùa dùng Hiến pháp để đấu lý với nhà nước.
Từ cuối tháng 4/2021, một bản dự thảo thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến tiền công đức đã nhận về hơn 1.333 góp ý, phần lớn là sự phản đối gay gắt từ giới Phật tử. [1]
Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội nếu được bộ này thông qua sẽ thay đổi 180 độ về việc quản lý tiền công đức tại các ngôi chùa. [2]
Một trong những quy định mà các nhà sư và giới Phật tử không tán thành là tiền công đức “không thuộc sở hữu cá nhân”, tức là không thuộc sở hữu của các nhà sư.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, một chức sắc Phật giáo cao cấp và cũng là người từng bị chính quyền cho rằng giữ bí mật một phần tiền công đức tại chùa Yên Tử, đã trực tiếp lên tiếng phản đối dự thảo với Bộ Tài chính trước cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [3]
“Tiền công đức được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị… quản lý và sử dụng di tích” là “không hợp hiến, hợp pháp”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định. [4]
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì nói rằng Bộ Tài chính đã không chủ động lấy ý kiến của giáo hội về dự thảo thông tư này, trong khi nó nhắm thẳng vào Phật giáo.
Dự thảo này có phải bất thình lình rơi xuống? Vì sao lại có chuyện nhà nước giằng co tiền công đức với nhà chùa?
Tranh chấp liên quan đến tiền công đức không phải là chuyện gì mới.
Tiền công đức là gì? Theo cách hiểu xưa nay, đó là tiền do người đi chùa đóng góp, phổ biến nhất là tiền trong các hòm công đức. Tiền giọt dầu trên các bàn thờ phật cũng được xem là tiền công đức.
Chính quyền một số tỉnh, thành từng đề nghị các ngôi chùa có doanh thu “khủng” phải công khai đầy đủ về thu, chi tiền công đức với chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích, nhưng đều bị các nhà sư khước từ. Trong số các nhà sư này, không thể không nhắc đến Hòa thượng Thích Thanh Quyết.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết là người dẫn đầu trong các cuộc tranh luận về quản lý tiền công đức. Điều này cũng dễ hiểu vì ông là trụ trì của những ngôi chùa ăn nên làm ra, trong đó có chùa Phúc Khánh tại Hà Nội, [5] nổi tiếng với hoạt động cúng sao giải hạn, và đặc biệt hơn cả là chùa Yên Tử, [6]nơi vua Trần Nhân Tông thành lập một dòng tu Phật giáo. Ngày nay, chùa Yên Tử là nơi hành hương nổi tiếng, thu hàng chục tỷ tiền công đức mỗi năm.
Trong một lần tranh luận mới đây, Hòa thượng Thanh Quyết khẳng định Bộ Tài chính không có chức năng quản lý tiền công đức của nhà chùa. [7]
Tuy nhiên, chắc ông không để ý đến một nghị định được ban hành vào năm 2018 đã trao quyền kiểm soát tiền công đức tại các di tích cho Bộ Tài chính.
Nghị định này được ban hành không lâu sau cuộc tranh cãi về quản lý tiền công đức ở ngôi chùa do Hòa thượng Thích Thanh Quyết trụ trì.
Vào tháng 3/2018, chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cho rằng chùa Yên Tử công khai tiền công đức trong các hòm hàng năm nhưng tiền giọt dầu trên bàn thờ Phật thì giữ bí mật. Chính quyền đã cố gắng liên hệ với giáo hội để xin thông tin nhưng bất thành. [8]
Mặt khác, cũng theo chính quyền, chùa Yên Tử chỉ trích 4% trong tổng số tiền công đức hàng năm cho Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cùng với tiền hỗ trợ tổ chức lễ hội khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, nhà nước mỗi năm bỏ đến hơn 10 tỷ đồng để bảo vệ an ninh, chăm sóc rừng, bảo trì đường sá lên chùa, v.v.
Đến tháng 8/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. [9] Theo Điều 19.6 của Nghị định, “Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.
Dự thảo thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến không phải bất thình lình rơi xuống để bọc lấy các hòm công đức. Nó chính là quy định thi hành Điều 19.6 vừa nêu trên.
Phật giáo là tôn giáo có số cơ sở tôn giáo nhiều nhất cả nước. Một cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết Phật giáo có khoảng 17.000 ngôi chùa, trong đó khoảng 14.500 ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. [10]
Hiển nhiên, số tiền công đức thu được ở các ngôi chùa cao thấp khác nhau. Giáo hội chưa từng công bố thông tin về tổng số tiền công đức. Dưới đây là một vài lát cắt về nguồn thu này.
