Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở Hoàng Sa
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Đảo Tri Tôn - căn cứ viễn thám của Trung Quốc ở
Người dân muốn một “app”, thủ tướng thích nhiều “app”.
Nếu bạn ra đường vào ngày 15/8/2021 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, bạn hẳn phải đau đầu, nhức mắt bởi một ứng dụng chống dịch COVID-19 chưa từng nghe tên - “Di biến động dân cư” của Bộ Công an.
Ứng dụng được cho là sẽ liên kết với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, hay nói cách khác chính là liên kết với chiếc thẻ căn cước gắn chip mà nhiều người phải đợi đến 1-2 giờ sáng để làm thủ tục.
Tuy nhiên, khi khai báo, bạn phải nhập thông tin cá nhân từ đầu, và có thể bạn phải nhập nhiều lần mới lấy được mã QR.
Khi qua được chốt, bạn có thể nghĩ rằng: “Ủa, công an giờ lại làm cả ứng dụng chống dịch COVID-19 luôn à?”.
Sự thật là Bộ Công an không thể tự trao cho mình chức năng mới đó. Tuy nhiên, có một người vừa nhậm chức vào tháng 4/2021 đã làm việc này.
Buổi chiều ngày 8/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời dự một hội nghị về giới thiệu công tác chống COVID-19 bằng công nghệ của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT). [1]
Tại hội nghị, ngồi bên trái Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên phải là Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Trước mặt ông là hai màn hình lớn, trình chiếu các ứng dụng chống dịch COVID-19 do hai bộ này phát triển.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nói trực tiếp với thủ tướng là sắp tới bộ sẽ dùng Sổ Sức khỏe Điện tử để quản lý tiêm chủng và cấp “hộ chiếu vaccine” trên toàn quốc. [2]
Cuối buổi họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với các đồng chí của mình: “Do dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ nên phải bổ sung và hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội và sử dụng cho thật tốt”. [3]
Tuy nhiên, hai ngày trước buổi họp này, ngài thủ tướng - từng là phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) - đã giao cho Bộ Công an phát triển ứng dụng quản lý tiêm vaccine COVID-19 - E-vaccine. [4]
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là người đồng ý cho Bộ Công an sử dụng Di biến động dân cư để kiểm soát người dân khi đi qua các chốt kiểm soát. [5]
Hai quyết định trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng không nhất quán với một nghị quyết của chính phủ - Nghị quyết 78/NQ-CP ban hành ngày 20/7/2021 về phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 mà chính ông cũng tham gia. [6]
Theo nghị quyết này, chính phủ đã giao bộ trưởng Bộ TT-TT: “Triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc”.
Nhưng chỉ hơn hai tuần sau, thủ tướng lại giao Bộ Công an phát triển hai ứng dụng hoàn toàn mới. Cả hai ứng dụng này gần như được Bộ Công an độc quyền phát triển vì phải dựa trên nền tảng của Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư.
Bạn chuẩn bị ra ngoài và cần khai báo y tế? Bạn có ít nhất 4 ứng dụng để làm việc này: Bluezone, Tokhaiyte, Di biến động dân cư, NCOVI.
Bạn sẽ chọn ứng dụng nào? Nếu chọn Bluezone hoặc NCOVI, công an ở các chốt kiểm soát sẽ không chấp nhận. Nếu chọn Di biến động dân cư, bạn có thể sẽ phải kê khai lại khi đến một số bệnh viện để khám bệnh, siêu thị để mua hàng. [7]
Nếu bạn ở TP. Hồ Chí Minh thì ủy ban thành phố còn phát triển một ứng dụng nữa là kbytcq.khambenh.gov.vn. [8] Nếu bạn ở tỉnh Quảng Nam, bạn phải dùng ứng dụng “Smart Quảng Nam” để khai báo y tế. [9]
Và dù khai báo với bất kỳ ứng dụng nào, bạn có thể bị yêu cầu khai báo lại từ đầu tại địa điểm tiêm chủng qua ứng dụng Sổ Sức khỏe Điện tử - một ứng dụng tiêm chủng của Viettel, Bộ Y tế, và Bộ TT-TT.
Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một bình oxy để cấp cứu cho người thân đang nhiễm COVID-19 của mình, hay một bệnh viện có thể tiếp nhận người thân của bạn? Rất tiếc, chính quyền không có chiếc “app” nào cả.
Nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính và muốn được nhà nước hỗ trợ? Rất tiếc, chính quyền và các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc cũng không có chiếc “app” nào như vậy.
Từ tháng 3/2020, chính phủ đã phát triển ít nhất 7 ứng dụng chỉ để kiểm soát việc khai báo y tế và đi lại của người dân.
Việc phát triển các ứng dụng đến nay tạm chia thành hai phe. Bộ Y tế và Bộ TT-TT về một phe với Bluezone, NCOVI, Vietnam Heath Declaration hay Tokhaiyte, Sổ Sức khỏe Điện tử và Antoan Covid. Phe còn lại là Bộ Công an với Di biến động dân cư và E-vaccine.
Tuy tham gia sau vào việc phát triển ứng dụng chống dịch COVID-19 nhưng Bộ Công an đã hấp tấp và lấn lướt Bộ Y tế và Bộ TT-TT.
Ngày 12/8/2021, ba ngày trước vụ lộn xộn Di biến động dân cư ở TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã họp cùng Bộ Y tế và Bộ TT-TT về việc triển khai ứng dụng này. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an cần thống nhất một biểu mẫu tờ khai y tế và sử dụng một mã QR duy nhất cho mỗi cá nhân. [10]
Tuy nhiên, buổi họp chỉ mang tính chất thông báo đến Bộ Y tế và Bộ TT-TT. Trước buổi họp một ngày, Bộ Công an đã chính thức triển khai ứng dụng trên toàn quốc. [11]
Thất bại ngay trong ngày đầu vận hành tại TP. Hồ Chí Minh là cái kết dành cho ứng dụng được Bộ Công an tuyên bố là “không phải đầu tư thêm kinh phí, bố trí thêm nguồn nhân lực”. [12] Sau đó, bộ đổ lỗi cho người dân là “chưa khai báo trước khi di chuyển đến điểm chốt”. [13]
Hiện nay, các tỉnh, thành đang triển khai rộng rãi 4 ứng dụng (Bluezone, NCOVI, Tokhaiyte, Antoan Covid) theo yêu cầu của Bộ TT-TT từ tháng 4/2021. [14] Đây là một kế hoạch rất phức tạp vì buộc các địa điểm, người dân tại địa phương phải sử dụng nhiều ứng dụng chống COVID-19. [15] Nhưng thời gian tới, có lẽ họ sẽ bị rối hơn nữa với các ứng dụng mới của Bộ Công an.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư - tốn kém hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng - là thanh thượng phương bảo kiếm để Bộ Công an tham gia vào việc phát triển các ứng dụng công nghệ. Hiện nay, Bộ Công an là cơ quan duy nhất quản lý cơ sở dữ liệu này. Không ai khác có thể biết liệu cơ sở dữ liệu trên hoàn thiện như thế nào và tính ứng dụng của nó trong phòng chống dịch COVID-19 ra sao.
Được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ, cuộc đua phát triển ứng dụng chống COVID-19 sắp tới sẽ không thể thiếu mặt Bộ Công an.
Theo báo Chính phủ, 21.500 tỷ đồng đã được dùng để chống dịch COVID-19 từ năm 2020 đến tháng 6/2021. [16] Riêng sáu tháng đầu năm 2021, ngân sách đã chi 4.650 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng chi ngân sách đã dùng để chống dịch COVID-19.
Ngoài ứng dụng Di biến động dân cư của Bộ Công an mà theo khẳng định của họ là “không tốn thêm chi phí đầu tư”, chi phí xây dựng các ứng dụng khác của Bộ Y tế và Bộ TT-TT vẫn chưa được công bố.
Các nhà thầu thực hiện các ứng dụng chống COVID-19 là những cái tên quen thuộc ở Việt Nam. Đó là VNPT, Mobifone, BKAV với ứng dụng Bluezone, NCOVI, Tokhaiyte; Viettel với ứng dụng Sổ Sức khỏe Điện tử hay Cổng thông tin Tiêm chủng COVID-19; và Bộ Công an tự xây dựng ứng dụng E-Vaccine, Di biến động dân cư. [17]
Không chỉ xây dựng các ứng dụng, các bộ còn phải duy trì nhân sự quản lý, sử dụng các ứng dụng này. Vào tháng 6/2021, Trung tâm Công nghệ Phòng, chống COVID-19 Quốc gia đã được thành lập. Ngân sách dành cho trung tâm này vẫn chưa được công bố.
