Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Các tin khác: tu sĩ tình nguyện chăm sóc bệnh nhân, tù nhân lương tâm chịu rủi ro nhiễm COVID-19.
Bạn đọc thân mến,
Có lẽ bạn và gia đình đang trải qua những ngày không dễ dàng trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi hy vọng bạn giữ sức khỏe và an toàn bên gia đình.
Trong thời gian cả nước đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, việc sinh hoạt tôn giáo, cũng giống như các hoạt động tụ tập đông người khác, có thể có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Điều này khiến cho tôn giáo ít nhiều phải chịu ác cảm từ công chúng.
Chúng ta không nên quên rằng các tổ chức tôn giáo là nguồn lực lớn có thể trợ giúp cộng đồng trong những cơn khủng hoảng.
Trong những ngày này, TP. Hồ Chí Minh đang đối diện với khủng hoảng về an sinh xã hội. Các tổ chức tôn giáo cũng đã vào cuộc hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, và so với miền Nam trước 1975, việc tham gia hoạt động từ thiện của các tôn giáo hiện nay gặp rất nhiều rào cản.
Trong tháng Bảy này, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức hội thảo về nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội. Khi nào các tổ chức này mới được “cởi trói” để hoạt động từ thiện độc lập và chuyên nghiệp?
Vào ngày 13/7/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã mở một hội thảo với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu, chức sắc tôn giáo và đại diện bộ, ngành trung ương để đánh giá nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. [1]
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang chịu khủng hoảng nặng nề về an sinh xã hội do chính quyền thắt chặt việc giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 bùng phát.
Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết mục tiêu của hội thảo này là xem xét khả năng của các tổ chức tôn giáo trong việc hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như một chủ thể độc lập.
Ông Nguyễn Ánh Chức, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng hoạt động này của các tổ chức tôn giáo hiện nay còn mang tính tự phát.
“Do vậy cần có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch trong công tác an sinh xã hội, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức tôn giáo”, ông Chức phát biểu.
Từ sau năm 1975, các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện của các tôn giáo đã bị gián đoạn. Nhiều cơ sở như trường học, bệnh viện, tổ chức cứu trợ, cô nhi viện, v.v. đã bị chính quyền tịch thu và cấm hoạt động.
Hiện nay, các tổ chức tôn giáo được hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non (nhà trẻ), dạy nghề, nhưng đều ở mức rất hạn chế. Tổ chức tôn giáo vẫn chưa được phép khôi phục hoạt động giáo dục phổ thông.
Chính quyền trong gần năm thập niên qua luôn cho rằng các tổ chức tôn giáo phải hoạt động thuần túy về tôn giáo, đồng thời giúp nhà nước thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Quan điểm này dẫn đến các chính sách kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực khác.
Điều 55, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 cho phép các tổ chức tôn giáo “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 cũng như các bộ luật và các văn bản dưới luật khác không quy định các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội cụ thể cũng như mức độ, điều kiện tham gia đối với các tổ chức tôn giáo. Việc công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo trực thuộc còn rất hạn chế. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo không được thành lập tổ chức riêng để hoạt động từ thiện.
Bên cạnh đó, nhà nước kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong những hoạt động từ thiện, an sinh xã hội. Chẳng hạn, việc gây quỹ trong nước hay nhận viện trợ nước ngoài đều phải trải qua thủ tục rất phức tạp.
Trên thực tế, hoạt động từ thiện, nhân đạo là giá trị cốt lõi của nhiều tôn giáo. Hiện nay, các tổ chức tôn giáo vẫn duy trì một số ít hoạt động từ thiện nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Chính sách hiện tại không cho phép họ hoạt động chuyên nghiệp theo mô hình tổ chức như trước năm 1975.
Đọc thêm: Sau 5 thập niên cấm cản, cánh cửa để tôn giáo làm từ thiện chuyên nghiệp có thể được mở ra?
Các bài báo mà bạn đọc, chương trình TV mà bạn xem về tôn giáo có thể là một phần trong kế hoạch tuyên truyền của nhà nước.