Năm 2017, có khoảng 500.000 người viếng đền Cửa Ông, di tích cấp quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh, thu về số tiền công đức khoảng 35 tỷ đồng. [11]
Theo chính quyền tỉnh Quảng Ninh, di tích cấp quốc gia đặc biệt Yên Tử có khoảng 2 triệu khách viếng vào năm 2017. [12] Báo Lao Động cho biết chùa Yên Tử cùng năm đó thu về khoảng 17,5 tỷ đồng; năm cao nhất trước đó thu về khoảng 31 tỷ đồng. [13]
Tuy nhiên, chính quyền thành phố Uông Bí đã đặt nghi vấn về số tiền công đức thực sự ở chùa Yên Tử. [14]
Theo chính quyền, từ năm 2007 đến năm 2018, chùa Yên Tử đã chi gần 500 tỷ đồng riêng cho việc xây dựng các công trình Phật giáo. Trong khi đó, số tiền công đức mà nhà chùa công khai trong khoảng thời gian đó chỉ khoảng 242 tỷ đồng.
Theo thống kê của Luật Khoa, trong số 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt hiện nay, có 15 chùa được công nhận trực tiếp, và ít nhất 13 ngôi chùa khác nằm trong các quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt. [15]
Đối với di tích cấp quốc gia, Phật giáo hiện nay có gần 500 ngôi chùa đã được xếp hạng. [16]
Việc Bộ Tài chính ra dự thảo thông tư gây tranh cãi có thể nhằm kiểm soát và thống kê con số tiền công đức một cách chính xác, vì họ cũng không biết số tiền này lớn đến đâu. Vấn đề là nhà nước có thật sự cần biết và kiểm soát tiền công đức?
Phật giáo có một số lượng lớn các ngôi chùa là di tích hoặc nằm trong các khu di tích được xếp hạng như vừa nêu. Những ngôi chùa này trước hết do nhà sư trụ trì quản lý. Bên cạnh đó, để đảm bảo di tích được gìn giữ theo Luật Di sản và các quy định liên quan thì còn có các ban quản lý di tích thường do nhà nước thành lập.
Đó chính là mắt xích giúp chính quyền nhúng bàn tay của mình vào hòm công đức.
Các ban quản lý của nhà nước dùng nguồn thu từ di tích để quản lý, sửa chữa, và duy trì di tích. Nguồn thu này cơ bản đến từ ba nguồn: phí tham quan, ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa (tài trợ, tiền công đức, v.v.).
Nhiều ngôi chùa là di tích hoặc chùa nằm trong quần thể di tích thường có tiền công đức rất lớn. Chính quyền và các ban quản lý di tích cho rằng nguồn thu này chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả vì nhà chùa toàn quyền kiểm soát.
Một số ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quy chế về quản lý di tích đã xem tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa.
Thành phố Hải Phòng quy định tiền công đức là nguồn thu xã hội hóa. [17] Theo đó, nguồn thu này “phục vụ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích”, và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền.
Tỉnh Quảng Nam quy định sử dụng nguồn thu xã hội hóa ở các di tích rất rõ ràng: “nguồn xã hội hóa được tiếp nhận, quản lý, sử dụng […] trang trải các chi phí: Điện; nước; hương đèn; vệ sinh; đón tiếp khách tham quan; bảo vệ, trông coi, bảo quản, tu bổ di tích, hoạt động từ thiện…”. [18]
Dù quy định như vậy nhưng trong thực tế, quyền hạn kiểm soát tiền công đức của chính quyền địa phương hay ban quản lý di tích không có tác động tới nhà chùa.
Đây có thể là lý do khiến dự thảo thông tư của Bộ Tài chính quy định rõ tiền công đức không thuộc sở hữu của các cá nhân (như trụ trì chùa). Đồng thời, dự thảo cũng quy định về việc kiểm soát toàn bộ tiền công đức từ khâu tiếp nhận đến việc sử dụng, như sử dụng hai khóa khác nhau, mở tài khoản cho tiền công đức, nội dung và mức chi tiêu bằng tiền công đức, v.v.
Nếu dự thảo này được thông qua, các nhà sư sẽ rời vào tình thế cầm tiền trong tay nhưng không được định đoạt chi tiêu. Điều này khiến giáo hội phải lên tiếng.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố dự thảo thông tư của Bộ Tài chính đã đánh đồng giữa hai loại tiền công đức của nhà chùa và tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội của ban quản lý di tích. [19] Giáo hội sẽ kiên quyết bảo đảm tiền công đức chỉ do giáo hội và các nhà tu hành sở hữu và định đoạt.
