Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Có những hậu quả là không thể vãn hồi, nhưng con người vẫn luôn có thể lựa chọn hành động.
Dịch từ bài viết This is the most sobering report card yet on climate change and Earth’s future. Here’s what you need to know, đăng trên The Conversation ngày 9/8/2021. Năm tác giả của bài viết này là những nhà khoa học cùng tham gia viết báo cáo của IPCC.
***
Nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,09℃ kể từ thời kỳ tiền công nghiệp hóa và những thay đổi như mực nước biển dâng hay băng tan hiện đã gần như không thể vãn hồi, theo báo cáo công phu nhất từ trước đến nay của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).
Báo cáo cũng chỉ ra rằng chúng ta không còn có thể trốn thoát khỏi ảnh hưởng của những biến đổi khí hậu do con người gây ra. Biến đổi khí hậu ngày nay ảnh hưởng tới mọi lục địa, mọi khu vực và đại dương trên trái đất, cũng như mọi khía cạnh của thời tiết.
Bản báo cáo được mong đợi này là lần đánh giá toàn diện thứ sáu của IPCC kể từ khi ủy ban này được thành lập năm 1988. [1] Nó sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới những thông tin chính xác, kịp thời nhất về biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng vào tháng 11/2021 ở Glasgow, Scotland.
IPCC là cơ quan khoa học khí hậu cao nhất của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Khí tượng Thế giới. [2] Tổ chức này có thẩm quyền trên toàn cầu trong việc đánh giá về tình trạng khí hậu của trái đất và những ảnh hưởng mà các hoạt động của loài người gây ra. Bản báo cáo mới nhất của IPCC được đúc kết từ công trình nghiên cứu của hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới.
Đáng buồn là, trong 3.900 trang văn bản được công bố hôm 9/8, hầu như không có tin tốt nào. Nhưng vẫn còn thời gian để ngăn chặn những thiệt hại tồi tệ nhất, nếu nhân loại chọn nó.
Lần đầu tiên, IPCC tuyên bố một cách rõ ràng: hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, con người phải chịu trách nhiệm cho sự nóng lên nhìn thấy được của bầu khí quyển, mặt đất và đại dương.
Theo phát hiện của IPCC, nhiệt độ bề mặt trái đất đã tăng thêm 1,09℃ từ khoảng những năm 1850-1900 cho đến thập niên trước. Như vậy là tăng thêm 0,29℃ so với bản báo cáo của IPCC năm 2013. [3] (Lưu ý: 0,1℃ tăng lên là do dữ liệu được cải thiện.)
IPCC ghi nhận ảnh hưởng của cả những thay đổi của thiên nhiên đến khí hậu trái đất. Tuy nhiên, theo báo cáo này, khí nhà kính sinh ra từ hoạt động của con người đóng góp 1,07℃ trong số 1,09℃ tăng thêm. Nói cách khác, hầu như tất cả sự nóng lên của trái đất là do loài người.
Nhiệt độ bề mặt trái đất từ năm 1970 tới nay tăng lên với tốc độ nhanh hơn bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm trở lại đây. Sự nóng lên này đã chạm tới độ sâu 2.000 mét dưới mặt nước biển.
IPCC cho rằng hoạt động của con người cũng ảnh hưởng đến lượng mưa tổng thể trên toàn cầu (mưa và tuyết). Kể từ năm 1950, tổng lượng mưa có tăng lên, tuy nhiên trong khi một số khu vực trở nên ẩm ướt hơn thì một số vùng khác lại khô hạn hơn.
Tần suất và cường độ của các trận mưa lớn đã tăng lên trên hầu hết khu vực đất liền. Vì khi khí quyển ấm hơn, nó có khả năng giữ lại nhiều hơi ẩm hơn, ở mức khoảng 7% với mỗi độ tăng lên. [4] Điều này khiến cho mùa mưa và các cơn mưa có nhiều nước hơn.
Nồng độ carbon dioxide (CO₂) trong khí quyển trên toàn cầu ngày nay cao hơn và tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất hai triệu năm qua.
Tốc độ tăng CO₂ trong khí quyển kể từ thời cách mạng công nghiệp (1750) cao hơn ít nhất 10 lần so với bất cứ thời điểm nào khác trong suốt 800.000 năm qua, và nhanh hơn khoảng bốn đến năm lần so với trong suốt 56 triệu năm qua.
Khoảng 85% lượng phát thải CO₂ là do đốt nhiên liệu hóa thạch. 15% còn lại đến từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất, chẳng hạn như việc phá rừng và suy thoái đất.
