Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam giữa COVID-19: Nhớ dịch tả 1964 tại miền Nam

Sau tất cả, Hoa Kỳ lại tiếp tục viện trợ vaccine cho Việt Nam.

Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam giữa COVID-19: Nhớ dịch tả 1964 tại miền Nam
Ảnh trái: Một bác sĩ thuộc Hải quân Mỹ chăm sóc một người mắc bệnh tả tại miền Nam Việt Nam năm 1964. Ảnh phải: Việt Nam tiếp nhận một đợt vaccine Mỹ viện trợ qua cơ chế COVAX vào tháng 7/2021. Nguồn: Harry Redl/ SEPS; Trương Việt Hùng/ UNICEF Việt Nam.

Hoa Kỳ đang được khen ngợi là một người bạn tốt của Việt Nam khi viện trợ hàng triệu liều vaccine và cả tiền mặt cho chính quyền Hà Nội trong đại dịch (gần nhất là 2 triệu liều vaccine Pfizer cập cảng vào đầu tháng Mười). [1]

Cách đây gần 60 năm, chính quyền Hoa Kỳ cũng là một trong những người bạn đáng tin cậy nhất của chính quyền Sài Gòn khi miền Nam phải đối mặt với đợt dịch tả (cholera) nghiêm trọng, ngay trong giai đoạn xung đột vũ trang leo thang giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).

***

Ngày 21/1/1964, tờ báo lớn New York Times khởi đăng tin về dịch tả bắt đầu lan rộng tại Sài Gòn. [2] Theo cảnh báo được đưa ra, chủng dịch tả được phát hiện tại thủ đô Sài Gòn có thể giết chết một người khỏe mạnh chỉ trong 24 giờ.

Nghiêm trọng hơn, một bộ phận không nhỏ các ca mắc bệnh xảy ra tại các khu vực sâu trong vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long do lực lượng Việt Cộng kiểm soát. Tính đến thời điểm đó, đã có 67 người chết vì bệnh tả.

Sau đó hai ngày, tờ báo này có báo cáo chi tiết hơn, ghi nhận 12 tỉnh thành miền Nam Việt Nam đều đã xuất hiện dịch. [3] Số lượng người tử vong vì dịch lên tới hơn 300.

Ngày 26/1/1964, tờ Washington Post có bài viết khác, chú trọng khía cạnh Hoa Kỳ hơn. [4] Họ ghi nhận tả là một bệnh nguy hiểm, nhưng dường như chỉ xuất hiện trong sách giáo khoa tại Hoa Kỳ. Binh lính Mỹ trước khi được đưa đến Việt Nam đã phải tiêm ngừa bệnh tả, vốn dễ xuất hiện tại các quốc gia Đông Á (như Trung Quốc hay Nhật Bản). Trong giai đoạn dịch bùng phát tại miền Nam Việt Nam, quân nhân Mỹ phải tiêm mũi tăng cường mỗi ba tháng. Bài viết cũng chỉ ra phương pháp chữa tả rất đơn giản là truyền nước biển liên tục, nhưng việc này mất thời gian và cần có đủ dụng cụ.

Bài báo của New York Times ngày 23/1/1964 về dịch tả tại miền Nam Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Đến thời điểm 1964, báo chí Hoa Kỳ cho biết đã có sáu chuyên gia truyền nhiễm chuyên về dịch tả của Mỹ đến Việt Nam từ Đài Loan. Hoa Kỳ cũng chuẩn bị hơn năm triệu liều vaccine và nhiều thiết bị phòng chống dịch cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, việc phân phát thuốc, tiêm chủng, và tiến hành điều trị gặp nhiều khó khăn vì lý do chiến tranh.

New York Times kể về việc một đơn vị thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa (đóng tại Bạc Liêu) phải dẫn đường và bảo vệ đội ngũ y tế cùng 2.000 liều vaccine và một lượng tương đối các huyết thanh tĩnh mạch để điều trị (intravenous serum).

Nhóm điều trị phải cố gắng tiêm vaccine và chữa cho mọi người dân đến đăng ký, bỏ qua việc điều tra họ có phải Việt Cộng hay không.

Tờ Globe and Mail cho thấy các nỗ lực đáng kể của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong dịch bệnh dù xung đột vẫn còn diễn ra. [5] Trong tuần đầu tiên sau khi phát hiện dịch, Sài Gòn đã tiêm chủng cho khoảng 750.000 người. Globe and Mail ghi nhận và mô tả cảnh tượng người dân xếp hàng dài tiêm vaccine trước trụ sở các tòa thị chính địa phương.

Đến ngày 15/4/1964, Globe and Mail báo cáo có 9.596 ca nhiễm và 572 trường hợp không qua khỏi. [6] Tuy nhiên, phóng viên cũng cảnh báo số liệu có thể không hoàn toàn chính xác vì nhiều vùng có dịch do Việt Cộng kiểm soát.

***

Quay trở lại thời điểm hiện tại, đối mặt với một trong những dịch bệnh kinh khủng với khả năng lây lan nhanh nhất trong lịch sử, Việt Nam đã có gần một triệu người nhiễm COVID-19 với hơn 20.000 ca tử vong. [7]

Đã gần 70 năm trôi qua kể từ khi mâu thuẫn ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu, trong đó có 10 năm xung đột căng thẳng (1963-1973). Điều thú vị nhất là khi dịch bệnh bùng phát, Hoa Kỳ tiếp tục là người hỗ trợ lớn nhất cho chính quyền Việt Nam.

Cho đến nay, Mỹ đã chuyển đến Việt Nam 9,5 triệu liều vaccine, và con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên. Trong nỗ lực cầm cự chống dịch tại Việt Nam, số lượng vaccine của Hoa Kỳ một lần nữa lại đóng vai trò then chốt.


Chú thích

1. Việt Nam nhận thêm 1.999.530 liều vắc xin Pfizer do Hoa Kỳ trao tặng thông qua cơ chế COVAX (13 Oct 2021). Vn.usembassy.gov https://vn.usembassy.gov/vi/viet-nam-nhan-them-1-999-530-lieu-vac-xin-pfizer-do-hoa-ky-trao-tang-thong-qua-co-che-covax/

2.  Cholera Epidemic Widens; Toll at 67 in South Vietnam; New York, N.Y. [New York, N.Y]. 21 Jan 1964: 12.

3.  Cholera Is Spreading in South Vietnam; New York, N.Y. [New York, N.Y]. 23 Jan 1964: 11.  https://www.nytimes.com/1964/01/23/archives/cholera-is-spreading-in-south-vietnam.html

4.  Nate Haseltine, S. R. (1964, Jan 26). A dirty disease: U.S. seems safe from dread cholera science. The Washington Post, Times Herald (1959-1973)

5.  Cholera Sweeps Vietnam Areas; Death Toll High; Toronto, Ont. [Toronto, Ont]. 21 Jan 1964: 1.

6.  Cholera Kills 572 The Globe and Mail (1936-); Toronto, Ont. [Toronto, Ont]. 15 Apr 1964: 46 và 6,000 Vietnam Cholera Cases New York Times (1923-); New York, N.Y. [New York, N.Y]. 26 Feb 1964: 4.

7.  Vietnam COVID: 846,237 Cases and 20,763 Deaths - Worldometer. (2021). Worldometer. https://www.worldometers.info/coronavirus/country/viet-nam/

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.