Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nếu là một người thích đùa, chắc bạn đã từng kể những câu chuyện khiến người nghe cười nắc nẻ. Tuy nhiên, có thể bạn cũng đã từng kể những câu chuyện cười “đi vào lòng đất”, chẳng những không lấy được tiếng cười nào mà còn bị mang tiếng vô duyên.
Mấy hôm nay, cái kết thứ hai đã xảy ra với bà Phương Hằng. “Chuyện vui, có nhiều cảm xúc” của bà bị cho là xúc phạm đạo Công giáo.
Câu chuyện có nhân vật chính là một linh mục. Vị linh mục này đã văng tục ngay tại tòa giải tội khi nghe một người đến xưng tội thú nhận vì khổ sở nên đã ăn cắp một chiếc xe đạp. Trùng hợp thay, đó chính là chiếc xe đạp vừa mới mất của linh mục. Bà nói đây là một câu chuyện có thật, kèm theo bình luận là nếu có ăn cắp hay làm gì sai trái ở đâu thì nhớ tìm đến nơi khác mà xưng tội.
Nhiều câu chuyện cười về tôn giáo, chủng tộc, vùng miền, giới tính làm người nghe cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, người kể những câu chuyện ấy có được xem đang xúc phạm người khác? Chúng ta có nên kiểm duyệt những nội dung như vậy?
Hai tuần sau khi kể câu chuyện cười của mình, bà Hằng giãi bày bà không có ý xúc phạm tôn giáo, chỉ đơn giản là một câu chuyện cười. [1] Bà nói rằng nếu người Công giáo thấy khó chịu, không vui thì “tôi rất là xin lỗi”, nhưng cho rằng một số người cảm thấy như vậy là “nâng quan điểm” từ những câu chuyện vui của bà.
Xung đột giữa bà Hằng và Công giáo tới đây có thể đã êm xuôi. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn về những câu chuyện cười khác của bà.
Câu chuyện về vị linh mục được bà Hằng kể cùng chung nhiều câu chuyện khác trong một livestream (buổi phát sóng trực tiếp) trên Facebook Nguyễn Phương Hằng có hơn 19 nghìn lượt thích, 8 nghìn lượt bình luận vào ngày 19/8/2021.
Những câu chuyện này sử dụng nhiều từ ngữ, nội dung mà một số người sẽ cho là tục tĩu. Nhân vật trong các câu chuyện là phụ nữ, cô giáo, học sinh, tướng cướp, nhà sư, người dân nông thôn, các cặp vợ chồng, v.v.
Ví dụ như câu chuyện sau:
Giống như có một cái bà đó, nửa đêm bả la làng lên. Bả nói: “Hiếp dâm, hiếp dâm”. Thế là dân tình chạy tới, người thì cầm dao, người thì cầm cây, hỏi bả: “Ai, ai hiếp dâm?”. Cái bả cười tủm tỉm, bả nói: “Trời ơi, ở đời ai chẳng có ước mơ!”.
Bà Hằng cho rằng các câu chuyện bà kể chủ yếu để nói về đời thực, cốt để mua vui, và cho thấy rằng bà đang sống rất thật với tính cách của mình, không tỏ ra đạo mạo như nhiều người khác.
Trong khi đó, nếu nghe hết những câu chuyện của bà Hằng, bạn có thể sẽ cho rằng chúng ngầm ẩn quan điểm hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, bình thường hóa việc xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự người tu hành.
Những câu chuyện cười như của bà Hằng xuất hiện nhan nhản từ bàn nhậu đến công sở. Liệu kể những câu chuyện như vậy thì có vấn đề gì mà phải nghĩ đến việc cấm đoán? Tranh cãi này không chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Vào tháng 8/2018, Boris Johnson, khi đó vừa mới từ chức Bộ trưởng Ngoại giao của Vương quốc Anh, đã bị chỉ trích vì một bình luận của ông liên quan đến người theo đạo Hồi.
