Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Đó đây, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) tìm cách biện minh cho chuyện đánh quân nhân trong quá trình huấn luyện. Họ cho rằng quân đội là phải thế, phải rèn cho ra bã, phải chịu đựng gian khổ, phải bị ép vào khuôn phép, phải chấp hành kỷ luật. Có một vị nhà báo còn bảo là mỗi lần đánh xong là “đâu ra đấy”. Đại khái là “thép phải tôi thế đấy”.
Có điều, tôi thép thế nào mà thỉnh thoảng lại nghe có quân nhân bị đồng đội đánh chết. Chết dưới tay đồng đội chứ chẳng được chết dưới tay quân thù hay chết khi đang làm nhiệm vụ.
Mỗi lần nghe tin như vậy thì dư luận lại dậy sóng, giận dữ. Chuyện hoàn toàn chính đáng và cần phải được ủng hộ.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái lối biện minh cho tội ác kể trên thực ra gần gũi hơn người ta tưởng rất nhiều, vì nó không nằm ở đâu xa, nó nằm ở cái roi trong góc mỗi gia đình và ở cái bàn tay sẵn sàng bạt lên mặt con cái của mỗi bậc phụ huynh.
“Thương cho roi cho vọt”, người ta bảo thế.
Giờ chỉ cần dùng đúng cái logic đó và đặt câu hỏi: con cái thương cha mẹ thì có được dùng roi vọt đánh cha mẹ không? Đừng nói là cha mẹ không bao giờ sai.
Và, binh sĩ muốn chỉ huy “đâu ra đấy” thì có được đánh chỉ huy không? Cũng đừng nói là chỉ huy không bao giờ sai.
Những ai biện minh cho chuyện “đánh quân để dạy quân” thì phải trả lời được câu hỏi này: họ có sẵn sàng bị đánh và chấp nhận rủi ro có thể chết dưới tay đồng đội trong quá trình huấn luyện không?
Câu hỏi dễ trả lời hơn: họ có sẵn sàng cho con cái của mình bị đánh trong quân đội và chấp nhận rủi ro con mình có thể chết không?
Hay nói cách khác, nếu quân nhân Trần Đức Đô là con của bạn thì bạn có lên Facebook nói rằng “quân đội là phải thế” không?
***
Liên kết hai chuyện “đánh con” và “đánh quân” với nhau để thấy rằng hai chuyện có cùng bản chất: dùng bạo lực để áp chế.
Chẳng vì cha mẹ có công dưỡng dục mà chuyện đánh con trở thành đẹp đẽ.
Chẳng phải vì quân đội là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà chuyện đánh quân trở nên đúng đắn.
Đó đều là hành vi cố ý gây thương tích trong Bộ luật Hình sự, mà dân gian hay gọi là hành hung. Nó là hành vi phạm tội, hoặc nhẹ thì cũng là vi phạm hành chính, bất kể bạn muốn khoác cho nó áo hoa áo gấm gì. Lấy mục đích biện minh cho phương tiện vốn chẳng phải là chuyện hay.
Liên kết hai chuyện với nhau cũng để nói rằng ta hay mạnh miệng lên án một hành vi bạo lực của kẻ khác mà ít khi ngó lại chính bản thân mình, rằng mình cũng từng dùng bạo lực với con mình, với bạn mình, với đồng nghiệp của mình.
Cái văn hóa bạo lực trong quân đội chẳng phải từ trên trời rơi xuống. Nó từ mỗi gia đình đi ra. Một đứa trẻ lớn lên trong roi vọt thì tự khắc não bộ sẽ phát triển theo hình cái roi. Roi là thứ ngôn ngữ tốt nhất mà nó hiểu, ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ. Đứa trẻ đó lớn lên sẽ lại dùng roi để dạy con cái, dùng bạo lực ngôn từ để đe dọa bạn bè, dùng nắm đấm để “xử lý” đồng đội, dùng giang hồ để “xử lý” con nợ, và dùng nhà tù để “xử lý” nhà báo. Vòng lặp bạo lực cứ như vậy tiếp nối từ đời này sang đời khác, không bao giờ thôi.
Nếu thay vì “đánh con để dạy con”, người ta dùng trí, dùng lý lẽ, dùng sự tôn trọng con để dạy con thì xã hội sẽ bớt đi một người bạo lực và thêm một người khoan dung. Ta không thể đổ hết mọi thứ tội lỗi lên đầu xã hội và chính quyền được, vì cái xã hội và chính quyền đó phần nhiều cũng chỉ là bản phóng chiếu của chính gia đình ta mà thôi.
Hay nói cách khác, tất cả những ai dùng bạo lực, cổ xúy cho bạo lực và im lặng trước bạo lực đều có dấu vân tay trên trên thi thể của những nạn nhân chết vì bạo lực.
Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.