Ngày 19/7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành hướng dẫn dành cho các cơ quan nhà nước, tổ chức báo chí về việc tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo. [2]
Theo hướng dẫn, việc tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo sẽ tập trung vào các cán bộ, đảng viên và người dân tại những địa bàn được cho là “phức tạp, nhạy cảm” (vùng sâu, vùng xa, vùng cao, khu vực biên giới có nhiều đồng bào theo đạo). Nội dung tuyên truyền bao gồm chính sách và thành tựu của nhà nước trong vấn đề tôn giáo, dân tộc; phản bác các cáo buộc của báo chí độc lập, tổ chức nhân quyền về tình hình tôn giáo, dân tộc.
Việc tuyên truyền được thực hiện một cách bao trùm trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, mạng xã hội, đường phố, thậm chí là trong các buổi sinh hoạt tôn giáo.
Theo hướng dẫn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ kiểm soát các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Đồng thời, bộ này phải xử phạt nghiêm minh đối với những ai đưa thông tin kích động, sai sự thật trong lĩnh vực này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ đưa nội dung tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo vào chương trình giáo dục ở từng cấp học.
Hướng dẫn nêu rằng cần đấu tranh, phê phán đối với các hoạt động “tuyên truyền tà đạo, kích động giáo dân chống đối chế độ, [...] mê tín dị đoan, [...] bóp méo sự thật về tình hình dân chủ, bình đẳng dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam”.
Chính quyền Việt Nam duy trì sự kiểm soát toàn diện đối với các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Các khu vực vùng cao có đông người dân tộc thiểu số bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn khu vực thành thị. Các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của các nhóm dân tộc thiểu số dù đã được chính quyền công nhận cũng phải báo cáo và bị giám sát chặt chẽ.
Theo The 88 Project, Việt Nam đang giam giữ 179 tù nhân lương tâm. 37 người khác đang bị tạm giam chờ xét xử các tội liên quan đến tự do ngôn luận, hoạt động chính trị. Trong tổng số những người đang thụ án tù hoặc đang bị tạm giam, có 59 người hoạt động liên quan đến tự do tôn giáo. [3]
Trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương, các trại giam, trại tạm giam cũng đang đối diện với nguy cơ lây nhiễm lớn. Ví dụ gần đây nhất là về việc lây nhiễm virus cho các can phạm tại Trại tạm giam Chí Hòa, TP. Hồ Chí Minh.
Vào ngày 7/7/2021, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã thông báo có 81 ca nhiễm COVID-19 tại Trại tạm giam Chí Hòa, bao gồm 45 cán bộ và 36 can phạm. [4]
Trước đó, vào tối ngày 6/7, một vụ bạo động của các phạm nhân tại trại tạm giam này đã được báo chí ghi nhận. [5] Theo thông tin từ chính quyền, vụ bạo động do một phạm nhân gây rối trật tự trong lúc trại tạm giam triển khai tầm soát dịch COVID-19. Báo chí cho biết cảnh sát cơ động được điều động đến trại tạm giam để xử lý vụ gây rối. Người dân trong khu vực lân cận nghe được tiếng súng nổ phát ra từ phía trại tạm giam.
Trong ngày 7/7, một số can phạm đã được chuyển đến Trại giam T30, huyện Củ Chi để thực hiện giãn cách. [6] Tuy nhiên, chính quyền đến nay vẫn chưa công bố thêm thông tin về tình hình lây nhiễm và điều trị COVID-19 tại trại tạm giam Chí Hòa.
Chính quyền cho biết các trại giam, trại tạm giam trên cả nước đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19. [7] Tuy nhiên, dịch bệnh lan rộng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và khu vực Tây Nam Bộ kéo theo mối lo ngại lây lan tại những nơi giam giữ tập trung. Trường hợp hơn 500 ca nghi nhiễm được phát hiện tại cơ sở cai nghiện Bố Lá, tỉnh Bình Dương vào cuối tháng 7/2021 càng tạo cơ sở cho mối lo ngại này. [8]
Chính quyền hiện chưa đưa ra thông báo nào về việc tiêm vaccine cho các can phạm, phạm nhân. Hiện nay, tất cả các trại tạm giam, trại giam đều đã dừng việc thăm gặp phạm nhân.