Trong bài bình luận của mình trên Daily Telegraph, ông không tán thành việc phụ nữ Hồi giáo dùng “burka” để che kín gương mặt, và cả đôi mắt cũng được che bằng vải lưới: “Nói thẳng ra, tôi thấy thật là lố bịch nếu mọi người chọn cách đi lại trong bộ dạng giống như những cái thùng thư như vậy.” [2]
Ông nói chiếc “burka” là một sự áp bức đối với phụ nữ Hồi giáo. Chưa hết, ông còn cho rằng việc che mặt khiến họ trông giống như những tên cướp ngân hàng.
Bà Ruth Davidson, lãnh đạo đảng Bảo thủ Scotland, cho rằng ông Boris cần xin lỗi vì rõ ràng ông ấy hoàn toàn biết hậu quả những gì mình làm nhưng vẫn chọn cách mô tả như vậy. Bà cho rằng cách ví von của ông đã vượt quá mục tiêu khơi dậy một cuộc thảo luận và trở thành phát ngôn thô lỗ và vô trách nhiệm. [3]
Sau khi Boris Johnson bị chỉ trích, diễn viên hài Rowan Atkinson, nổi tiếng với vai diễn Mr. Bean, viết cho tờ The Times: “Là một người hưởng lợi cả đời về quyền tự do đùa giỡn về tôn giáo, tôi thấy câu nói đùa của Boris Johnson so sánh ‘burka’ như một thùng thư là khá hay”. [4]
“Mọi câu chuyện đùa về tôn giáo đều gây phản cảm cho nên việc xin lỗi chẳng có nghĩa gì. Bạn chỉ thực sự nên xin lỗi khi chuyện đùa đó chán. Dựa trên lý do này thì không cần xin lỗi”, diễn viên này cho biết.
Tell Mama, một tổ chức thu thập dữ liệu về các vụ tấn công người Hồi giáo, cho rằng phát ngôn của ông Boris Johnson đã kích động các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo. Cụ thể, họ chỉ ra rằng một tuần sau bài viết của Johnson, số lượng các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo tăng lên gần gấp năm lần, và phần lớn trong số đó nhắm vào phụ nữ đeo mạng che mặt. [5]
Năm 2021, một chuyên gia độc lập về nhân quyền được Đảng Bảo thủ của Boris Johnson thuê để đánh giá về cách đảng này đáp lại những biểu hiện kỳ thị và những lời phê phán của công chúng. Chuyên gia cho rằng việc sử dụng các ngôn từ, hành vi chống Hồi giáo là vấn đề của đảng này. [6]
Sau khi báo cáo được công bố, ông Johnson đã chính thức xin lỗi.
“Tôi biết rằng những thứ tôi nói đã gây hại, mọi người kỳ vọng một người ở vị trí như tôi sẽ làm những điều đúng đắn, nhưng trong báo chí bạn cần sử dụng ngôn ngữ thoải mái. Tôi rất lấy làm tiếc cho những tổn hại đã gây ra đó”, ông Boris nói.
Không chỉ chính trị gia, các ngôi sao hài độc thoại cũng thường bị chỉ trích là vượt quá giới hạn tự do ngôn luận khi sử dụng những câu chuyện mang tính hài hước đả kích (offensive humor).
Năm 2010, diễn viên hài độc thoại Ricky Gervais đã kể một câu chuyện hài với ý đồ đả kích việc lái xe khi say rượu, nhưng lại gây tác dụng khác ngoài ý muốn. [7]
“Tôi từng làm một lần, và tôi không thấy gì hay ho tự hào về nó. Tôi thấy cực kỳ xấu hổ. Lúc đó tôi đâu có say, tôi chỉ uống nhiều thôi. Bữa đó là Giáng sinh, tôi lái xe ra và ngay lúc đó tôi biết là mình không nên làm vậy. Tôi biết là mình không nên ngồi vào xe. Nhưng may là tôi học được bài học vì tôi suýt nữa đã giết chết một bà già. Cuối cùng thì tôi không giết bả. Tôi chỉ hiếp bả thôi. Nhưng như tôi nói đó, may là mọi chuyện không sao cả vì bà ấy có bệnh đãng trí (Alzheimer’s). Ừ, bả sẽ không phải là nhân chứng đáng tin.“
Câu chuyện của Ricky bị chỉ trích nặng nề là tầm thường hóa việc hiếp dâm. Đoạn nói về người phụ nữ không thể ra làm chứng do bị bệnh bị cho là làm giảm đi tính nghiêm trọng, hay đơn giản hóa tội hiếp dâm.