Nồng độ của các khí nhà kính khác cũng không hề kém cạnh. Cả metan và nitơ oxit, thủ phạm thứ hai và thứ ba góp phần vào sự nóng lên toàn cầu sau CO₂, cũng gia tăng nhanh hơn. [5]
Phát thải mêtan từ hoạt động của con người chủ yếu đến từ chăn nuôi và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Phát thải nitơ oxit có nguyên nhân chủ yếu từ việc sử dụng phân bón nitơ trong trồng trọt.
IPCC xác nhận rằng các hiện tượng nhiệt độ nóng cực đoan, sóng nhiệt và mưa lớn cũng trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên hầu hết khu vực đất liền kể từ năm 1950.
Báo cáo nhấn mạnh rằng một số hiện tượng nóng cực đoan quan sát được gần đây, như ở Australia mùa hè 2012 - 2013, sẽ cực kỳ khó xảy ra nếu như không có bàn tay ảnh hưởng của con người đến khí hậu. [6]
Tác động của con người cũng được phát hiện lần đầu tiên trong các sự kiện cực đoan phức hợp. Đơn cử như việc các đợt sóng nhiệt, hạn hán và thời tiết có thể gây cháy rừng (fire weather) xảy ra đồng thời ngày càng thường xuyên hơn. Những sự kiện phức hợp này đã xảy ra ở Australia, Nam Âu, phía Bắc lục địa Á - Âu, và một phần của rừng nhiệt đới ở châu Phi và châu Mỹ.
Đại dương hấp thụ 91% năng lượng có nguồn gốc từ sự gia tăng của khí nhà kính. Điều này khiến cho đại dương nóng lên, nhiều đợt sóng nhiệt đại dương diễn ra hơn, đặc biệt là trong 15 năm qua.
Sóng nhiệt đại dương dẫn đến cái chết hàng loạt của các sinh vật đại dương, đơn cử như hiện tượng tẩy trắng của san hô. [7] Nó cũng gây ra hiện tượng tảo nở hoa và sự thay đổi trong thành phần các loài. Ngay cả khi thế giới hạn chế được sự nóng lên ở mức 1,5-2℃, theo đúng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các đợt sóng nhiệt đại dương vẫn sẽ xảy ra thường xuyên hơn gấp 4 lần vào cuối thế kỉ này.
Các tảng băng và sông băng tan chảy, cùng với sự mở rộng của đại dương khi ấm lên, đã khiến mực nước biển trung bình trên toàn cầu tăng 0,2 mét từ năm 1901 đến năm 2018. Nhưng điều quan trọng là, mực nước biển đang tăng ngày càng nhanh hơn: từ 1901-1971 là 1,3 milimet mỗi năm; giai đoạn 1971-2006 là 1,9 mm mỗi năm, và giai đoạn 2006-2018 là 3,7 mm mỗi năm.
Quá trình axit hóa đại dương, do sự hấp thụ CO₂, đã xảy ra trên tất cả các đại dương và đã xâm nhập quá độ sâu 2.000m dưới mực nước biển ở Nam Đại Dương và Bắc Đại Tây Dương.
IPCC cho rằng ngay cả khi khí hậu trái đất có ổn định sớm thì một vài thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra vẫn sẽ không thể đảo ngược trong nhiều thế kỷ hoặc thậm chí là cả thiên niên kỷ tới. Đơn cử, nhiệt độ tăng thêm 2℃ trong thế kỷ này có thể khiến cho mực nước biển dâng lên từ 2 đến 6 mét trong khoảng 2.000 năm. Mức này sẽ còn cao hơn nữa trong các viễn cảnh mà sự phát thải tăng thêm.
Xét trên toàn cầu, các sông băng đã thu hẹp liên tục kể từ năm 1950 và được dự báo là sẽ còn tiếp tục tan chảy thêm hàng thập niên sau khi nhiệt độ trái đất đi vào ổn định. Cùng lúc đó, quá trình axit hóa tại các vùng biển sâu sẽ còn tiếp tục hàng nghìn năm sau khi việc phát thải CO₂ chấm dứt.
Báo cáo không chỉ ra thay đổi đột ngột nào có thể làm tăng tốc sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này - nhưng cũng không loại trừ những khả năng như vậy.
Viễn cảnh băng vĩnh cửu (frozen soils) ở Alaska, Canada và Nga tan chảy vượt qua điểm tới hạn đã được thảo luận rộng rãi. [8] Điều đáng lo ngại là khi tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan, một lượng lớn carbon tích tụ hàng nghìn năm từ thực vật và động vật chết có thể được giải phóng khi chúng phân hủy.
