Những nghệ sĩ “biến mất”: Kỷ nguyên kiểm duyệt mới dưới tay Trung Quốc

Những ngôi sao vụt tắt.

Những nghệ sĩ “biến mất”: Kỷ nguyên kiểm duyệt mới dưới tay Trung Quốc

Trong vài tuần trở lại đây, giới trẻ Việt Nam thường xuyên hóng chuyện thanh trừng các ngôi sao của làng giải trí Trung Quốc. Mọi thứ bắt đầu từ việc Lưu Diệc Phàm (Kris Wu) bị cáo buộc hiếp dâm dẫn đến việc hình ảnh của anh này (từ phim ảnh, sản phẩm ca nhạc cho các đến các gameshow) đều bị loại bỏ. [1]

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (Cyberspace Administration of China) thể hiện quyết tâm lớn trong việc thanh lọc thế giới giải trí, kiểm soát sự “vô lối” của không gian mạng Trung Quốc, cũng như đánh giá lại văn hóa thần tượng của hàng trăm triệu thanh thiếu niên nước này.

Ví dụ, Trương Triết Hạn (Zhang Zhehan), một nam diễn viên trẻ tuổi bị cáo buộc là gây tổn thương và khơi gợi nỗi đau của người Trung Quốc vì đăng ảnh chụp đền thờ chiến tranh Yasukuni của Nhật Bản. [2] Dù lỗi của anh rất khác Lưu Diệc Phàm, phim ảnh và các chương trình giải trí, hình ảnh của Triết Hạn cũng bị loại khỏi mạng Internet Trung Quốc.

Thậm chí, nhiều ngôi sao có tiếng tăm và tiếng nói hơn trong làng giải trí như tên tuổi lừng danh Triệu Vy (Zhao Wei) và một trong những nữ diễn viên có thù lao cao nhất Trung Quốc – Trịnh Sảng (Zheng Shuang) – cũng lần lượt bị xóa hình ảnh ra khỏi đời sống của người Trung Quốc. [3][4]

Sẽ có người cho rằng đây là hình phạt dành cho những kẻ vi phạm pháp luật, nhưng bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng đã có các biện pháp chế tài tương ứng. Xử lý hành chính có thể bao gồm phạt tiền, xử lý hình sự có thể bao gồm hình phạt tù.

Việc xóa bỏ một người và toàn bộ sự nghiệp của họ ra khỏi hệ thống tri thức và thông tin của xã hội có nên được xem là một hình phạt đúng, hợp lý và cần thiết trong một xã hội hiện đại hay không?

***

Xóa bỏ hình ảnh của một người cùng mọi thông tin về người đó có lẽ đã là một chiêu bài quen thuộc trong các cuộc thanh trừng chính trị ở các quốc gia độc tài. [5]

Bắc Hàn là một ví dụ. Vị lãnh đạo tối cao của nước này, Kim Jong-un, đã tẩy sạch hình ảnh của người chú Jang Song-thaek sau khi xử tử ông này. Cuộc thanh trừng Jang Song-thaek được ghi nhận là chiến dịch xóa sổ thông tin công cộng dài hơi và tốn thời gian nhất mà Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) và tờ Lao Động Tân văn (Rodong Sinmun) từng thực hiện. [6]

Và nói về thanh tẩy ký ức và hình ảnh thì khó ai có thể qua mặt Stalin.

Cuộc Đại Thanh trừng (the Great Purge) ở Liên Xô vào thời kỳ 1936 – 1938 đẩy hàng triệu đảng viên cộng sản gạo cội không thuộc phe phái của Stalin vào trường bắn hoặc các trại lao động cưỡng bức (gulag), hay đơn giản là biến mất hoàn toàn. [7]

Trong cuộc thanh trừng đẫm máu đó, hình ảnh người bị biến mất có thể là Nikolai Yezhov, một quan chức an ninh cao cấp thân cận với Stalin thời còn nồng thắm, hoặc cũng có thể là nhà cách mạng lừng danh Leon Trotsky – người từng vào sinh ra tử bên cạnh Lenin. [8]

Yezhov “biến mất”. Ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images & AFP/GettyImages.
Yezhov “biến mất”. Ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images & AFP/GettyImages.

Có một điểm chung là, các chính thể độc tài toàn trị rất ưa thích xóa bỏ hình ảnh của một con người hoàn toàn khỏi lịch sử và ký ức tập thể.