Người kể các câu chuyện cười thường cố gắng kể sao cho thật nhất, họ cho rằng câu chuyện cười của mình “có làm chết ai đâu”.
Vào tháng 8/2021, một người dùng Facebook có nhiều lượt theo dõi đã chế giễu lý do đi xem đất của một cán bộ tại tỉnh Phú Yên trong lúc giãn cách xã hội. [8] Do vị cán bộ này gặp một phụ nữ khác là cán bộ cấp sở trong ô tô nên đã bị chế giễu là đi xem miếng đất “10cm x 10cm” (chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ). Đây cũng là một chuyện đùa được cho là “không làm chết ai”.
Dù vậy, một nghiên cứu được The Conversation trích dẫn cho rằng những câu chuyện hài chế giễu, coi thường, ác ý đối với một cá nhân nào đó sẽ tiếp tay cho định kiến trong xã hội. Một nghiên cứu khác còn kết luận việc tiếp xúc nhiều với các câu chuyện cười có nội dung phân biệt giới tính có thể khiến nam giới xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của việc hiếp dâm. Còn có nghiên cứu cho thấy phụ nữ sẽ có chiều hướng xem bản thân như đồ vật và lo lắng về cơ thể của họ sau nghe các câu chuyện đùa về giới tính. [9]
Chuyện cười sẽ không phản cảm nếu người kể có duyên và tận dụng tốt câu chuyện để đả kích các định kiến. The Conversation dẫn một số nghiên cứu cho thấy người da màu, người khuyết tật tận dụng tốt những câu chuyện hài công kích để xóa bỏ định kiến của xã hội về người khuyết tật và nạn phân biệt chủng tộc. [10]
Liệu bạn có thể viện cớ quyền tự do ngôn luận để kể các câu chuyện hài quá trớn ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bạn muốn?
Trước khi bà Phương Hằng kể những câu chuyện của mình, bà đã cảnh báo trước về nội dung và ngôn từ cho người nghe.
Bà cũng bình luận về những câu chuyện chỉ là kể cho vui: “Quý vị biết không, tất cả những chuyện cười, chuyện hài đa số là nó mang một chút tục giảng thanh, mình thấy nó tục thì nó sẽ tục, mình thấy nó không tục thì nó sẽ không tục vậy thôi”.
Tuy nhiên, bà Hằng đã không tránh khỏi sự chỉ trích của công chúng. Một số người cho rằng việc bà kể chuyện cười về vị linh mục không phải là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà là xúc phạm tôn giáo.
Chúng ta thường cho rằng tòa án là nơi quyết định liệu một phát ngôn có được xem là thực hiện quyền tự do ngôn luận hay không. Tuy nhiên, công chúng đã buộc bà Hằng phải nhận lỗi trước khi ra pháp đình. Việc này được một số nhà nghiên cứu xem là kiểm duyệt tư nhân (private censorship), cho rằng nó có hại cho quyền tự do ngôn luận.
Jonathan Rauch, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ), trong một phim tài liệu về phản ứng của công chúng sau những câu chuyện hài độc thoại cho rằng kiểm duyệt tư nhân sẽ dẫn đến việc người nhạy cảm nhất sẽ quyết định thứ gì được nói, thứ gì thì không được nói. [11]
Đó là vấn đề dai dẳng đối với kiểm duyệt, ai sẽ là người được quyền vẽ ra đường ranh giới? Vì khi một người vẽ ra đường ranh thì chính họ sẽ tiếp tục xâm phạm quyền phát biểu của người khác, và mọi chuyện sẽ tiếp tục như vậy hoài, ông nói.
