Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thừa kinh nghiệm và năng lực, nhưng liệu ông có đem lại thay đổi nào cho người dân châu Á?
Theo lịch trình dự kiến, vào ngày 28/7 sắp tới, đương kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd James Austin sẽ lần đầu tiên đến thăm Việt Nam. Sự kiện này nằm trong chuỗi các chuyến thăm cấp cao của ông tại châu Á nhằm tăng cường chương trình phát triển ngoại giao theo mô hình mới Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo – Pacific Partnership).
Thông điệp mà ông muốn truyền tải trong chuyến đi có vẻ không quá phức tạp: Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy, và chúng tôi sẽ luôn xuất hiện khi đồng minh cần. [1]
Không chỉ vậy, khi được hỏi về tình hình biển Đông, Austin cho biết ông sẽ trình bày rất rõ ràng lập trường của Hoa Kỳ về những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở và thiếu tính xây dựng từ phía Trung Quốc.
Nhìn chung, đây là những gì chúng ta kỳ vọng với chính sách chung đã khá thống nhất của Hoa Kỳ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump.
Tuy nhiên, việc cân nhắc vai trò của Lloyd James Austin với tư cách là kiến trúc sư trưởng của chính sách quốc phòng Hoa Kỳ, từ đó đưa ra những nhận định bổ sung đúng về ông, sẽ cung cấp cho chúng ta một số chỉ dấu kỳ vọng đáng tham khảo về tương lai của tình hình biển Đông của Việt Nam, các vấn đề nhân quyền quốc nội, và mối quan hệ giữa Hoa Kỳ – Việt Nam trong tương lai.
Bài viết này hy vọng có thể tổng hợp một số điểm quan trọng về Lloyd Austin và ảnh hưởng của chúng.
Austin là một cựu tướng bốn sao, có hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ. Ông là tướng Mỹ gốc Phi đầu tiên lãnh đạo một quân đoàn thực chiến và cũng là tướng đầu tiên đạt đến vị trí cầm trịch toàn bộ một chiến trường của quân đội Hoa Kỳ.
Với những thành tựu trên, người viết không ở bất kỳ tư cách nào để chê bai hay phê phán về kinh nghiệm và năng lực của ông. [2]
Tuy nhiên, với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát từ Việt Nam, cùng lúc đó cân nhắc thêm chiến dịch “xoay trục” mà Hoa Kỳ thực hiện gần 15 năm chưa xong, người viết nhận định rằng những kinh nghiệm và khả năng thực chiến của Austin hoàn toàn… lạc quẻ với các tham vọng của chính quyền Hoa Kỳ tại trục Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Dùng lời của dân biểu Wisconsin Mike Gallagher: “Austin sẽ không phải là một lựa chọn lý tính nếu bạn thật sự tin rằng Trung Quốc đang là mối đe doạ cấp bách nhất đối với Hoa Kỳ hiện nay”. [3]
Thật vậy, toàn bộ bề dày trận mạc của Austin nằm ở Trung Đông – chiến trường truyền thống của Hoa Kỳ hơn sáu thập niên sau Đệ nhị Thế chiến. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống thông tin tình báo, các mối quan hệ cá nhân, quan điểm chính trị và quan điểm quân sự của Austin tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chỉ là những thông tin thứ cấp, được hình thành sau khi ông trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Không phải không có lý do mà Thời báo Hoàn Cầu (The Global Times – cơ quan ngôn luận quốc tế to tiếng nhất của chính quyền Bắc Kinh), sau khi nghe thông tin Austin là ứng cử viên số một để cầm trịch Lầu Năm Góc, đã cho rằng Tổng thống Biden có dự định giảm căng thẳng với Trung Quốc. [4] Tờ báo này cũng dự đoán Hoa Kỳ sẽ hạ giọng với Trung Quốc so với chính quyền Trump tiền nhiệm, từ đó điều chỉnh chính sách quân sự hàng hải của mình ở biển Đông. Họ còn nhận định rằng Trung Đông sẽ vẫn là mặt trận chính của Hoa Kỳ, với hàng chục năm kinh nghiệm mà Austin sở hữu.
Nhìn tổng quan, những yếu tố này khiến người Việt Nam lo lắng.
Mặt trận Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á, các vấn đề Đông Á… là một mặt trận cực kỳ phức tạp với hàng chục bên liên quan đại diện cho hằng hà sa số các lợi ích khác nhau trong chỉ một tranh chấp.
