Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngày nay, người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng không có nhiều ký ức về dịch bệnh ở quy mô lớn, với mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài như tình hình hiện nay. Khi nói đến văn hóa Hà Nội, người ta dường như cũng chẳng còn nhắc gì đến dấu vết của dịch bệnh nữa.
Nhưng hơn một trăm năm trước, mọi chuyện từng khác nay rất nhiều, khi dịch bệnh là một phần rất lớn trong cuộc sống của người Hà Nội.
Đó là những gì mà sử gia Philippe Papin viết trong cuốn “Lịch sử Hà Nội” do Mạc Thu Hương dịch từ nguyên bản tiếng Pháp có tựa đề “Histoire de Hanoi” và Nhã Nam xuất bản năm 2010.
Đây là lần thứ ba tôi đọc cuốn này. Một phần vì tôi cũng có chút tình với Hà Nội khi dành đến chín năm của đời mình ở thành phố ấy. Tôi gặp chị Đoan Trang, kết thân và trở thành cộng sự của chị cũng ở thành phố ấy. Và tôi rời Việt Nam ra nước ngoài học tập và làm việc cũng từ thành phố ấy.
Phần lớn hơn là tôi có hứng thú đặc biệt với những xã hội chuyển đổi. Philippe Papin là người Pháp và ông dành đến 80 trang của cuốn sách hơn 300 trang này cho Hà Nội thời Pháp. Tôi luôn hết sức tò mò với xã hội Việt Nam, nhất là xã hội Bắc Bộ, trong những va chạm lớn đầu tiên của nó với những làn gió đến từ bên ngoài, mà cụ thể ở đây là Pháp (có cả Nhật nhưng tôi tạm chưa bàn tới trong bài này). Cuốn “Lịch sử Hà Nội” cho tôi biết đúng điều tôi cần.
Trở lại với các nạn dịch bệnh ở Hà Nội cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bạn có biết từ 1885 đến 1920 tuổi thọ trung bình của những người Việt Nam làm công cho chính quyền thuộc địa Pháp ở Hà Nội chỉ là 30,5? Đó là độ tuổi mà nhiều thanh niên 9X ở Hà Nội ngày nay còn đang độc thân và đau đáu với câu hỏi mình sẽ làm gì và sẽ trở thành ai trong cuộc đời này.
Vậy thì lý do gì khiến cho những công chức người Việt làm cho Pháp, tức là giới trung lưu khá giả trong xã hội, lại đoản thọ đến vậy?
Câu trả lời là dịch tả và dịch hạch.
Trong thời kỳ đó, mỗi năm có từ 600-800 người chết vì hai loại bệnh này ở Hà Nội, trong khi dân số thành phố chỉ khoảng trên dưới 100 nghìn người ở nội thành (không tính vài chục nghìn người ở các khu vực ngoại vi). Điều đó có nghĩa là cứ 1.000 người thì có 6-8 người chết mỗi năm vì hai dịch bệnh truyền nhiễm này. Tỷ lệ đó tương đương với 48.000-64.000 người chết trong quy mô dân số khoảng 8 triệu người hiện nay của Hà Nội.
Dịch bệnh cũng lan truyền trong nhiều tháng trời mỗi năm, ví dụ dịch tả hoành hành từ tháng Bảy đến tháng Chín. Chính quyền thành phố phải chống dịch mỗi năm chứ không phải chỉ thoảng thoảng dịch mới bùng lên như SARS năm 2003 và COVID-19 từ năm ngoái tới nay.
Có những chính sách chống dịch khá… trớ trêu như trả tiền cho người dân bắt chuột vì cho rằng chuột lây dịch hạch sang người. Trớ trêu ở chỗ là người Hà Nội rất… có chí làm ăn, bèn nuôi chuột trong nhà để mang nộp lĩnh tiền. Chính quyền thành phố sau đó phải sửa lại quy định này.
“Lịch sử Hà Nội” cũng cho biết vài chuyện có thể liên hệ được với tình hình chống dịch COVID-19 ngày nay: người dân Hà Nội hơn 100 năm trước cũng chống lại các chính sách phòng, chống dịch khá gay gắt. Xin trích:
“Nhiều lần người ta đã phản kháng lại việc đốt nhà trừ dịch hay các chiến dịch diệt trùng, không cho vào nhà kiểm tra vệ sinh, thậm chí còn phản đối việc tiêm phòng dịch, vì họ cho rằng cứ đốt nhiều pháo là xua đuổi được mọi dịch bệnh. Các gia đình thường giấu người bị bệnh dịch hạch để tránh cho họ khỏi bị mang vào cách ly ở Bạch Mai và chính vì thế mà có thêm nhiều người bị lây bệnh. Thêm vào đó, người chết thường được lén lút mang về quê chôn, khiến bệnh dịch lan tràn ra diện rộng.”
Trong một số phần khác của cuốn sách, dịch bệnh tiếp tục được nhắc đến như là một trong những vấn đề lớn mà mọi chính quyền Hà Nội từ xưa tới năm 1945 đều phải đối mặt, và nó ảnh hưởng tới cả cách chính quyền vận hành.
Chẳng hạn như việc người Pháp phải lập ra chức vụ phố trưởng và biến nó thành một thiết chế đắc lực trong việc thi hành chính sách y tế. Chức này do dân bầu, từ năm 1914 thì do chính quyền thành phố chỉ định. Và một lý do lớn của việc phải lập ra và duy trì chức vụ này là nhu cầu phòng, chống dịch. Người Pháp cần cán bộ cơ sở có khả năng thuyết phục được người dân chấp hành những chính sách y tế của họ.
Ngày nay, những vị phố trưởng vẫn còn đó, được gọi là tổ trưởng tổ dân phố, và họ vẫn là lực lượng đắc lực của chính quyền Hà Nội trong đại dịch COVID-19. Còn Hà Nội ngày nay không phải là thủ đô Đông Dương hay nước Pháp thu nhỏ ở Viễn Đông nữa, mặc dù người ta vẫn châm biếm quan chức đương thời bằng cách gọi thành phố ấy là Paris.
Nếu có dịp, bạn nên tìm đọc một cuốn sách khác của sử gia Papin là cuốn “Việt Nam – hành trình một dân tộc” do Nhà xuất bản Giấy Vụn ấn hành. Có điều, cuốn đó… không dễ mà tìm được.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.