Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nếu thiếu minh bạch, chia rẽ vùng miền sẽ càng bị khoét sâu.
Tính đến hết ngày 1/8/2021, Bình Dương có gần 17.000 ca nhiễm COVID-19, gấp 12 lần số ca nhiễm ở Hà Nội (hơn 1.400 ca) nhưng đang được cấp phát lượng vaccine chỉ bằng 1/4 Hà Nội, khoảng 568 nghìn liều so với hơn 2,2 triệu liều.
Có người nói vì Hà Nội đông dân hơn. Xét ba trong bốn địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất nước ngay sau TP. Hồ Chí Minh là Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì dân số của họ suýt soát Hà Nội (khoảng 8 triệu người). Tuy nhiên, tổng lượng vaccine họ nhận được chỉ là 1,5 triệu liều, bằng khoảng 67% so với Hà Nội, trong khi tổng số ca nhiễm của họ đang gấp 18 lần. [1]
Có người lại bảo do địa phương có nhiều ca nhiễm như Bình Dương có năng lực tiêm chủng rất hạn chế, cấp nhiều vaccine cũng không tiêm kịp, nên giữ lại cho Hà Nội là nơi ít ca nhưng có năng lực tiêm chủng tốt hơn. Quan điểm này quên mất vai trò của chính quyền trung ương trong những tình cảnh khủng hoảng quốc gia như đại dịch lần này. Chính quyền trung ương sinh ra để làm gì nếu không phải điều phối các nguồn lực của đất nước sao cho hiệu quả nhất có thể? Trong trường hợp này, nếu xét thấy Bình Dương cần nhiều vaccine nhưng thiếu năng lực tiêm chủng, chính quyền trung ương ngoài cấp thêm vaccine đúng ra phải hỗ trợ nguồn lực hậu cần và tổ chức tương ứng.
Đến đây, để bảo vệ quyết định phân bổ của Bộ Y tế, một số người viện dẫn tầm quan trọng của Hà Nội về chính trị, an ninh, kinh tế để ưu tiên vaccine cho thủ đô. Lập luận này cho rằng vị trí của một địa phương về chính trị, an ninh, kinh tế là tiêu chí quan trọng nhất cho việc phân bổ vaccine, hơn là các căn cứ dịch tễ hay căn bản đạo lý dựa trên mục đích tối hậu là giảm số ca nhiễm và tử vong? Cách nhìn nhận như vậy rất có vấn đề.
Thứ nhất, tiêu chí tầm quan trọng của mỗi địa phương về an ninh, chính trị, kinh tế là rất mơ hồ. Tiêu chí này sẽ được lượng hóa thế nào, chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong quyết định phân bổ vaccine? Hà Nội quan trọng hơn Bình Dương thế nào để nhận số vaccine gấp 4 lần Bình Dương trong khi có số ca nhiễm chỉ bằng 1/12? Công thức tính cho cách phân bổ này nằm ở đâu, dựa vào căn cứ pháp lý nào? Chính sự thiếu minh bạch về những căn cứ cho quyết định phân bổ vaccine của Bộ Y tế đã xới lên nghi ngờ về thiên kiến địa phương trong một quốc gia vốn đã rất nhạy cảm chuyện vùng miền. Tranh cãi về chủ nghĩa địa phương lại còn xuất hiện ở thời điểm không thể nào bất lợi hơn.
Tiếp đến, cách thức phân bổ vaccine này dựa trên nền tảng đạo đức nào? Cách phân bổ này có giúp giảm tổng số ca nhiễm và tử vong không, dựa trên nghiên cứu hay kinh nghiệm của quốc gia nào? Nếu không, sao có thể đặt tính mạng và sức khỏe của người dân thấp hơn tầm quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế của mỗi một địa phương? Thế có khác gì nói rằng mạng sống của người địa phương này không quý giá bằng người địa phương khác chỉ vì địa phương họ có vị trí kém hơn. Đây là cách nhìn chẳng những sai trái về mặt chính trị mà còn vô nhân đạo nữa.
Cuối cùng, cách phân bổ như trên còn thiếu căn cứ khoa học. Trong điều kiện khan hiếm vaccine, chiến lược phân bổ ưu tiên cho điểm nóng (hotspot-accelerated vaccination strategy) đã được chứng minh là hiệu quả hơn hẳn trong việc giảm số ca nhiễm và tử vong ở Canada so với việc phân bổ rải rác vaccine cho những khu vực chưa cần đến. [2][3] Nghĩa là càng khan hiếm về nguồn lực, lại càng phải ưu tiên cho các địa phương đang có số ca nhiễm cao nhất để ngăn chặn đà lây lan và hậu quả nhân mạng tương ứng. Không dồn vaccines để mau chóng ổn định tình hình ở các điểm nóng sẽ khó lòng ngăn được dòng người từ các điểm nóng này chạy dịch về quê. Điều này có thể khiến tốc độ lây lan tăng tới mức vỡ trận ở quy mô toàn quốc. Khi đó, lượng vaccines hạn chế được tiêm rải đều thiếu trọng tâm sẽ chẳng còn tác dụng.
Tóm lại, cách thức phân bổ đúng đắn về cả đạo lý, chính trị lẫn khoa học là phân bổ cho những địa phương đang có nhiều ca nhiễm nhất, đi kèm với các nguồn lực hậu cần liên quan. Lập luận dựa trên những căn cứ mơ hồ về tầm quan trọng địa phương đi liền với sự thiếu minh bạch trong cách thức phân bổ vaccine chẳng những không giúp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả mà còn khoét sâu thêm sự chia rẽ ở một đất nước vẫn còn nhức nhối vấn đề địa phương chủ nghĩa như Việt Nam.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Bài viết đã được cập nhật để thêm vào ba câu cuối của đoạn thứ hai từ dưới lên. Thời gian cập nhật: 10:47 ngày 2/8/2021.
Chú thích:
1. Online T. T. (2021a, May 10). Cập nhật số liệu tiêm vắc xin và ca mắc COVID-19 tại Việt Nam. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/cap-nhat-so-lieu-tiem-vac-xin-va-ca-mac-covid-19-tai-viet-nam-20210510170100892.htm
2. Grant, K., Keller, J., & Perreaux, L. (2021, April 24). Warming up to the hotspot strategy: Why targeting hard-hit areas for immunization is Canada’s best shot at reducing COVID-19 cases. The Globe and Mail. https://www.theglobeandmail.com/canada/article-warming-up-to-the-hotspot-strategy-why-targeting-hard-hit-areas-for
3. Mishra S, Stall NM, Ma H, et al. A vaccination strategy for Ontario COVID-19 hotspots and essential workers. Science Briefs of the Ontario COVID-19 Science Advisory Table. 2021;2(26). https://doi.org/10.47326/ocsat.2021.02.26.1.0