Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Một ngày đầu tháng Chín, tôi nhận được tin nhắn từ Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai với nội dung yêu cầu “người dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương đăng ký tiêm vaccine COVID-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử” (SSKĐT). Tối cùng ngày, ông tổ trưởng tổ dân phố gọi điện đến nhà tôi, thông báo rằng khu vực mà chúng tôi đang sống thuộc vùng đỏ nên được ưu tiên tiêm trước từ 7h sáng ngày hôm sau.
Nhận thông báo sát giờ làm chúng tôi có chút bất ngờ, nhưng tôi và gia đình cố gắng sắp xếp thời gian để có mặt đúng theo giờ mà tổ trưởng sắp xếp. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi vào 7h30 sáng, địa điểm tổ chức tiêm chủng đã tràn ngập người.
Quang cảnh lúc đó thật hỗn độn khi người đi tiêm cố gắng chen lấn để được vào trong, nhiều người tìm cách trèo qua hàng rào. Nhiều người trong đó ở vùng lân cận, nghe tin ấp chỗ tôi tổ chức tiêm chủng thì kéo sang. Có công ty trong khu công nghiệp quanh vùng còn kéo cả đoàn xe chở công nhân và lãnh đạo công ty đến để “tiêm ké”, khiến cho địa điểm tiêm chủng của ấp vốn chỉ có sức chứa tương đương với một trường mầm non nhanh chóng trở nên quá tải.
Công an và lực lượng an ninh địa phương được tăng cường để đảm bảo trật tự, nhưng họ tỏ ra lúng túng và bất lực.
Tôi và người nhà phải đợi ở ngoài dù đã đến giờ hẹn. Chúng tôi phải cố gắng giải thích rằng mình là người sống trong vùng đỏ thì mới vào được đến bàn đăng ký. Ngồi chờ trên những hàng ghế được xếp cách xa nhau một chút, chúng tôi được phát cho một tờ rơi thuyết minh về ứng dụng SSKĐT. Ngoài ra, cán bộ không giải thích gì thêm.
Nhiều người cũng như gia đình tôi, từ khi nhận được thông báo cho đến lúc đi tiêm chủng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 12 tiếng. Họ lo lắng hỏi cơ quan chức năng về việc sẽ được tiêm loại vaccine nào, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu hoặc câu trả lời mập mờ: “cứ vô tiêm rồi biết”.
Sau khi qua đủ các loại thủ tục thì cuối cùng cũng đến bước tiêm chủng. Lúc này, trong phòng tiêm vaccine, tôi và những người đi cùng đặt câu hỏi về loại vaccine mà mình sắp được tiêm thì được nhân viên y tế thông báo là chỉ có một loại duy nhất, là Vero Cell - vaccine ngừa COVID-19 của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm).
Cách làm không minh bạch này đã giúp chính quyền tránh được những tranh cãi và phản đối về vaccine Trung Quốc, còn người dân như chúng tôi bị đặt vào “sự đã rồi”: chỉ có thể lựa chọn tiêm Vero Cell hoặc không tiêm. Mà nếu không tiêm vaccine, tức là không được đi làm, không được di chuyển, và phải ở trong nhà cho đến khi hết dịch. Mà hết dịch thì chẳng biết đến chừng nào.
Vào thời điểm tiêm chủng, người dân địa phương chúng tôi đã phải chịu đựng ba tháng ở yên trong nhà và gặp hàng loạt vấn đề về chi phí sống, vật giá tăng cao, sức khỏe tinh thần sa sút, nạn trộm cắp trong xóm thì gia tăng. Rõ ràng chúng tôi không có quyền lựa chọn.
Sau nửa ngày vật vã, rốt cuộc gia đình tôi cũng được tiêm vaccine. Do số lượng người tiêm quá đông, các nhân viên y tế không dặn dò gì về chăm sóc sau tiêm, hay phải làm gì nếu gặp biến chứng.
Sau ngày tiêm vaccine hỗn loạn đó, số ca dương tính ở khu tôi bỗng tăng lên. Chẳng ai loại trừ được khả năng người dân chỉ vì muốn tiêm vaccine mà rước họa.
Bài viết mô tả trải nghiệm cá nhân của tác giả, một người dân tại tỉnh Đồng Nai.