Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vì sao nhà nước có quyền trừng phạt một hành vi không gây tổn thất cho xã hội?
Tối cuối tuần, một người bố chở con trai 4 tuổi đi dạo quanh ở con đường không một bóng người gần nhà bằng xe đạp. Đầu hai bố con đội nón bảo hiểm, đeo khẩu trang vì lo ngại dịch bệnh COVID-19.
Vừa chạy xe được khoảng 200m, bỗng nhiên có ba anh cảnh sát xuất hiện trước mặt hai bố con. Cảnh sát yêu cầu họ ngừng xe, lập biên bản và tạm giữ xe đạp của họ trước sự ngơ ngác của đứa nhỏ, với kết luận là ra đường không có lý do chính đáng vào buổi tối trong khi dịch bệnh đang diễn ra. Sau khi bị tịch thu xe, hai bố con lủi thủi dắt nhau đi bộ về nhà.
Đó là câu chuyện có thật mà tác giả bài viết đã trải qua cùng con trai của mình. Tôi muốn sử dụng câu chuyện này để suy nghĩ về các vấn đề liên quan đến chính sách phòng chống dịch của Việt Nam trong làn sóng Covid thứ tư.
Hành vi chạy xe đạp đi dạo trên đường phố vắng bóng người có gây tổn hại cho xã hội không?
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan, hành vi có nguy cơ gây tổn hại cho xã hội là tiếp xúc với nhiều người. Càng tiếp xúc với nhiều người, càng tăng khả năng lây lan virus. Đó là lý do vì sao Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân thực hiện 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế để giữ an toàn trong đại dịch COVID-19.
Như vậy, việc đeo khẩu trang chạy xe đạp trên đường phố vắng người không gây hại cho xã hội, cũng không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì không tiếp xúc với ai. Nếu so sánh với việc tập trung đông người để đi nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thì việc này an toàn hơn rất nhiều lần. Mặt khác, chính việc xử phạt lại làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh khi người bị phạt phải tiếp xúc cùng lúc với ba viên cảnh sát.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao nhà nước lại có quyền trừng phạt một hành vi không gây tổn thất cho xã hội?
Khi nhận được câu chất vấn trên, người lập biên bản xử phạt trả lời rằng “nếu ai cũng chạy xe ra đường vào buổi tối như anh thì đường phố sẽ đông đúc và tình trạng tập trung đông người sẽ diễn ra, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan.”
Giả định của những người thiết kế biện pháp cấm ra đường sau 18h là việc này sẽ hạn chế tuyệt đối người ra đường, do đó, việc lây lan dịch bệnh sẽ giảm xuống.
Giả định này nghe qua tưởng chừng như hợp lý, nhưng có hai vấn đề bất cập tôi muốn nhân cơ hội này trao đổi với những nhà hoạch định chính sách chống dịch của Việt Nam.
Việc "giới nghiêm” sau 18h (hạn chế người dân ra đường sau 18h) đã hạn chế rất nhiều quyền con người được quy định trong hiến pháp: quyền tự do đi lại, quyền được tự bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần bằng cách tập thể dục, đạp xe đi dạo v.v.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh, các chính sách hạn chế các quyền cơ bản của con người ít bị dư luận phản đối. Điều này một phần là do các chính sách kiểm duyệt và chế tài như phạt tiền những người đưa tin về dịch bệnh trên mạng xã hội không đúng quan điểm của nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là, người dân không lên tiếng là vì họ không quan tâm đến các vấn đề quyền con người hay do họ lo sợ bị trừng phạt khi lên tiếng? Cũng giống như vậy, việc đường phố Sài Gòn vắng bóng người sau 18 giờ là do người dân lo ngại tình hình dịch bệnh hay do họ lo sợ bị phạt khi đi ra đường?
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt có thể khiến người dân tuân phục, nhưng không thuyết phục được họ. Nhiều trí thức có xu hướng bênh vực cho các chính sách của nhà nước và trách người dân Việt Nam kém ý thức, nhưng họ lại bỏ qua thực tế là nhà nước phạt thì nhiều, nhưng cung cấp thông tin, bằng chứng để thuyết phục người dân thì ít.
Việc trừng phạt có thể có tác dụng nhanh trong ngắn hạn, nhưng lâu dần, nó có thể gây phản ứng ngược. Người ta sẽ tìm cách làm sao để vẫn thực hiện được hành vi đó mà không bị phạt, chứ không quan tâm đến những lợi ích cộng đồng có thể bị tổn hại.
Việc cấm ra đường sau 18h đồng nghĩa với việc các nhu cầu cơ bản và thiết yếu như mua thuốc, mua lương thực, thực phẩm... phải trì hoãn và thực hiện vào buổi sáng hôm sau. Vì những nhu cầu cơ bản đó cần phải được đáp ứng, việc trì hoãn vào buổi tối sẽ khiến người dân phải tập trung đông đúc vào ban ngày.
Trước đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu đóng cửa phần lớn chợ truyền thống, khiến cho nhu cầu mua sắm của người dân đổ dồn về các siêu thị. Điều này gây ra tình trạng tập trung đông người trong một không gian kín, lại có máy lạnh, là điều kiện để khiến virus dễ dàng lây lan hơn.
Nay, với giờ giới nghiêm, người dân thay vì được mua sắm từ 6h sáng đến 21h tối (15 tiếng) thì nay thời gian chỉ còn từ 7h sáng đến 17h tối (10 tiếng). Siêu thị phải mở cửa sớm hơn và đóng cửa trễ hơn một tiếng để nhân viên ra khỏi nhà sau 6h và về nhà trước 18h.Tất cả những ai có tư duy đều hiểu rằng việc hạn chế thời gian mua sắm sẽ tạo nên tình trạng xếp hàng đông người trước cửa hàng, và tập trung đông người lại khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Việc giao hàng thì gặp khó khăn với các quy định thay đổi liên tục, hệ thống đặt hàng online thì liên tục quá tải, dẫn đến nhiều người dân chẳng còn lựa chọn nào khác là đến siêu thị xếp hàng và đặt mình vào rủi ro lây nhiễm.
Quan sát các phản ứng của chính quyền Việt Nam trước tình hình dịch bệnh, tác giả bài viết nhận ra rằng những người hoạch định chính sách chống dịch thiếu tư duy hệ thống khi xây dựng chính sách.
Những người được đào tạo về tư duy hệ thống, khi xây dựng chính sách sẽ luôn đặt câu hỏi: chính sách ban hành sẽ tác động như thế nào lên hệ thống và hệ thống sẽ phản hồi lại như thế nào? Áp dụng Chỉ thị 16 kéo dài, đóng cửa các hoạt động kinh doanh thì người nghèo và dân nhập cư sẽ sống như thế nào? Họ sẽ phản ứng ra sao? Nếu họ kéo nhau về quê thì dịch bệnh sẽ lây lan sang các tỉnh thành khác như thế nào? Dường như những câu hỏi cơ bản đó không được những nhà hoạch định chính sách quan tâm đến khi xây dựng chính sách.
Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, các chính sách của Việt Nam cũng cho thấy sự bất cập. Tuy nhiên, vì thời gian ban hành chính sách kéo dài, chính quyền có thể nhận được sự phản hồi từ những người bị ảnh hưởng hoặc phản hồi từ cấp dưới để sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Còn trong bối cảnh dịch bệnh, các chính sách được xây dựng trong điều kiện căng thẳng, gấp rút, lại không nhận được phản hồi từ bên dưới, cho nên những bất cập trong việc xây dựng và thực hiện chính sách chống dịch càng lộ rõ.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.