Tính đến ngày 20/7/2021, có hơn 1.000 tín đồ, tăng ni, tu sĩ của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh. [9] Con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong ngày 22/7, có thêm khoảng 300 tình nguyện viên thuộc các tôn giáo lên đường đến các bệnh viện điều trị COVID-19 tại thành phố Thủ Đức để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân.
Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi “các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, đồng bào” tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19. [10]
Đây là dịp hiếm hoi mà chính quyền chính thức tìm đến sự hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng ở TP. Hồ Chí Minh. Số người mắc bệnh hiện tại đã vượt quá con số 100 nghìn và vẫn đang tăng lên. Hơn 2.000 người đã tử vong, theo công bố của Bộ Y tế tính đến ngày 6/8/2021.
Bạn có thể không biết đến hoạt động của các tôn giáo mới, nhưng điều đó không có nghĩa là những tôn giáo này không tồn tại. Tôn giáo mới đang phát triển khắp nơi ở Việt Nam. Trước khi phán xét hoạt động của họ, chúng ta nên biết rằng họ đang từng ngày phải chịu đựng sự sách nhiễu của nhà nước và báo chí.
Ngày 7/7/2021, báo Tuổi Trẻ đưa tin 7 học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang xử phạt hành chính vì tụ tập trong thời gian tỉnh này thực hiện giãn cách xã hội. [11]
Theo đó, vào ngày 24/6/2021, 6 người đã đến nhà của một hộ dân tại xã này để thực hành Pháp Luân Công cùng nhau và bị công an phạt. Mỗi người bị phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh mà địa phương này đang áp dụng.
Việc xử phạt các hội nhóm Pháp Luân Công không phải là chuyện cá biệt. Trong năm 2020, không cần áp dụng các quy định về phòng chống dịch, chính quyền cũng đã liên tục ngăn cấm nhóm này hoạt động và xử phạt họ với nhiều lý do khác. [12]
Pháp Luân Công bị chính quyền địa phương và báo chí lên án nặng nề, bị xem là “tà đạo” và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, bộ môn này đã phát triển ở khắp các tỉnh, thành và nhiều người tập cho rằng họ nhận được lợi ích tốt từ việc tập luyện.
Từ đầu năm 2021, hoạt động của các học viên Pháp Luân Công bị chính quyền cản trở đã ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông so với năm 2020. Lý do có thể bao gồm việc chính quyền gia tăng các hoạt động tuyên truyền, cản trở việc tập luyện và tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp.
Cuối tháng 5/2021, vụ việc lây lan dịch bệnh tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại TP. Hồ Chí Minh đã được báo chí đưa tin mạnh. Ngày 29/5/2021, Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. [13] Đến cuối tháng 7/2021, cơ quan công an vẫn chưa công bố thêm thông tin về vụ án này.
Nếu theo dõi các bản tin tôn giáo trước đây, chắc hẳn bạn không xa lạ với thông tin đạo Hà Mòn bị chính quyền cho là “tà đạo” tại khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, đạo này đang đối diện với nguy cơ bị xóa sổ tại tỉnh Gia Lai.
Tháng 7/2021, đại diện chính quyền huyện Mang Yang nói với báo Dân Việt rằng huyện này không còn người theo đạo Hà Mòn. Theo ông Lê Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện, “những người bị lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà đạo Hà Mòn đã được tuyên truyền, vận động về với gia đình” và được địa phương hỗ trợ “tái hòa nhập cộng đồng". [14]
Ông Trọng cũng tiết lộ về những cách thức mà chính quyền tuyên truyền, vận động, trong đó có việc “bình xét các hộ nghèo, cận nghèo".
Theo đó, dân làng sẽ “bình xét các hộ nghèo, cận nghèo (những người trước đây theo tà đạo nói riêng và của toàn bộ người dân nói chung)” theo nguyên tắc dân chủ, công bằng. Từ đó, địa phương sẽ có những “cách tiếp cận phù hợp" như cho vay vốn ngân hàng, cho tham gia các chương trình, mô hình khuyến nông, v.v.
