Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1:
“Vườn sao kê” cần kể tên thêm rất nhiều bộ, ngành khác nữa.
Bỏ qua nghi vấn rằng những ồn ào về hoạt động từ thiện của nghệ sĩ được khơi ra nhằm đánh lạc hướng người dân khỏi thực trạng chống dịch thảm hại, tôi nghĩ việc hai chữ “sao kê” trở thành “trend” như mấy ngày vừa qua là một chuyện tích cực.
Chuyện này tích cực ở hai điểm. Thứ nhất, nó tạo ra áp lực khiến cho những ai đã, đang, và sẽ dùng uy tín cá nhân để kêu gọi quyên góp với mục đích làm từ thiện phải chấn chỉnh hành vi của mình. Thứ hai, với sự lan tỏa rộng khắp trên nhiều nền tảng, tiếp cận được người dân thuộc nhiều lứa tuổi, ở nhiều vùng miền, công chúng Việt Nam đang trao đổi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng: đã nhận tiền của người khác thì phải có trách nhiệm báo cáo thu chi minh bạch.
Trách nhiệm đó được gọi là trách nhiệm giải trình (accountability). Khi anh kêu gọi, chúng tôi giao niềm tin và tiền bạc của mình cho anh, anh không chỉ có trách nhiệm hoàn thành điều mình hứa là sẽ làm, mà còn có trách nhiệm thông báo lại cho chúng tôi nữa. Đó là nguyên tắc căn bản của một giao dịch dân sự.
Làn sóng đòi nghệ sĩ báo cáo thu chi tiền từ thiện nhắc chúng ta nhớ đến một cái tên lớn lâu nay tự xưng là “địa chỉ đỏ” của tấm lòng từ thiện trên toàn quốc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. [1] Bạn có từng thấy tổ chức này trình ra một bản sao kê nào bao giờ chưa?
Năm 2021, khoản tiền mà ngân sách nhà nước cấp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam là hơn 103 tỷ đồng. [2] Số tiền này được dùng để làm gì? Không người dân nào biết, vì Mặt trận không công khai. Trên Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước, trong số 10/56 bộ, ngành đã nộp kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2021, không có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. [3] Năm 2020 cũng không có. Năm 2019 cũng vậy. Mà đấy mới chỉ là Ủy ban Trung ương, chưa tính các tổ chức Mặt trận ở địa phương.
Mặt trận Tổ quốc có vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với nghĩa vụ này, họ là cơ quan đầu mối để vận động, kêu gọi toàn dân đóng góp mỗi khi có dịp. Chắc bạn không xa lạ với các đợt quyên góp hỗ trợ miền Trung mỗi mùa lũ, hay gần đây nhất là kêu gọi đóng góp ủng hộ công tác chống dịch COVID-19, trong đó có quỹ vaccine. Bạn có được thông báo gì về cách mà mặt trận sử dụng những số tiền này không?
Theo thống kê của chính MTTQ, chỉ tính từ ngày 1/5 đến ngày 30/7/2021, số tiền mà các cá nhân, tổ chức ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch qua hệ thống MTTQ trung ương và địa phương là hơn 6.854 tỷ đồng. MTTQ chỉ báo cáo sử dụng số tiền này qua một đoạn văn năm dòng trong một bài viết chưa đến 400 chữ. [4] Trên website của Ủy ban Trung ương MTTQ, không có mục nào đề cập đến hai chữ “sao kê”.
Kiểm tra ngẫu nhiên hai bản “báo cáo hoạt động công tác mặt trận” trên trang web của Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái (2020), và tỉnh Bắc Kạn (2018), có thể thấy những bản báo cáo này được soạn theo cùng một mẫu file word (tập tin văn bản) rập khuôn. [5][6] Trong những bản “sao kê” có rất nhiều khẩu hiệu này, những khoản chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng được liệt kê dưới phần chú thích với cỡ chữ li ti: Làm đường bê tông, 100 triệu đồng; xây nhà văn hóa, 41 triệu đồng; hỗ trợ 35 hộ tại 7 huyện, 100 triệu đồng; hỗ trợ 65 hộ, 198 triệu đồng v.v. Chúng ta phải dựa vào đâu để tin những con số khơi khơi này là thật?
Cơn sốt đòi nghệ sĩ sao kê hiện nay có thể sẽ khiến mỗi người chúng ta có trách nhiệm hơn với những khoản tiền đóng góp của mình sau này. Cụ thể là luôn yêu cầu trách nhiệm giải trình từ phía người nhận tiền, không chỉ sau khi giải ngân, mà là từ trước đó. Tôi hy vọng bài học ấy sẽ được nhớ lâu, và sẽ được áp dụng đối với cả những cơ quan nhà nước mà trong đó Mặt trận Tổ quốc chỉ là một con sâu nhỏ.
Để nói cho rõ, thứ chúng ta cần không phải là những tập sao kê nghìn trang, mà là một quy trình báo cáo công khai, do các tổ chức độc lập và chuyên nghiệp giám sát.
