Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 3: Câu chuyện chống dịch tại Việt Nam có thể đã rất khác

Hệ quả ngược của việc áp đặt tiêu chí cứng nhắc “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng”.

Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 3: Câu chuyện chống dịch tại Việt Nam có thể đã rất khác
Minh họa: Luật Khoa. Ảnh: Zing News, VTV.

Trong kỳ 1 và 2 của loạt bài về hiệu ứng hổ mang, chúng ta đã tìm hiểu về hệ quả ngược của những chính sách dựa trên tư duy nhân quả đơn giản, [1] và tầm quan trọng của tự do thông tin đối với khả năng nhận biết các vòng lặp phản hồi. [2]

Câu hỏi cho kỳ 3 là: hiệu ứng hổ mang có xuất hiện trong chính sách chống dịch của Việt Nam không?

Câu trả lời có thể được tìm thấy khi nhìn vào cách các lãnh đạo ban hành chính sách, mức độ ý thức của họ về hậu quả từ những quyết định của mình, và khả năng hiểu biết của các quan chức về cách thức vận hành thực tế của xã hội.

Các địa phương chống dịch theo kiểu hồn ai nấy giữ, mặc cho hàng hóa lưu thông bị tắc nghẽn. [3] Người dân nghi ngờ các quyết định của chính quyền, luôn trong tâm thế đề phòng làm ngược lại mọi thứ quan chức tuyên bố. [4] Những người nhập cư ở Sài Gòn không ngừng tìm cách tháo chạy về quê. [5] Các doanh nghiệp trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc tiếp tục chính sách phong tỏa. [6] [7] Và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới. [8]

Bức tranh chống dịch của Việt Nam có thể tóm gọn trong hai chữ “hỗn loạn”.

Sẽ cần nhiều nghiên cứu công phu để hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự hỗn loạn này. Ở phương diện ban hành chính sách và các tiêu chí chống dịch đi kèm, có thể chỉ ra ngay một vấn đề nổi cộm: hệ quả ngược đến từ việc chính quyền áp đặt một tiêu chí chống dịch cứng nhắc.

Đó là tiêu chí về việc loại bỏ triệt để số ca dương tính (F0).

Không nhìn nhận đầy đủ các quan hệ nhân quả

Nhìn sơ qua, đây là một tiêu chí hoàn toàn hợp lý. Số ca F0 tăng sẽ dẫn đến số lượng tử vong vì dịch bệnh tăng. Giảm số F0 sẽ giảm số tử vong. Đây là mối quan hệ nhân quả đơn giản, như minh họa bên dưới.

Lưu ý đây là một vòng lặp cân bằng (balancing loop), tự triệt tiêu nhau. Số ca tử vong tăng sẽ tỷ lệ nghịch với số ca F0. Nghĩa là không cần làm gì thì cũng sẽ đến lúc không còn F0.

Tuy nhiên, như chúng ta đã tìm hiểu qua kỳ trước, các mối quan hệ nhân quả trên thực tế hiếm khi đơn giản như tưởng tượng.

Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa số F0 và số tử vong có thể được diễn đạt bằng một vòng lặp chính xác hơn như sau.

Ở đây, ta có thể thấy mối quan hệ nhân quả giữa số ca F0 và số ca tử vong phụ thuộc vào ít nhất hai nhân tố khác: số ca cần hỗ trợ và số ca nhập viện.

Trên thực tế, không phải F0 nào cũng có triệu chứng và cần hỗ trợ (80% không có triệu chứng, chỉ 10% trở nặng). [9] Cũng không phải cứ nhập viện là sẽ tử vong (ngay cả trường hợp nguy kịch như phi công người Anh trước đây, nếu bệnh viện có đầy đủ khả năng điều trị thì vẫn có thể qua khỏi). [10]

Như vậy, nếu mục tiêu quan trọng nhất là giảm số ca tử vong vì dịch bệnh, tiêu chí đặt ra không nhất thiết là phải “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng” như cách chính quyền thực hiện. Mục tiêu giảm số ca tử vong có thể được thực hiện thông qua việc giảm số ca cần hỗ trợ và từ đó là số ca phải nhập viện.