Phát ngôn này cho thấy dấu hiệu chính quyền huyện Mang Yang đã sử dụng tiêu chuẩn hộ nghèo để buộc các gia đình từ bỏ đạo Hà Mòn. Việc này trái với quy định chính thức, [15] theo đó, tiêu chí xét hộ nghèo là thu nhập bình quân đầu người và mức độ thiếu hụt trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Những năm qua, nhiều người Thượng tại Tây Nguyên theo các nhóm tôn giáo không được công nhận đã xác nhận việc bị chính quyền địa phương trừng phạt bằng các hình thức kinh tế như không xét duyệt hộ nghèo, hồ sơ vay vốn ngân hàng; tước bỏ các ưu đãi an sinh xã hội hoặc từ chối cung cấp dịch vụ hành chính như làm căn cước công dân, đăng ký kết hôn, v.v.
Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cũng nói rằng chính quyền đã động viên những con em trong các gia đình theo đạo Hà Mòn tiếp tục đến trường.
Một số nhân chứng lại cho Luật Khoa biết rằng chính quyền địa phương ở Tây Nguyên sử dụng cách trừng phạt là tăng học phí đối với các gia đình theo các nhóm tôn giáo không được công nhận.
Trong tháng 7/2021, báo Quân đội Nhân dân cũng đưa tin “đạo Hà Mòn đã không còn trên đất Gia Lai”. [16]
Đạo Hà Mòn sử dụng giáo lý của đạo Công giáo để sinh hoạt, nhưng tín đồ không đến nhà thờ mà thực hành nghi lễ tại nhà. Năm 2011, huyện Mang Yang có 1.357 người theo đạo này.
Báo Đắk Nông cho biết tỉnh này đang xuất hiện nhiều hoạt động của các tôn giáo mới. Chính quyền tỉnh đang xử lý những nhóm tôn giáo này. [17]
Các hoạt động tôn giáo bị cho là bất hợp pháp ở tỉnh này bao gồm “xây nhà với mục đích hoạt động tôn giáo nhưng không xin phép chính quyền; một số hội, nhóm sử dụng không đúng tên ‘Hội thánh Tin lành Việt Nam’; hoạt động của nhiều ‘đạo lạ’ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo”.
Báo này nêu ra hai trường hợp tại xã Đắk Nia, huyện Gia Nghĩa bị cáo buộc là hoạt động tôn giáo để trục lợi, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Cả hai trường hợp đều bị cho là xây dựng đền mà không được chính quyền cấp phép.
Ngoài ra, Ban Tôn giáo tỉnh này cho biết có nhiều hoạt động hiến tặng, sang nhượng đất làm cơ sở tôn giáo trái pháp luật; tự tổ chức hoạt động sinh hoạt tôn giáo mà không gia nhập tăng đoàn do nhà nước công nhận; tập trung sinh hoạt tôn giáo không đăng ký với chính quyền địa phương.
Việc người dân theo các tôn giáo mới ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Những tôn giáo này rất khó đáp ứng các điều kiện khắt khe của chính quyền để được công nhận theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Sau tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng đã cảnh báo người dân về hoạt động của “Pháp môn cần khai vững trụ làm chính tâm”. [18]
Phía công an cho biết pháp môn này thu hút người tham gia qua các video phát trực tiếp trên mạng xã hội, trong đó có các nội dung chỉ trích tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo.
Tượng tự Công an tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh Tuyên Quang kêu gọi người dân không nghe theo những chia sẻ, lời mời tham gia pháp môn từ mạng xã hội. Công an cho rằng các phát ngôn của pháp môn này vi phạm pháp luật nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan, và lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.
“Các đối tượng ‘Pháp môn cần khai vững trụ luật làm chính tâm’ đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động vi phạm pháp luật”, báo An ninh Thủ đô dẫn thông báo của Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Các thông tin của pháp môn này đã bị xóa khỏi các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Youtube và Facebook.