Đáp lại sự phản ứng gay gắt của giáo hội và giới Phật tử, Bộ Tài chính khẳng định “dự thảo thông tư phù hợp với các quy định của pháp luật […] chứ không nhằm quản lý, thu hồi về ngân sách nhà nước hay can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức, cơ sở”. [20]
Đây có lẽ là cuộc giằng co gay gắt nhất giữa nhà chùa (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và nhà nước khi hai bên nhất quyết giành lấy chiếc hòm công đức.
Chú thích:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, June 30). Lấy ý kiến các ngành về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về tiền công đức. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/lay-y-kien-cac-nganh-ve-du-thao-thong-tu-cua-bo-tai-chinh-ve-tien-cong-duc-postApkYvlmE.html
2. Bộ Tài chính. (2021, April 28). Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/cd/dtvb/ctdtvb
3. Trường N. H. N.-. (2018, March 8). Tiền công đức: Vẫn mãi là chuyện bí mật. Tin tức mới nhất 24h – Đọc Báo Lao Động online – Laodong.vn. https://laodong.vn/xa-hoi/tien-cong-duc-van-mai-la-chuyen-bi-mat-594625.ldo
4. Báo Tuổi Trẻ. (2021, June 3). Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh đề nghị Nhà nước không nên quản lý tiền công đức. https://tuoitre.vn/giao-hoi-phat-giao-quang-ninh-de-nghi-nha-nuoc-khong-nen-quan-ly-tien-cong-duc-20210603210519367.htm
5. Báo Tiền Phong. (2021, February 26). Chùa Phúc Khánh đóng cửa làm lễ cầu an trực tuyến. https://tienphong.vn/chua-phuc-khanh-dong-cua-lam-le-cau-an-truc-tuyen-post1315815.tpo
6. Báo VOV. (2020, February 3). Du xuân Yên Tử, dẫu không khai hội vẫn quyết liệt phòng dịch corona. https://vov.vn/doi-song/du-xuan-yen-tu-dau-khong-khai-hoi-van-quyet-liet-phong-dich-corona-1005407.vov
7. Xem [2]
8. Báo Lao Động. (2021a, March 8). Tiền công đức: Vẫn mãi là chuyện bí mật. https://laodong.vn/xa-hoi/tien-cong-duc-van-mai-la-chuyen-bi-mat-594625.ldo
9. Thư viện Pháp luật. (2018, August 29). Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý và Tổ chức Lễ hội. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-110-2018-ND-CP-quy-dinh-ve-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-392665.aspx
10. Phật giáo Bình Dương . Xây chùa văn hóa, Bùi Hữu Dược, Ban Tôn giáo Chính phủ. http://phatgiaobinhduong.com/index.php?mod=news&cpid=44&nid=497&view=detail
11. Xem [9]
12. Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh. (2017). Quảng Ninh bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch. https://www.quangninh.gov.vn/pinchitiet.aspx?nid=78173
13. Xem [6]
14. Xem [6]
15. Wikipedia. (2020). Di tích quốc gia đặc biệt (Việt Nam). https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t_(Vi%E1%BB%87t_Nam). Danh sách chưa cập nhật của Cục Di sản. http://dsvh.gov.vn/danh-muc-di-tich-quoc-gia-dac-biet-1752.
16. Báo Tuyên Giáo. (2021, April 7). Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc – đạo pháp – chủ nghĩa xã hội. http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-vung-vang-duong-huong-dan-toc-dao-phap-chu-nghia-xa-hoi-132805
17. Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng. (2020, August 27). Quyết định 21/2020/QĐ-UBND Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Phòng. https://haiphong.gov.vn/upload/haiphong/product//2020/09-2020/000052513/di-21-2020-QD-UBNDsigned-5777.pdf
18. Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam. (2019, May 20). Quyết định 21/2020/QĐ-UBND Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Phòng. https://quangnam.gov.vn/Uploaded/file/thuydung/Quyetdinh/qdqp08_signed.pdf
19. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2021, June 17). Trung ương GHPGVN góp ý về Dự thảo Thông tư Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức. Phật Sự. https://phatsuonline.com/trung-uong-ghpgvn-gop-y-ve-du-thao-thong-tu-bo-tai-chinh-lien-quan-den-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc/
20. Xem [1]