Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Một cuốn sách ở đẳng cấp Nobel Kinh tế có thể khiến bạn trở nên nhân ái hơn.
Khi Luật Khoa giới thiệu lại bài viết “Chết đói trong thế kỷ 21” của tác giả Phạm Đoan Trang trên Facebook vào cuối tuần trước, [1] có một độc giả bình luận đại ý rằng: Ở thời này, nếu không bệnh tật hay mất sức lao động mà chết đói thì chỉ có thể là do lười biếng thôi.
Bình luận này thu hút rất nhiều phản hồi. [2] Tác giả của bình luận dù bị phản đối vẫn tỏ ra kiên định rằng phần lớn người nghèo là do: làm một ngày nghỉ ba ngày, làm không lo làm tối ngày lo hát hò nhậu nhẹt, nhà không có điều kiện mà đòi mua điện thoại xịn trả góp, không biết tiết kiệm, thiếu nỗ lực, không biết tự kiểm soát bản thân, v.v.. Tóm lại, họ nghèo là lỗi của họ, ráng mà chịu.
Thú thực là tôi đọc xong thì nộ khí xung thiên, cũng muốn lao vào cuộc tranh luận để đại khái gọi là làm cho cậu ta sáng mắt ra. Nhưng ngẫm lại thì suy nghĩ “bạn nghèo là lỗi của bạn” không phải là của riêng gì người bạn này. Nó là suy nghĩ của rất nhiều người, một phần lớn là nhờ những cuốn sách kiểu cha giàu con giàu, học làm giàu theo cách của Donald Trump, v.v.. luôn bán rất chạy. Ngẫm lại thêm chút nữa thì thời còn trẻ tôi cũng từng suy nghĩ như vậy, nên tôi quyết định dành cơn giận lại để viết bài giới thiệu một cuốn sách có thể phản biện tất cả những suy nghĩ như đinh đóng cột của bạn ấy về người nghèo, hy vọng sẽ có ích cho nhiều người hơn.
Cuốn sách này không liên quan đến việc dạy con làm giàu, nhưng nó thực tình đã mãi mãi thay đổi cách tư duy của tôi. Đó là một cuốn sách về người nghèo, của hai nhà kinh tế học được trao giải Nobel năm 2019: Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo. [3] Sách có tên gốc tiếng Anh là “Poor Economics”, [4] đã được xuất bản bằng tiếng Việt với tựa đề “Hiểu nghèo thoát nghèo”.
“Hiểu nghèo thoát nghèo” được ra mắt tại Việt Nam vào năm 2015, [5] thuộc tủ sách Cánh cửa mở rộng của Nhà xuất bản Trẻ, do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt khởi xướng nhằm tuyển chọn và giới thiệu những cuốn sách mà họ cho là tinh túy. Tính đến năm 2019, sách đã được tái bản 5 lần.
Cuốn sách nhận được vô số lời tán dương của những nhân vật tiếng tăm trên thế giới. [6] Nếu bạn đã đọc cuốn sách này rồi, chúc mừng bạn! Bạn không nên đọc tiếp bài viết này nữa mà nên đi đọc lại cuốn sách; tôi mới đọc lại để viết bài mà vẫn thấy như có điện chạy trong người, hệt như lần đầu tiên.
Nếu như bạn chưa đọc sách, và đã từng đặt câu hỏi vì sao người nghèo cứ nghèo mãi thế, hay cũng có cùng suy nghĩ “họ nghèo là lỗi của họ” như người bạn nói trên, thì bạn nhất định nên đọc cuốn sách này, đọc rất kỹ.
Có một khái niệm được nhắc đến xuyên suốt trong cuốn sách, đó là “bẫy nghèo” (poverty trap). Nó được minh hoạ bằng đồ thị bên dưới.
Trong đồ thị này, trục ngang là thu nhập hôm nay, trục dọc là thu nhập tương lai. Đường chéo là đường cơ sở. Trên đường chéo, thu nhập hôm nay bằng với thu nhập tương lai. Có một ngưỡng thu nhập chia đồ thị thành hai phần: trong và ngoài bẫy nghèo.