Chú thích
1. Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, July 13). Hội thảo về nguồn lực của tôn giáo trong lĩnh vực an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiện nay. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-thao-ve-nguon-luc-cua-ton-giao-trong-linh-vuc-an-sinh-xa-hoi-va-tu-thien-nhan-dao-o-viet-nam-hien-nay-postQpV1M745.html
2. Tuyên giáo. (2021, July 23). Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo. http://www.tuyengiao.vn/ban-can-biet/huong-dan-cong-tac-tuyen-truyen-ve-dan-toc-ton-giao-134582
3. The 88 Project. (2021). Search Profiles. https://the88project.org/database/#
4. Báo Gia Đình. (2021, July 7). TP.HCM phát hiện 81 ca mắc COVID-19 ở trại giam Chí Hòa. https://giadinh.net.vn/y-te/tphcm-phat-hien-81-ca-mac-covid-19-o-trai-giam-chi-hoa-2021070715342474.htm
5. BBC News Tiếng Việt. (2021, July 7). Hàng loạt tiếng nổ phát ra từ trại tạm giam Chí Hòa. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57718382
6. Trang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh. (2021, July 7). Tình hình an ninh trật tự tại Trại tạm giam Chí Hòa đã được kiểm soát ổn định. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tinh-hinh-an-ninh-trat-tu-tai-trai-tam-giam-chi-hoa-da-duoc-kiem-soat-on-dinh-1491880223
7. Báo Công an Nhân dân. (2021, July 23). Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tại trại tạm giam. http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Tang-cuong-phong-chong-dich-benh-tai-trai-tam-giam-651373/
8. Ngân, P. T. (2021, July 21). Cơ sở cai nghiện Ma túy Bố Lá: 506 ca nghi dương tính COVID-19. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/co-so-cai-nghien-ma-tuy-bo-la-506-ca-nghi-duong-tinh-covid-19-1418035.html
9. Báo Tuổi Trẻ. (2021b, July 21). Hơn 1.000 tu sĩ, tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến. https://tuoitre.vn/hon-1-000-tu-si-tang-ni-phat-tu-tinh-nguyen-phuc-vu-tai-cac-benh-vien-da-chien-20210721131951981.htm
10. Báo Tuổi Trẻ. (2021c, July 22). Gần 300 tình nguyện viên các tôn giáo tỏa về các bệnh viện điều trị COVID-19. https://tuoitre.vn/gan-300-tinh-nguyen-vien-cac-ton-giao-toa-ve-cac-benh-vien-dieu-tri-covid-19-20210722092506893.htm
11. Báo Tuổi Trẻ. (2021, July 7). Tụ tập để. . . đọc “Chuyển pháp luân”, 7 người bị phạt hơn 50 triệu đồng. https://tuoitre.vn/tu-tap-de-doc-chuyen-phap-luan-7-nguoi-bi-phat-hon-50-trieu-dong-20210707072351389.htm
12. Thanh, T. (2021, April 8). Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rối. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/01/phap-luan-cong-doi-dien-voi-tuong-lai-day-rac-roi/
13. Báo Công an Nhân dân. (2021a, May 30). Khởi tố vụ án hình sự tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/Khoi-to-vu-an-hinh-su-ve-hoat-dong-cua-Hoi-Tin-Lanh-truyen-giao-Phuc-Hung-gay-lay-lan-dich-benh-i607378/
14. Dân Việt. (2021, July 15). Lời kể của những người “sống trong sợ hãi” ở rừng sâu vì theo tà đạo ở Tây Nguyên. https://danviet.vn/nghe-loi-ke-cua-nhung-nguoi-song-trong-so-hai-o-rung-sau-vi-theo-ta-dao-o-tay-nguyen-20210710144628563.htm
15. Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. https://vksndtc.gov.vn/KND/TT/Lists/TinTuc/Attachments/8919/nghi-dinh-07-2021-nd-cp-chuan-ngheo-da-chieu-giai-doan-2021-2025.pdf
16. Quân đội Nhân dân. (2021, July). Bài 4: Chi bộ Quân sự - Tiền phòng tuyến đầu. https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/bai-4-chi-bo-quan-su-tien-phong-tuyen-dau-664457
17. Báo Đắk Nông. (2021, July 26). Không để các đạo lạ, tà đạo hoạt động trái pháp luật. http://baodaknong.org.vn/an-ninh-trat-tu/khong-de-cac-dao-la-ta-dao-hoat-dong-trai-phap-luat-87915.html
18. An ninh Thủ đô. (2021, July 23). Tránh trở thành công cụ của nhóm “tà đạo mới.” https://anninhthudo.vn/tranh-tro-thanh-cong-cu-cua-nhom-ta-dao-moi-post474175.antd