Căn cứ trên bằng chứng hiện có, báo cáo không chỉ ra biến đổi đột ngột đáng kể nào tại những khu vực nói trên trong thế kỷ này. Tuy nhiên, báo cáo dự báo rằng các khu vực đóng băng vĩnh cửu sẽ giải phóng khoảng 66 tỷ tấn CO₂ với mỗi độ tăng của mức nhiệt. Trong tất cả các kịch bản, quá trình phát thải trên là không thể vãn hồi trong thế kỷ này.
Nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tiếp tục tăng lên cho đến ít nhất năm 2050 trong tất cả các kịch bản phát thải được xét đến trong báo cáo. Các đánh giá cho thấy trái đất nhiều khả năng sẽ vượt quá giới hạn nóng thêm 1,5℃ vào đầu những năm 2030.
Nếu chúng ta giảm phát thải đủ nhiều, thì cũng chỉ có 50% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ chỉ tăng lên trong phạm vi 1,5℃ (bao gồm cả khả năng tăng quá mức tạm thời đến 0,1℃). Để giữ trái đất chỉ nóng lên dưới mức 1,5℃, cần phải loại bỏ CO₂ khỏi khí quyển bằng cách sử dụng công nghệ phát thải âm hoặc các giải pháp có nguồn gốc tự nhiên.
Sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này chỉ có thể ở dưới mức 2℃ trong kịch bản mà phát thải CO₂ đạt ngưỡng ròng bằng không vào khoảng những năm 2050.
IPCC phân tích các dự báo về khí hậu trong tương lai dựa trên hàng chục mô hình khí hậu, do hơn 50 trung tâm mô hình hóa trên khắp thế giới tạo ra. Theo các kịch bản phát thải thấp nhất và cao nhất, phân tích chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất sẽ tăng thêm trong khoảng từ 1-1,8℃ đến 3,3 - 5,7℃ ở thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng nhiệt độ chính xác mà thế giới sẽ phải gánh chịu phụ thuộc chính vào mức tăng phát thải khí nhà kính.
Báo cáo khẳng định với mức độ chắc chắn cao rằng để ổn định khí hậu, phát thải CO₂ phải đạt ngưỡng ròng bằng không và sự phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính khác phải giảm đáng kể.
Để đạt được chỉ tiêu về nhiệt độ đã có, chúng ta cũng biết rằng có một giới hạn về lượng carbon loài người được phép thải ra nếu muốn đạt ngưỡng phát thải ròng bằng không. Để có được 50% cơ hội giữ được sự nóng lên của trái đất ở dưới ngưỡng 1,5℃, giới hạn này là khoảng 500 tỷ tấn CO₂.
Với mức độ phát thải CO₂ hiện nay, “ngân sách carbon” đó sẽ được tiêu hết trong vòng 12 năm. Nếu lượng phát thải bắt đầu giảm, thời hạn sử dụng ngân sách này sẽ dài hơn.
Những phát hiện mới nhất của IPCC là đáng báo động. Hiện tại, không có trở ngại vật lý hoặc môi trường nào có thể ngăn chặn sự nóng lên, giúp giữ cho mức tăng nhiệt ở dưới ngưỡng 2℃ và giới hạn nó ở quanh ngưỡng 1,5℃ như mục tiêu của Hiệp định Paris.
Dù vậy, nhân loại vẫn phải lựa chọn hành động.
Chú thích:
1. History. (2021). IPCC. https://www.ipcc.ch/about/history/
2. Xem [1]
3. AR5 Climate Change 2013: The Physical Science Basis. (2013). IPCC. https://www.ipcc.ch/report/ar5/wg1/
4. Hausfather, Z. (2018, January 18). Explainer: What climate models tell us about future rainfall. Carbon Brief. https://www.carbonbrief.org/explainer-what-climate-models-tell-us-about-future-rainfall
5. GCP : Global Carbon Project : Homepage. (2021). Global Carbon Project. https://www.globalcarbonproject.org/
6. Summer 2012-2013 heat records. Bom.gov.au. http://www.bom.gov.au/climate/updates/articles/a001-summer-heatwave-2013.shtml
7. Hughes, T., & Pratchett, M. (2020, April 6). We just spent two weeks surveying the Great Barrier Reef. What we saw was an utter tragedy. The Conversation. https://theconversation.com/we-just-spent-two-weeks-surveying-the-great-barrier-reef-what-we-saw-was-an-utter-tragedy-135197
8. Staff, C. B. (2021, April 7). Guest post: The irreversible emissions of a permafrost ‘tipping point.’ Carbon Brief. https://www.carbonbrief.org/guest-post-the-irreversible-emissions-of-a-permafrost-tipping-point