Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Bất bình đẳng về giáo dục chưa bao giờ là câu chuyện cũ.
Tuần trước, tôi đọc câu chuyện về hai cha con ở Quảng Ngãi vượt hơn 20km đường núi đi mua điện thoại. [1] Người cha vét sạch túi và vay mượn thêm tiền để cố mua một chiếc điện thoại với tính năng cơ bản cho con học trực tuyến.
Trong một nhóm trên mạng xã hội, một cô con gái chia sẻ những dòng viết tay của ba cô. [2] Ông viết tỉ mỉ từng thao tác đăng nhập vào Zalo để ghi âm rồi lồng vào bài giảng. Ông là thầy giáo dạy văn hơn 30 năm ở một trường làng.
Trên TV tuần trước phát hình ảnh một người cha khóc vì không đủ tiền mua điện thoại cho các con học trực tuyến. [3] Con anh mấy lần phải bỏ buổi học, nói với cô giáo là nhà mất mạng để nhường chiếc điện thoại thông minh duy nhất cho chị gái.
Dịch bệnh cùng các đợt phong tỏa đã đẩy hàng triệu người vào cảnh khốn cùng. Giờ đây, nạn nhân lại chính là những đứa trẻ ở tuổi ăn học.
Trường học chưa mở cửa. Học trực tuyến không chỉ làm mất đi niềm vui đến trường của học sinh mà còn khoét sâu thêm những bất bình đẳng về giáo dục. Những đứa trẻ nghèo phải học làm sao khi Internet, điện thoại thông minh là điều xa xỉ với cha mẹ chúng?
Không có dụng cụ học tập, trẻ em nghèo đang bị tước đi quyền được học hành - thứ quyền đáng ra phải là hiển nhiên.
Tình cảnh này làm tôi nhớ đến cuốn sách “Chiến binh cầu vồng” của tác giả Andrea Hirata. Cuốn sách kể về hành trình giành quyền đi học của lũ trẻ ở trường tiểu học Muhammadiyah, cùng ông giáo già Harfan và cô giáo trẻ Mus. Sách được viết dựa trên những trải nghiệm lúc nhỏ của chính tác giả tại một ngôi trường làng ở đảo Belitong, Indonesia trong những năm 80 của thế kỷ trước.
Tác giả miêu tả ngôi trường của mình như một cái nhà kho chứa cùi dừa. Ngôi trường xập xệ đến nỗi “nếu có con dê động dục nào húc vào thì trường sẽ lập tức đổ sập xuống”. Nếu hết phấn, cô giáo Mus phải lấy sân làm bảng để giảng bài. Trường chỉ có đúng hai giáo viên dạy tất cả các môn.
Học sinh của trường đều có gia cảnh nghèo khó. Các em xuất thân trong những gia đình làm culi, ngư dân hay nông dân, với thu nhập ít ỏi và bấp bênh theo mùa. Ngôi trường nghèo cũ kỹ dành cho những đứa trẻ nghèo nhất đảo này lại như cái gai trong mắt chính quyền. Phòng giáo dục luôn lăm le rắp tâm xóa sổ nó.
Trên hòn đảo Belitong còn có một ngôi trường khác thuộc về công ty PN, công ty chuyên khai thác nguồn tài nguyên của đảo, nơi tạo ra nhóm người giàu nhất trên đảo. Họ mở một trường học cùng tên, nơi chỉ dành cho những đứa trẻ con nhà giàu với thiết bị học tập đáng mơ ước và quỹ ngoại khóa dồi dào. Những học sinh trường PN coi thường ngôi trường làng và tự cho rằng đứa trẻ học ở trường làng thấp kém hơn chúng.
Những gia đình ở PN đối xử với những người làm công như ba mẹ của những đứa trẻ ở trường Muhammadiyah đầy hà khắc, trả đồng lương rẻ mạt không đủ để con cái họ được đi học. Lâu dần, cư dân nghèo Belitong không còn gửi con đến trường học và tin rằng chỉ có con em PN mới có quyền học tập ra đầu ra đũa. Bất bình đẳng trong giáo dục hiện hữu.
Tiếp tay cho PN khoét sâu bất bình đẳng là những quan chức chính quyền, điển hình là “thằng cha” chánh thanh tra trường học Samadikun (xin lỗi, tôi không muốn dùng danh xưng khác cho tên này). Tay thanh tra này rắp tâm đóng cửa ngôi trường làng vì nó khiến ông ta phải làm thêm việc và kéo hệ thống đi xuống, làm ông ta mất thành tích.
“Thằng cha” này là đại diện cho một lớp quan chức vô dụng, vô tri. Chúng ngang nhiên mạt sát cô trò trường làng, đặt ra những hỏi vô cảm rằng tại sao học sinh trường này không có dụng cụ học tập gì và kết luận rằng ngôi trường này chẳng khác gì chuồng gia súc.
Cuốn sách là chuỗi những màn đối đầu nghẹt thở của 11 đứa trẻ và hai giáo viên với cả một hệ thống bất công. Đó là cuộc đối đầu quả cảm của cô giáo Mus chống lại Vua Thiếc để ngăn máy xúc không giật đổ ngôi trường làng, là lần đối đáp xuất sắc khiến đối phương tâm phục khẩu phục giữa Lintang với một ông thầy giáo hợm hĩnh thích nói lòng vòng để khoe mẽ kiến thức.