Với mỗi một nhân tố, các mối quan hệ nhân quả tiếp theo sẽ được xác định. Ví dụ như để giảm số ca cần hỗ trợ, những yêu cầu tiên quyết là đảm bảo ăn uống đủ chất, thuốc men đầy đủ, duy trì hoạt động thể chất và đảm bảo tinh thần vững vàng (minh họa bên dưới).

Khi đó, các chính sách chống dịch sẽ được thiết kế sao cho các điều kiện này không những không bị ảnh hưởng mà còn phải được tăng cường (huy động lực lượng xã hội dân sự, tạo điều kiện cho các tổ chức từ thiện hoạt động, khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe).

Tuy nhiên, với việc áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt, rào đường khóa ngõ, buộc người dân “ai ở đâu ở yên đấy”, chính quyền lại khiến tình hình thêm trầm trọng.

Không đáp ứng được nhu cầu an sinh tối thiểu của người dân, [11] gây khó khăn cho hoạt động của các đội nhóm từ thiện, [12] tùy tiện cản trở việc lưu thông các mặt hàng thiết yếu, [13] xử phạt các hoạt động thể dục, [14] những biện pháp phong tỏa cực đoan của chính quyền tạo hệ quả ngược, đẩy số ca cần hỗ trợ tăng cao, từ đó khiến số ca nhập viện cũng tăng và số tử vong do dịch bệnh tăng theo.

Đó là chưa kể những vòng lặp nhân quả khác.

Nổi bật như việc xét nghiệm tràn lan, gây lãng phí lớn (thậm chí còn có dấu hiệu trục lợi) [15] thay vì dành số tiền đó vào công tác an sinh và các hoạt động cứu chữa, giúp khống chế mục tiêu giảm số tử vong. Hay như chính sách gom toàn bộ F0 lẫn F1 đi cách ly, hao tốn nguồn lực của xã hội vốn có thể được dành cho việc giúp đỡ các trường hợp thật sự cần thiết. Hoặc việc phong tỏa kiểu nhốt kín khiến các trường hợp cần hỗ trợ y tế không được đáp ứng kịp thời, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Hiệu ứng ngược của các biện pháp trừng phạt

Trong hoàn cảnh lý tưởng, việc xóa bỏ số ca F0 là con đường tốt nhất để giảm số ca tử vong vì dịch bệnh.

Trên thực tế, điều này gần như không thể, khi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có đầy đủ các dấu hiệu sẽ sống chung với con người, và từ đó buộc con người phải tìm cách sống chung với nó như cách nhân loại đã quen với các chủng virus corona khác. [16]

Tuy nhiên, khi vẫn chưa có thuốc điều trị hiệu quả và lượng vaccine vẫn chưa được phủ rộng, các chính sách để giảm số ca F0 là việc nên làm. Mục tiêu này có thể được thực hiện mà không cần phong tỏa kiểu cực đoan. Cách các nước chống dịch hàng đầu thế giới phong tỏa mà không gây hỗn loạn, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thể chất và tinh thần của người dân là những bài học mà Việt Nam đáng ra có thể áp dụng từ đầu. [17]

Bên cạnh đó, vẫn còn những biện pháp hữu hiệu khác để chống dịch.

Một con hẻm dựng hàng rào kẽm gai để chặn người ra vào tại TP. Thủ Đức. Ảnh: Hoàng An/ Tuổi Trẻ.

Cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn chỉ là qua tiếp xúc gần. Nếu có đeo khẩu trang và chú ý sát khuẩn, xác suất lây bệnh ngay cả khi tiếp xúc gần cũng là rất thấp.

Biện pháp giảm F0 hiệu quả nhất vì vậy vẫn là đeo khẩu trang và sát khuẩn.

So với việc phong tỏa, đây là yêu cầu hợp lý và dễ thực hiện hơn nhiều. Các biện pháp kiểm soát/ trừng phạt vi phạm cũng dễ nhận được sự ủng hộ của dư luận hơn nhiều.

Trong số các biện pháp kiểm soát hành vi của xã hội, trừng phạt luôn là yếu tố được cân nhắc cuối cùng.