Hiệu quả mà các ứng dụng chống COVID-19 đem lại trong tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn rất mù mờ, nhưng sự lộn xộn và lãng phí vì quá nhiều ứng dụng có cùng chức năng thì đã rõ như ban ngày.
Chú thích:
1. VietnamNet. (2021, August 9). Ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia. https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/ung-dung/ra-mat-trung-tam-cong-nghe-phong-chong-covid-19-quoc-gia-764157.html
2. Bộ Y tế. (2021b, August 9). Ứng dụng công nghệ để nhiều người bệnh được cứu sống hơn, chống dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/ung-dung-cong-nghe-e-nhieu-nguoi-benh-uoc-cuu-song-hon-chong-dich-nhanh-nhat-hieu-qua-nhat
3. Xem [1]
4. Báo Công an TP. Hồ Chí Minh. (2021, August 6). Quản lý tiêm vaccine Covid-19 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. https://congan.com.vn/tin-chinh/quan-ly-tiem-vaccine-ngua-covid-19-tren-nen-tang-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu_117677.html
5. VOV. (2021, August 15). Bộ Công an nói gì về ùn ứ ở TP.HCM khi thực hiện kiểm tra “di biến động dân cư.” https://vov.vn/phap-luat/bo-cong-an-noi-gi-ve-un-u-o-tphcm-khi-thuc-hien-kiem-tra-di-bien-dong-dan-cu-882817.vov
6. Chính phủ. (2021, July 20). Nghị quyết ngày 20/7/2021 về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-quyet-78-NQ-CP-2021-phien-hop-Chinh-phu-ve-phong-chong-dich-COVID-19-481822.aspx
7. Báo Thanh Niên. (2021b, August 15). Có bao nhiêu app khai báo y tế, truy vết đang được sử dụng? https://thanhnien.vn/thoi-su/co-bao-nhieu-app-khai-bao-y-te-truy-vet-dang-duoc-su-dung-1430950.html
8. UBND Thành phố Hồ Chí Minh. (2021, August). Khai báo y tế điện tử. Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh. https://kbytcq.khambenh.gov.vn/#tokhai_yte/model
9. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam. (2021, August 4). Khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. http://soyte.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=1718
10. Bộ Công an. (2021b, August 12). Khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ truy vết và quản lý tiêm phòng COVID-19. http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khai-thac-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-phuc-vu-truy-vet-va-quan-ly-tiem-phong-covid-19-t30146.html
11. Báo Công an Nhân dân. (2021b, August 11). Hệ thống “di biến động dân cư” của Bộ Công an hoạt động ra sao? https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/bo-cong-an-trien-khai-phan-mem-quan-ly-cong-dan-vung-dich-tren-toan-quoc-i623858/
12. Website Văn phòng Chính phủ. (2021). Triển khai quản lý tiêm vaccine COVID-19 trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư. http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Trien-khai-quan-ly-tiem-vaccine-COVID19-tren-nen-tang-CSDL-quoc-gia-ve-dan-cu/20218/30328.vgp
13. Xem [5]
14. Chuyên trang tuyên truyền Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, tỉnh Quảng Nam. (2021, May 9). Triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19. http://ncov.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=119&NID=10566&trien-khai-ap-dung-cac-giai-phap-cong-nghe-trong-phong-chong-dich-covid-19
15. Bộ Thông tin - Truyền thông. (2021, May 12). Bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết sự lây lan của dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bình Phước. https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-noi-bat/b-o-giai-phap-cong-nghe-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-24576.html
16. Báo Chính phủ. (2021, July 16). Ngân sách đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho chống COVID-19. http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Ngan-sach-da-chi-215-nghin-ty-dong-cho-chong-COVID19/438447.vgp
17. An ninh TV. (2021, August 12). Bộ Công an thí điểm hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine. https://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/bo-cong-an-thi-diem-he-thong-quan-ly-tiem-chung-evaccine-357130.html