Nghẹt thở nhất vẫn là trận chiến giữa bọn trẻ với số phận của chính mình. Mong muốn kiếm tiền để lo cho gia đình thay vì đến lớp đôi lần chiến thắng niềm vui đến trường của các học trò nghèo. Đi học thì không thể có tiền nhưng đi hái tiêu thì có. Có đoạn, bọn trẻ nghỉ học gần hết để đi hái tiêu kiếm tiền. Lúc đó, may thay, vẫn còn cô Mus - một giáo viên phi thường đã cố níu chúng lại.
***
Bên cạnh việc khắc họa hiện thực đáng căm phẫn với những hố sâu bất bình đẳng trong xã hội Indonesia, cuốn sách còn có những mảng cầu vồng được dệt nên bằng niềm ham học của những đứa trẻ trường làng.
Lintang lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo đông con. Cậu bé đạp xe 40km mỗi ngày qua một đầm cá sấu để đến trường. Cậu đặt ra ba lời hứa khi đi học, trong đó lời hứa đầu tiên là tự viết ra tên mình chỉ sau một tháng để bảo vệ danh dự cho người cha mù chữ. Ham học và thông minh, Lintang giống như một ngọn hải đăng khơi dậy niềm yêu thích học tập của bạn bè.
Nếu Lintang là biểu tượng của sự thông minh thì Mahar lập dị lại bộc lộ năng khiếu nghệ thuật trời cho. Cậu bé này mê Lý Tiểu Long và tin tưởng mạnh mẽ vào ước mơ trở thành pháp sư trong một thế giới huyền bí. Chính cậu đã tạo nên đội quân “Chiến binh cầu vồng” lừng lẫy trong lễ hội hóa trang khiến bọn trẻ con quên đi nỗi mặc cảm thua kém, tiếp thêm dũng khí để chúng chống lại sự bất công bủa vây quanh mình.
Harun - cậu bé cao kều bị bệnh down lại là cứu tinh giúp trường học không đóng cửa. Cậu bé này là học sinh thứ 10 trong tối hậu thư lạnh lùng của phòng giáo dục “nếu không đủ 10 học sinh thì trường học không thể khai giảng”. Harun đã đưa ngôi trường làng lọt ra kẽ tay hở đáng sợ của quan chức ngành giáo dục.
Nhờ sự xuất hiện định mệnh của học sinh thứ 10, thầy Harfan và cô giáo Mus có cơ hội vực dậy sự tự tin của bọn trẻ nghèo vốn bị nhấn chìm trong cảm giác thấp kém. Dưới sự gồng gánh phi thường của hai giáo viên, 10 đứa trẻ (sau này là 11) được tận hưởng niềm vui đi học mỗi ngày. Hơn hết, chúng có những người bạn để giúp nhau ngẩng cao đầu và trở thành “Chiến binh cầu vồng”.
Cá tính của 11 đứa trẻ hiện lên trong từng trang sách một cách chi tiết và sống động đến nỗi tôi cảm thấy chúng là bạn của mình. Xuất thân nghèo khó có thể làm những đứa trẻ ấy mất tự tin, nhưng không thể làm thui chột cá tính và suy nghĩ khác lạ của chúng.
***
Tôi đọc cuốn sách này lần đầu từ 10 năm trước. Thú thật, lúc đó, tôi tức giận vì kết cục quá khắc nghiệt. Giờ đọc lại, tôi mới nhận ra rằng kết thúc đó là hiển nhiên giữa một xã hội phân biệt giàu nghèo và coi thường quyền học tập của con người.
Cuộc đấu tranh của thầy và trò một ngôi trường làng để giành lấy quyền được dạy và học khiến tôi xúc động sâu sắc. Những bất công mà các nhân vật phải chịu đựng khiến tôi giận dữ đến mức rủa xả thành lời.
Lũ trẻ trong truyện quả là những chiến binh phi thường, nhưng làm sao để thắng khi kẻ thù của chúng là vòng luẩn quẩn đói nghèo, bất bình đẳng được giữ gìn bởi những tập đoàn giàu có và chính quyền vô tri?
Ở Việt Nam ngày hôm nay, vẫn có những đứa trẻ đang phải trở thành những chiến binh bất đắc dĩ như thế. Điều tối thiểu mà một người lớn như tôi có thể làm là không để các em phải chiến đấu một mình.
Cập nhật (21/9 22:55): Bài viết đã sửa địa phương trong câu chuyện đầu bài thành Quảng Ngãi, thay vì Quảng Nam.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.
Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Tuổi Trẻ Online (2021, September 16). Xúc động 2 cha con vét sạch túi xuống núi mua điện thoại học online. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/xuc-dong-2-cha-con-vet-sach-tui-xuong-nui-mua-dien-thoai-hoc-online-20210916163310685.htm
2. Group Cháo hành miễn phí. https://www.facebook.com/groups/chaohanhmienphi/posts/6267855319954527/
3. Vtv. (2021, September 12). Cha rơi nước mắt vì không thể mua điện thoại cho con học online. ZingNews.vn. https://web.archive.org/web/20210921113522/https://zingnews.vn/video-cha-roi-nuoc-mat-vi-khong-the-mua-dien-thoai-cho-con-hoc-online-post1262209.html