‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Ta có thể sẽ được nghe những khúc khải hoàn, nhưng liệu rằng cuộc đời có còn như trước?
Dù bạn là ai trong đại dịch này, đang chạy vạy lo từng bữa ăn cho gia đình, đang thấp thỏm lo lắng khi người nhà là F0, hay đang yên ổn trong nhà với đầy đủ thực phẩm thuốc men, tất cả chúng ta đang trải qua một cơn ác mộng kéo dài đã gần ba tháng.
Đây chẳng còn là cơn ác mộng không được ra đường, không được hít thở khí trời mỗi sáng hay công việc bị đình trệ nữa mà là nỗi khiếp sợ trước cái đói hiển hiện trước mặt, những tài khoản tiết kiệm cứ vơi dần, những chuyến đi vượt hàng trăm cây số bế bồng nhau với ước mong thoát khỏi địa ngục, những hình ảnh người thân trút hơi thở cuối cùng mà không có được một cái nắm tay sau chót và một tương lai vẫn còn mịt mờ trên những trang báo mỗi ngày.
Khi tôi viết những dòng này, đã có hơn 10 ngàn người chết, hàng trăm ngàn người mất việc làm và hằng hà sa số những cuộc đời gắn với Sài Gòn bị ảnh hưởng. Đây là gì nếu không phải là một thảm kịch?
Dù mịt mờ nhưng tấn thảm kịch này rồi sẽ có lúc kết thúc. Cho nên câu hỏi “nếu ngày mai hết dịch?” nghe có vẻ viển vông, nhưng vẫn là một câu hỏi mà chúng ta phải suy nghĩ. Biết được những gì còn lại sau cuộc chiến này có thể sẽ giúp ta không lặp lại những tai họa tương tự trong tương lai.
Nếu ngày mai hết dịch, những người lao động phổ thông phần lớn sẽ không còn gì ngoài một tài khoản trống không và một công việc chỉ còn một phần dĩ vãng. Họ sẽ bước vào cuộc sống bình thường mới đó với hai bàn tay trắng, bất chấp trước đó họ đã lao động chăm chỉ hơn ai hết. Những tháng ngày căng mình chống dịch chỉ ở nhà và ăn (nếu đủ may mắn để có cái ăn) là đủ để bào mòn những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi từ mồ hôi công sức của họ.
Nếu ngày mai hết dịch, những người đã từng phải kêu cứu vì đói sẽ được biết cái “chết đói” có hình dạng, mùi vị và thanh âm như thế nào. Đó không còn là cái cảm giác cơ thể run lẩy bẩy đứng không vững, hay đầu óc mụ mị, hay cáu bẳn khi ta bị tụt đường huyết, mà là tiếng khóc của con trẻ thiếu sữa hay hơi thở thều thào của cha mẹ già trên giường. Người lớn có thể nhịn nhưng trẻ con thì không, đó là câu thường thấy trong những lời kêu cứu đầy rẫy những ngày này.
Nếu ngày mai hết dịch, những ai có người thân qua đời sẽ có thêm một vết hằn sâu trong tâm hồn. Họ có lẽ sẽ mãi day dứt về những điều mà không phải do mình gây ra. Một ngàn câu hỏi “lẽ ra” sẽ vang vọng suốt ngày đêm. Một lời đưa tiễn hay một cái nắm tay cuối cùng không kịp trao cho những người ra đi sẽ là thứ mà những người sống sót phải dằn vặt suốt cuộc đời còn lại. Họ sẽ tiếp tục sống và bước ra khỏi thảm kịch với một trái tim vỡ.
Nếu ngày mai hết dịch, người ta sẽ thấy đường phố với những xe cộ cũ mèm, những manh chiếu rách rưới chứa đầy vật dụng, những đàn chó mèo hoang tả tơi của những người vô gia cư. Và họ sẽ được quay về với vỉa hè của mình, nếu được, để tiếp tục một cuộc đời lang thang. Dường như chẳng có gì thay đổi ngoài sự rách nát của họ. Có thể họ sẽ tìm được nơi chốn cũ với đầy đủ mớ “gia sản” hoặc không. Với họ, dường như chẳng có mấy đổi thay. Về phần chúng ta, đừng quên thêm vào trong danh sách những gì còn lại cả những mảnh đời vắt bên ngoài hiên rào này nữa.
Và còn bao nhiêu đống đổ nát khác trên chính Sài Gòn này mà tôi sẽ không bao giờ kể hết?
Sau chừng đó những biến cố bi thảm, lối ra đã mở. Chúng ta sẽ ra khỏi nhà, quay trở về với công sở, giải trí và những thú vui. Đây có phải là lúc để ca khúc khải hoàn?
Thời gian sẽ chữa lành tất cả. Điều đó chưa bao giờ sai. Nếu ngày mai hết dịch, chúng ta sẽ dần dọn dẹp những đống đổ nát, hay nói cách khác là quên đi những đau buồn để sống một chương mới tươi vui.