Rõ ràng là thu nhập hôm nay và thu nhập tương lai có liên quan đến nhau. Những gì bạn có hôm nay sẽ ảnh hưởng đến những gì bạn có trong ngày mai, tháng sau, năm sau, thậm chí là thế hệ sau. Tiền bạn có hôm nay quyết định bạn ăn bao nhiêu, con bạn được ăn mì gói hay là ăn cơm có rau có thịt, được học trường gì, chi tiêu bao nhiêu để chữa bệnh, v.v.
Nếu bạn thuộc vùng ngoài bẫy nghèo, mối tương quan thể hiện ở đường cong nằm ở phía trên đường chéo. Thu nhập ngày mai của bạn sẽ cao hơn thu nhập hôm nay. Số phận hạnh phúc hơn này thể hiện qua mũi tên hướng về bên phải, từ điểm B1 đến B2, rồi B3, và cứ thế. Bạn sẽ ngày càng giàu hơn theo thời gian, ít nhất là đến một điểm trần nào đó.
Vấn đề là, mọi thứ không phải lúc nào cũng tích cực như vậy.
Đối với những người nằm trong khu vực bẫy nghèo (vùng bên trái), thu nhập ngày mai của họ thấp hơn thu nhập hôm nay (đường cong nằm dưới đường chéo). Điều đó có nghĩa là theo thời gian, mũi tên thu nhập tiến về bên trái, từ A1 đến A2, A3, cứ thế cho đến bẫy nghèo tại điểm N. Họ sẽ càng ngày càng nghèo đi.
Biểu đồ này thể hiện rằng có một ngưỡng thu nhập gọi là ngưỡng nghèo. Nếu như cứ liên tục có thu nhập thấp hơn mức này, người nghèo không thể tự mình thoát ra nổi, dù họ cố gắng cách mấy. Đó là lý do nó được gọi là một cái bẫy.
Có nhiều nhà kinh tế học (hai tác giả Banerjee và Duflo cho là đa số) không tin vào sự tồn tại của cái bẫy này. Trong cuốn sách, hai tác giả đã chứng minh nó bằng ngồn ngộn những câu chuyện sống động của những người nghèo trên khắp thế giới. Qua những nghiên cứu công phu, họ trả lời lần lượt những câu hỏi hóc búa đối với những nhà hoạch định chính sách và hoạt động xã hội.
Tại sao người nghèo khi có thêm tiền thì mua tivi thay vì mua thực phẩm?
Tại sao việc tiết kiệm đối với họ lại khó đến vậy?
Tại sao họ không có tiền mà cứ đẻ thêm con? Và có phải sinh nhiều con là lý do khiến họ tiếp tục nghèo?
“Poor Economics” được viết dựa trên những công trình nghiên cứu trong suốt hơn 15 năm của Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo về những người bần cùng trên thế giới. Hai tác giả nhấn mạnh rằng họ nghiên cứu về người nghèo (the poor), chứ không phải là về tình trạng nghèo đói (poverty). Hai thứ này thường bị nhầm lẫn. Trong khi rất nhiều người nghiên cứu về tình trạng đói nghèo trên toàn cầu và cách để xóa bỏ nó thì lại không mấy ai tìm hiểu về người nghèo như những con người bình thường, những người “như chúng ta, cũng có hy vọng và hoài nghi, hạn chế và khát khao, cùng biết bao hoang mang và tin tưởng”. Nếu muốn giúp họ thoát nghèo, đầu tiên phải hiểu cách hành xử của họ cái đã.
Thẳng thắn mà nói thì cái tựa đề của bài viết này là tôi hơi nổ. Trong sách, sau nhiều nghiên cứu, hai tác giả thừa nhận rằng người nghèo bị sập vào bẫy nghèo vì thiếu thốn thông tin, thiếu kiên định và lười biếng.
Rồi, coi như thiếu thốn thông tin là điều kiện khách quan đi, vậy chẳng phải là họ thiếu kiên định và lười biếng nên mới nghèo còn gì?
Hãy dừng lại một giây và tự hỏi, bạn có những tật xấu như vậy không?
Bạn có thực hiện được lời hứa tập thể dục thường xuyên mà dịp năm mới nào cũng đặt ra không?
Bạn giảm cân thất bại bao nhiêu lần rồi?
Năm nay bạn có đọc sách nhiều hơn năm trước không? Có học được ngôn ngữ nào mới không? Có học được cách chơi đàn không?