Lý do của việc loại bỏ và kiểm duyệt này là gì? Rất nhiều.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn Mao Trạch Đông, bất kỳ ai chụp ảnh chung với ông ta mà bị xem là gây phiền nhiễu cho hình tượng của ông, hay bị xem là không quan trọng… đều có thể bị loại bỏ. Kiểm duyệt hay không đôi khi lại tùy vào sở thích và mắt thẩm mỹ của gã độc tài.

Song trong hầu hết các trường hợp khác, việc kiểm duyệt thông tin, hình ảnh nói chung có nhiều mục tiêu chính sách cụ thể.

Đôi khi, các lãnh tụ và truyền nhân của họ không muốn bị gắn liền với một sự kiện hay một nhân vật nào đó.

Câu chuyện Lào và Việt Nam đồng thanh tương ý loại bỏ hình ảnh của Pol Pot (thủ lĩnh Khmer Đỏ) khỏi lịch sử chính thống của hai nhà nước, chủ yếu vì không muốn quần chúng hai nước biết rằng Việt Nam và Lào đã từng thân thiết với một trong những ông trùm diệt chủng tàn ác nhất trong lịch sử loài người ra sao. [9]

Bức ảnh giữa Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane thường được sử dụng sau khi đã cắt bỏ Pol Pot (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Chưa rõ nguồn/VietNamNet.
Bức ảnh giữa Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane thường được sử dụng sau khi đã cắt bỏ Pol Pot (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Chưa rõ nguồn/VietNamNet.
Bức ảnh giữa Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane thường được sử dụng sau khi đã cắt bỏ Pol Pot (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Chưa rõ nguồn/VietNamNet.
Bức ảnh giữa Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane thường được sử dụng sau khi đã cắt bỏ Pol Pot (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Chưa rõ nguồn/VietNamNet.

Hay trong trường hợp của Trotsky, chính quyền Stalin có lẽ mong muốn sử sách và trí nhớ tập thể của người dân Liên Xô hoàn toàn quên lãng một trong những đối thủ chính trị đáng gờm nhất của Stalin.

Nói thẳng ra thì những nỗ lực của họ đều thành công.

Cho đến ngày nay, sau hàng thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, không còn bao nhiêu người Nga còn nhớ ai là Leon Trotsky, ông ta đã đóng góp to lớn ra sao cho Cách mạng Tháng Mười Nga, hay có tranh chấp gì với Stalin. [10]

Tương tự như vậy, cũng chẳng bao nhiêu người Việt Nam có thể giải thích mối liên hệ mật thiết giữa Việt Nam và Khmer Đỏ, hay chữ “Đỏ” trong Khmer Đỏ tượng trưng cho điều gì.

Không chỉ đơn thuần là kiểm duyệt tri thức hay thông tin, các kỹ thuật khống chế thông tin toàn trị từ lâu đã có khả năng xóa bỏ danh tính, lịch sử, tính cách và sự thật về một con người như thể họ chưa hề tồn tại.

Trong tác phẩm “Between Past and Future” của nữ triết gia lừng danh Hannah Arendt, bà từng viết: [11]

“Cơ hội sống sót của sự thật trước những cuộc tàn sát của bạo quyền là quá mỏng manh; sự thật luôn có thể bị đá ra khỏi thế giới này không chỉ ở hiện tại, mà còn là mãi mãi. Sự thật bao giờ cũng yếu thế khi so nó với những tiên đề, những phát minh, những học thuyết, và thậm chí yếu thế so với cả những suy đoán ngông cuồng nhất mà con người tự tạo ra.

Một khi đánh mất sự thật, không cuộc thảo luận lý tính nào có thể mang nó trở về.”

***

Những điều mà chính phủ Trung Quốc đang làm là không mới.

Chỉ mới cách đây vài năm thôi, Jack Ma, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc mất tích ngay trong đêm sau một “cái ho” của Tập Cận Bình. [12]

Đế chế kinh tế khổng lồ xứ đại lục như rắn mất đầu suốt hàng tháng trời, và hàng loạt các chương trình và dự án khổng lồ (như thương vụ IPO của công ty fintech Antgroup thuộc Alibaba trị giá đến hơn 30 tỷ Mỹ kim) bị đóng băng vô thời hạn.

Và như đã liệt kê ở trên, các nhà độc tài không xa lạ gì với trò chỉnh sửa và thao túng thông tin để loại trừ một người họ không ưa.