Lý do đơn giản vì so với các biện pháp khuyến khích khác, nó không có bao nhiêu tác dụng trong việc thay đổi hành vi của con người. [18]

Nếu động lực lớn nhất để (không) thực hiện một hành vi là để tránh bị phạt, nhu cầu (không) thực hiện hành vi đó sẽ biến mất ngay khi biện pháp trừng phạt không còn. Đó là lý do nhiều người chỉ dừng đèn đỏ khi có công an, và vô tư vượt đèn khi không thấy bóng áo vàng nào.

Các biện pháp trừng phạt dẫn đến cơ chế phản ứng đối phó, hoặc đối đầu. Cơ chế này tạo ra sự căng thẳng thường xuyên, cản trở đến năng lực học hỏi và thay đổi hành vi trong lâu dài.

Và cuối cùng, chính sách trừng phạt thường không được áp dụng công bằng. Tình trạng này đặc biệt tồi tệ ở những thể chế độc tài, như cách chúng ta thấy chính quyền thẳng tay phạt các trường hợp người dân không tuân thủ quy định phòng chống dịch, còn lãnh đạo thì công khai vi phạm mà không bị ai xử phạt. [19]

Với các điểm hạn chế đó, yếu tố cơ bản để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả là nó phải nhận được sự ủng hộ của dư luận và tương xứng với tính chất của hành vi vi phạm.

***

Tình trạng chống dịch hỗn loạn của Việt Nam có một phần lớn nguyên nhân từ việc áp đặt tiêu chí cứng nhắc “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng”.

Khi chính quyền kiên quyết xử phạt các cán bộ địa phương chỉ vì để xuất hiện các ca F0, [20] [21] bất kể đó là vì lý do gì, [22] không khó hiểu khi quan chức địa phương buộc phải bảo vệ thân mình, áp đặt những biện pháp phong tỏa thời trung cổ, tìm mọi cách để địa phương không xuất hiện ca nhiễm bệnh.

Vô số nhân lực, thời gian và tiền bạc được dồn vào việc “dựng pháo đài”, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lực khi cần tập trung đảm bảo an sinh, chăm sóc y tế và cứu chữa người bệnh kịp thời.

Chính sách chống dịch cứng nhắc của chính quyền gây ra hậu quả trầm trọng hơn vấn đề mà nó được đặt ra để giải quyết.

Những hậu quả này, người dân phải lãnh đủ.


Kỳ 4: Làm thế nào để bớt tư duy kiểu đầu rắn đuôi chuột?


Chú thích

1.  Y Chan (2021, September 27). Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 1: Phát động diệt chuột, chuột càng sinh sôi. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/hieu-ung-ho-mang-ky-1-phat-dong-diet-chuot-chuot-cang-sinh-soi/

2.  Y Chan (2021, September 29). Hiệu ứng hổ mang – Kỳ 2: Thiếu tự do thông tin, rắn chuột mặc sức tàn phá. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/hieu-ung-ho-mang-ky-2-thieu-tu-do-thong-tin-ran-chuot-mac-suc-tan-pha/

3.  Ùn tắc hàng hóa: Do mỗi địa phương quy định một kiểu. (2021, July 25). Báo Sài Gòn Giải Phóng. https://www.sggp.org.vn/un-tac-hang-hoa-do-moi-dia-phuong-quy-dinh-mot-kieu-748970.html

4.  Phương N. T. Q. D. (2021, August 20). Siêu thị, nhà thuốc, ATM đông nghẹt người khi TPHCM yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó.” Báo điện tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/sieu-thi-nha-thuoc-atm-dong-nghet-nguoi-khi-tphcm-yeu-cau-ai-o-dau-o-yen-do-post1367834.tpo

5.  BBC News Tiếng Việt. (2021, August 16). Covid-19: Lần thứ hai tháo chạy khỏi TPHCM. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58227827

6.  Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị hoạt động trở lại: Cần nghiên cứu cẩn trọng. (2021). VOV.VN. https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-dong-loat-kien-nghi-hoat-dong-tro-lai-can-nghien-cuu-can-trong-892441.vov

7.  BBC News Tiếng Việt. (2021b, August 22). Covid-19: Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam lên tiếng. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58299446