Kỹ năng đi nước đôi hay bằng mặt hay bằng lòng của các chính phủ tại đây (mà gần nhất là chính phủ Việt Nam) thì đã trở thành thượng thừa, trong khi Austin thì không khác gì một “lính mới” ở mặt trận này. Khả năng ông bị “quay” trong bàn cờ phức tạp này là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trên cơ sở đó, các kỳ vọng về việc Hoa Kỳ có những chính sách quân sự quyết đoán hơn ở khu vực Thái Bình Dương, hay dựa vào các lợi thế và chính sách quân sự của mình tạo được những áp lực nhất định về mặt dân quyền và thể chế lên các quốc gia trong khu vực là rất thấp.
Không phải không có nguyên do mà cựu Tổng thống Donald Trump hay cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo để lại ấn tượng mạnh mẽ với hàng loạt các nền cộng hòa châu Á, kể cả các nền dân chủ cấp tiến và hiện đại như Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Các phát ngôn ấn tượng, thẳng ruột ngựa (nhưng hiển nhiên có phần tuyên truyền) của Trump và Pompeo tạo cho người dân tại các quốc gia này, vốn lâu nay bị thứ văn hóa chính trị lề thói buông rèm kìm nén, có “cảm giác” mình được tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị một cách chủ động, rằng mình hiểu chuyện gì đang xảy ra, và biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Austin, đáng tiếc, lại không phải là tuýp người đó. Các nhà quan sát nhận định ông là một người tương đối bài vở, kinh kệ trong các đối thoại với bên ngoài. Qua nhiều thập niên hoạt động quân sự và chính trị, Austin được mệnh danh là “vị tướng trầm lặng” hay “vị tướng tàng hình” (“the silent general” / “the invisible general”). [5][6]
Trầm lặng hay tàng hình ở đây không phải để ám chỉ ông không có đóng góp hay không có tiếng nói gì trong các hoạt động chính trị hay quân sự mà mình tham gia. Những thuật ngữ này được dùng để mô tả Austin vì ông gần như không nói gì nhiều, dù là với báo giới, với các tướng lĩnh đồng nghiệp, hay với chính các ủy ban điều trần của Nghị viện Hoa Kỳ.
Hiển nhiên, một chính trị gia lão luyện là một người cần có sự điềm tĩnh và kín tiếng. Nhưng khi đến vị trí của Austin đang đứng, các diễn ngôn chính trị và sự minh bạch trong quan điểm là rất quan trọng để các khán giả trong nước lẫn quốc tế hiểu rõ ông là ai, ông nghĩ gì về các vấn đề chính sách và ông xem điều gì là quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, đối với các đồng minh và những người cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ, các tuyên bố chắc chắn, rõ ràng sẽ là nền tảng lớn để xây dựng niềm tin và động lực cho các hoạt động quốc nội của riêng họ.Tính khí ưa chuộng sự im lặng của Austin, theo nhà phân tích Mark Perry trên Foreign Policy, là lý do rất lớn khiến cho Biden yêu thích và lựa chọn ông vào vị trí bộ trưởng Bộ Quốc phòng. [7] Nhưng điều này phần nào khiến Lloyd trông giống với một bộ phận lớn các chính trị gia và quan chức châu Á, vì vậy, rất khó để ông ghi điểm với phần lớn công chúng và các nhà vận động, những người kỳ vọng sự hiện diện rõ ràng, có ý nghĩa hơn của Hoa Kỳ tại khu vực này.
Chú thích:
1. U.S. Department of Defense. (2021). Austin Details Messages He Will Deliver in Indo-Pacific, Discusses Afg. https://www.defense.gov/Explore/News/Article/Article/2702998/austin-details-messages-he-will-deliver-in-indo-pacific-discusses-afghanistan/
2. Biden, J. (2020, December 8). Joe Biden: Why I Chose Lloyd Austin as Secretary of Defense. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2020/12/secretary-defense/617330/
3. The Editorial Board. (2020, December 9). Another General at Defense? WSJ. https://www.wsj.com/articles/another-general-at-defense-11607470114
4. Pentagon chief pick may point to reduction of misjudgments. (2020). Global Times. https://www.globaltimes.cn/content/1209426.shtml
5. Perry, M. (2020, December 18). Biden’s Defense Secretary Pick Lloyd Austin Isn’t Who You Think. Foreign Policy. https://foreignpolicy.com/2020/12/16/lloyd-austin-isnt-who-you-think-he-is/
6. Meet The “Invisible General” Leading The War On ISIS. (2014, September 24). Business Insider. https://www.businessinsider.com/meet-the-invisible-general-leading-the-war-on-isis-2014-9
7. Xem [5]