Vấn đề ở chỗ, sự lệ thuộc của đời sống con người vào mạng xã hội và các công cụ kết nối Internet đã tiến triển đến mức độ không ai có thể ngờ tới. Từ thông tin để học tập, để giải trí, để ghi nhớ và thậm chí là để xây dựng cảm xúc, tất cả đều đã được Internet hóa.

Mặt khác, sự can thiệp và năng lực can thiệp của chính phủ Trung Quốc lẫn nền kinh tế nước này đối với thế giới đã quá lớn. Không chỉ là một đối thủ chính trị, ngày nay, một ca sĩ, một diễn viên đã có thể biến mất hoàn toàn trên hệ thống thông tin hạ tầng này. Vậy thì họ còn có thể làm gì với một tù nhân lương tâm, một nhà hoạt động, một con người không thân thế hay một bản đồ biển Đông vô thưởng vô phạt với cộng đồng quốc tế vốn không mấy quan tâm?

Sự hùng mạnh của các công ty công nghệ Trung Quốc là không thể chối cãi, trong khi mối liên hệ mật thiết giữa họ với chính quyền Bắc Kinh đã được cảnh báo từ cách đây nhiều năm. [13] Sự hiện diện của họ tại thị trường thế giới lẫn thị trường Việt Nam (gồm trò chơi điện tử, sàn giao dịch điện tử, công cụ tìm kiếm, hệ thống hạ tầng 5G…) đã là điều mắt thấy tai nghe.

Tất cả những chuyện đó nên khiến chúng ta lo sợ hơn là hí hửng vui mừng đi hóng drama của thiên hạ.


Chú thích:

1.  Davis, R. (2021, August 16). Kris Wu Formally Arrested for Rape Charges and His Shows Deleted Online. Variety. https://variety.com/2021/film/news/kris-wu-arrested-rape-1235042453

2.  Stewart, M. (2021, August 16). Zhang Zhehan accused of ‘unpatriotic behaviour’ in latest China celeb scandal. CNA Luxury. https://cnaluxury.channelnewsasia.com/people/chinese-actor-zhang-zhehan-controversy-189001

3.  Rahman, A. (2021, August 29). Chinese Actress Zhao Wei Denies Fleeing to France in Now-Deleted Instagram Post. The Hollywood Reporter. https://www.hollywoodreporter.com/news/general-news/zhao-wei-france-1235004948

4.  $46 million fine on actress Zheng Shuang’s tax fraud in line with common prosperity goal as China tightens regulation on tainted celebrities. (2021, August 27). Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202108/1232658.shtml

5.  6 people who were literally erased from history. (2018b, May 2). Business Insider. https://www.businessinsider.com/people-who-were-erased-from-history-2013-12

6.  Branigan, T. (2017, September 5). North Korea erases online archives. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2013/dec/16/north-korea-erases-kim-jongun-uncle-archives

7.  Blakemore, E. (2020, April 8). How Photos Became a Weapon in Stalin’s Great Purge. HISTORY. https://www.history.com/news/josef-stalin-great-purge-photo-retouching

8.  6 people who were literally erased from history. (2018, May 2). Business Insider. https://www.businessinsider.com/people-who-were-erased-from-history-2013-12?international=true&r=US&IR=T#leon-trotsky-russian-revolutionary-3

9.  Ho Chi Minh era – most brilliant era in Vietnam’s history. (2021, May 19). VietNamNet. https://vietnamnet.vn/en/politics/ho-chi-minh-era-most-brilliant-era-in-vietnam-s-history-738070.html

10.  Yaffa, J., Schmidle, N., Kempa, S., Anderson, J. L., Bourgeois, B., Pearce, S., Lizza, R., Lipman, M., Schmidle, N., & Kempa, S. (2017, November 7). Putin’s Russia Wrestles with the Meaning of Trotsky and Revolution. The New Yorker. https://www.newyorker.com/sections/news/putins-russia-wrestles-with-the-meaning-of-trotsky-and-revolution

11.  Yildirim, K. (2020). Hannah Arendt: Between Past and Future. LAP LAMBERT Academic Publishing.

12.  Peach, B. S. (2021, March 20). Why did Alibaba’s Jack Ma disappear for three months? BBC News. https://www.bbc.com/news/technology-56448688

13.  Trung, N. Q. T. (2018, September 18). Nhung lụa phía bên kia bức tường. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2018/09/nhung-lua-phia-ben-kia-buc-tuong

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.