Diễn viên hài gạo cội người Mỹ George Carlin nói rằng nhiệm vụ của diễn viên hài là tìm ra lằn ranh và vượt qua nó. [12]
Có thể bà Hằng không phải là diễn viên hài độc thoại chuyên nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện của bà đã tạo ra một lằn ranh cho những người muốn kể chuyện hài, ít nhất là về tôn giáo, biết mình sẽ bị công chúng công kích như ra sao.
Cho đến nay, hài độc thoại mang tính châm biếm chính trị, đả phá các định kiến xã hội vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Khán giả thường chọn nghe những chương trình hài vô thưởng, vô phạt, chỉ dám đụng chạm nhè nhẹ vào các vấn đề xã hội. Liệu điều này có nói lên được khía cạnh nào đó về quyền tự do ngôn luận của chúng ta?
Diễn viên hài người Mỹ Louis C. K. nói về quan điểm của mình khi kể chuyện cười đả kích: “Đả kích mọi người là một việc làm cần thiết và lành mạnh. Mỗi lần bạn đả kích ai đó, bạn sẽ khơi lên một cuộc thảo luận, bạn bắt họ phải suy nghĩ”. [13]
Đọc thêm:
Hai chiều tự do: Tự do ngôn luận và Tự do xúc phạm
Chuyên đề: Giới hạn của sự báng bổ
Chú thích:
1. Kênh 14. (2021, September 1). Bà Phương Hằng phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị phản ứng dữ dội vì đùa cợt liên quan chuyện tôn giáo. https://kenh14.vn/ba-phuong-hang-phai-len-tieng-xin-loi-sau-khi-bi-phan-ung-du-doi-vi-dua-cot-lien-quan-chuyen-ton-giao-20210901205201973.chn
2. BBC. (2018, August 8). Boris Johnson faces growing criticism over burka jibe. https://www.bbc.com/news/uk-politics-45114368
3. Xem [2]
4. Evening Standard. (2018, August 9). Boris Johnson’s burka ‘joke’ was a ‘pretty good one’, Rowan Atkinson says as row over remark intensifies. https://www.standard.co.uk/news/politics/rowan-atkinson-defends-boris-johnson-in-burka-row-saying-inflammatory-joke-was-a-pretty-good-a3908081.html
5. The Guardian. (2019, September 2). Boris Johnson’s burqa comments ‘led to surge in anti-Muslim attacks.’ https://www.theguardian.com/politics/2019/sep/02/boris-johnsons-burqa-comments-led-to-surge-in-anti-muslim-attacks
6. Reuters. (2021, May 25). Britain’s Johnson offers qualified apology for Islam remarks. https://www.reuters.com/world/uk/uk-pm-johnson-offers-qualified-apology-remarks-islam-2021-05-25
7. The Conversation. (2017, May 10). What is the point of offensive humour? https://theconversation.com/what-is-the-point-of-offensive-humour-76889
8. Báo Tuổi Trẻ. (2021, August 14). Trưởng ban HĐND ‘đi xem đất’ lúc giãn cách: Người phụ nữ đi cùng khai tên giả? https://tuoitre.vn/truong-ban-hdnd-di-xem-dat-luc-gian-cach-nguoi-phu-nu-di-cung-khai-ten-gia-20210814175319199.htm
9. Xem [7]
10. Xem [7]
11. KPBS. (2016, July 29). ‘Can We Take A Joke?’ Looks To A Comedian’s Right To Offend. https://www.kpbs.org/news/2016/jul/29/new-documentary-asks-if-offensives-jokes-are-prote
12. Xem [11]
13. Accomando, B. (2016, July 30). ‘Can We Take A Joke?’ Looks To A Comedian’s Right To Offend. KPBS Public Media. https://www.kpbs.org/news/2016/jul/29/new-documentary-asks-if-offensives-jokes-are-prote