Hãy thành thật đi nào. Đã có bao nhiêu mục tiêu bạn viết ra trên Facebook hay trong những cuốn sổ “to-do list” được tặng kèm theo những cuốn sách “self-help” cuối cùng tan vào hư vô vì bạn không đủ kiên định và không đủ chăm chỉ?
Thực tế là chúng ta đều gặp những vấn đề và những thói tật y như người nghèo. Xét cho cùng, chẳng ai đủ khôn ngoan, kiên nhẫn hay am hiểu để hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân. Vấn đề là, ta có lợi thế hơn người nghèo, vì những chật vật của chúng ta chỉ là để phát triển bản thân, chứ không phải là để sinh tồn. Nói nôm na là, nếu như ta có thiếu kiên định, hay lười biếng, hay không kiểm soát tốt bản thân từ năm này qua năm khác, thì ta và gia đình ta cũng không lâm vào cảnh nguy kịch. Ta có chăn ấm nệm êm, người nghèo thì không.
Tôi không thể viết hay hơn hai tác giả trong lập luận này được, nên xin trích nguyên văn đoạn dưới đây để giới thiệu đến bạn. Nó nằm trong một tiểu đoạn được đặt tựa đề là “Ngồi trong chăn ấm nệm êm mà phán xét”.
Lợi thế thực sự của chúng ta xuất phát từ những thứ chúng ta mặc nhiên công nhận.
Nhà ta có nước sạch được dẫn ống đến tận nơi, không cần phải thêm clo vào nước sinh hoạt mỗi tháng. Hệ thống cống rãnh cũng tự hoạt động và chắc chắn ít ai trong chúng ta thực sự biết chúng hoạt động ra sao.
Ta coi như có thể tin tưởng vào sự tận tâm của bác sĩ và hệ thống y tế công cộng và có thể biết được nên và không nên làm gì, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho con em mình tiêm phòng vì các trường công lập sẽ không cho nhập học nếu trẻ chưa được tiêm phòng, và thậm chí vì lý do nào đó ta chưa cho con tiêm phòng thì chúng vẫn được an toàn vì những người khác đều đã được tiêm.
Các công ty bảo hiểm thậm chí còn tặng quà khuyến khích tập thể dục vì họ lo ngại chúng ta lười biếng không chịu luyện tập. Và có lẽ quan trọng nhất là chúng ta hầu như không phải chạy ăn từng bữa.
Nói cách khác, hiếm khi chúng ta phải cố gắng kiểm soát bản thân hay đưa ra những quyết định mang tính sống còn, trong khi người nghèo lúc nào cũng phải làm điều đó.
Bạn có thể đọc được những lời khen ngợi rằng “Poor Economics” là một cuộc cách mạng về tư duy trong khoa học và trong các chính sách vĩ mô. Tôi muốn nhấn mạnh một cuộc cách mạng khác mà cuốn sách có thể tạo ra với từng người trong chúng ta – những người không nghèo: Nó cung cấp những cơ sở khoa học đáng tin cậy để chúng ta biết cảm thông hơn, sống nhân ái hơn.
Quay lại người bạn có bình luận đã truyền cảm hứng cho bài viết này. Trong khi tranh luận, bạn ấy có nhiều lần nói với đối phương là “đừng có giở giọng đạo đức nữa”. Tôi chỉ muốn báo với bạn ấy là trong cuốn sách “Poor Economics”, có những lý do ở tầm Nobel Kinh tế khuyến khích chúng ta tiếp tục kêu gọi nhau sống đạo đức hơn.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích:
1. Trang, Đ. (2021, July 9). Chết đói trong thế kỷ 21. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/04/chet-doi-trong-the-ky-21/
2. Facebook Luật Khoa tạp chí. (2021). https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/2964198393849011
3. Nobel Prizes 2019. (2019). NobelPrize.Org. https://www.nobelprize.org/prizes/economic-sciences/2019/press-release/
4. Poor Economics. MIT Economics : Poor Economics. (n.d.). https://economics.mit.edu/faculty/eduflo/pooreconomics
5. BizMaC, C. E. R.-. (2021). Hiểu Nghèo Thoát Nghèo. NXB Trẻ. https://www.nxbtre.com.vn/sach/hieu-ngheo-thoat-ngheo-75091.html
6. What others are saying | Poor Economics. (2021). PoorEconomics. http://web.archive.org/web/20190417043449/http://www.pooreconomics.com/about-book/what-others-are-saying