Có được các tổ chức độc lập trong thể chế Việt Nam coi bộ khó. Nên vẫn phải phiền đến các công dân hay bị chê là “dân trí thấp” như bạn.
Hãy giám sát thử.
Bạn có biết bộ nào đang dùng nhiều tiền ngân sách nhất trong năm nay không? Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. [7] Hai siêu bộ này lần lượt được phát 171 nghìn tỷ và 96 nghìn tỷ để chi tiêu, và 90% trong số tiền đó được dùng để chi thường xuyên, tức là chi phí vận hành, trả lương ngày qua ngày cho cán bộ (một bộ phận trong số các cán bộ đó rất thích sách nhiễu bạn).
Bạn có biết là hai bộ dùng nhiều tiền nhất này thậm chí còn không nằm trong danh sách các bộ, ngành cần công khai kế hoạch chi tiêu không? Tên của hai bộ này biến mất một cách bí ẩn khi Bộ Tài chính công bố kế hoạch công khai dự toán ngân sách năm 2021. [8] Bạn cũng có thể kiểm chứng việc này bằng cách vào Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước ở địa chỉ: https://ckns.mof.gov.vn, mục Công khai ngân sách các bộ/cơ quan trung ương -> Dự toán năm 2021 để tìm. Chẳng thấy hai bộ ấy đâu.
Mỗi ngày, tại Việt Nam, người dân đang đóng đến hơn một chục loại thuế, phí khác nhau để tạo nên một cái kho bạc gọi là ngân sách nhà nước. Vậy mà mãi đến năm 2015 thì mới có luật yêu cầu công khai phương án phân bổ ngân sách cho người dân biết trước khi phê duyệt. [9] Trước đó, các bản dự toán chi tiêu này được đóng dấu mật. Bạn không có quyền biết tiền của bạn được dùng để làm gì.
Chuyện vô lý đến vậy mà mới chỉ được sửa cách đây vài năm. Và mọi chuyện sẽ không được sửa thêm nếu như bạn không thèm quan tâm đến. Trách nhiệm giải trình là một thứ gây mệt mỏi, người ta sẽ không tự dưng nhận lấy. Chúng ta phải đòi hỏi.
Như cách hôm nay bạn đang góp tiếng đòi các nghệ sĩ trình sao kê tiền từ thiện, hãy góp tiếng lớn hơn nữa để đòi hỏi các cơ quan chính quyền công khai thu – chi ngân sách, đòi Mặt trận Tổ quốc báo cáo về những khoản tiền bao năm qua người dân gửi về, đòi ban điều hành quỹ vaccine trình ra xem tiền người dân đóng vào quỹ đó giờ về nơi đâu rồi.
Có thể bạn nghĩ rằng các cơ quan chính quyền vừa xa lại vừa như tượng đá, bạn nói chẳng hề hấn gì, nhưng nếu như sự quan tâm của chúng ta cũng mãnh liệt và rộng khắp như cách ta đòi Trấn Thành trình sao kê mấy ngày qua, có khi các bộ, ngành lâu nay đã không dễ dàng lấy tiền đi xây tượng đài như thế.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích:
1. “Mặt trận Tổ quốc là địa chỉ đỏ của tấm lòng từ thiện.” (2020, December 9). Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn/hoat-dong/mat-tran-to-quoc-la-dia-chi-do-cua-tam-long-tu-thien-35660.html
2. Kế hoạch phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (Nghị quyết 129/2020/QH14 của Quốc hội, ban hành 13/11/2020. https://luatvietnam.vn/tai-chinh/nghi-quyet-129-2020-qh14-phan-bo-ngan-sach-trung-uong-nam-2021-194690-d1.html
3. Cổng Công khai Ngân sách Nhà nước. https://ckns.mof.gov.vn/SitePages/home.aspx
4. UBTƯ MTTQ Việt Nam hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố phía Nam. (2021, August 3). Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. http://mattran.org.vn/hoat-dong/ubtu-mttq-viet-nam-ho-tro-17-trieu-suat-an-cho-ba-con-co-hoan-canh-kho-khan-tai-cac-tinh-thanh-pho-phia-nam-38998.html
5. Báo cáo kinh tế xã hội 2020. UB MTTQ Tỉnh Yên Bái. https://ubmttq.yenbai.gov.vn/noidung/ktxh/Pages/bao-cao-KTXH.aspx?ItemID=103
6. Báo cáo Kết quả công tác vận động và sử dụng Quỹ Cứu trợ năm 2017, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái. https://ubmttq.backan.gov.vn/VanBanUp/BC465.doc
7. Xem [2]
8. Quyết định của Bộ Tài chính về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước 2021 (Quyết định 1927/QĐ-BTC, ban hành tháng 12/2020). https://luatvietnam.vn/tai-chinh/quyet-dinh-1927-qd-btc-cong-khai-du-toan-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2021-195081-d1.html
9. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015: Tăng cường công khai, minh bạch ngân sách. (2015, October 13). TapChiTaiChinh. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu–trao-doi/trao-doi-binh-luan/luat-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2015-tang-cuong-cong-khai-minh-bach-ngan-sach-101523.html