8.  Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn thế giới, Bộ Y tế tập huấn điều trị. (2021). VOV.VN. https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/ty-le-tu-vong-do-covid-19-cao-hon-the-gioi-bo-y-te-tap-huan-dieu-tri-886434.vov

9.  Hải Yến ; Đồ họa: Nguyên Lâm. (2021, August 18). Vì sao F0 trong cộng đồng tại TP HCM tăng? https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/hoi-nong-dap-nhanh/vi-sao-f0-trong-cong-dong-tai-tp-hcm-tang-20210818114405643.htm

10.  BBC News Tiếng Việt. (2020, June 24). Bệnh nhân 91: hành trình 100 ngày trở về từ cửa tử. https://www.bbc.com/vietnamese/world-53160555

11.  Online T. T. (2021, September 17). Hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19: Còn sót và có so bì. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/ho-tro-nguoi-dan-kho-khan-do-dich-covid-19-con-sot-va-co-so-bi-20210917115300183.htm

12.  Nguyên, C. (2021, August 10). Thiện nguyện viên bị gây khó khi giúp dân trong mùa dịch. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/volunteerers-harassed-when-trying-to-help-people-in-pandemic-08092021104942.html

13.  Online T. T. (2021a, July 23). Đồ uống, sữa. . . bị “quay đầu xe” do không phải là hàng thiết yếu. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/do-uong-sua-bi-quay-dau-xe-do-khong-phai-la-hang-thiet-yeu-20210723065113894.htm

14. Dự P. (2021, September 23). Bốn người tập thể dục quanh Hồ Gươm bị phạt 8 triệu đồng. vnexpress.net. https://vnexpress.net/bon-nguoi-tap-the-duc-quanh-ho-guom-bi-phat-8-trieu-dong-4360540.html

15. Tuổi Trẻ Online (2021, September 28). Bộ kit test nhanh giá gốc chỉ 25.000-35.000 đồng, giá trong nước 80.000-200.000 vì sao?  TUOI TRE ONLINE. https://web.archive.org/web/20210928102242/https://tuoitre.vn/bo-kit-test-nhanh-gia-goc-chi-25-000-35-000-dong-gia-trong-nuoc-80-000-200-000-vi-sao-20210928081832185.htm

16.  Broadbent, L. (2020, April 15). Coronaviruses – a brief history. The Conversation. https://theconversation.com/coronaviruses-a-brief-history-135506

17. Yên Khắc Chính. (2021, August 20). Những nước chống dịch hàng đầu thế giới thực hiện phong tỏa như thế nào. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/nhung-nuoc-chong-dich-hang-dau-the-gioi-thuc-hien-phong-toa-nhu-the-nao/

18.  Street, F. (2020, June 6). The Power of Incentives: The Hidden Forces That Shape Behavior. Farnam Street. https://fs.blog/2017/10/bias-incentives-reinforcement/

19.  Chính, Y. K. (2021, September 16). Ý thức chống dịch: dân trí thấp hay quan trí lỏng? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/09/y-thuc-chong-dich-dan-tri-thap-hay-quan-tri-long/

20.  Tin - ảnh: Đức Ngọc. (2021, August 12). Bí thư, chủ tịch phường bị tạm đình chỉ công tác vì lơ là chống dịch Covid-19. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/thoi-su/bi-thu-chu-tich-phuong-bi-tam-dinh-chi-cong-tac-vi-lo-la-chong-dich-covid-19-20210812063940614.htm

21.  Tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ xã sau khi xuất hiện 3 F0 trong cộng đồng. (2021). VOV.VN. https://vov.vn/phap-luat/tam-dinh-chi-cong-tac-3-can-bo-xa-sau-khi-xuat-hien-3-f0-trong-cong-dong-887909.vov

22.  Ngọc Đ. (2021, July 29). Cho F1 đang cách ly về nhà thăm vợ đẻ, Chủ tịch UBND xã bị đình chỉ công tác. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/thoi-su/cho-f1-dang-cach-ly-ve-nha-tham-vo-de-chu-tich-ubnd-xa-bi-dinh-chi-cong-tac-20210729105634965.htm

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.