Người ta thậm chí sẽ muốn quên càng nhanh càng tốt. Người ta sẽ dành tặng nhau những lời khen ngợi cho một cuộc chiến vĩ đại với chiến thắng cuối cùng. Với phương châm “chống dịch như chống giặc” ngay từ đầu, trên khắp các mặt báo mấy tháng qua, người dân được bội thực với những “cuộc chiến”, những “trận đánh cuối cùng” rồi lại “chưa phải cuối cùng mà là trận đánh quyết định” rồi lại cam đoan “trận này buộc phải thắng, dù thắng ở mức độ nào”. [1] [2] [3] Thật khó hình dung mức độ trong tuyên bố này là như thế nào. Nó làm tôi nghĩ đến chiến thắng kiểu Pyrros - những chiến thắng phải trả giá bằng vô số thương vong. [4]
Vài ngàn năm trước, vị vua của xứ Ipiros (Hy Lạp) sau hai trận thắng trước quân La Mã với nhiều tổn thất đã phải thốt lên: “Thêm một chiến thắng như vậy nữa, chúng ta sẽ bị kết liễu hoàn toàn”. Bây giờ, khi nghĩ về những đống đổ nát kia, tôi rùng mình tự hỏi phải chăng chúng vẫn nằm trong mức độ chấp nhận được cho chiến thắng như lời tuyên bố của chính quyền?
Liệu chúng ta có bao giờ “chiến thắng” đại dịch này? Hàng chục ngàn người đã chết, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản, hàng triệu cuộc đời tan nát. Ta không thể gọi đó là chống dịch thành công, càng không thể tụng ca như một chiến thắng huy hoàng. Có chiến thắng nào lại đầy rẫy mất mát đến thế?
Nếu ngày mai hết dịch, dòng thời sự chủ lưu sẽ nói những điều gì? Đó là những đánh giá thành công, những tổng kết ghi nhận phản ứng “linh hoạt” và “kịp thời”, những “chỉ đạo thần tốc và hiệu quả”, những “tấm gương anh hùng” tô vẽ thêm cho khúc ca khải hoàn vang trên nền những đổ nát tang thương.
Sẽ chẳng mấy ai nhớ dòng xe chở áo quan dài hàng kilomet ở Bình Hưng Hòa hay những container lạnh chứa thi thể thay cho quan tài vì không còn đủ chỗ, thay vào đó là những hình ảnh tươi đẹp hào hùng của xe quân đội phun khử khuẩn hay một quân nhân giao hàng mướt mồ hôi. Và chẳng mấy ai có thời gian để hỏi lại vì sao anh bộ đội phải giao hàng hay nhắc nhau rằng phun khử khuẩn là một việc vô ích.
Cuộc sống khi hết dịch sẽ đầy ắp những những điều tươi vui, nhưng mỗi khi định cất lên bài ca chiến thắng, xin hãy nhớ rằng xung quanh chúng ta là những vết thương thật khó để khép miệng.
Ta sẽ tạc tượng điều gì, chiến thắng hay những người đã ra đi? Ta sẽ xây một tượng đài chiến thắng, như mọi tượng đài khác, hào hùng và kiêu hãnh? Hay ta sẽ xây một tượng đài cho những nạn nhân, đau buồn và bi thảm, để không bao giờ quên tấn thảm kịch này?
Trong những ngày lịch sử này, những người dân vô danh đã tìm cách giúp nhau từng hạt gạo, từng bó rau, từng hộp sữa, từng chuyến xe, từng chiếc bình oxy cho sự sống, từng chiếc áo tử thi cho người đã mất. Họ cất lên tiếng nói phản biện để chính quyền phải thay đổi chính sách cho phù hợp. Dù rằng chính quyền là chủ thể chính trong công cuộc chống dịch, nhưng nhìn vào những gì đã diễn ra, còn lâu họ mới xứng đáng với những lời khen “kịp thời” và “hiệu quả” mà báo đài vẫn ra rả như những cái loa vô tri.
Chính người dân, vừa là nạn nhân vừa là chiến sĩ bất đắc dĩ, mới là nguồn lực giúp xã hội vượt qua đại dịch. Chính các bác sĩ và nhân viên y tế, những người mà cả những thành tựu lẫn sự hy sinh đang bị các lãnh đạo chính trị làm cho lu mờ mới là những người đáng được tôn vinh. Và chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch bằng vaccine, bằng kiến thức y học với một tinh thần nhân đạo, vị tha chứ không phải bằng những chỉ thị, chỉ đạo mà khi tổng hợp lại chẳng khác gì một mớ bòng bong rối rắm.
Nếu vậy, xin hãy cất lên một tượng đài để tưởng nhớ tình người trong thảm kịch, vì ta biết chắc rằng nếu không có nó, chúng ta sẽ không thể vượt qua bất kỳ thử thách nào trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.
Tình người, đó cũng là thứ còn lại trong đống đổ nát ngổn ngang này nếu ngày mai ta mở cửa và biết rằng dịch bệnh đã qua đi.
Bài viết là chia sẻ của một độc giả, gửi về cho Luật Khoa từ TP. Hồ Chí Minh. Bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi tại đây.
Chú thích
1. Lâm N. (2021, August 23). “Trận đánh” cuối cùng! Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/tran-danh-cuoi-cung-post1368511.tpo
2. Hằng T. T. T.-. (2021, August 23). Bí thư TP.HCM: Đây là trận đánh quyết định nhưng chưa phải cuối cùng. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/bi-thu-tphcm-day-la-tran-danh-quyet-dinh-nhung-chua-phai-cuoi-cung-post1254033.html
3. Thanh Hương. (2021, August 25). “Trận đánh” quyết định, buộc phải thắng. VOV.VN. https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tran-danh-quyet-dinh-buoc-phai-thang-885414.vov
4. Editors of Merriam-Webster. (2020, December 16). What is a “Pyrrhic victory”? The Merriam-Webster.Com Dictionary. https://www.merriam-webster.com/words-at-play/pyrrhic-victory-meaning