Án lệ COVID-19: Sinh viên Mỹ kiện trường đại học vì bắt buộc tiêm chủng

Vì sao tòa bác đơn kiện của họ?

Án lệ COVID-19: Sinh viên Mỹ kiện trường đại học vì bắt buộc tiêm chủng
Đồ họa: Luật Khoa/Canva. Ảnh: BuzzFeed.

Lời tòa soạn: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục là nỗi ám ảnh của người dân khắp thế giới, các hệ thống pháp luật theo mô hình dân luật (civil law) cho thấy nhiều hạn chế. Với đặc thù ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông qua cơ quan đại diện dân cử và cần thời gian chuẩn bị dài hơi, các hệ thống dân luật đang thiếu những va chạm cần thiết với thực tế, tính cho đến nay.

Việc tham khảo án lệ liên quan đến COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu thêm các tranh chấp pháp lý phổ biến trong đại dịch và cách vận dụng các nguyên tắc pháp luật để cân nhắc giải quyết chúng trong tương lai.

Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài "Án lệ COVID-19 và những thảo luận pháp luật đáng chú ý”. Trong bài đầu tiên, chúng ta sẽ bàn về vấn đề tiêm chủng bắt buộc.


Cách đây không lâu, Luật Khoa đã có một bài viết khá chi tiết về quy định bắt buộc tiêm chủng và nền tảng pháp lý của nó qua các án lệ Âu - Mỹ. [1] Hiện nay, với phong trào chống vaccine ngày càng mạnh mẽ trên thế giới (kể cả ở Việt Nam), liệu các cuộc xung đột mới có tạo nên thêm những thảo luận pháp lý đáng kể?

Hệ thống tòa cấp cao của Liên bang Hoa Kỳ đã có những án lệ đầu tiên xoay quanh việc có thể bắt buộc người dân tiêm chủng hay không. Vụ Ryan Klaassen et al., v. Trustees of Indiana University của Tòa Liên bang Khu vực Bảy (United States Court of Appeals for the Seventh Circuit) là một trong số đó.

Trong vụ việc này, một nhóm sinh viên khởi kiện trường Đại học Indiana vì cho rằng việc yêu cầu sinh viên tiêm vaccine trước khi tựu trường là vi phạm Điều 14 Hiến pháp Hoa Kỳ về chuẩn mực tố tụng, hay chuẩn mực thủ tục (due process). Trong quyết định được công bố mới đây (ngày 2/8/2021), Tòa Khu vực Bảy đã bác đơn kiện. [2]

Các thẩm phán xem xét vụ việc cho rằng tranh chấp giữa tám sinh viên và trường Đại học Indiana dễ phân xử hơn so với án lệ Jacobson v. Massachusetts (1905), trong đó Tối cao Pháp viện chấp thuận quyết định bắt buộc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa của chính quyền bang Massachusetts.

Lý do là trong vụ Jacobson, yêu cầu bắt buộc tiêm chủng của chính quyền bang Massachusetts không có ngoại lệ cho người trưởng thành, còn chính sách của trường Indiana không chỉ cho phép các cá nhân không tiêm chủng vì lý do sức khỏe, mà còn chấp nhận lý do tôn giáo.

Quy định tiêm chủng bắt buộc của Đại học Indiana gây tranh cãi, nhưng tòa án Hoa Kỳ đứng về phía họ. Ảnh: Lee Klafczynski for The New York Times.

Các thẩm phán ghi nhận rằng, với những trường hợp này, trường Indiana có bắt buộc họ phải mang khẩu trang trong khuôn viên trường và tham gia vào các buổi xét nghiệm bắt buộc mỗi hai tuần. Tòa cho rằng những quy định này không hề có bất kỳ trở ngại hiến pháp nào (not constitutionally problematic).

Các thẩm phán của Tòa Khu vực Bảy cũng nói thêm, trong vụ Jacobson, tranh cãi tiếp diễn là do quy định bắt buộc của tiểu bang được áp dụng với tất cả người trưởng thành với thẩm quyền vũ lực. Còn đối với Đại học Indiana, họ chỉ đặt ra quy định cho những ai muốn tham gia học tập tại trường đại học này mà thôi. Theo các thẩm phán, hiện tại, Hoa Kỳ vẫn có rất nhiều trường đại học không đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc, và nguyên đơn còn rất nhiều cơ hội học tập khác.

Một lập luận pháp lý khá “chợ búa” nhưng thú vị của Tòa là liên hệ giữa quyền bất khả xâm phạm thân thể (bodily integrity) và quyền tài sản. Các thẩm phán nhận định, nếu sinh viên đã phải từ bỏ quyền tài sản của mình để được theo học tại một trường đại học (ý nói học phí), việc nhà trường đưa ra một số can thiệp nhất định đến quyền bất khả xâm phạm thân thể cũng chỉ là một điều kiện khác cho việc tham gia học tập mà thôi. Người viết không đánh giá cao luận điểm này, nhưng nó rất đáng lưu ý.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã từ chối thụ lý kháng cáo của nguyên đơn vào cuối tháng 8/2021, đồng nghĩa với việc củng cố và mở rộng thẩm quyền và các lý luận bảo vệ án lệ Jacobson từ một thế kỷ trước. [3]

Những lý luận của Tòa Khu vực Bảy cũng rất đáng tham khảo khi chúng ta chuẩn bị mở lại các hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, thay vì đưa ra quy định cứng nhắc bắt buộc tiêm chủng, chính quyền có thể tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức lựa chọn theo tình hình sức khỏe hay niềm tin tôn giáo của họ, đồng thời áp dụng các yêu cầu y tế bắt buộc khác.


Chú thích

1.  Võ Văn Quản (2021, August 13). Có thể bắt buộc người dân tiêm vaccine không? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/08/co-the-bat-buoc-nguoi-dan-tiem-vaccine-khong/

2.  Ryan Klaassen et al., v. Trustees of Indiana University, In the United States Court of Appeals For the Seventh Circuit https://media.ca7.uscourts.gov/cgi-bin/rssExec.pl?Submit=Display&Path=Y2021/D08-02/C:21-2326:J:Easterbrook:aut:T:op:N:2741753:S:0

3.  Liptak, A. (2021, August 13). Supreme Court Won’t Block Indiana University’s Vaccine Mandate. The New York Times. https://www.nytimes.com/2021/08/12/us/supreme-court-indiana-university-covid-vaccine-mandate.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.